"Bức xúc không làm ta vô can" - Đừng chỉ nhìn mọi việc qua vài dòng tin tức

  1. Sách

Trong xã hội truyền thông, tin tức bùng nổ mạnh như hiện nay, có lẽ không khó để chúng ta cập nhật cho bản thân vài sự kiện đang nổi bật chỉ trong 3 phút lướt điện thoại. Và mặc dù mỗi người cập nhật tin tức vì những mục đích khác nhau, nhưng có thể thấy phần lớn thì vẫn đang tiếp cận ở mức biết mà chưa thực sự tư duy hiểu, đặc biệt là nhóm người trẻ. Giữa hỗn độn những tin nóng được đưa lên hằng ngày trên mặt báo, có lẽ một "công cụ" giải mã hiện tượng sẽ là một điều cần thiết, như cuốn sách "Bức xúc không làm ta vô can"

IMG_3240

Một cuốn sách được viết từ vài năm trước về những sự kiện, vấn đề đã rất xa, nhưng những phân tích của tác giả trong cuốn sách thì có lẽ đến thời điểm này vẫn giúp chúng ta biết được góc nhìn sâu hơn bên trong một hiện tượng. "Bức xúc không làm ta vô can" của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang có thể coi là một cuốn sách của tư duy phản biện, thay vì nhìn nhận vấn đề ở một góc độ, hãy cố gắng đi sâu phân tích để giải mã ý nghĩa thật của một vấn đề xã hội.

Cuốn sách gồm 3 chương lớn: Chương 1 - Vẻ đẹp của người đứng một mình, nói về vấn đề con người, cá nhân và tác động đám đông xã hội. Chương 2 - Rồi tất cả sẽ trở thành Đồ Sơn, các vấn đề mang tính kinh tế, môi trường vĩ mô hơn của quốc gia. Chương 3 - Tôn thờ sách là mê tín dị đoan, các hiện tượng và trào lưu xã hội. Trong mỗi chương, tác giả có những bài viết ngắn dựa trên các vấn đề xã hội mà cho đến thời điểm này chúng ta vẫn còn thấy như: Chuyện ăn thịt chó, Tử tù sinh con, phẫu thuật thẩm mỹ, tính môi trường và kinh tế,....Cùng với đó là câu từ hài hước nhưng mang tính châm biếm khiến cuốn sách không chỉ đơn thuần là những dòng phân tích khô khan.

IMG_3242

Hãy ví dụ từ sách một câu chuyện mà vài năm gần đây vẫn nổi lên, và chúng ta vẫn luôn tự hào vui vẻ mỗi khi nhắc đến chính là quốc gia có tỉ phú đô la. Bên cạnh những tự hào, hãy nhìn sâu hơn rằng sự phân hóa giàu nghèo đã tăng lên rõ rệt. Mức độ tài sản của tầng lớp giàu và nghèo đang có sự chênh lệch và tăng đến báo động. Chưa nói đến người nghèo, hãy nói đến một người đi làm thu nhập ở mức cao là gần 2000USD 1 tháng, thì một năm khoảng 20.000USD, vậy thì chắc phải 50.000 năm sau mới có được khối tài sản 1 tỉ USD của vị tỉ phú đô la chúng ta tự hào. Và chênh lệch giàu nghèo dẫn đến nhiều hệ quả xấu cho nền kinh tế, hệ thống phân cấp xã hội và một vài khía cạnh khác.

Về cái tên Bức xúc không làm ta vô can, thì đó chính là một câu chuyện được viết trong cuốn sách. Khi những tin tức về các bất cập hay tệ nạn xã hội nổi lên, ta bỗng nhiên bình luận về nó với trạng thái bực dọc, cáu kỉnh, chê bai mà gọi tắt là "bức xúc". Việc bày tỏ "bức xúc" khiến ta cảm thấy như mình đang quan tâm tới xã hội, rằng mình là người sống đạo đức và vô can với những tệ nạn đó. Nhưng thực sự là không, vì cuộc sống của chúng ta hiện nay được đặt trên nền tảng của một xã hội có liên kết từ sự việc này dẫn đến sự việc kia.

Vì là quan điểm và góc nhìn của tác giả nên không phải đúng với tất cả mọi người. Ngoài những phân tích, người đọc cũng có thể thấy được sự quan tâm và cảm thông của tác giả với những con người yếu thế hơn trong xã hội và cá nhân mình thấy rằng điều này được thể hiện rõ trong chính bài viết Bức xúc không làm ta vô can.

Từ khóa: 

bức xúc

,

xã hội

,

tin tức

,

đặng hoàng giang

,

sách