Bùi Giáng, thi sĩ kỳ dị - Kỳ 04: Cuộc đấu tranh bảo vệ nàng Kiều và tình yêu loài vật
Đến Sài Gòn được ít lâu, Bùi Giáng bắt tay vào việc viết sách. Nhưng những cuốn sách đầu tiên Bùi Giáng viết ra, vì chưa có “thương hiệu” nên dĩ nhiên chưa có nhà xuất bản nào chịu bỏ tiền ra in, do vậy ông phải tự lo.
Nhưng với một người vừa chân ướt chân ráo đi lập nghiệp như ông, làm sao có tiền để in sách. Vì vậy, ông phải xoay xở bằng nhiều cách. Một số người cho rằng Bùi Giáng đã nhờ người bà con đang làm ăn phát đạt lúc đó là bác sĩ Bùi Kiến Tín cho mượn tiền để in sách. Nhưng những người thân cận với Bùi Giáng cho biết ông đã về quê bán tất cả ruộng vườn được thừa hưởng ở Quảng Nam để lấy tiền in sách. Theo chúng tôi, chi tiết này là chính xác, vì nó đúng với bản chất con người Bùi Giáng.
Khởi đầu, Bùi Giáng tập trung vào việc nghiên cứu Truyện Kiều. Đây là tác phẩm đã gây ấn tượng mạnh mẽ với ông trong thời kỳ còn học trung học. Năm Bùi Giáng mười sáu tuổi, đọc những cuốn sách của Nguyễn Bách Khoa, ông đã cảm thấy bức xúc vì những lời Nguyễn Bách Khoa đả phá Truyện Kiều quá nặng nề.
Lúc đó, không khí tranh luận về Truyện Kiều khá sôi nổi. Bùi Giáng đã hăng hái bước vào cuộc. Cuốn Một vài nhận xét về Truyện Kiều và Truyện Phan Trần do Tân Việt xuất bản vào năm 1957 có những bài viết rất hay về Truyện Kiều. Cùng với một vài tác giả khác, ông chống lại những quan điểm cho rằng Truyện Kiều là một tác phẩm phản đạo đức, không mang tính nhân bản. Ông bênh vực quyết liệt cho nàng Kiều. Lúc này, tác giả Nguyễn Sĩ Tế vừa tái bản tập sách Luận đề về Nguyễn Du, trong đó phê phán nhân vật Kiều nhu nhược, lẩn thẩn, ham mê vật chất... Bùi Giáng bèn “ra tay nghĩa hiệp” bênh vực giai nhân. Ông đối thoại thẳng thắn với Nguyễn Sĩ Tế, cho rằng Nguyễn Sĩ Tế hẹp hòi trong cách nghĩ: “Sao ở mọi chốn khác ông Tế tỏ ra chu đáo là thế, mà riêng đây, ông nỡ cứ hẹp hòi. Mười năm trước ông Nguyễn Bách Khoa từng lớn tiếng: hoàn cảnh xã hội chi phối con người. Nhưng khi đem cái nguyên tắc ấy áp dụng trong việc phê phán nhân vật, bao lần ông đã không chịu xét cái cảnh ngộ nào đã trực tiếp chi phối tâm trạng con người nào”..., rằng: “Ông tàn nhẫn quá. Mà chúng tôi tự lượng sức mình không đủ để bênh vực cho giai nhân. Chúng tôi đành quay mặt đi, không dám thấy, và chỉ xin phép yếu ớt khẽ kêu lên một tiếng xuýt xoa một đôi bận mà thôi - những bận nào mũi dao của ông tỏ ra tàn bạo quá”. Với một giọng văn lúc thiết tha trầm lắng, lúc sôi nổi mạnh mẽ, Bùi Giáng góp phần làm cho người đọc cảm thương nàng Kiều hơn.
Những cuốn sách đầu tiên của Bùi Giáng có lẽ bán chạy nên các nhà xuất bản bắt đầu chú ý đến ông. Những cuốn sau, Bùi Giáng không cần phải bỏ tiền ra in nữa mà ông giao bản thảo cho các nhà xuất bản in để lấy tiền. Từ lúc đó trở đi, Bùi Giáng kiếm được kha khá nhờ những khoản nhuận bút. Vừa dạy học vừa viết sách, nếu khéo thu xếp như Nguyễn Hiến Lê, hẳn ông đã tạo dựng được cơ ngơi.
Thế nhưng Bùi Giáng hầu như không giữ lại cho riêng mình được cái gì. Một phần lớn khoản tiền nhuận bút ông đem tiêu pha rất lung tung, trong đó dành khá nhiều cho việc mua chó và khỉ về nuôi. Những người thần tượng hoá Bùi Giáng tỏ ra rất đắc ý với những việc làm khác người đó của ông.
Vào những năm về sau, khoảng gần cuối thập niên sáu mươi, ông in được nhiều sách, tiền nhuận bút cũng nhiều, ông càng tiêu tiền một cách kỳ cục hơn. Nhiều người kể có lúc thấy đàn chó của ông lên đến mấy chục con. Phạm Mạnh Hiên cho biết: “Hồi đó, sách của Bùi Giáng thường in ở nhà xuất bản An Tiêm, mỗi lần thầy Thanh Tuệ đưa tiền nhuận bút, tôi phải đi với anh Bùi Giáng. Lại lên đường ngao du nhờ cái bộ vó thư sinh hiền lành của tôi mà nhiều lần mấy cái khách sạn ở Chợ Lớn đã để cho chúng tôi cùng vào trú ngụ, bởi bên cạnh tôi có cái ông trung niên kỳ dị, ăn mặc cổ quái chẳng giống ai, lại dẫn theo cả đàn chó hay vài ba chú khỉ nhỏ”... “Ngày đó hễ có tiền là anh Giáng ra ngay khu chợ Bến Chương Dương mua cả bầy chó, cả bầy khỉ”. Cái thú đi giang hồ đã làm cho Bùi Giáng “nướng” hết những khoản nhuận bút vừa nhận. Có lần say ngất ngưởng, sáng tỉnh dậy, thấy mình đang nằm ở vỉa hè.
Một người quen khác của Bùi Giáng kể: “Hơn 25 năm trước, tôi thấy ông nuôi một đàn chó nhỏ, đi đâu cũng dẫn theo làm chúng sủa vang các hẻm đường, có lúc ông cho hết vào bao bố và vác trên vai làm chúng cũng muốn ngất ngư, ngộp thở, kêu hục hục trong bao. Có lần ông để quên đàn chó ở nhà bà Bé Ký cả tuần lễ làm bà Bé Ký phải nuôi ăn và chăm sóc rất mệt, hở tay ra là chúng sủa vang nhà không ai chịu nổi”. Khoảng năm 1974, một người em ruột của Bùi Giáng mua được ngôi nhà ở Thị Nghè và mời ông về ở. Ông đến, dắt theo cả đàn vừa chó vừa khỉ khiến hàng xóm hết sức kinh ngạc.
Trần Đình Thu
(còn nữa)
Nguồn :