Bí mật của sự tự tin

  1. Phong cách sống

Tự tin

Tôi có thực sự tự tin không? Tôi thường tự tin khi nào? Làm thế nào để trở thành người tự tin, phát huy được thế mạnh của bản thân? Đó là những câu hỏi mà tôi đã từng đặt ra cho mình trong hành trình thay đổi, khám phá năng lực và hiện thực hóa tiềm năng của bản thân. Và dần dần tôi đã khám phá ra chính bí mật của điều này.

Có thể thấy rằng, trong rất nhiều yếu tố để đạt được điều mình mong muốn, sự tự tin là một trong những yếu tố đầu tiên rất cần thiết và quan trọng. Sự tự tin giúp cho mỗi người khơi dậy được sức mạnh tiềm ẩn, phát huy thế mạnh của bản thân. Sự tự tin quyết định những hành động bạn muốn thực hiện, dám nghĩ, dám làm, vượt qua những thách thức, trở ngại, rào cản để đạt được mục tiêu. Sự tự tin sẽ giúp bạn kiên trì, nỗ lực theo đuổi ước mơ và quyết tâm thực hiện. Ngược lại nếu chúng ta không tự tin, chúng ta sẽ luôn ở trong trạng thái lo lắng, tự ti, rụt rè hay lo sợ nên không dám bộc lộ năng lực, không dám làm, không dám vượt ra khỏi giới hạn của bản thân. Chính vì vậy, nhiều người sẽ lựa chọn cách né tránh, sống khép kín, yên vị trong “vùng an toàn”, “vùng thoải mái”, đánh mất đi cơ hội để khẳng định bản thân, thiếu những trải nghiệm để học hỏi, hạn chế trong việc xây dựng và phát triển các mối quan hệ của mình. Điều này là một trở ngại rất lớn cho chính các bạn trong quá trình tiếp nhận kiến thức (không dám hỏi, không dám bày tỏ quan điểm, tranh luận, thảo luận), không tự tin tham gia các hoạt động, không dám làm, luôn sống với mặc cảm, , tự ti, e dè, đánh mất cơ hội trải nghiệm bản thân. Vậy làm thế nào để có được điều này? 

Hãy bắt đầu bằng câu hỏi tại sao?

Bạn hãy bắt đầu bằng câu hỏi tại sao: Tại sao bạn sợ, tại sao bạn chưa tự tin? Tại sao bạn chưa làm?...Và bạn sẽ nhận thấy có rất nhiều nỗi sợ, nỗi lo trong chính bản thân mình: bạn sợ sai, bạn sợ không đủ kiến thức, không đủ hiểu biết, sợ bị chê cười, sợ bị phán xét, sợ những ánh nhìn từ người khác, sợ trở thành trung tâm của mọi sự chú ý (và có thể là sự soi mói, phán xét), sợ khó khăn, sợ không thành công, sợ thử thách…Thực tế cho thấy chúng ta thường thiếu tự tin khi chúng ta rơi vào những nỗi sợ khác nhau, trong đó có hai nỗi sợ lớn nhất là sợ không đủ (không đủ kiến thức, không đủ năng lực, không đủ sức khỏe, không đủ tiền, không đủ thời gian…) và sợ không được yêu thương, sợ bị phán xét (đặc biệt với người Việt Nam thì đây là nỗi sợ rất lớn vì người Việt vốn trọng tính cộng đồng và trọng tình nên việc bị xấu hổ trước cộng đồng, mất danh dự, bị ra rìa, bị “lề hóa” là điều vô cùng tủi nhục). Nhưng bạn hãy dừng lại và suy ngẫm sẽ thấy rằng: tất cả những gì chúng ta “đang sợ” đều là do chính chúng ta tự tạo và trên thực tế nó chưa hề diễn ra (mới nằm ở sự đoán định, hình dung, tưởng tượng của chính chúng ta mà thôi). Ví dụ: chúng ta sợ ma (do chúng ta tưởng tượng có ma), chúng ta sợ người khác sẽ chê cười, đánh giá phán xét (do ta hình dung về điều đó)…

Nỗi sợ chính là những cảm xúc tiêu cực khiến chúng ta không tự tin, không dám làm và cứ mãi an phận trong một cái hộp khép kín, an toàn trong vùng thoải mái và an phận thủ thường. Vậy làm thế nào để trở nên tự tin và dám nghĩ, dám làm?

Cách để vượt qua nỗi sợ hãi và trở nên tự tin

-  Thứ nhất, bạn cần xác định rõ lý do mình sợ hãi hay chính là điểm yếu của bản thân, là “khoảng trống”, là cái “chưa đủ” để “lấp đầy” và hoàn thiện mình. Khi chúng ta “có đủ” chắc chắn chúng ta sẽ tự tin. Tất nhiên để khỏa đầy “khoảng trống” này thì không phải ngày một ngày hai bạn có thể làm ngay được mà cần có sự kiên trì, nỗ lực từng ngày. Tôi tin một ngày nào đó bạn sẽ tự tin vượt qua nỗi sợ hãi.

Ví dụ: bạn không tự tin khi nói trước đám đông do bạn không biết nói thế nào, sử dụng ngôn ngữ cử chỉ ra sao, hay mất bình tĩnh, lo lắng…Khi biết được điều đó bạn cần dành thời gian tìm hiểu cách truyền đạt sao cho người nghe lắng nghe và hào hứng với điều bạn đang nói, cách sử dụng ngôn ngữ cử chỉ linh hoạt, phù hợp, cách cân bằng cảm xúc…(qua đọc sách, qua chia sẻ của những người đi trước, những bậc thầy sân khấu, qua quan sát…). Và điều quan trọng là tất cả những điều đó cần phải được luyện tập, luyện tập thường xuyên, hàng ngày. Tôi tin rằng, đến một ngày nào đó, sau tất cả những nỗ lực và sự kiên trì bạn hoàn toàn chủ động khi đứng trước đám đông.

-  Thứ hai, thay bằng việc tưởng tượng về những điều không tốt sẽ xảy ra bằng những cảm xúc tiêu cực, bạn hãy tưởng tượng và hình dung về một “viễn cảnh huy hoàng”, về những điều tốt đẹp sẽ đến nếu bạn làm. Đó sẽ trở thành nguồn động lực mạnh mẽ thúc đẩy bạn cố gắng, kiên trì, nỗ lực, bền bỉ tiến lên mỗi ngày.

Ví dụ trong hành trình vượt qua nỗi sợ hãi khi nói trước đám đông thay bằng việc nghĩ đến cảnh người nghe chê cười, dè bỉu bạn hãy tưởng tượng bạn sẽ là trung tâm của sân khấu, tự tin, đĩnh đạc truyền đạt, chia sẻ thông tin cho nhiều người để tất cả cùng lắng nghe bạn, nuốt từng lời bạn nói và kết thúc bài thuyết trình là những tràng pháo tay không ngớt tiếp thêm năng lượng cho bạn…

-  Thứ ba, điều quan trọng nhất ở đây là cách bạn nghĩ, cách bạn làm sẽ quyết định đến kết quả mà bạn đạt được. Nếu ngay từ đầu bạn đã nghĩ rằng: “Làm sao mà mình làm được”, “Mình không làm được đâu”, “Tôi không làm được”, “Tôi sợ là…”…chỉ như vậy thôi là bạn đã nhụt chí và đương nhiên thất bại là điều không tránh khỏi. Thế cho nên đầu tiên là các bạn phải tin rằng mình “sẽ làm được” nếu mình quyết tâm, cố gắng, nỗ lực…Nếu bạn có tư duy tích cực, sự tự tin ở bản thân “Tôi tin, tôi có thể…” là bạn đã vượt qua nỗi sợ hãi, chiến thắng được chính mình rồi đấy.

Tuy nhiên, ở đây cũng cần phải nói thêm rằng, tự tin là cần thiết để thúc đẩy chúng ta hành động nhưng nếu quá tự tin sẽ lại trở thành chủ quan, tự cao, tự đại. Và nhiều khi sự tự tin thái quá xa rời thực tế, không phù hợp với hoàn cảnh lại khiến chúng ta dễ dàng thất bại. Ví dụ bạn muốn trở thành hoa hậu nhưng bạn chỉ sở hữu chiều cao khiêm tốn 1m50 (như tôi chẳng hạn) thì e rằng điều đó khó thành hiện thực…Và khi đó sự thất bại lại khiến bạn nhụt chí (mất niềm tin) và lại thu mình về với “vỏ ốc” quen thuộc. Do đó, khi muốn làm việc gì bên cạnh sự tự tin bạn cần xem xét điều kiện, hoàn cảnh, điểm mạnh, điểm yếu của bản thân (thấu hiểu bản thân) để phát huy được tối đa lợi thế có được. Thế nên các cụ mới nói “biết người biết ta trăm trận trăm thắng” là vì thế!

P/s: Tôi chưa bao giờ nghĩ tôi có thể nhảy trên sân khấu, nhưng tôi đã làm được…

Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể múa, nhưng tôi đã làm được…

Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể giảm được cân (với suy nghĩ trước đây tôi không thể thể dục, tôi không thể nhịn ăn, tạng người tôi không thể giảm cân…), nhưng tôi đã làm được…

Tôi chưa bao giờ nghĩ tôi có thể lái xe ô tô, nhưng tôi đã làm được…

Nếu có ước mơ, hoài bão bạn hãy cứ tự tin bước đến nó. Tôi tin rằng, nếu bạn tự tin, kiên trì, nỗ lực thì một ngày nào đó ước mơ đó nhất định sẽ trở thành sự thật. Tôi làm được, bạn cũng sẽ làm được…!

Từ khóa: 

tự tin

,

phong cách sống

Ủa chị ơi nếu một người đã luyện tập theo như 3 cách chị nói trên và đến khi nào bản thân cảm nhận được là đủ tự tin, kiến thức để hành động ạ? Và rồi khi họ bắt đầu hành động, thì lỡ họ bị xung quanh chê cười hay những sự cố khác mà khác hoàn toàn với cách họ suy nghĩ trước đây thì sao ạ? Có khi nào họ sẽ bị rơi xuống còn dưới mức tự tin trước đây không?
Trả lời
Ủa chị ơi nếu một người đã luyện tập theo như 3 cách chị nói trên và đến khi nào bản thân cảm nhận được là đủ tự tin, kiến thức để hành động ạ? Và rồi khi họ bắt đầu hành động, thì lỡ họ bị xung quanh chê cười hay những sự cố khác mà khác hoàn toàn với cách họ suy nghĩ trước đây thì sao ạ? Có khi nào họ sẽ bị rơi xuống còn dưới mức tự tin trước đây không?