Bệnh "tu chưa tới"

  1. Phong cách sống

Một số người mình từng tiếp xúc là tín đồ của một số tôn giáo lớn thường mắc bệnh này. Họ rất thành tâm, chăm chỉ trong các việc lễ, bái, cúng kiếng và các nghi thức khác, chỉ có làm theo lời dạy của các giáo chủ là không siêng.

Có vài người khá thân, nên đôi khi mình nhắc nhở, hoặc thắc mắc vì sao họ lại không làm theo những lời dạy tốt đẹp đó, và họ trả lời đại ý rằng tôi vẫn là người bình thường, vẫn phải mắc lỗi, tôi "tu chưa tới"...

Tất nhiên, người thì phải phạm lỗi, nhưng thái độ đối với lỗi lầm của mình ra sao mới là vấn đề. Khi được nhắc nhở thì thoái thác, biện minh, đến khi hết đường cãi chối thì lại dùng ngay lí do "tu chưa tới" là xong? Mình tự hỏi không biết họ "tu" lúc nào.

Việc gia nhập tôn giáo nào đó, mình cho rằng xuất phát từ lòng tôn kính giáo chủ, lòng yêu thích giáo pháp và mong muốn trở thành con người tốt đẹp hơn, góp phần cho xã hội tốt đẹp hơn. Chính những giáo lí cũng nói như vậy.

26991673_1738671989524612_785957183314047447_n

Con người tồn tại cả hai mặt tốt và xấu, nhưng cái xấu thường dễ làm, hấp dẫn hơn, vì vậy nó được biểu hiện nhiều hơn. Tu là quá trình kiềm chế, hiểu rõ, loại bỏ dần dần những cái xấu, biểu hiện cái tốt bên trong mỗi người và hoàn thiện bản thân theo định nghĩa riêng của từng tôn giáo.

Nếu lúc nào phạm lỗi, cứ nói "tôi tu chưa tới", xong lần sau lại tái phạm, lại nói câu đó, thì tu để làm gì? Chúng ta là người, nhưng một khi đã tu là phải hướng về một điều gì đó cao đẹp hơn thế.

Chúng ta ai cũng đều "tu chưa tới" cả, nên thay vì nói câu đó để tự bỏ qua lỗi lầm, thì mỗi lần phạm lỗi, hãy dũng cảm nhận sai, bình tâm đối mặt và hiểu rõ lỗi lầm của mình, để lần sau đừng phạm nữa, đó là tu vậy.

Nhất Bảo

Từ khóa: 

tôn giáo

,

tu hành

,

phát triển bản thân

,

phong cách sống

,

phong cách sống