Bàn về tôn giáo cổ Rasna
Tôn giáo và các nghi thức của người Rasna là một mảng rất quan trọng trong văn hóa của họ. Và họ nổi tiếng được biết đến với điều đó. Thực tế thì đây cũng là mảng về văn minh Rasna mà ta biết nhiều nhất.
Từ người La Mã, ta biết người Rasna viết về tôn giáo rất nhiều. Ta có bằng chứng khảo cổ về điều đó, ví dụ như Liber Linteus Zagrabiēnsis, cuốn “sách” dài nhất tiếng Rasna còn tồn tại, và nó viết về lịch của các nghi lễ. Mặc dù chào hỏi cơ bản bằng tiếng Rasna ta cũng còn không biết, nhưng ta lại biết được vô số từ vựng Rasna liên quan đến các nghi thức tôn giáo.
Arnobius gọi họ là mẹ của những mê tín: “genetrīx et māter superstitiōnum” (Adversus gentēs VII.26). Līvius thì gọi họ là một dân tộc quan tâm đến tôn giáo hơn hết thảy, và họ rất giỏi đào luyện nó: “gēns itaque ante omnēs aliās eō magis dēditā religiōnibus, quod excelleret arte colendī eās” (Ab urbe conditā V.1.6).
Khi nói đến tôn giáo của Rasna, không thể không nhắc đến cái chết và cái nhìn của họ về đời sau. Quả thật, phần lớn những gì người Rasna để lại đều liên quan đến cái chết (mồ mả, hòm quách, các vật trong các mộ, các chữ khắc trong mộ, tranh tường trong mộ, vân vân). Không những tôn giáo, những gì liên quan đến cái chết mà người Rasna để lại cũng là nguồn để chúng ta biết về đời sống, văn hóa, nghệ thuật, xã hội của họ.
Chúng ta chưa thực sự hiểu rõ được niềm tin của họ về cái chết, nhưng có lẽ nó không thống nhất hoặc/và có thay đổi. Ví dụ như mộ của các chặm khắc nổi (Tomba dei Rilievi), ta thấy nó được xây như một ngôi nhà với đủ các đồ đạc. Điều này cho thấy niềm tin về linh hồn hay bản thể của người chết, bằng một cách nào đó, gắn với thân xác của họ. Nhưng trước đó thì họ cũng có cả tục thiêu xác, mà điều này, theo Pallottino, là không khớp với niềm tin mà chúng ta biết được qua những ngôi mộ được xây như nhà. Ngoài ra, những ngôi mộ này không có nghĩa là họ không có niềm tin về việc linh hồn đến một nơi nào khác, bởi họ cũng có hai thần linh liên quan đến cái chết là Charun và Vanth.
Các thần linh Rasna và sự định hình của họ (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) bị ảnh hưởng bởi Hy Lạp là chính. Có nhiều thần linh hay các nhân vật thần thoại là y hệt của Hy Lạp. Trong khi đó, theo Pallottino, cũng có các thần linh khác của họ được biến đổi, xáo trộn, hay gộp lại, đều bởi ảnh hưởng Hy Lạp. Một ví dụ điển hình là Veltha, từ một thần linh bản địa được biến đổi thành một vị thần cao nhất.
Tuy có rất nhiều điểm tương đồng, tôn giáo cổ Hy-La vẫn khác biệt so với tôn giáo Rasna. Trong mối tương quan giữa con người và thần linh, tôn giáo Hy-La vẫn đặt cho con người một vai trò quan trọng. Trong khi đó, thần linh Rasna gần như làm chủ tất cả. Pallottino còn ví con người trong mối tương quan đó dường như chỉ là một bình luận viên trong vở kịch độc thoại của thần linh Rasna. Người Rasna coi trọng việc tìm kiếm ý của thần linh và họ làm mọi cách (qua các nghi thức tôn giáo) để làm điều đó. Và tất cả những nghi lễ này được khuôn phép hóa một cách cụ thể.
Trong khuôn phép đó có nhiều nghi thức và tục, nhưng nổi tiếng nhất là đọc các dấu từ thần linh trong nội tạng của thú bị sát tế, đặc biệt là gan. Mô hình gan làm bằng đồng ở Piacenza còn là một mô hình của vũ trụ, với các “mảng” trời được khắc tên các thần linh ngự trị.
Sự khuôn phép của người Rasna được thể hiện qua việc tuân theo lịch (như ví dụ về Liber Linteus Zagrabiēnsis kể trên) và các nghi lễ được miêu tả (nhưng ta không còn, chỉ biết về chúng chủ yếu qua các tác giả La Mã), không những về tôn giáo mà rất nhiều mảng khác. Dưới đây là một ví dụ:
“Các nghi lễ trong các sách của người Rasna được miêu tả, trong đó các nghi thức như thành lập thành phố, cày xới, thánh hiến nhà cửa, thánh hóa tường thành, luật về cổng, […]. “Rītuālēs nōminantur Etrūscōrum librī, in quibus perscrīptum est, quō rītū condantur urbēs, ārae, aedēs sacrentur, quā sānctitāte mūrī, quō iūre portae, […]” (Festus 358 L.) Người La Mã thừa hưởng lại nhiều nghi lễ của người Rasna. Và câu chuyện về việc thành lập La Mã và việc Remus chết được Plūtarchus (X) kể lại rằng anh ta đã phá các đường hào xây thành của Rōmulus theo nghi lễ. Līvius cũng kể lại rằng Remus đã nhảy qua các tường thành đang được dựng lên (I. 7). Việc không tôn trọng các nghi thức ấy nghiêm trọng đến mức Rōmulus giết luôn chính anh em song sinh của mình.
Kết
Chúng ta rốt cục cũng chỉ biết rất ít về tôn giáo cổ Rasna, dù đó là một trong những mảng ta biết nhiều nhất về họ. Lý do là chúng ta còn quá ít nguồn (văn chương và sách vở về tôn giáo của họ ta đều không còn)! Ngoài ra, chúng ta còn chưa hiểu hết về ngôn ngữ của họ để thực sự hiểu trọn vẹn những bằng chứng khảo cổ mà chúng ta còn. Theo tôi, các cổ vật không thể nào thay thế cho văn bản. H. J. Rose có đưa ra một ví dụ để ta thấy rõ hơn: Chúng ta nếu chỉ còn vài hình ảnh, đồ vật phụng vụ, và vài nhà thờ đổ nát (mà không còn lại Kinh Thánh hay các ghi chép của các thánh hay Giáo phụ), thì chúng ta biết ít về Kitô giáo đến nhường nào! Vậy nghiên cứu về Rasna có đáng không? Dĩ nhiên là có rồi. Tôi xin được nhắc lại những gì tôi đã chia sẻ ở những bài trước: Hiểu về văn minh Rasna là một mấu chốt quan trọng cho việc hiểu về văn minh Hy-La, và nền văn minh Tây phương nói chung. Hơn nữa, Rasna là một nền văn minh vĩ đại và thú vị, tự nó đáng để được nghiên cứu chứ không cần phải vì lý do nào khác!
Vincentius Nguiēn Giaciemēnsis
a.d. v Id. Ian. MMXXII A.D.
Tham khảo
Arnobius, Adversus Gentēs VII.26.
Festus, Dē verbōrum significātiōne L. 358.
Līvius, Ab Urbe Conditā Librī V.1.6. et I.7.
Pallottino, Massimo. Etruscologia. Milano: U. Hoepli, 1984. Print.
Plūtarchus, Vītae Parallēlae X
Rose, J. H., “On the Relations between Etruscan and Roman Religion”, trong Studi e materiali di Storia delle Religioni, IV, 1928, pp. 161 ff.
etruscan
,etrusca
,rasna
,rasenna
,tôn giáo
,lịch sử
,văn hóa
,tôn giáo
=))))))) bài viết hay nha a=)) trước giờ chả mấy khi e đọc về chủ đề này mấy mà đợt này lại bắt đầu đọc ^^
Trần Hải Bình
=))))))) bài viết hay nha a=)) trước giờ chả mấy khi e đọc về chủ đề này mấy mà đợt này lại bắt đầu đọc ^^
Eva Chia Sẻ
Đặng Thị Lan Anh
Vậy tại sao quan điểm về sự sống- cái chết của họ lại mâu thuẫn vậy ạ? là do tính thời đại hay là do trong cùng 1 thời mà lại chia ra thành nhiều phe quan điểm?