Boboiboy 2 : Cuộc Chiến Ngân Hà : Đáng lẽ đã có câu chuyện tốt đẹp hơn.
Bài viết này không phải về nội dung phim, mà về câu chuyện phát hành phim.
(Tên các phim cũng sẽ được đặt tiếng Việt để có thể phân biệt các địa bàn phim tại Việt Nam và các nước khác)
Boboiboy vốn đã có khả năng tạo nên một cú đột phá phòng vé Việt.
Báo Tuổi Trẻ đã làm một bài phân tích về doanh thu thị trường phim ảnh, và họ cho rằng bộ phim Boboiboy khó mà trở thành bộ phim đạt top doanh thu, dù sự thật rằng bộ phim đã vượt qua các đối thủ nặng kí khác như Fast and Furious, Crawl, Lion King,… để đứng vững trên top 1 doanh thu vài tuần liền tại nước nhà cùng với không ít các bài review chứng nhận cho chất lượng phim.
Thế nhưng, tại sao bộ phim lại vô cùng chật vật khi về Việt Nam, đến nỗi khó chen chân vào top 10 doanh thu mở màn tuần?
Upin và Ipin: Cuộc Chiến Thần Đao từng ra rạp vào cuối tháng 4 này cũng là một hiện tượng khó tin khi phải “gần như” đối đầu trực tiếp với Avengers: Endgame nhưng tại sao lại may mắn đứng top 4 doanh thu trong tuần khi phim khởi chiếu, thậm chí cực mức 200 triệu đồng trong kì nghỉ lễ ? Chưa kể marketing của phim cực ít và phim không hề đến từ Hollywood hay các quốc gia như Thái, Nhật?
Một trong những lí do chính: fandom.
Upin & Ipin dù không được ưa thích nhiều nhưng độ phủ sóng là không bàn cãi.
(Thực ra nói như thế này cũng không hẳn đúng do Upin & Ipin nổi tiếng là bị ghét ở Việt Nam và bản thân phim cũng không hề có một fandom đúng nghĩa như các phim khác, nhưng đây là cách nói gần đúng nhất với câu chuyện doanh thu của phim, khi việc marketing và doanh thu đến từ anti fan của bộ phim không hề ít)
Và Boboiboy 2: Cuộc Chiến Ngân Hà cũng có thế mạnh này, thậm chí là mạnh mẽ hơn và không thua kém gì các fan phim hoạt hình khác khi fandom phim trải dài trên lãnh thổ Việt Nam, có góp sức ủng hộ từ khi bộ phim chiếu rạp thứ hai vẫn chưa ra trailer và vài cá nhân còn được chính nhà sản xuất Monsta gửi lời mời xem phim trước ngày ra mắt (ngày 8/8) tại Malaysia vì sự ủng hộ nhiệt tình của họ.
Thế nhưng tại sao Boboiboy 2: Cuộc Chiến Ngân Hà lại khó chạm đến top 10 doanh thu, mặc dù bộ phim có thế mạnh tiên quyết ấy ?
Phim có đủ khả năng làm hài lòng fan lẫn nonfan...
Có một lí do được thấy rõ đầu tiên: Quá nhiều đối thủ. Mùa thu là thời điểm các phim bom tấn nói riêng và điện ảnh nói chung ra rạp với số lượng không hề ít để tránh hằng hà sa số các tác phẩm triệu-tỷ đô khác thường tấn công rạp chiếu vào ngày hè và vẫn còn dư âm kéo dài như The Lion King, Fast and Furius,… Và thậm chí khi chỉ tính riêng trong tháng công chiếu, các phim với thể loại tương tự như Boboiboy gồm hoạt hình thì có Angry Bird 2, Thám Tử Lừng Danh Conan: Cú đấm Saphia Xanh, Đứa Con Của Thời Tiết,… về mảng hài hước có Anh Thầy Ngôi Sao, mảng hành động lại quá thua kém Nhà Trắng Thất Thủ: Kẻ Phản Bội. Chưa kể các thể loại phim khác cũng có các đối thủ đáng dè chừng như Ngôi Nhà Bươm Bướm hay Bạn Học Cõi Âm.
Song, việc Boboiboy 2: Cuộc Chiến Ngân Hà lại thua doanh thu GG Bond: Xứ Sở Kẹo Mút thì lại là một câu chuyện khác. Bởi GG Bond: Xứ Sở Kẹo Mút vốn đến từ một nhà sản xuất Trung Quốc không có nhiều tiếng tăm tại Việt Nam, thậm chí series của phim là GG Bond Chú Heo Siêu Điệp Viên cũng chắc chắn không được biết đến rộng rãi như Boboiboy. GG Bond cũng dành cho đối tượng thiếu nhi và được yêu thích lẻ tẻ, trong khi Boboiboy có cả một fandom lớn mạnh với không ít fan đã bước vào đại học và có thể tự chủ về mặt tài chính.
Vậy, tại sao doanh thu của Boboiboy 2: Cuộc Chiến Ngân Hà lại thua doanh thu GG Bond: Xứ Sở Kẹo Mút tận 3 bậc vào ngày công chiếu !?
...Nhưng lại có số phận long đong tại Việt Nam.
Có lẽ một trong những câu trả lời đáng buồn là: phim không đáp ứng được yêu cầu của phụ huynh.
Rất nhiều phụ huynh Việt Nam vẫn còn quan điểm rằng "hoạt hình là dành cho trẻ em", khiến Boboiboy 2 như bị "lệch tông" khỏi các bộ phim với phim hoạt hình khác với hình ảnh tươi sáng, nhí nhảnh hơn như Angry Bird 2 hay GG Bond. Có vài trường hợp trẻ em nhận ra được nhân vật Boboiboy nhưng phụ huynh không để tâm đến các bé mà cho các em xem các phim hoạt hình "trong sáng" hơn. Khi ấy, Angry Bird 2 với những chú chim trong trò chơi moblie nổi tiếng cùng tên dễ dàng lọt tầm mắt phụ huynh với độ thân thuộc; và tạo hình nhân vật trong GG Bond rõ ràng dành cho thiếu nhi với sự dễ thương, nhí nhảnh (và gợi đến nhân vật Hiệp Sĩ Lợn) cũng được bậc cha mẹ lựa chọn hơn. Tuy nhiên, điều này làm sao có thể khiến doanh thu của Boboiboy 2 thấp một cách đáng ngại khi bộ phim có fandom hậu thuẫn đến vậy ?
Mặc dù đã có những ví dụ điển hình, suy nghĩ "Hoạt hình là dành cho trẻ em" vẫn còn hiện hữu.
Đây là câu trả lời lớn nhất: các nhà phát hành phim không nhận thức được thị trường của người xem phim.
Không ít fan của Boboiboy lên tiếng rằng họ cực kì thất vọng khi không được xem Boboiboy 2: Cuộc Chiến Ngân Hà ở nơi họ ở - các thành phố không thuộc trung ương hoặc không phải các thành phố lớn nên thậm chí nảy sinh vấn đề rằng không ít khán giả còn bày tỏ mong được spoil phim do không thể chờ 2 năm để nhà sản xuất Monsta up phim của phim lên Youtube (dù phim lậu ở Việt Nam sau khi chiếu rạp không phải không có, nhưng họ vẫn muốn được ủng hộ phim và nhà sản xuất). Đây là điểm trừ lớn bởi một bộ phim nếu bị chiếu giới hạn thì làm sao có thể có doanh thu cao? Chưa kể các fan của loạt phim dù ở khu vực có thể xem phim cũng không thể xem ngay khi lịch chiếu của phim quá đánh đố người xem khi xếp giờ chiếu ở không ít rạp vào giờ sáng hay giữa trưa, thậm chí vài nơi có lịch chiếu “tạm” xem được thì lại ở ngoại thành thành phố. Dù có muốn xem đi chăng nữa thì rõ ràng rằng cách sắp xếp thế này không khác nào hạn chế số lượng lớn nonfan và các phụ huynh muốn đưa con đến rạp xem Boboiboy như các phim hoạt hình thông thường.
Chưa kể các nhà làm phim còn thiếu hiểu biết về thị trường khi chỉ phát hành phim ở dạng lồng tiếng mà không có suất phụ đề nào. Bất cứ ai xem phim đều biết rằng người xem phim khi đã có gu đều sẽ né phim lồng tiếng hết mức có thể. Và từ khi trailer đầu tiên cuả Boboiboy 2: Cuộc Chiến Ngân Hà, hàng trăm người từ fan đến nonfan đều lên tiếng chỉ trích và thậm chí còn có người lên tiếng sẽ không đi xem vì bản lồng tiếng. Mặc dù việc lồng tiếng cho các phim hoạt hình nhãn P không phải không phổ biến, nhưng sự thật là người xem vượt tuổi thiếu nhi ai cũng đánh giá cao giọng gốc của nhân vật hơn và thường ngó lơ bản lồng tiếng vốn dành cho những đứa trẻ. Chưa kể như đã nói, fan và những người đã quen với loạt phim Boboiboy cũng chẳng phải nhỏ nhắn gì nên việc lồng tiếng lại càng gây mất điểm trầm trọng. Và khi một người đã bị ấn tượng đầu gây ác cảm, khó mà kéo họ quan tâm nhiều hơn.
Việc không được sắp xếp lịch chiếu đàng hoàng đã góp phần lớn khiến bộ phim không đến được với số đông khán giả.
Galaxy là nhà phát hành phim không tham gia vào lần chiếu phim Boboiboy 2: Cuộc Chiến Ngân Hà dù trước đây họ là đại diện thầu phim Upin và Ipin: Truyền Thuyết Thần Đao về Việt Nam. Có lẽ lời giải thích phù hợp nhất là do doanh thu từ bộ phim trước không khả quan như nhà phát hành đã mong chờ khi bộ phim mặc dù vượt mốc 200 và cả 500 triệu khi công chiếu vào những ngày đầu và kì nghỉ lễ nhưng sau đó mọi người không mặn mà với phim nữa khiến số tiền bán vé tuột dốc. Xét trên phương diện này, không quá khó hiểu khi các nhà phát hành thu hẹp thu vực chiếu và hạn chế marketing của Boboiboy 2: Cuộc Chiến Ngân Hà. Tuy nhiên, đây là điểm chí mạng của họ, bởi các nhà phát hành không ngờ đến sự lớn mạnh và chịu chi của fan Boboiboy. Chưa kể rằng trước đây khi trailer của Boboiboy The Movie 2 chỉ vừa phát hành trên trang Youtube của nhà sản xuất, fandom của phim đã tức tốc lên kế hoạch kêu gọi Lotte thầu phim về Việt Nam như cách fandom bộ anime Học Viện Anh Hùng đã làm. Điều này cho thấy cộng đồng fan của phim phải đông và ủng hộ phim rất nhiều để thay nhà phát hành marketing và kêu gọi nonfan xem phim. Tuy nhiên việc phim không công chiếu rộng rãi và để fandom phải lo hầu hết công việc quảng bá cũng đã cho thấy sự không tôn trọng của các nhà phát hành và khi họ tưởng rằng hạn chế suất và khu vực chiếu là điều tốt để không bị lỗ doanh thu, chính họ đã tự tay cắt đi nguồn thu nhập chính của mình.
Hãy để Boboiboy được đến với fan hâm mộ, vì chính phim, vì fan, vì cả hãng phát hành.
Dẫu biết rằng suất chiếu và khu vực chiếu là cực kì quan trọng để kiếm được lợi nhuận, nhưng rõ ràng rằng tìm hiểu thị trường người xem bộ phim được chiếu cũng quan trọng không kém. Dù chỉ là một hi vọng nhỏ, những người đã theo dõi và yêu thích Boboiboy ở khắp nơi khác nhau của Việt Nam vẫn mong muốn được xem bộ phim thứ hai này khi nhà phát hành CGV đã lỡ hẹn với họ vào 3 năm trước với movie Boboiboy Phiêu Lưu Kí. Và giờ đây, nếu các nhà phát hành không muốn lỡ mất số tiền mà họ đáng lẽ nên có nhờ giữ chữ tín với cộng đồng này, hãy tức tốc bàn về việc chiếu phim rộng rãi hơn đi. Có lẽ đã muộn để có thêm một bản phụ đề, nhưng chắc chắn fan hâm mộ phim sẽ vẫn cho phim một cơ hội vì họ không muốn lãng phí sự chờ đợi của mình thêm đâu.
boboiboy
,boboiboy movie 2
,hoạt hình
,phim hoạt hình
,hoạt hình malaysia
,phim ảnh
Tất cả các chi nhánh của rạp Lotte ở khắp Tây Nam Bộ đều ko có chiếu, bao công sức chờ đợi giờ lại đổ sông đổ biển. Lại phải chờ đến khi chiếu trên youtube :'(
Người ẩn danh
Tất cả các chi nhánh của rạp Lotte ở khắp Tây Nam Bộ đều ko có chiếu, bao công sức chờ đợi giờ lại đổ sông đổ biển. Lại phải chờ đến khi chiếu trên youtube :'(