Trong vòng khoảng bốn năm trở lại đây mình có duyên và tìm hiểu nhiều về tâm linh và Phật pháp, ban đầu là thông qua sách vở, tài liệu, các bài pháp thoại của các thầy ở trên mạng... sau đấy là đi nghe giảng pháp trực tiếp của nhiều thầy với nhiều pháp môn tu tập khác nhau, nguyên thủy, đại thừa, mật tông... đủ cả. Bản thân mình cũng đã thực hành qua rất nhiều phương pháp chuyển hóa thân tâm, từ việc ngồi thiền đến trì chú, tụng kinh, nhịn ăn, khai mở luân xa nọ kia... Mình không phủ nhận những phương pháp đó, bởi mình biết có thể nó thực sự có ích nếu được thực hành dưới một sự chỉ dẫn đúng đắn. Việc tự mò mẫm thực hành sẽ rất dễ dẫn đến đi sai, nếu không muốn nói là nguy hiểm cho chính bản thân người thực hành. Lấy chính mình ra làm ví dụ đi, hồi mình lao đầu vào thực hành những thứ đó và tự huyễn hoặc về việc mình đã đạt tới một cảnh giới nào đó mà có thể chỉ cần sống bằng không khí, thì những người xung quanh mình luôn cảm thấy lo lắng không biết lúc nào thì mình sẽ chết, nhưng lại không thể giao tiếp được với mình. Lúc ấy mình đã nghĩ mình chẳng còn đường lui nữa.
Nhưng rồi nhờ chuyến đi tình nguyện kia mà mình đã hiểu ra tất cả và đã kết thúc nó. Chứng kiến hết thảy sự hỗn độn của tăng đoàn, sự lạnh nhạt hay chì chiết của tình yêu nhân danh, sự cố chấp của những người thực hành buông bỏ, và... sự đau khổ tột cùng của chính bản thân, mình đã quyết định rời đi không một mảy may suy nghĩ. Mình buông bỏ tăng đoàn :D.
Mình thích tìm hiểu phật giáo ở khía cạnh triết lý của nó hơn là đi vào thực hành những nghi thức tôn giáo trong một tăng đoàn cụ thể.
Những năm tháng cố gắng để buông bỏ khiến mình nhận ra rằngbuông bỏ thật sự nghĩa là mình không cần phải cố gắng buông bỏ một cái gì hết. Hãy buông chính cái chữ "buông" trên tay mình kìa, nên đừng nói đến buông bỏ khi mình chưa có cái gì để mà buông. Cái mình cần buông không phải là cái đó, mà là chấp niệm vào cái đó cơ.
Khi mình nghĩ là mình có thể từ bỏ gia đình để sống một cuộc đời tâm linh cao khiết không phụ thuộc, dính mắc vào ai, thì mình lại luôn phải hoặc là nỗ lực đấu tranh hoặc là tránh né và mình rất mệt mỏi vì chuyện đó. Trong khi mình hoàn toàn có thể đón nhận sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc như một người bình thường và trao đi sự hài lòng, biết ơn. Và vì mình trân trọng, mình sẽ không phải ăn năn khi họ rời đi.
Khi mình nghĩ là mình có thể từ bỏ mọi sở thích, mọi ước mơ, mọi công việc đang có để dành thời gian cho việc thực hành những nghi thức, thì mình luôn sống trong những cơn lo lắng thường trực. Khi nhìn lại, mình đã thấy cuộc đời đã bỏ mình đi xa rồi. Trong khi bạn bè, người thân của mình mỗi ngày đều nỗ lực cho một cuộc sống tốt hơn bằng việc chăm chỉ học tập và làm việc.
Mình nhận ra rằng khi buông bỏ thật sự, người ta có thể gánh cả thế giới ở trên vai mà vẫn bước đi thong dong được nữa. Và bước đầu tiên để đi đến sự buông bỏ đó, có lẽ chính là lòng biết ơn.
Nguyenphuhoang Nam
"Buông bỏ thật sự" mình nghĩ là một cụm từ, một ý tưởng, một khẩu hiệu, một câu quảng cáo, một thông điệp v.v. như kiểu "tốt cho sức khỏe", "100% đến từ thiên nhiên", "chất lượng cao", "đặc biệt" :))
Lê Minh Hưng
Chúc mừng bạn nhé. Gia nhập bất kỳ tổ chức nào cũng đều phức tạp. Dù đó là tăng đoàn.
Về sự buông bỏ, theo mình khó và gốc rễ nhất là buông bỏ cái tôi.
Rukahn
Buông bỏ luôn là một sự khó, đó là lý do thời Thượng cổ mới có Thánh Nhân :v