Bàn về vai trò và tính dân chủ của người dùng trong Quản trị Truyền thông (Media Governance) (P.1)
Sự phát triển bùng nổ của Internet và mạng xã hội thời buổi hiện nay đã tạo nên nền tảng (platform) cho sự tương tác 2 chiều giữa công dân - người sử dụng Internet và các cơ quan quản lý, các chính phủ, cùng các công ty truyền thông.
Ngoài việc truy cập thông tin và dữ liệu trên Internet, người dùng hiện nay còn có thể chủ động tạo ra và chia sẻ các nội dung và tài liệu online, khác xa với thời kì Web 1.0 - diễn ra vào khoảng cuối thập niên 90, tiền thân của Internet, khi mà người dùng chỉ đơn thuần truy cập và đọc thông tin một chiều.
Như vậy, có thể nói Internet đã góp phần tạo ra tiền đề cho sự phát triển của một nền công nghiệp truyền thông tự do hơn, đa chiều hơn, dân chủ hơn, ngoại trừ ở một số quốc gia, nơi ban hành những luật lệ kiểm duyệt truyền thông (media censorship) nghiêm ngặt. Tuy nhiên, sự tự do kết nối, tạo ra và chia sẻ nội dung giữa người dùng đã thực sự là mức độ cao nhất của tính dân chủ trong việc sử dụng các nền tảng và sản phẩm truyền thông? Bởi vì rõ ràng là, về mặt kỹ thuật và nền tảng, truyền thông tương tác đương đại đã giúp tháo gỡ rất nhiều giới hạn cho người dùng, nhưng về mặt chính trị hoặc pháp luật, truyền thông vẫn là 1 sân chơi mà luật chơi được quyết định bởi các cơ quan quản lý và chính phủ.
1/ Khái niệm Quản trị Truyền Thông
Nghiên cứu của tiến sỹ Uwe Hasebrink, đại học Hamburg, Đức, chỉ ra rằng tính dân chủ của người dùng trong việc sử dụng các nền tảng và sản phẩm truyền thông trên thực tế có thể được phát triển lên một mức độ cao hơn nữa. Đó là khi người dùng không những có thể tự do tạo ra và chia sẻ các nội dung truyền thông, mà còn có thể trực tiếp tham gia vào quá trình Quản trị Truyền Thông (Media Governance), được định nghĩa là quy trình bao gồm cả việc thảo luận và đặt ra những quy tắc và điều lệ trong các hoạt động truyền thông về nhiều mặt như xã hội, chính trị, tư tưởng và kinh tế - vốn là công việc và chức năng của các cơ quan quản lý, các chính phủ và các công ty truyền thông, chứ không phải của người dùng.
2/ Các vai trò của người dùng trong Quản trị Truyền Thông
Trong nghiên cứu của mình, tiến sỹ Hasebrink đã chỉ ra rằng người dùng có khả năng đóng 3 vai trò chính khi tham gia vào quá trình truyền thông:
- Người dùng như khách hàng (media users as consumers): nhóm người dùng coi mình như khách hàng có khuynh hướng ưa thích những kênh và nguồn thông tin mang tính chất giải trí cao; nhóm này cũng có khuynh hướng ít quan tâm đến chất lượng của nội dung truyền thông.
- Người dùng như đối tượng cần được bảo vệ (media users as victims): nhóm này quan tâm về những quyền lợi của mình và ảnh hưởng tiêu cực đến từ những nội dung truyền thông mang tính tuyên truyền thông tin sai lệch (misinformation), bạo lực, khiêu dâm, quảng cáo trá hình (hidden commercial messages), v.v...
- Người dùng như công dân (media users as citizens): Nhóm này thường quan tâm về khía cạnh chính trị và văn hóa của truyền thông, cũng như tính khách quan và đột phá (innovativity) của nội dung truyền thông. Đây cũng là nhóm mà nghiên cứu của Hasebrink tập trung vào, bởi lẽ ông tin rằng chỉ trong vai trò như những công dân, người dùng mới có thể đạt được tính dân chủ ở mức cao nhất.
Ngoài ra người dùng cũng có thể đóng vai trò như "hàng hóa" (media users as commodity) vốn có liên hệ trực tiếp tới ngành công nghiệp quảng cáo đương đại, nhưng vai trò này không được đào sâu phân tích trong nghiên cứu của Hasebrink.
3/ Giải pháp cho Quản trị Truyền Thông dân chủ
Vậy, làm thế nào để người dùng có thể tham gia vào quá trình Quản trị Truyền thông, để thực hiện vai trò như những công dân? Hasebrink đã đề ra giải pháp rằng một mô hình "xã hội công dân", hoặc "xã hội dân sự" (civil society model) có thể được áp dụng vào quá trình Quản trị Truyền thông. Để thực hiện điều đó, trước hết chúng ta cần nắm rõ được khái niệm "xã hội dân sự" nghĩa là như thế nào:
"Xã hội dân sự" có thể được hiểu là một xã hội do công dân tự quản, ở một mức độ dân chủ tuyệt đối - nghĩa là quyền lực và quyền quyết định trong việc quản lý xã hội và đưa ra các chính sách được phân chia cho toàn bộ các thành viên trong xã hội, thay vì chỉ một nhóm nhỏ những nhà cầm quyền.
Nhờ vào bản chất dân chủ và phân quyền tuyệt đối của mô hình xã hội dân sự, nhiều vấn đề về mâu thuẫn giữa lợi ích của người dùng và các cơ quan quản lý, các chính phủ và các công ty truyền thông có thể được giải quyết. Tuy nhiên, theo tiến sỹ Hasebrink, quá trình này cần phải diễn ra từng bước và được tính toán tỉ mỉ, bởi truyền thông vẫn chịu ảnh hưởng to lớn từ các lĩnh vực chính trị, pháp luật và văn hóa. Theo Hasebrink, quá trình tương tác giữa người dùng và các cơ quan có thẩm quyền sẽ diễn ra tại "không gian cộng đồng" (public sphere), nơi người dùng có thể trực tiếp và tự do trao đổi và thảo luận các vấn đề Quản trị Truyền thông với các cơ quan có thẩm quyền.
Mô hình xã hội dân sự có thể được áp dụng cụ thể thông qua những hình thức nào, và có khả năng gặp phải những trở ngại, thách thức nào, mời bạn đọc tiếp tục tìm hiểu ở
Nguồn:
Hasebrink, U. (2012), "The Role of the Audience within Media Governance: The neglected dimension of media literacy".
The Observer (2015), "Tìm hiểu về xã hội công dân". Link: