Bảo vệ trẻ em khỏi nạn bạo hành - Bạo lực tinh thần.
Một số đường dây thông tin liên hệ ngay cả khi người ngoài là bất cứ ai, nếu phát hiện trẻ em bị xâm hại, bạo hành hãy liên hệ ngay tới tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em là dịch vụ công đặc biệt thành lập theo quy định của Luật Trẻ em 2016, chịu sự quản lý của Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Truyền thông thuộc Cục Trẻ em để được hỗ trợ.
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, hãy thông tin, báo cáo ngay qua:
- Số điện thoại tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111
- Ứng dụng Tổng đài 111
Và hãy an ủi, chia sẻ với nạn thân thay vì ép các bé phải kể lại những gì đã xảy ra.
Nhắc tới bạo hành, đa phần chúng ta thường nghĩ tới những di chứng vật lý để lại trên cơ thể như vết bầm tím. Tuy nhiên, bạo lực còn tồn tại dưới dạng lời nói. Đây chính là một dạng của bạo hành cảm xúc. Bản thân những lời la mắng xối xả, miệt thị, được bình thường hóa trong đời sống hàng ngày có tác động mạnh mẽ, tương đương những trận đòn roi.
Bạo lực tinh thần còn được gọi là bạo lực tình cảm, bạo lực tâm lý. Hành vi bạo lực tinh thần bao gồm: Chửi mắng, hạ nhục với những lời lẽ thô thiển, nặng nề; Gây áp lực thường xuyên về tâm lý…
Những hành vi này mặc dù không tác động trực tiếp đến sức khỏe về mặt thể chất nhưng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và sự phát triển tâm lý của trẻ em.
Ước tính tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em và vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần rơi vào khoảng 8-29%, và đa số các em đều không được phát hiện và điều trị. ⅓ số em học sinh THCS cũng đã từng có suy nghĩ muốn tự tử. Nguyên nhân sâu xa của việc này có thể tới từ việc các em thường xuyên phải sống dưới áp lực từ những câu nói của phụ huynh. Nói không đâu xa chính là thói quen so sánh với “con nhà người ta” và đặt ra những kỳ vọng vượt quá khả năng của các em.
Ngoài ra, kiểu cha mẹ thao túng cũng thường xuyên lờ đi những nỗi lòng của trẻ và cho rằng đó là chuyện cỏn con. Việc áp đặt suy nghĩ lên trẻ cũng khiến chúng mất khả năng phán đoán và sự tự tin.
Theo bà Vũ Kim Nga, nhân viên Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, số liệu thống kê của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em, kể từ khi xuất hiện đại dịch Covid 19 đến nay số lượng trẻ gọi điện đến không gia tăng nhưng nội dung cuộc gọi đã nảy sinh nhiều vấn đề mới. Cụ thể, trước đại dịch trẻ gặp ít sang chấn tâm lý, ít trầm cảm hơn nhưng trong và sau dịch nhiều trẻ đã gọi chia sẻ tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, trầm cảm. Nguyên nhân có thể do trẻ ở nhà quá nhiều, dẫn đến bí bách cộng thêm mâu thuẫn khó giải quyết trong các mối quan hệ với bố mẹ, người thân. Ví dụ có một em chia sẻ rằng, em ở với bố, không bị đánh đập nhưng bị bạo hành tinh thần. Hằng ngày, qua những lời nói, mắng mỏ ông đã khiến em rất tổn thương. Điều đáng nói, thời gian gần đây, đơn vị nhận được nhiều cuộc gọi liên quan đến việc trẻ em bị bố mẹ bạo hành tinh thần. Trẻ cho rằng, phụ huynh không thấu hiểu con cái dẫn đến chửi mắng, sử dụng những từ ngữ khiến con tổn thương. Tình trạng này gia tăng ở học sinh ở bậc THCS – THPT.
Nguồn tham khảo:
Bỏ bê và không chăm sóc trẻ em cũng được tính là bạo hành. Hành vi vô trách nhiệm này bao gồm sự thiếu quan tâm và chăm sóc về mặt thể chất, cảm xúc, tâm lý, y tế và giáo dục. Một phần nguyên nhân của việc này tới từ hoàn cảnh gia đình, giá trị văn hóa hay tiêu chuẩn trong việc nuôi dạy trẻ. Đây là lý do mà trong nhiều gia đình, vai trò của cha mẹ và con cái bị đổi vai. Những đứa trẻ trong nhà bị “phụ huynh hóa" khi phải gánh vai trò tự chăm sóc cho bản thân và cả anh/chị/em. Quan niệm dạy dỗ trẻ học cách tự lập sớm đôi khi lại phản tác dụng.
Chúng ta, hầu như ai cũng từng chứng kiến một trong những hình thức bạo hành tinh thần trẻ em: từ việc chế giễu, chê bai đến chửi mắng, mạt sát hay sỉ nhục… Nhưng điều nguy hiểm là đôi khi, chúng ta coi đó là chuyện bình thường, và vì vậy, chúng ta đã chấp nhận, thậm chí còn đồng tình, ủng hộ.
Ở trong gia đình, đứa trẻ có biểu hiện kém cỏi hơn người anh, chị hoặc em của chúng có thể bị cha mẹ đem ra so sánh, chê bai. Lâu dần, những lời chê bai đó làm cho đứa trẻ bị tổn thương nặng nề, sinh ra tự ti, chán ghét mọi người, và nhất là chán ghét chính người anh/em/chị mà nó bị đem ra so sánh. Đó chính là hậu quả của việc đứa trẻ đó bị cha mẹ bạo hành về mặt tinh thần.
Tính cách của trẻ phụ thuộc rất nhiều vào môi trường sống của trẻ, trong đó gia đình và cha mẹ chính là yếu tố tác động nhiều nhất. Việc trẻ bị bạo hành tinh thần quá nhiều có thể khiến con trở nên nhút nhát, e dè tất cả mọi người hoặc trở nên có xu hướng bạo lực, luôn bắt nạt kẻ khác. Tâm lý trẻ trở nên lệch lạc, có những suy nghĩ trái với chuẩn mực đạo đức xã hội nhưng mang mục đích như một tấm áo giáp bảo vệ bản thân khỏi những điều tổn thương ở xung quanh.
Chẳng hạn trẻ có thể có suy nghĩ là mình cũng phải chửi bới, đánh đập người khác thì họ mới tôn trọng mình. Trẻ sẽ có xu hướng bắt nạt những kẻ yếu hơn để làm thỏa mãn cảm xúc, ấm ức mà con phải chịu khi ở nhà. Hằng ngày bị cha mẹ coi thường, sỉ nhục, không công nhận nỗ lực của bản thân thậm chí khiến con có xu hướng thù hằn cha mẹ và lên kế hoạch trả thù. Tình trạng này rất dễ xảy ra ở nhóm trẻ vị thành niên đang có sự thay đổi lớn về mặt nhận thức và tính cách.
Một số khác lại có xu hướng nhút nhát, sợ hãi, luôn cảm thấy tự ti về chính mình. Vì không được ai giúp đỡ nên những suy nghĩ tiêu cực, độc hại ngày càng ăn sâu vào trong tâm lý khiến tâm lý trẻ ngày càng đi vào con đường sai trái, lệch lạc. Lòng tự trọng của trẻ ngày càng bị hạ thấp dẫn đến việc trẻ có thể làm nhiều việc sai trái khi có ai đó đe dọa hoặc lợi dụng sự yếu đuối của trẻ.
Việc trẻ phải chịu những lời mắng chửi hằng ngày đã để lại những di chứng nặng nề trong tâm lý. Trẻ có thể gặp ác mộng thường xuyên, luôn cảm thấy văng vẳng tiếng miệt thị của cha mẹ, làm gì cũng lo lắng rằng phụ huynh sẽ không hài lòng, không được chấp nhận. Bản thân trẻ ngày càng mất tự tin vào bản thân, tin rằng những gì người khác nói về mình là đúng và ngày càng tổn thương nhiều hơn.
Ở trường học, một học sinh học kém có thể bị cô giáo thường xuyên chê bai trước mặt bạn bè, có những lời nhận xét không hay… sẽ trở nên khó gần, thậm chí trở nên ngỗ nghịch, đánh lại bạn bè hoặc chống đối lại thầy cô. Đã có những trường hợp do bị cô giáo miệt thị, mắng chửi, phạt… trẻ đã không thể chịu đựng nổi nỗi nhục mà dẫn đến tự tử. Phổ biến nhất là tình trạng giáo viên mầm non dọa trẻ “cho vào hang chuột” hay “nhốt vào nhà kho” khiến trẻ coi việc đến lớp là một điều kinh hoàng.
Bạo hành tinh thần trẻ em có thể gây ra hàng loạt các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, ám ảnh sợ xã hội.. trẻ ngày càng không muốn ra ngoài giao tiếp hay nói chuyện với ai, cả ngày chỉ muốn ở trong nhà vì sợ hãi. Thế nhưng nếu ở trong nhà lại phải nghe sự miệt thị từ phụ huynh khiến con trở nên cô đơn lạc lõng, bơ vơ, không biết đi đâu về đâu. Một số trẻ có xu hướng tự làm đau bản thân bằng cách rạch tay, bứt tóc hay tự tử nếu không được phát hiện kịp thời.
Đặc biệt tình trạng này sẽ nghiêm trọng hơn nếu người bạo hành tinh thần trẻ là cha mẹ. Ngay cả việc trẻ có vấn đề về tâm lý hay tự làm đau chính mình không phải lúc nào cũng có thể thay đổi được cha mẹ. Bởi chất của những cha mẹ bạo hành tâm lý con cái thường là những người tiêu cực, gia trưởng, luôn cho mình đúng, luôn áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác. Họ không thể nào tin việc mình nói như thế có thể khiến con tổn thương đến tự tử, thậm chí còn mạt sát và bạo hành tâm lý con nhiều hơn vì dám đổ lỗi cho họ.
Hiện nay vẫn chưa có chế tài hay điều luật nào xử phạt việc bố mẹ mắng chửi, bạo hành tinh thần con cái khiến cho vấn nạn này vẫn tiếp diễn ở khắp mọi nơi. Trẻ bị bạo hành tinh thần sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mặt tâm lý, tính cách kỳ quặc, luôn có xu hướng tiêu cực. Một số trẻ có thể nảy sinh ý nghĩ thù hằn, muốn trả thù hay thậm chí là tìm cách thực hiện điều đấy. Nếu tình trạng này kéo dài suốt cả tuổi thơ có thể tác động trực tiếp đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ nhỏ.
Nếu bạo hành về mặt thể xác, những người xung quanh có thể tìm cách giúp đỡ trẻ và xử phạt kẻ bạo hành nhưng nếu chỉ thông qua lời nói thì rất khó có thể giúp đỡ vì phụ huynh có thể cho rằng do con hư nên phải chửi như thế để dạy con.
Trẻ bị bạo hành tinh thần trong suốt thời thơ ấu, lớn lên cùng với những lời mắng chửi, sự tiêu cực có thể sẽ trở thành một “phiên bản nâng cấp” hơn cả những người mà chúng từng thù hằn.
Hầu hết việc bị bạo lực ngôn từ hằng ngày thường khiến trẻ không còn tâm lý để học tập, có xu hướng bỏ học và tìm cách thoát ra ngoài sớm. Bởi trẻ đã có tâm lý lệch lạc nên có thể dùng các hành vi tâm lý của mình tìm cách bắt nạt kẻ khác hay làm các công việc liên quan đến bạo lực. Ở tuổi vị thành niên hay trưởng thành, trẻ có thể rơi vào vòng lao lý của pháp luật bởi những hành vi của mình.
Ở những trẻ bị người khác bạo hành vẫn có thể được cải thiện sớm hơn bởi bên cạnh trẻvẫn có gia đình, người thân, cha mẹ sẵn sàng đứng ra bảo vệ và giúp đỡ kịp thời. Nhưng nếu kẻ bạo hành chính là cha mẹ thì trẻ khó thoát khỏi những đau khổ của bản thân nếu không tìm kiếm được ai khác giúp đỡ.
Tuy nhiên cũng có những trẻ cố gắng học tập thành tài để sớm thoát ra khỏi gia đình, trở thành một người có ý nghĩ, không giống với cha hoặc mẹ.
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam (Unicef) năm 2019 từng đưa ra thống kê: Có gần 70% trẻ em từng bị bạo hành về thể chất hoặc tinh thần. Ngoài ra, theo Tổ chức Y tế Thế giới, 20% trẻ em và vị thành niên có rối loạn tâm thần, 50% khởi phát ở độ tuổi 14. Trầm cảm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tàn tật ở trẻ vị thành niên. Tự tử là nguyên nhân thứ ba gây tử vong ở lứa tuổi 15/19.
Những con số ấy thực chất chỉ là bề nổi của tảng băng. Phần chìm của nó là những hành hạ tinh thần trong gia đình đối với trẻ mà nhiều khi các bậc cha mẹ còn không biết mình đang thực hiện. Là những vụ việc bạo lực, hành hạ, xâm hại trẻ lẩn khuất trong đời sống mà chỉ mình trẻ chịu đựng, không một ai biết. Hàng loạt kênh video độc hại, bạo lực đang tràn lan trên mạng xã hội, chiếu công khai, nhồi nhét những điều xấu, nguy hiểm vào đầu con trẻ nhưng vẫn chưa biết khi nào được dẹp bỏ. Có nhiều trường hợp đau lòng, các em mất đi niềm vui cuộc sống, rơi vào khủng hoảng và tự kết liễu cuộc đời mình.
Để giảm bớt tỉ lệ bạo hành thể chất và tinh thần trẻ cần phải có sự chung tay của toàn xã hội. Là sự tích cực của cha mẹ tự trang bị kiến thức, thông tin và kĩ năng dạy con. Là một thế hệ nhà giáo được quán triệt tinh thần không dùng bạo lực đối xử với học sinh, cũng như trang bị kĩ năng nhận diện bạo lực học đường để hỗ trợ các em. Là các cơ quan chức năng có trách nhiệm hơn, mạnh tay hơn trong gỡ bỏ kênh xấu trên mạng xã hội, trả lại môi trường mạng trong sạch cho các em.
Việc giúp đỡ trẻ bị bạo hành tinh thần còn phụ thuộc vào đối tượng bạo hành là ai? là người thân hay những người ngoài gia đình, bạo hành thông qua hình thức nào. Thực tế nếu đối tượng bạo hành là người ngoài thì mức độ ảnh hưởng đến tâm lý sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều bởi vẫn có cha mẹ bên cạnh giúp đỡ, yêu thương. Những nếu đối tượng bạo hành là người trong gia đình, là cha mẹ ruột thì thực sự rất khó khăn, đòi hỏi phải có các ban ngành liên quan can thiệp. Hãy chia sẻ với những người trẻ tin tưởng, chẳng hạn như ông bà, cô chú hay cô giáo để tìm sự giúp đỡ.
Nhưng hơn hết, trẻ cần có sự dũng cảm, dám đứng lên nói ra sự thật rằng mình đang bị bắt nạt, bị sỉ nhục dù cho đối tượng đó là ai. Bởi bạo hành tinh thần thường không có những vết tích thực thể như khi bị bạo hành thể xác nên nếu bản thân trẻ không nói ra sẽ rất khó phát hiện. Vì vậy để được giúp đỡ, nhất là khi người bạo hành tinh thần là cha mẹ thì trẻ cần phải dũng cảm nói ra sự thật.
Một vài trường hợp trẻ cần phải thực hiện trị liệu tâm lý để giải tỏa những điều tiêu cực, độc hại trong tâm lý, hướng đến những điều tích cực và tìm lại bản thân. Trẻ nhỏ cần được sống một cách vô tư hồn nhiên, không lo nghĩ nhiều, luôn luôn vui cười và các chuyên gia tâm lý sẽ là người giúp đỡ, đưa con về với đúng lứa tuổi của mình. Các biện pháp này cần được tiến hành càng sớm càng tốt để giúp trẻ phát triển toàn diện về cả trí tuệ, quá trình hình thành nhân cách và tiến đến tương lai tốt đẹp hơn.
Trên thực tế, việc trẻ bị bạo hành tinh thần hiện nay khá phổ biến do rất nhiều thứ xung quanh tác động. Gia đình và nhà trường cần có biện pháp quan tâm chăm sóc đến trẻ em nhiều hơn, chăm sóc đời sống tinh thần và thể chất nếu thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường về mặt tâm lý. Hơn hết việc bảo vệ trẻ em khỏi việc bị bạo hành về tinh thần hay thể chất là trách nhiệm của toàn xã hội nên mỗi người chúng ta cũng cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này.
Và cần lắm trách nhiệm của toàn xã hội trong việc nhận diện, tố cáo những vụ việc bạo hành, góp phần kịp thời cứu các em nhỏ khỏi nỗi đau thể xác, tinh thần, trừng phạt kẻ gây tội để họ trả giá vì hành vi của mình và cũng để răn đe, năng cao tinh thần thượng tôn pháp luật, ý thức bảo vệ trẻ em.
Cảm ơn các bạn đã đồng hành cùng mình trong bài viết trên, mình rất mong nhận được thêm ý kiến đóng góp của các bạn! ❤️