BÔNG HỒNG VÀNG VÀ BÌNH MINH MƯA
Đến giờ phút này, nếu có ai hỏi tôi : “Bạn nghĩ mình nên đọc cuốn sách nào”? thì tôi sẽ chẳng mảy may do dự mà trả lời : “Bông hồng vàng và bình minh mưa!”
Nhan đề “Bông hồng vàng và bình minh mưa” gợi lại cho người đọc cảm giác tinh khiết, trong trẻo một cách thật khó nói, hứa hẹn mang lại những trải nghiệm đặc biệt. Cuốn truyện được chia làm hai phần chính : phần ‘Bông hồng vàng’ gồm những mẩu truyện tản mạn mà tác giả chia sẻ về bản thân mình, về thế giới quan của mình, về nghề văn, cách viết văn, và một số nhà văn khác mà Paustovsky cho là có những cống hiến vĩ đại đối với nền văn học Nga. Phần thứ hai “Bình minh mưa” gồm những truyện ngắn do ông viết.
Phải nói, chưa từng có cuốn sách nào để lại cho tôi ấn tượng mạnh mẽ như “Bông hồng vàng và bình minh mưa”. Nhiều câu, nhiều đoạn văn tôi cảm thấy tác giả như viết ra chờ đến ngày tôi đọc được vậy. Và có quá nhiều thứ để bàn luận về nó, tôi sợ tôi đọc chưa sâu, viết chưa đủ, nghĩ chưa tới… Nhưng tôi vẫn sẽ viết ra những cảm nghĩ của tôi về nó, để giới thiệu cho mọi người cuốn sách tuyệt hay này.
“Mỗi phút, mỗi lời tình cờ được nói ra và mỗi cái nhìn tình cờ ta bắt gặp, mỗi ý nghĩ sâu sắc hoặc vui đùa, mỗi rung động thầm lặng của con tim, cũng như cả đến một bông xốp của hoa dương đang bay hay lửa sao trong một vùng nước đêm – tất cả những cái đó đều là những hạt rất nhỏ của bụi vàng.
Chúng ta, những nhà văn, chúng ta bòn đãi chúng trong hàng chục năm, hàng triệu những hạt cát đó, lặng lẽ thu góp lại cho mình, biến chúng thành một hợp kim và rồi từ hợp kim đó ta đánh ‘bông hồng vàng’ của ta – truyện, tiểu thuyết hay là thơ.”
Và những ‘bông hồng vàng’ quý giá ấy là để cho con người được hạnh phúc hơn, “để cho cái đẹp của Trái Đất, cho lời kêu gọi đấu tranh vì hạnh phúc, vì niềm vui và tự do, cho cái cao rộng của tâm hồn người và sức mạnh của trí tuệ chiến thắng bóng tối và cho chúng rực rỡ như một mặt trời không bao giờ tắt.”
Nghệ thuật vị nhân sinh, tôi nghĩ Paustovsky là một nhà văn hết sức vĩ đại, bởi lẽ, ông đã đem tất cả tình yêu thương với những gì cao quý, trong ngần nhất của tâm hồn mình để viết thành những ánh văn bất hủ.
Những truyện ngắn Paustovsky đã viết : Cây tường vi, Tuyết, Bình minh mưa, Lẵng quả thông, Hạt cát,…đều không hề có những tư tưởng “kinh bang tế thế”, không hề có những câu văn lắt léo cao xa, mà hoàn toàn ngược lại. Chúng cứ chảy tràn ra trang giấy đầy tự nhiên và mộc mạc, óng ánh chất thơ. Bởi vậy, đọc truyện của ông không thể đọc qua, đọc lướt mà phải thả lỏng bản thân mình, cho phép bản thân tự cuốn vào mạch truyện, để trái tim rung lên cùng một nhịp với nhân vật, và Paustovsky ấy, ông sẽ nắm tay ta đầy trìu mến và dắt ta đi tham quan thế giới đẹp tươi này.
Hãy nói về chiến tranh trong “Bông hồng vàng và bình minh mưa” đã. Chiến tranh không được Paustovsky khắc họa bằng bom đạn, giết chóc, máu hay nước mắt, mà là những phút giây, những khoảng khắc con tim rung động, những tấm tình cảm rất chân thực, rất đời thường, khi những người lính, những người hậu phương ngơi tay chiến đấu, làm việc và thả hồn mình theo những tiếng gọi của trái tim.
Trong văn học Việt Nam, văn học kháng chiến chiếm một khoảng lớn. Bảo Ninh viết “Nỗi buồn chiến tranh” cho ta thấy hiện thực hết sức khốc liệt của nó. Phạm Tiến Duật, Quang Dũng nhìn kháng chiến bằng con mắt lạc quan, phơi phới : “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Và ta bắt gặp Chính Hữu với nỗi nhớ ‘cây đa giếng nước’ và tình đồng đội trong “Đồng chí”. Thế tình đồng chí trong văn Paustovsky thì sao?
Trong “Âm nhạc Vécđi”, Xônxeva sau khi được vị tư lệnh hạm đội già và các chiến sĩ trẻ tuổi trẻ tuổi sạm nắng cảm thông và giúp đỡ chẳng đã cảm thấy “mi mắt nặng trĩu những giọt lệ” hay sao, nhưng đây là những giọt lệ của tình bạn, của lòng biết ơn. Đến “Trái tim nhút nhát” - mẩu truyện ngắn mà trong đó tình yêu nước của nhân vật được khắc họa sâu sắc, thống thiết và hòa quyện trong đó là tình cảm gia đình, tình nghĩa xóm làng. Vania – đồng chí phi công đã lái máy bay chiến đầu với quân Đức, trong một trận chiến cam go ngay tại quê hương mình, bom rơi đạn nổ đã giết chết vài người, làm thiệt hại nhiều tài sản. Anh đã chiến đấu vì chính nghĩa, nhưng người bà nuôi anh thì không hiểu, lại cho rằng anh đã có những hành động không tốt. Và mặc dầu có sợ sệt, có lo lắng, có xấu hổ về anh, tình yêu thương bà dành cho anh không hề suy giảm, bà bao che và bảo vệ cho anh. Truyện ngắn này gợi tôi nhớ đến hình ảnh anh Nguyễn Văn Trỗi, chị Võ Thị Sáu ngày ra pháp trường, nhớ đến truyện ngắn “Thuốc” của nhà văn tài ba Lỗ Tấn. Khép lại truyện là hình ảnh làn khói lam nhạt cuồn cuộn bên bức tường trắng không sao bay ra ngoài được thực sự khiến tôi rùng mình, cảm động. Làn khói ấy là gì nếu không phải là một lời từ biệt với người bà thân yêu, lời trăn trối, nhắn gửi muộn màng, sự lưu luyến còn vấn vương trong ngôi nhà ấm áp của bà, sau khi người con hào hùng của dân tộc ấy đã hoàn thành trọn vẹn bổn phận của mình với Tổ quốc? Lật sang trang, ta đến với “Tuyết”. Lần này, chiến tranh đến trong bức thư gửi cha. “Con luôn nhớ đến cha, đến ngôi nhà của cha con ta, đến tỉnh lị của chúng ta, tất cả những cái đó xa xăm quá, tưởng như ở đâu mãi chân trời.[…] Ôi, nếu cha biết được rằng ở đây, ở một nơi xa xôi, con yêu mến tất cả những cái đó biết chừng nào!” Chiến tranh còn đến trong “Lời cầu nguyện của Mađam Bôvê” : “Lạy Đức mẹ Maria Đồng trinh! Hãy cho con lại được trông thấy nước Pháp, được hôn ngưỡng của nhà con và lấy hoa tô điểm nấm mồ anh Sáclơ yêu dấu!” Tuy nhiên, không phải chiến tranh lúc nào cũng là ngăn trở, cách chia. Chiến tranh cũng là một cơ hội cho những người cùng tư tưởng, chí hướng tìm ra nhau và yêu thương nhau. Giống như “Những vùng trời khác nhau” của Nguyễn Minh Châu ấy! Trong “Gió biển”, chiến tranh se duyên cho hai con người xa lạ, “Không bao giờ em tin rằng cái đó lại đến... ngay tức khắc như vậy..., rằng em còn được gặp anh lần nữa, sau Xêvastôpôn.”
Trong một hoàn cảnh ác liệt của chiến tranh như vậy vẫn nở rộ những bông hoa xinh tươi của tình yêu thương, thế còn trong cuộc sống đời thường thì sao?
Khoan hãy nghĩ rằng Paustovsky chỉ biết ca ngợi con người nhé, là một nhà văn, ông cũng đưa cả vào trong tác phẩm của mình những bản tính xấu xa của con người hay những góc khuất của cuộc sống. Thật đau xót biết bao cho bà Katerina, cho con gái Naxtia của bà trong “Bức điện”. Người con gái khôn lớn rồi bỏ mặc người mẹ già lủi thủi ở nhà một mình, sống chết chẳng hay. Mẹ cô ta chỉ mong được gặp con gái một lần để khi chết đi còn có thể nhắm mắt mà chẳng được. Đến khi cô ta nhận ra là mình đang đánh mất thứ quý giá nhất trên đời thì hỡi ôi, chẳng kịp nữa rồi, khi cô về nhà thì người ta chôn xong bà cụ rồi. Xấu hổ với mẹ, với xóm làng, cô ta lại lẻn ra đi, nghĩ rằng “không có ai, ngoài mẹ nàng, có thể tha thứ cho lỗi lầm không sao chuộc lại được và cũng không ai ngoài mẹ nàng, có thể cất cho nàng cái gánh nặng không sức nào chịu nổi.” Câu văn khiến người đọc xót xa cho một kiếp làm cha mẹ chẳng may sinh ra đứa con bạc bẽo, và câu văn cũng như một hồi chuông cảnh tỉnh giới trẻ về thái độ sống, sự hiếu thuận với gia đình ngay khi còn có thể. Rồi còn cả ông lão rõ ràng còn sức lao động, còn khả năng làm việc mà đi ăn mày, quát tháo chửi rủa ầm ĩ người ta nữa. Giọng văn Paustovsky còn trở nên đặc biệt đau xót khi có những người sỉ vả, nhục mạ những người biết yêu. “Hỡi ôi, người ta ném phân vào lưng một thiếu nữ đang yêu!”
Đó là bóng tối, cái bóng tối mà ông đã từng nhắc đến, cái bóng tối mà các nhà văn phải nỗ lực hết sức mình xua tan đi. Bóng tối xấu thật, nhưng trong một bức tranh toàn cảnh, chúng là chất liệu không thể thiếu, mà nhờ có bóng tối, ta mới thấy được ánh sáng, nhờ có bóng tối, ta mới thấy được ánh sáng tươi đẹp rực rỡ đến mức nào!
Đầu tiên là “Lẵng quả thông”, một nhà soạn nhạc thiên tài trong một lần tình cờ gặp em bé với lẵng quả thông trong rừng đã viết cho em một bản nhạc, kì hạn tặng em là 10 năm sau. 10 năm sau, cô thiếu nữ nghe được bản nhạc, trái tim thanh xuân của cô nức nở : “Đời ơi, hãy nghe đây. Ta yêu người!” Đọc đến đây tôi rơi nước mắt. Sao thế giới tươi đẹp đến thế, bao nhiêu là điều tốt hiện hữu, và tình yêu thương ngập tràn trong nhân gian. Hằng ngày, hằng giờ, vẫn có những điều bé nhỏ xảy ra, liên tục, không ngừng, có những điều nhạt nhòa và tan biến trong bước đi của thời gian, những cũng có những điều còn đọng lại, trở thành một nét vân hoa tô điểm cho cuộc sống. Và còn nhiều lắm những điều tốt đẹp mà Paustovsky chỉ cho chúng ta xem và tự nghiền ngẫm, cho nên tôi không thể và không đủ sức viết hết ra đây. Nahf văn đã để lại rất khoảng trống trong truyện, và mỗi người chúng ta sẽ lấp đầy những khoảng trống ấy theo cách của riêng mình.
Còn một điều tôi muốn nói về truyện của Paustovsky : những khoảnh khắc! Ông đã cho tôi biết thế nào là một khoảnh khắc : đó không phải là những phút giây vùn vụt trôi qua trong đời sống, không phải là thứ gì chỉ đứng trong đám đông mới tìm được chỗ đứng cho bản thân mình. Có những khoảnh khắc khiến cuộc sống của ai đó ngời sáng, có những khoảnh khắc mà ta đột nhiên nhận ra : sau một chặng đường dài, đây chính là thứ mà ta luôn kiếm tìm.
“Cái không thể đã thành có thể
Con đường dài hóa dễ với ta
Nhọc nhằn chi mấy cũng qua
Cuối đường tìm kiếm khi ta thấy nàng.”
Bạn hãy đọc “Bình minh mưa”, được không? Trong đó hàm chứa cái khoảnh khắc mà tôi đã nói. Khoảnh khắc Kuzmin đi tàu qua cánh rừng, khoảnh khắc Kuzmin bước chân vào nhà Onga, tất cả mọi thứ như níu kéo, như mời gọi bước chân của chàng. Khoảnh khắc mà Kuzmin và Onga chia tay nhau trong bình minh mưa : “có lẽ nào giờ đây, trong phút này thôi, tất cả sẽ đi vào dĩ vãng và sẽ trở thành một trong những kỉ niệm xót xa trong đời nàng và cả đời chàng?” Đọc “Chuyến xe đêm” – mẩu truyện ngắn Paustovsky viết về Andersen, cũng có những khoảnh khắc mà trái tim rung lên như tìm được người tri kỉ của mình, như tìm được người thân quen lắm lần đầu tiên gặp. Chàng gặp nàng trong chuyến xe đêm, chỉ thế thôi, rồi sau đó chàng và nàng yêu nhau đắm say, không, sẽ yêu nhau đắm say, nếu như Andersen không khước từ tình yêu của mình để giữ lại bầy ong của trí tưởng tượng. Khoảng khắc chàng từ biệt nàng, chuông chầu đổ hồi trên toàn thành Vêrôn. Tôi không thể tưởng tượng được, lúc ấy trái tim của chàng và nàng đã phải chịu đựng những gì... Rồi còn vô vàn những khoảnh khắc khác mà tôi chẳng thể nào kể hết. Ngắn ngủi thế thôi, nhưng chúng dường như kéo dài đến vĩnh hằng. Đọc xong “Bông hồng vàng và bình minh mưa”, trái tim của tôi trong sáng và sôi nổi hơn nhiều, và có thêm một góc cạnh khác : ấy là sự vĩnh hằng. Như trong “Cầu vồng trắng” : “và những vừng sáng xanh biếc của những vì sao mọc trên đỉnh núi nối đuôi nhau thành chuỗi dài vĩnh cửu lấp lánh”,v.v.. Tôi cũng không rõ cảm nhận của tôi có đúng hay không, nhưng những khoảnh khắc mà Paustovsky mang lại dường như đều tìm được vị thế của mình trong cõi vĩnh hằng.
MỘT CUỐN SÁCH MỖI NGƯỜI NÊN ĐỌC ÍT NHẤT MỘT LẦN TRONG ĐỜI
sách
Quyển này có vẻ khá khó đọc, nó thiên về phê bình lí luận. Ai không đủ kiên nhẫn và có khả năng đọc sách có chiều sâu thì khó mà nghiền ngẫm được quyển này...
Huỳnh Lan
Quyển này có vẻ khá khó đọc, nó thiên về phê bình lí luận. Ai không đủ kiên nhẫn và có khả năng đọc sách có chiều sâu thì khó mà nghiền ngẫm được quyển này...