Bất lực khi nuôi dạy con, bạn nên làm gì?
Đã bao giờ bạn cảm thấy bất lực khi con luôn lề mề, chậm chạp, làm việc gì bố mẹ cũng phải giục dã? Đã bao giờ bạn mất kiểm soát và đánh con khi con cãi lời bố mẹ?
Nếu có thì bạn đừng buồn, bạn không cô đơn vì tôi cũng vậ
y, không những thế tôi còn là người đã học khóa học dạy con nhưng tôi vẫn để chuyện đó xảy ra.
Buổi tối hôm đó, tôi nấu mì xong và gọi con ra ăn tối, lúc đó bé đang xem hoạt hình cùng em, tôi có gọi vài câu mà bé không trả lời, nên tôi quát lớn: Con có ra ăn mì không thì bảo.
Thấy vậy con tôi ngẩng lên nhìn mẹ với vẻ mặt khó chịu:
- con đang đi mà mẹ nói gì mà nói lắm thế.
(ảnh: internet)
Mặt tôi bừng bừng nóng như lửa, không kìm được cơn tức giận, tôi cầm tay con, tay con lại đánh con mấy cái vào mông: “tao mất công nấu mì cho mày ăn mà mày lại còn quát lại tao à, sao tao phải nói nhiều chứ? Tao nói nhiều vì gọi mãi mày có thèm trả lời đâu. Thôi không phải ăn nữa, nhịn, từ giờ tao không nấu cho mày ăn nữa.”
Nói rồi tôi ra ngồi ăn một mình, lòng vẫn hậm hực. còn bé thì khóc lóc chạy vào ôm gối nằm trên giường.
Khi bình tĩnh trở lại, tôi thấy mình không nên quát hay đánh con. Có người đã nói với tôi rằng có mỗi chuyện như vậy mà tôi tức giận và đánh con như vậy thì cũng chịu thua. Nói tôi kiểm soát cảm xúc kém.
Đúng vậy, thật sự thì tôi kiểm soát cảm xúc kém, nhưng tôi cũng đã biết cách kiểm soát cảm xúc của mình như khi nhận diện được cơn tức giận thì hãy hít thở theo dõi hơi thở, quan sát cảm xúc của mình, nếu không thể bình tĩnh được hãy đi ra chỗ khác. Tôi có thực hành, cũng có hiệu quả. Nhưng tôi vẫn để chuyện đó xảy ra, có điều gì mà tôi chưa biết? Liệu việc kiểm soát cảm xúc có giúp tôi giải quyết được vấn đề đang gặp phải một cách tận gốc? Hay nó chỉ khiến tôi dồn nén thêm khi mình chưa biết nguyên nhân thật sự?
Tôi tĩnh lặng và suy nghĩ. Suy nghĩ theo góc độ của con, theo góc độ của mình tôi thấy:
- Con bị ép buộc phải dừng việc mình đang thích thú, khiến con khó chịu. Con bị áp lực về chuyện học hành, nhiều lần con bị la mắng, dồn nén cảm xúc nên con muốn giải tỏa, muốn trút sự khó chịu lên người khác theo cách con nhận được nó.
- Còn tôi mong cầu con theo ý mình, tôi muốn con nhanh chóng để còn làm bài tập. Tôi muốn con bỏ những thói quen xấu để con tiến bộ. Tôi cảm thấy bất lực khi con không nghe lời và nhiều lần tái phạm.
Suy cho cùng thì nguyên nhân vẫn đến từ tôi, do tôi quá mong cầu và tôi không biết cách quản lý tốt cảm xúc của mình, còn con tôi chỉ là cái quả được kết lại từ tôi. Vẫn có câu cha mẹ chỉ có thể trao cho con những gì mình có. Mình quản lý cảm xúc kém thì làm sao đòi hỏi con phải đủ bình tĩnh trước mọi chuyện được. Dần dà con tiếp thu những hành động đó từ tôi và một ngày con bộc lộ ra ngoài theo đúng cách tôi hành xử với con.
Nếu tôi còn không tìm hiểu và sửa đổi chính mình thì cả tôi và con trở thành 1 người khó chịu, không điều khiển được cảm xúc và hành vi của mình, luôn suy nghĩ và hành động tiêu cực và trở thành một người đau khổ.
Thật sự thì tôi đã thực hành những phương pháp được hướng dẫn nhưng trong tôi vẫn có gì đó vướng mắc. Tôi lại đi tìm nguyên nhân tại sao tôi lại như vậy để giải đáp nút thắt trong lòng.
Tôi ngồi tĩnh lặng, quan sát lại mình. Tôi thấy nét mặt tôi không được tươi tắn dù cười, tôi thấy mình luôn có suy tư, tôi thấy mình luôn phải gồng mình lên để diễn, tôi chưa bao giờ được làm chính tôi. Tôi sống cùng chồng và 2 đứa con, chồng đi làm sáng sớm, 9 tới 10 giờ đêm mới về. Lúc tôi sinh bé thứ 2 thì bé đầu cũng vào lớp 1, thời dịch dã, bé học online. Tôi ở ngoại 2 tháng, rồi về nhà, một mình tôi chăm lo cho cả 2 đứa con và lo việc nhà. Lúc bé thứ 2 lớn hơn thì tôi địu đứa bé, đưa đón đứa lớn đi học, mọi thứ cứ thế trôi đi, mỗi lúc mệt mỏi tôi lại động viên bản thân còn nhiều người vất vả hơn tôi và tôi lại tiếp tục. Cứ vậy, tôi có vẻ chẳng sao, nhưng bây giờ tôi nhận thấy mình dồn nén cảm xúc quá nhiều, tôi bị tổn thương, tôi vẫn luôn kìm nén những cảm xúc đó gần 2 năm. Cho tới khi bé nhỏ viêm tai hơn một tháng chưa khỏi, hằng đêm tôi mất ngủ, con chỉ ti mẹ mà không ăn, 2 bên ti rát lựt ra. có lẽ quá mệt mỏi mà chỉ vì câu chuyện cỏn con mà tôi đã đánh con.
Tôi thương tôi, tôi để cho mình được khóc, giải tỏa nỗi niềm,nước mắt chỉ chờ có cơ hội này để trào ra. Tôi thương con, đủ thiệt thòi, còn nhỏ mới đi học lớp 1 lớp 2 đã không được mẹ kèm cặp trong những năm học đầu đời, vì mẹ mà phải nghe bao nhiêu lời chỉ trích, con hay thở dài để giờ đây con lại đang trở thành phiên bản của mẹ.
Tôi nhận ra rằng chỉ khi tôi thấu hiểu bản thân mình thật sự, tôi mới có thể giúp chính mình trở nên tốt lên và lúc đó tôi mới có thể giúp con.
Về phần con, khi tôi thông suốt tôi nhận ra rằng, việc con hành xử như vậy chẳng có gì to tát cả chỉ là con cần sự ghi nhận cảm xúc của con trong lúc đó là con đang xem rất vui, con muốn xem nốt, con chưa muốn ăn cơm. Do tôi chưa có trao đổi cụ thể về khung thời gian con được xem hoạt hình, nên con khá khó chịu ấm ức khi phải tắt ngang.Con chưa có năng lực quản lý cảm xúc nên hành xử theo cách mẹ làm với con.Con còn lệ thuộc vào mẹ, cần mẹ đồng hành trong học tập, vui chơi.
Sau khi nhận ra vấn đề tôi quyết định cùng con sửa đổi:
Tôi chấp nhận cảm xúc của mình, và sẵn sàng chia sẻ lại với con về nó, rằng mình đang cảm thấy như thế nào khi con hành xử như vậy, và nhờ con giúp đưa ra giải pháp giúp tôi, từ đó con sẽ biết đứng vào vị trí của người khác để nhìn nhận.
Tôi cũng chấp nhận cảm xúc của con và lắng nghe con chia sẻ về nó, để tìm hiểu nguyên nhân thật sự ở đâu để giúp con.
Tôi cố gắng sắp xếp thời gian mỗi ngày để cùng con học bài, giúp con lấy lại hứng thú trong học tập.
Tôi chỉ định hướng và tôn trọng quyết định của con, dù đúng hay sai, sau trải nghiệm con sẽ rút ra bài học cho mình.
Cùng con làm việc thiện,đọc sách để nuôi dưỡng trái tim yêu thương, nuôi dưỡng ước mơ trong con.
Mới đầu có tôi cảm thấy khó thực hiện, những lúc như vậy tôi thành thật với bản thân, thành thật với con, xin lỗi con khi cần thiết. Trẻ con rất đáng yêu, dễ giận dễ quên, dễ bao dung hơn chúng ta đó. Thế rồi tôi làm lại, con trở nên vui vẻ hơn,thích kể chuyện chia sẻ cùng mẹ, học hành cũng ít phải nhắc nhở, và tôi cũng vậy, cũng vui hơn trước, hiểu con hơn, hiểu mình hơn.
Nuôi dạy con là một hành trình dài, bước chân trên hành trình này sẽ giúp cả ta và con đều trưởng thành hơn. Và tôi vẫn đang chỉ bắt đầu hành trình đó mà thôi, sẽ có rất nhiều sai sót hơn nữa xảy đến, quan trọng là cách ta đón nhận và sửa chữa như thế nào.
Điều tôi muốn nói với bạn rằng: cha mẹ là nhân, con cái là quả, chúng ta chỉ thể cho con những gì chúng ta có, nhìn cây sửa đất nhìn con sửa mình, bạn hãy quay vào bên trong để thấu hiểu mình, chấp nhận mình, yêu thương chính bản thân. Khi bạn tốt lên, con bạn cũng sẽ tốt lên.