Bông điên điển mùa nước nổi

  1. Nông nghiệp

  2. Ẩm thực

https://cdn.noron.vn/2021/08/10/bong2bdien2bdien-1628605737.JPGhttps://cdn.noron.vn/2021/08/10/bongdiendien3hwnk-1628605770.jpg

Cây điên điển còn gọi là muồng rút, điền thanh bụi, điền thanh hạt tròn, điền thanh đầm lầy, điền thanh lưu niên, điền thanh thân tia, Sesban-River Bean, tên khoa học Sesbania sesban (Jacq) W.Wight, thuộc họ Đậu - Fabaceae.

Cây bụi cao 1 - 4m, có khi cao hơn, thân tròn bóng, màu xanh có sọc tím, phân nhánh nhiều, mang những lá kép lông chim với 30 - 40 lá chét; rễ cây ăn sâu khoảng 60 - 70cm, có các vi khuẩn nốt sần cố định đạm cộng sinh. Hoa vàng mọc thành chùm, mỗi chùm có 8 - 10 hoa to. Quả đậu thẳng, thõng xuống, dài 20 - 30cm, chứa nhiều hạt hình cầu, màu nâu bóng. Khi trái chín, hạt rớt xuống bùn, đất, mùa nước nổi năm sau lại nẩy mầm cho ra cây mới.

Điên điển thường gặp ở các đầm lầy, ruộng nước, từ vùng nước lợ đến vùng cao 500m, rải rác từ các tỉnh phía Bắc như Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình… đến các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Được trồng nhiều ở các tỉnh phía Nam và vùng Đồng Tháp Mười. Người ta trồng điên điển để lấy phần thân phình to và xốp trắng ngập dưới nước để làm mũ và làm nút chai, lấy thân cây làm củi đốt, cành lá làm phân xanh; lá cây làm thuốc. Các bộ phận dùng làm thực phẩm là: lá, bông và hạt.

https://cdn.noron.vn/2021/08/10/loiichcuabongdiendien2-1628605234.jpg

Nước nổi là con nước lớn vào đầu tháng 9, 10 Âm lịch từ Campuchia tràn qua những cánh đồng miền Tây Nam bộ. Nước âm thầm dâng lên, từ từ tràn qua các bờ bao. Lúc đó không biết từ đâu cây điên điển trồi lên, chỉ vài mươi ngày sau là cây đã phổng phao, bắt đầu đơm bông vàng rực.

Điên điển là loại cây thân thảo, thân xốp, nhẹ, có khả năng vươn lên theo con nước, mọc hoang ở ven các bờ ruộng, bờ kênh nước ngọt. Đây là loài cây đặc trưng của miền Tây, chỉ xuất hiện vào mùa nước nổi, lại mỏng manh, chóng tàn, khó mang đi xa, vì vậy nhiều người chưa hề thấy cây điên điển bao giờ.

Bông điên điển mọc thành chùm, màu vàng nõn nà, hao hao hoa so đũa nhưng nhỏ hơn nhiều lần, mùi hăng hăng. Sau vài đợt gió chướng mang hơi lạnh, bông điên điển sẽ nở rộ, vàng tươi, mênh mông rập rờn theo sóng nước. Ngồi trên chiếc xuồng ba lá, chèo vào giữa đám điên điển, cô gái chỉ cần dùng cây dầm đập nhẹ vào cành, vào thân cây thì sẽ có vô số bông rớt xuống lòng xuồng. Dùng tay rung nhẹ những cành thấp cũng tha hồ hứng bông. Ngày trước, bông điên điển là món độn để bà con nông dân nấu cháo cầm hơi qua những ngày giáp hạt. Ngày nay, với những người nghèo, bông điên điển giúp họ có thêm thu nhập trong những ngày nước ngập mênh mông.

Bông điên điển là món dân dã, có thể ăn sống, luộc, nấu canh chua, đổ bánh xèo, xào tép, trộn gỏi... mà món nào cũng ngon. Bông điên điển đem về, chỉ mất công tuốt nhẹ để tách rời từng bông đem rửa sạch là đã có món rau sống ăn kèm với cá kho, mắm kho… Nhưng món ăn phổ biến, dễ ăn nhất là canh chua bông điên điển với cá linh.

Từ khóa: 

nông nghiệp

,

ẩm thực