Bí quyết viết CV chuyên nghiệp và thu hút cho ứng viên
Bạn là sinh viên mới ra trường? Bạn đang loay hoay với công cuộc tìm kiếm việc làm? Bạn đã gửi đi rất nhiều CV (curriculum vitae - sơ yếu lí lịch) nhưng vẫn chưa được gọi phỏng vấn? Có bao giờ bạn tự hỏi rằng lý do vì sao bạn thất bại ngay từ “vòng gửi xe” hay không? Vì CV của bạn quá sơ sài và đơn giản chăng? Có thể bạn đã biết, CV chính là hình ảnh đầu tiên tiếp thị bản thân của bạn với các nhà tuyển dụng tiềm năng, vậy nên một bản CV chuyên nghiệp và thu hút sẽ gây được thiện cảm với nhà tuyển dụng. Hãy cùng L & A xem qua bí kíp viết CV chuyên nghiệp để có thể chinh phục nhà tuyển dụng ngay từ bước đầu bạn nhé!
1. Hình thức trình bày: rõ ràng, nhất quán và đơn giản
· Khuyến khích viết CV bằng tiếng Anh.
· Sử dụng các kiểu chữ đơn giản như Times New Roman, Arial.
· Cỡ chữ 10-12, không nên dùng quá nhiều màu và nhiều font chữ khác nhau.
· Độ dài CV đẹp nhất nằm trong 1 trang A4, nếu có nhiều kinh nghiệm cần liệt kê thì tối đa là 2 trang.
· Có sự đồng nhất các đầu mục về format, cách viết về kinh nghiệm cần thống nhất giữa các giai đoạn.
· Cân nhắc sử dụng các template chuyên nghiệp.
2. Thông tin cơ bản
Cần cung cấp chính xác thông tin cơ bản cũng như thông tin liên hệ để nhà tuyển dụng có thể dễ dàng liên lạc với bạn.
Nhất định phải có những mục sau: cách viết CV khô cứng bằng văn bản Word giờ đây đã lạc hậu khi bạn ứng tuyển vào các doanh nghiệp trẻ hoặc nước ngoài, vậy nên bạn chỉ cần liệt kê nội dung sau kèm các icon là đủ.
· Họ tên: đầy đủ, viết hoa chữ cái đầu hoặc in hoa cả họ và tên.
· Email: dành riêng cho công việc, tốt nhất nên sử dụng tên của bạn và tạo trên các nền tảng email chuyên nghiệp như Gmail hoặc Outlook. Cần tránh các email như
· Số điện thoại: cung cấp chính xác số điện thoại, nên đưa về dạng (+84) 12 345 6789
· Địa điểm làm việc: Hồ Chí Minh, Hà Nội hoặc Quận 1, HCM.
· Mạng xã hội: khuyến khích các trang mạng như LinkedIn, Twitter.
Không cần thiết phải có những mục sau:
· Chứng minh nhân dân
· Link Facebook
· Tình trạng hôn nhân
Cân nhắc có thêm những mục sau:
· Ngày tháng năm sinh cụ thể
· Có Mr./ Ms. để phân biệt giới tính
· Ảnh profile tươi tắn chuyên nghiệp
3. Mục tiêu nghề nghiệp
Nhấn mạnh mục tiêu nghề nghiệp để thu hút nhà tuyển dụng trong những giây đầu đọc CV của bạn.
· Bắt đầu với chức danh, vị trí bạn muốn ứng tuyển.
· Trình bày ngắn gọn về ước mơ nghề nghiệp và những gì bạn có thể đóng góp cho sự phát triển của công ty khi đảm nhận vị trí này.
· Có thể trình bày mục tiêu ngắn hạn, dài hạn để nhà tuyển dụng hiểu được các bước đi của bạn.
· Độ dài tối đa 2-3 câu.
4. Kinh nghiệm làm việc
Nhất định phải có những mục sau:
· Liệt kê các mốc kinh nghiệm gần nhất đến xa nhất, nhấn mạnh vào các công việc quan trọng và có liên quan đến vị trí bạn đang ứng tuyển cũng như các thành tựu bạn đạt được.
· Mỗi mốc cần có Tên công ty – Vị trí – Địa điểm làm việc và Giai đoạn làm việc, sau đó sẽ là mô tả thực tế và bám sát công việc theo dạng liệt kê bullet point.
· Lượng hóa kinh nghiệm bằng các con số cụ thể hoặc các giải thưởng để mô tả thành tích của bạn. Ví dụ bạn tham gia và tổ chức thành công Project X, lead team 20 người.
· Nếu bạn là sinh viên mới ra trường và chưa có nhiều kinh nghiệm, cần liệt kê những thành tựu mà bạn đạt được khi tham gia các hoạt động xã hội hay những dự án, hoạt động nghiên cứu trong quá trình học tập. Chú ý không liệt kê các thành tích đạt được khi học ở cấp phổ thông, điều đó sẽ làm nhà tuyển dụng không đánh giá cao quá trình học đại học của bạn.
Cân nhắc có thêm những mục sau:
· Báo cáo cho ai, người tham chiếu
· Thành tích, đóng góp
5. Học vấn
· Đồng nhất Ngành học – Trường – Niên khóa. Nên ghi cả năm nhập học và năm tốt nghiệp, nếu chưa tốt nghiệp có thể ghi dự kiến tốt nghiệp năm nào.
· Khuyến khích có thêm GPA.
6. Kỹ năng
Liệt kê những kỹ năng hoặc công cụ mà bạn tự tin nhất và có liên quan đến công việc. Có thể liệt kê những kỹ năng bổ trợ làm việc chuyên nghiệp như Microsoft Office, kĩ năng quản lý thời gian, kỹ năng giao tiếp,…Tránh việc liệt kê bừa bãi, chỉ liệt kê những kỹ năng bản thân thật sự có.
7. Hoạt động xã hội hoặc Dự án cá nhân
Liệt kê tên dự án/ hoạt động – Mốc thời gian – Mô tả về dự án/hoạt động và những thành tựu đạt được sau dự án hoặc hoạt động đó.
8. Giải thưởng hoặc Chứng chỉ
Liệt kê theo dạng Tên giải thưởng – Năm nhận, chọn những giải thưởng hoặc chứng chỉ nổi bật nhất có liên quan đến công việc ứng tuyển như TOEIC 880, CFA, học bổng khuyến khích học tập, chứng chỉ MS,…
9. Ngôn ngữ
Liệt kê nếu bạn biết từ 2 ngôn ngữ trở lên và không nên giải thích chi tiết về trình độ ngôn ngữ của mình, chỉ nên tự đánh giá theo mức (sơ cấp/ trung cấp/ thành thạo).
Một số lưu ý khác:
· Không phóng đại – hãy trung thực với năng lực của bạn.
· Tránh sử dụng đại từ nhân xưng như “tôi”, “em”, “mình”
· Có thể nhờ bạn bè, người thân hoặc người đã có kinh nghiệp ứng tuyển cho nhận xét về hồ sơ của bạn.
· Cân bằng giữa phần chữ và khoảng trắng trong CV của bạn, không nên để thừa ra quá nhiều khoảng trắng.
Với những bí quyết trên, L & A hy vọng rằng bạn sẽ biết cách để tạo ra một bản CV thật “xịn” để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng và nắm lấy cơ hội việc làm nhé!