Bàn về vai trò và tính dân chủ của người dùng trong Quản trị Truyền thông (Media Governance) (P.2)
Ở phần trước, chúng ta đã đề cập đến các vai trò khác nhau của người dùng trong quá trình Quản trị Truyền thông. Theo đó, khi người dùng tham gia vào quá trình này với vài trò như những công dân, mức độ cao nhất của tính dân chủ trong truyền thông có thể đạt được.
Để giúp cho người dùng có khả năng đóng vai trò như những công dân trong các hoạt động truyền thông, giải pháp áp dụng mô hình "xã hội dân sự" (civil society) cùng với việc thiết lập các không gian cộng đồng (public sphere) của tiến sỹ Uwe Hasebrink, đại học Hamburg, Đức, đã được đề ra ở
Trong phần này, các hình thức cụ thể để áp dụng mô hình xã hội dân sự vào Quản trị Truyền thông sẽ được đề cập và bàn luận.
Các hình thức áp dụng mô hình xã hội dân sự vào Quản trị Truyền thông
1/ Đại diện tại các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền
Đây là hình thức dân chủ hóa quá trình Quản trị Truyền thông thông qua việc người dùng có thể tự bầu chọn ra các đại diện của mình - những cá nhân mà họ tin tưởng - ở trong các cơ quan và tổ chức có thẩm quyền. Khi đó, mọi xung đột về lợi ích giữa người dùng và phía chính quyền cùng các công ty truyền thông sẽ được thảo luận với các đại diện trung gian này.
Một số rủi ro gắn liền với hình thức này là bản thân các đại diện trung gian này thường phải đóng cùng lúc cả 2 vai trò: đại diện của người dùng, và các bên hữu quan (stakeholders) của các cơ quan và tổ chức.
*Các bên hữu quan (stakeholders) có thể được hiểu là những người hoặc nhóm có ảnh hưởng tới sự sinh tồn và phát triển của một công ty hoặc tổ chức, và do đó cũng sẽ chịu chung sự ảnh hưởng nếu công ty hoặc tổ chức của họ gặp trở ngại. Ví dụ: nhân viên công ty, khách hàng, nhà cung cấp, gia đình của nhân viên công ty, v.v...
Nguồn: study.com
Chính vì mang 2 vai trò rất xung đột này, nên đôi lúc các đại diện cũng không thể giải quyết triệt để các kiến nghị của người dùng. Ngoài ra, do các cơ quan có thẩm quyền thường làm việc thông qua các đại diện, nên họ có khuynh hướng không chấp nhận các kiến nghị được gửi đến một cách trực tiếp từ người dùng.
2/ Các nền tảng truyền thông, thông tin (communication platforms)
Các nền tảng truyền thông, thông tin này (cả môi trường online và offline) là nơi để người dùng có thể liên hệ và thảo luận trực tiếp về các vấn đề truyền thông với các cơ quan chức năng hoặc hành pháp (regulatory authorities). Với hình thức này, do người dùng có thể làm việc trực tiếp với các cơ quan có thẩm quyền, nên các giải pháp thường được đảm bảo sẽ mang lại lợi ích chung cho toàn cộng đồng.
Ngoài ra, do đặc tính hoạt động của các nền tảng này là trực tiếp, ngắn gọn và nhanh chóng, nên cho dù người dùng không có vốn hiểu biết sâu rộng về quá trình Quản trị Truyền thông vẫn có thể tham gia.
Một rủi ro đến từ hình thức này là các kiến nghị của người dùng thường không chắc chắn có thể được giải quyết.
3/ Các thủ tục khiếu nại, than phiền
Hình thức này khá phổ biến ở một số quốc gia châu Âu. Với hình thức này, người dùng có thể gửi các đơn khiếu nại và than phiền một cách trực tiếp đến các cơ quan hành pháp, công ty truyền thông. Hình thức này khác với hình thức nền tảng truyền thông, thông tin ở chỗ nó thường tập trung vào giải quyết các vấn đề về bảo vệ quyền lợi của người dùng. Vì lý do đó, nhóm người dùng với vai trò như những người cần được bảo vệ về mặt quyền lợi (xem lại định nghĩa tại Phần 1) có thể thu được lợi ích từ hình thức này.
Tuy nhiên, rủi ro chính đến từ hình thức này là vì truyền thông đại chúng thường phải đáp ứng nhu cầu của đại chúng, nên các khiếu nại hoặc than phiền mang tính quá cá nhân thường bị bỏ qua.
Nguồn: cartoonstock.com
4/ Khảo sát người dùng
Hình thức này vốn rất quen thuộc đối với ngành công nghiệp quảng cáo và marketing. Nhưng ở đây người dùng thường chỉ được khảo sát, nghiên cứu và đánh giá trên vai trò những khách hàng tiềm năng. Do đó, các công ty truyền thông thường bỏ qua và không khảo sát đến những vấn đề như mức độ hài lòng của người dùng khi tiêu thụ những sản phẩm và nội dung truyền thông, cũng như những quyền lợi của họ. Đây cũng chính là những vấn đề mà tiến sỹ Hasebrink muốn định hướng cho hình thức khảo sát người dùng hiện nay.
Một rủi ro của hình thức này là do thường phải sử dụng các đơn khảo sát theo chuẩn (standardized surveys) nên khó tiếp cận được tất cả các vấn đề cá nhân của từng người dùng.
5/ Liên hiệp người dùng (media users' associations)
Hình thức này cũng khá phổ biến ở các quốc gia châu Âu, đặc biệt là khu vực Bắc Âu. Bởi vì các liên hiệp người dùng là do một tập thể người dùng tạo thành, nên chúng thường tập trung giải quyết được nhiều vấn đề xoay quanh người dùng, cả vấn đề cá nhân nhỏ lẻ lẫn vấn đề chung đối với toàn bộ người dùng.
Tuy nhiên, tính hiệu quả của hình thức này có vẻ chưa được rõ ràng, vì theo Hasebrink, có nhiều quốc gia dù đã áp dụng hình thức này nhưng mức độ tham gia của người dùng vào Quản trị Truyền thông vẫn còn thấp, và ngược lại. Ngoài ra, khuynh hướng "vận động hành lang" (lobbying) cũng là một khía cạnh gây tranh cãi khác của hình thức này.
Nguồn: WorldArtsMe
Lời kết
Như vậy, mỗi hình thức áp dụng mô hình xã hội dân sự có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau. Có lẽ, phương cách áp dụng tốt nhất chính là sự kết hợp của tất cả các hình thức trên. Để thực hiện điều đó, trước hết người dùng cần hiểu được vai trò và quyền lợi của mình, đồng thời liên tục quan sát và đánh giá mức độ hài lòng của mình đối với hệ thống truyền thông xung quanh.
Nguồn:
Hasebrink, U. (2012) "The Role of the Audience within Media Governance: the neglected dimension of media literacty".
Denise, T. (2009) Khái niệm Stakeholder. Link:
Nguyen, G. & Bui, H. (2010) Tri tạo truyền thông - Một cách tiếp cận mới trong giáo dục. Link: