Bức thư đô đốc Ito gửi đô đốc Đinh Nhữ Xương sau trận chiến Hải Uy Vệ.Lấy lễ anh hùng để đáp lại anh hùng.
Sau khi thất bại tại trận chiến sông Áp lục năm ngày 17 tháng 09 năm 1894 và sau đó là trận Hải Uy Vệ tháng 1 năm 1895. Hầu hết niềm tự hào của nhà Thanh - Hạm Đội Bắc Dương một lực lượng hải quân hiện đại nhất nhì châu Á khi đó, đã chìm xuống đáy biển vì sự tham ô và yếu kém nhà Thanh. Đô đốc Đinh Nhữ Xương tuy có ý muốn quyết tử với quân Nhật để làm tròn danh dự của một quân nhân, nhưng đám sĩ quan của ông lại phản đối vì đã hèn nhát say sưa vào thuốc phiện và cờ bạc. Bất lực trước tình hình đó, đô đốc Đinh đành nhục nhã mà viết thư cầu hàng gửi đến đô đốc Itō Sukeyuki - Tư lệnh Hải quân Đế Quốc Nhật Bản, đô đốc Ito đã viết một bức thư bằng tiếng Anh đáp lại bức thư của đô đốc Đinh, với nội dung như sau :
“ Tôi kính gửi thư này đến đại nhân. Thời thế xoay vần đẩy chúng ta vào chỗ làm kẻ địch của nhau, thật là điều không may. Tuy nhiên cuộc chiến này chỉ là mâu thuẫn giữa hai nước. Cá nhân chúng ta không có thù oán gì. Tình bằng hữu giữa tôi và đại nhân vẫn nồng ấm như từ trước đến nay. Chớ nghĩ rằng tôi viết thư này là để thúc giục đại nhân đầu hàng. Trong việc đại sự thì người trong cuộc thường mắc sai lầm; chỉ người xem mới nhìn thấy sự thật. Thay vì bình tĩnh suy nghĩ xem hành động thế nào là tốt nhất cho đất nước, cho bản thân, người ta đôi lúc bị cuốn vào nhiệm vụ của mình và nhìn nhận sự việc sai lầm; khi ấy há chẳng phải trách nhiệm của bằng hữu là khuyên nhủ và đưa người ấy trở về chính đạo hay sao?. Tôi viết cho đại nhân hoàn toàn vì tình bằng hữu chân thực, và tôi mong đại nhân xem trọng điều ấy.
Đâu là nguyên cớ của những thảm họa liên tiếp trút xuống quân Trung Hoa? Việc ấy, theo tôi nghĩ, không khó gì để tìm ra nếu ta biết nhìn nhận nó bình tâm và tỉnh táo. Đại nhân ắt hẳn đã nhận thức được nguyên do. Trung Hoa rơi vào tình thế hiện tại không phải là lỗi của một người; lỗi nằm ở sai lầm trong việc chính sự của triều đình. Kẻ bầy tôi được lựa chọn bằng khoa cử, và được sát hạch bằng văn chương. Thế nên kết quả là quan lại, những người được ủy thác quyền chấp chính, đều là văn sĩ, và văn chương được coi trọng hơn hết thảy. Lề lối này đã duy trì suốt hàng ngàn năm nay. Nó không hẳn là một cơ chế thiếu sót, hay khiến cho triều đình yếu kém. Nhưng một đất nước không thể giữ được độc lập chỉ với cách như thế. Đại nhân hẳn biết rõ sự biến Nhật Bản gặp phải 30 năm trước, và nó đã vượt qua cơn nguy khốn ra sao. Nhật Bản giữ được chủ quyền và toàn vẹn đến ngày hôm nay là nhờ đã biết vứt bỏ cái cũ và đi theo cái mới. Đối với quý quốc đây cũng phải là con đường cho hiện tại: nếu chấp nhận nó, tôi quả quyết rằng quý quốc sẽ bình an; nếu khước từ nó, quý quốc không thể thoát khỏi diệt vong. Trong cuộc tranh chấp với Nhật Bản này thì kết quả của quý quốc đã được định đoạt từ sớm. Là thần dân trung thành của đế quốc, khát khao nước mình được giàu mạnh, mà lại để bản thân bị cơn sóng của số phận ấy cuốn đi, không làm được gì để ngăn nó ư. Một quốc gia có hàng ngàn năm văn hiến, đất đai trải rộng ngàn dặm, là đế quốc xưa nhất trên thế giới, liệu việc phục hưng đất nước ấy, thay thế nền móng vững chắc lâu nay có phải là dễ dàng. Một cột trụ không thể chống đỡ nổi cả căn nhà sụp đổ. Còn lựa chọn khác nào giữa cái bất khả thi và cái khó khăn? Giao nộp một hải đội cho đối phương, hay quy hàng toàn bộ quân lực trước kẻ thù; đấy chỉ là chuyện cỏn con so với số phận của một đất nước. Dù tiếng tăm của người lính Nhật Bản trong mắt thế giới ra sao đi nữa, tôi thề rằng tôi tin con đường đúng nhất cho đại nhân là đến Nhật Bản và chờ ở đấy đến khi vượng khí nước ngài hưng thịnh trở lại, và khi thời cơ đến thì ngài sẽ lại được nước mình cần đến.
Hãy khắc ghi những lời của người bằng hữu này. Tôi xin nhắc đại nhân rằng trong sử sách đã có nhiều người chịu mang vết dơ trên tên tuổi và sống tiếp để hoàn thành đại nghiệp. McMahon nước Pháp, đã đầu hàng và chạy sang đất nước kẻ thù, để rồi quay về và giúp đỡ cải cách chính sự Pháp, người Pháp không chỉ quên đi vết nhơ của ông ta, mà còn đưa ông ta lên làm tổng thống. Tương tự, Osman Pasha, sau khi thất thủ ở thành Plevna, và bản thân bị bắt giữ, đã trở về Thổ Nhĩ Kỳ và vươn lên trở thành quân chính đại thần, và nổi danh nhờ những cải cách quân sự của mình. Nếu đại nhân đến Nhật Bản tôi có thể đảm bảo ngài sẽ được hậu đãi và được Thiên hoàng ân sủng. Bệ hạ không chỉ từng ân xá những thần dân đã dấy binh nổi loạn, mà còn ban thưởng bằng cách đưa họ vào những vị trí tín nhiệm, như trường hợp của đô đốc Yenomoto, giờ đây là thành viên nội các, và Otori Keisuke, cơ mật viện đại thần. Có rất nhiều trường hợp như thế. Đối với những kẻ không phải là thần dân của Bệ hạ, Người càng tiếp đãi trọng hậu hơn thế nữa. Câu hỏi lớn là giờ đây đại nhân phải quyết định hoặc là đánh cược số phận mình với một đất nước đang suy tàn, và chấp nhận kết quả không thể tránh khỏi mà nền chính sự ấy đem lại, hoặc là ngài sẽ giữ lấy sức lực còn lại và bày mưu tính kế về sau.
Tướng sĩ quý quốc thường có thói quen dùng lời lẽ tự cao và thô lỗ với kẻ địch, nhưng tôi viết thư này thuần túy chỉ vì tình bằng hữu, và tôi khẩn nài đại nhân tin tưởng lòng chân thành của tôi. Nếu may mắn, đọc những câu này, mà đại nhân nghe theo lời khuyên của tôi, tôi sẽ xin phép trao đổi thêm với đại nhân một số lưu ý về vấn đề đưa ý định này thành hiện thực. "
(Quốc Bảo dịch)
Trong sách “ Thiên Hoàng Minh Trị “ chương 46 có tường thuật lại sự kiện này như sau :
“ Sau khi tiếp nhận bức thư đầu hàng của Đô đốc Đinh Nhữ Xương thì đô đốc Itō thông qua viên quân sứ đã gửi một chai rượu nho champage đến Đô đốc Đinh để an ủi. Sáng ngày 12 tháng 2, tàu chiến Trân Bắc của hạm đội Bắc Dương thượng cờ trắng, tiếp cận kỳ hạm Matsushima của hạm đội Nhật Bản. Viên quân sứ mang theo thư xin đầu hàng chính thức từ Đô đốc Đinh Nhữ Xương của hạm Bắc Dương gửi tới tư lệnh Itō Sukeyuki. Đô đốc Đinh yêu cầu bảo đảm an toàn cho các đội quân Thanh quốc và cố vấn ngoại quốc, đổi lại sẽ giao nộp tàu bè trong vùng biển Uy Hải Vệ cùng các pháo đài và các trang thiết bị. Vào ngày 16 tháng 2 Đô đốc Đinh làm một bài thơ Hán, ghi trách nhiệm làm mất hạm đội rồi uống thuốc độc tự sát.
Khi biết Đô đốc Đinh đã tự sát, Đô đốc Itō Sukeyuki hạ lệnh cho hạm đội Nhật Bản treo cờ rũ và cấm tấu nhạc ngoại trừ các hoạt động nghi thức để tang. Một nhà báo ngoại quốc khi đó có mặt trên quân hạm Khang Tế của Bắc Dương lúc này đang chở linh cữu của Đô đốc Đinh đã viết rằng : "Hạm đội Nhật Bản đã viếng linh hồn của kẻ địch dũng cảm một cách đậm tình người. Khi tàu hơi nước chở linh cữu ra khỏi cảng thì tất cả mọi tàu bè khác đều treo cờ rũ, kỳ hạm của Bá tước Itō cũng nổ pháo lễ đưa tang khi con tàu tiến đi. Các quân hạm châu Âu neo tại cảng Uy Hải Vệ cũng treo cờ rũ, tán thán lòng dũng cảm của vị đô đốc quá cố ".