Bảo hiểm nhân thọ là công cụ đầy rủi ro!!! - phần 1

  1. Đầu tư & Tài chính

Mua bảo hiểm nhân thọ là để bảo vệ tài chính. Khoan khoan, bạn có chắc không đấy?

Vẫn có 1 loại bảo hiểm mà mua rồi thì người mua vẫn phải chịu trách nhiệm quản lý rủi ro, đó là loại bảo hiểm liên kết đầu tư. Có 2 dạng sản phẩm trong loại này là dạng liên kết chung (tên tiếng Anh: Universal Life) và liên kết đơn vị (tên tiếng Anh: Unit-Linked hoặc Variable Universal Life).

Trong 2 dạng sản phẩm cơ bản của bảo hiểm nhân thọ là, sản phẩm kỳ hạn và trọn đời, bên mua bảo hiểm sẽ chỉ phải trả phí bảo hiểm. Những trách nhiệm tài chính khác sẽ do công ty bảo hiểm gánh.

Với dạng sản phầm liên kết đầu tư, phí bảo hiểm có thể sẽ thấp hơn dạng BH trọn đời, đi kèm với đó là khả năng có thể tăng tích lũy nhờ đầu tư, nhưng đồng thời rủi ro về tính hiệu lực hợp đồng lại đẩy về phía người mua. Điều này nghĩa là sao? Dạng sản phẩm này cam kết sẽ còn hiệu lực hợp đồng chừng nào giá trị tài khoản còn đủ tiền. Giá trị tài khoản này có thể tăng hoặc giảm tùy thuộc vào việc người mua có duy trì đóng phí và kết quả đầu tư có thuận lợi hay không.

Nếu như trong hợp đồng trọn đời, bạn đóng phí 15 năm và sau đó chắc chắn được bảo vệ trọn đời, thì trong hợp đồng liên kết đầu tư, bạn vẫn có thể bị mất hiệu lực hợp đồng dù đã đóng phí 15 hay thậm chí 20 năm. Lý do? Như đã nói, có thể do kết quả đầu tư không thuận lợi, dẫn đến số tiền bạn có trong tài khoản bảo hiểm này không đủ để trả phí BH rủi ro và hợp đồng mất hiệu lực. Vậy công ty BH có lời hứa gì cho bạn hay không? Có và không. Họ có hứa 1 mức lãi suất cam kết và mức này rất thấp, lại còn giảm dần theo thời gian. Họ không cam kết rằng hợp đồng này sẽ luôn có hiệu lực và bạn luôn được bảo vệ, bạn phải tự hoạch định kỹ càng, theo dõi kết quả đầu tư và giá trị tài khoản để nếu có hết tiền mà còn muốn tiếp tục được bảo vệ thì bạn phải bỏ thêm tiền vào.

Điểm khác biệt giữa loại liên kết chung và liên kết đơn vị là với dạng bảo hiểm đầu tư liên kết chung, bạn chịu trách nhiệm cho những khoản phí bảo hiểm sẽ gia tăng trong tương lai và tài khoản của bạn không đủ tiền; với bảo hiểm đầu tư liên kết đơn vị, bạn chịu trách nhiệm hoàn toàn cho kết quả của các quỹ đầu tư mà bạn đã chọn trước đó.

Nói 1 chút về sự ra đời của dạng bảo hiểm liên kết đầu tư này. Hoa Kỳ, thập niên 70, 80 thế kỷ trước, trong bối cảnh lãi suất và lợi tức đầu tư tăng cao, việc bỏ tiền vào bảo hiểm ngoài bảo vệ, thì tiết kiệm bằng bảo hiểm bỗng dưng không còn hấp dẫn, khiến bảo hiểm nhân thọ gặp khó khăn. Để cạnh tranh với các sản phẩm tài chính khác, dạng sản phẩm liên kết đầu tư ra đời. Hơn 20 năm sau, tình hình đã khác, nhiều người mua dạng sản phẩm này đã chứng kiến những khoản phí bảo hiểm tăng cao đột biến, trong khi đó lợi tức thì suy giảm, không còn nhiều hứa hẹn như trước nữa. Bảo hiểm liên kết đầu tư, ban đầu được xem như là phiên bản "tinh gọn" của sản phẩm trọn đời, nhưng rốt cuộc ngay lúc này, chi phí nó còn cao hơn nữa trong khi đó khả năng mất hiệu lực cũng cao không kém, điều mà bạn sẽ không gặp nếu đã đóng đủ phí ở hợp đồng trọn đời thứ thiệt.

Nếu đã xác định mục đích của bảo hiểm là để quản trị rủi ro, thì bảo hiểm liên kết đầu tư đang đặt nhiều trách nhiệm quản lý rủi ro cả về rủi ro được bảo hiểm lẫn rủi ro đầu tư vào tay của người mua bảo hiểm. Một cây bút nổi tiếng về tài chính, Garrett Gunderson có câu nói rằng “self-insurance is really no insurance", tức "tự bảo hiểm tức thực ra là không có bảo hiểm", hay nói cách khác là bạn không thực sự dùng bảo hiểm để quản trị rủi ro của mình.

Về dạng sản phẩm này, hiện 100% các công ty bảo hiểm nhân thọ đều đẩy mạnh, thậm chí có công ty đến 80% sản phẩm thuộc dạng này. Có thể kể vài tên như PruLink, Điểm tựa đầu tư, Gia đình tôi yêu, Kế hoạch tài chính trọn đời, An tâm trọn đời, An phúc ưu việt, ... Nên, khi bạn đi mua sẽ không tránh khỏi gặp các đại lý tư vấn loại sản phẩm liên kết đầu tư. Lý do nữa cho sự "bùng nổ" của loại sản phẩm này là vì nó phù hợp với tình hình tài chính và nhu cầu được bảo hiểm nhưng vẫn có tích lũy của bạn nữa.

Có thể bạn đã thấy rối hơn với bảo hiểm nhân thọ và chuyện bảo vệ tài chính. Thực ra, tình hình sẽ không bi đát như thế nếu bạn có thể chọn ra được một người tư vấn đủ năng lực để giúp bạn hoạch định, quản lý rủi ro qua bảo hiểm và lựa chọn, kết hợp các loại bảo hiểm khác nhau để phù hợp với bạn; đồng thời, bạn cũng cần tự trang bị những hiểu biết cần thiết để có thể tự mình quản lý tình hình tài chính của bản thân và gia đình.

Từ khóa: 

bảo hiểm

,

bảo hiểm nhân thọ

,

hoạch định tài chính

,

bảo vệ tài chính

,

rủi ro

,

đầu tư & tài chính

Mình vẫn lờ mờ cái này
Trả lời
Mình vẫn lờ mờ cái này