Bùi Thị Xuân - Một khí phách lớn thời đại Tây Sơn
Trong giờ phút sinh tử, nơi pháp trường, Bùi Thị Xuân vẫn thét lớn bảo con gái mình không được khiếp nhược. Nơi pháp trường, Bùi Thị Xuân vẫn thản nhiên bước đi khiến cả voi phải lùi lại. Nơi pháp trường, Bùi Thị xuân đã ra đi một cách hiên ngang, đầy khí phách như chính bà nơi trận mạc. Người phụ nữ ấy một lòng vì nhà Tây Sơn, vì nghĩa lớn, một khí phách về sự hiên ngang oai hùng của phụ nữ Việt.
Bùi Thị Xuân là người thôn Phú Xuân, xã Bình Phú, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định, một vùng đát nổi danh về võ nghệ, một vùng đát mà nữ giới chẳng kém các đấng nam nhi:
“Ai về Bình Định mà coi
Coi gái Bình Định cầm roi đi quyền”.
Lớn lên ở một vùng đất có truyền thống võ nghệ, không khó để lí giải vì sao bà lại sớm bộc lộ tài năng võ thuật của mình, bà có cả tài luyện voi. Mười lăm tuổi, bà đã nổi danh với tài nghệ của mình.
Tài năng của Bùi Thị Xuân đã được bà áp dụng đúng nơi và ngày càng phát huy hiệu quả khi bà gia nhập nghĩa quân Tây Sơn, đóng góp công sức của mình cho nghĩa quân ngay từ những ngày đầu dựng cờ. Tương truyền, tài nghệ của bà cũng là nguyên nhân đưa bà kết duyên với Trần Quang Diệu khi ông lâm vào cảnh nguy khốn. Cuộc gặp gỡ bất ngờ của đôi trai gái tài danh đã làm nên những câu chuyện đầy nghĩa vợ chồng thời Tây Sơn.
Với nhà Tây Sơn, Bùi Thị Xuân là một danh tướng hàng đầu, bà đã giữ nhiều trọng trách quan trọng như quản lí căn cứ Tây Sơn, được Nguyễn Nhạc phong làm đại tướng quân, được Nguyễn huệ phong làm đô đốc cùng nhà Tây Sơn làm nên những chiến công lừng lẫy. Trận Rạch Gầm - Xoài Mút năm 1785, trận đại phá quân Thanh xuân Kỷ Dậu năm 1789, vợ chồng Bùi Thị Xuân đã đóng góp những công sức không nhỏ, góp phần đưa triều Tây Sơn đến cực thịnh. Khí phách của người phụ nữ ấy không dừng lại ở việc cưỡi voi, cầm gươm ra chiến trận mà đó còn là tài tổ chức, tài huấn luyện. Những trang sử oai hùng nhà Tây Sơn được viết lên không chỉ bằng hình ảnh của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ, Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng,… mà rõ nét trong đó còn là hình ảnh của những người con gái cài trâm, xốc áo cùng đánh giạc, giữ nước, là hình ảnh của Tây Sơn ngũ phụng thư, của Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan, Nguyễn Thị Dung, Huỳnh Thị Cúc. Bằng khí phách của mình, những người phụ nữ ấy đã làm phong phú và đậm nét thêm những đức tính quý báu của phụ nữ Việt.
Bùi Thị Xuân còn được biết đến là người thương dân, không vì tình riêng, là một võ tướng nhưng đức độ của bà cũng là điều làm hậu thế phải ngưỡng mộ. Năm 1792, vua Quang Trung băng hà, triều Tây Sơn bắt đầu rơi vào hoàn cảnh đầy thách thức, Nguyễn Quang Toản lên ngôi, lấy hiệu là Cảnh Thịnh, Bùi Thị Xuân cùng các tướng lĩnh nhà Tây Sơn tiếp tục gắn bó với vương triều. Nhận thấy triều Tây Sơn ngày càng suy yếu, Nguyễn ánh đem quân đánh chiếm nhiều nơi. Từ quy Nhơn đến Phú Xuân rồi Nghệ An, người phụ nữ đất võ ấy luôn sát cánh cùng những nơi nguy khốn nhất. Những thời khắc huy hoàng nhất của nhà Tây Sơn có in dấu công lao của Bùi Thị Xuân và giờ đây, trong những giây phút khó khăn nhất, Bùi Thị Xuân cùng các tướng lĩnh vẫn quyết tâm chiến đấu, bảo vệ đến cùng những thành quả của vương triều Tây Sơn. Bà chiến đấu chẳng kể mệt nhọc, trong trận đánh vào lũy Trấn Ninh, Bùi Thị Xuân chiến đấu từ sáng đến chiều, máu và mồ hôi ướt đẫm áo giáp, bà còn tự tay thúc trống liên hồi. Chí khí của một nữ tướng là đây, khí phách cũng là đây, ý chí cũng là đây. Bùi Thị xuân thực sự đã làm nên những điều khiến cả những người đương thời và người đời sau phải nể phục.
Nhưng rồi, triều Tây Sơn cũng kết thúc, bà cùng chồng và các tướng lĩnh không thể đảm đương nỗi trọng trách bảo vệ vương triều khi mà khí thế của quân Nguyễn Ánh ngày càng mạnh, quân Tây Sơn ngày càng suy. Trước Nguyễn Ánh, bà vẫn hiên ngang nói về tài năng của vua Quang Trung, về khí thế của chính bà, về khí thế của một vương triều mà theo bà phải được hưng thịnh hơn thực tế. Bà bước ra pháp trường và làm cả voi cũng phải khiếp sợ. Theo tài liệu của giáo sĩ De La Bissachère thì sau khi voi tung bà lên trời, “nó không chà đạp phạm nhân như mọi bận mà bỏ chạy vòng quanh pháp trường, rống to lên những tiếng đầy sợ hãi khiến hàng vạn người xem hoảng hốt theo…”. Người phụ nữ ấy lẽ nào lại chịu thua loài vật mà mình đã nhiều lần thuần dưỡng, chỉ trong những giây phút cuối cùng ấy cũng đã làm oai dũng thêm cuộc đời lẫm liệt của bà.
Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần nhận định: “Trong khởi nghĩa Tây Sơn nói riêng và trong lịch sử quân sự Việt Nam nói chung, Bùi Thị xuân là một hiện tượng rất đặc biệt. Cùng với chồng và hàng vạn nghĩa sĩ Tây Sơn, bà đã đi suốt cả cuộc đời trường chinh ba chục năm trời, anh dũng chống trả thù trong giặc ngoài, một lòng một dạ vì sự nghiệp cứu dân cứu nước. Từ một phụ nữ bình thường, Bùi Thị Xuân đã trở thành một danh tướng được đời đời kính trọng”. Chứng kiến những giây phút huy hoàng nhất của vương triều Tây Sơn và cũng là người chứng kiến sự suy yếu của vương triều, hơn ai hết, bà thấu hiểu nỗi xót xa của một người võ tướng. Bùi Thị Xuân đã cống hiến và đóng góp những công lao to lớn, một người phụ nữ vì đại cuộc, vì đất nước, một người phụ nữ chẳng chịu khuất phục đến giây phút cuối cùng. Cuộc đời bà gần như thăng trầm theo nhà Tây Sơn và cũng chính cuộc đời lừng lẫy ấy đã để lại cho đời sau nhiều bài học và bà xứng đáng được ca ngợi:
“Khảng khái khi lâm nạn
Kiên trinh lúc khốn cùng
Ngàn thu gương nữ liệt
Gương sáng hãy soi chung”.
thiên nam nữ kiệt
,phụ nữ việt nam
,lịch sử
Bài sẽ cơ bản ổn nếu như bỏ đi cái đoạn tài liệu của giáo sĩ De La Bissachère, ông giáo sĩ này vẫn được xem như ông tổ của làng chế sử khi mà viết thì như thể là mình là người chứng kiến tận mắt kèo hành hình nhưng thật ra lại chỉ là nghe người hầu của hắn kể lại...
Rukahn
Bài sẽ cơ bản ổn nếu như bỏ đi cái đoạn tài liệu của giáo sĩ De La Bissachère, ông giáo sĩ này vẫn được xem như ông tổ của làng chế sử khi mà viết thì như thể là mình là người chứng kiến tận mắt kèo hành hình nhưng thật ra lại chỉ là nghe người hầu của hắn kể lại...