Bàn về số trong tiếng Rasna
Số đếm là một mảng khá cơ bản mà phần lớn người học ngoại ngữ đều học như là một trong những kiến thức nền tảng đầu tiên. Với một tử ngữ như Rasna, số là một vấn đề hóc búa thậm chí cho cả giới học giả Rasna. Trong bài viết này, mình xin đưa ra một số ý kiến và phân tích một số con số. Sau đó, mình sẽ đưa một danh sách tương đối hoàn chỉnh cho những số mà ta có thể biết khá chắc chắn được.
Chúng ta biết người Rasna viết số tuổi của họ trên các văn bản khắc chữ khá nhiều để viết tuổi người đã mất. Nhưng làm thế nào để biết được số nào là số nào? May mắn thay, người Rasna vẫn còn để lại cục xí ngầu mà họ viết các số ra bằng chữ. Đại đa số trong giới học giả đồng ý rằng đó là những con số từ 1 tới 6 [1]: θu, zal, ci, huθ, maχ, śa [2].
Xí ngầu Rasna được trải ra cả 6 mặt
Số bằng bảng chữ cái Rasna và Latinh (hệ thống của Bonfante)
Tuy nhiên, vấn đề bây giờ lại phải tìm ra được chữ nào là số nào. Theo Bonfante, chúng ta biết được rằng thời cổ đại (ngay cả thời nay), giá trị số của hai mặt đối diện nhau của xí ngầu phải có tổng bằng 7. Ngoài ra, ta biết được ci = 3 [3]. Vì vậy, ta có được ci + śa = 7 với ci = 3, nên śa = 4. Wallace đồng ý với Bonfante về số 4 (4 và 6 được tranh luận trong giới học giả, chúng ta sẽ phân tích một ý kiến khác ngay bên dưới!). Ngoài ra, Bonfante phân tích để suy luận ra một số số khác như sau: maχ không thể là 1 vì trong TLE 887 (hay Ta 1.164 psep 3/1) [4] ta có huśur maχ acnanas (Ông ấy có maχ người con), với huśur là số nhiều. Số 20 là zaθrum, có liên quan đến za- hay sa-, là số 2. Ở Tabula Cortonensis ta còn có vài số sar, śa, zal (lần lượt là 10, 4, và 2 theo Bonfante). Số 8 là cezp vì chữ χosfer là tháng October (tức là tháng thứ tám, không phải thứ mười như lịch Grêgôriô hiện đại) (TLE 838).
Tabulae Pyrgenses
Tuy nhiên, Massimo Pittau cho rằng 4 là huθ, còn śa là 6 (so sánh với nhóm Ấn-Âu, ví dụ Latinh sex, hay tiếng Phạn ṣáṣ). Pittau chỉ ra rằng tên cổ của Attica là Ὑττηνία = Tetrapolis (4 thành phố). Hơn nữa, ông cũng chỉ ra Xarun huθs ở TLE 885 (Ta 7.81 psep 3/2), với huθs (hay huθis) là thuộc cách, là "hình của Charon thứ bốn" (trên bức tường của mộ mà có hình 4 Charon). Ý của Pittau là nếu chỉ có 4 Charon, huθ không thể mang nghĩa là số 6. Mình đồng ý với ý kiến này, vì thế, danh sách số mình sẽ cung cấp bên dưới sẽ theo Pittau.
Đặc biệt, các số 17, 18, và 19 được hình thành bằng cách lần lượt là ci-em zaθrum 20 - 3, esl-em zaθrum 20 - 2, và θun-em zaθrum 20 - 1. Bonfante cho rằng tiếng Latinh có thể bị ảnh hưởng bởi tiếng Rasna về mảng này [5].
Ngoài ra, mọi số đều được chia cách như danh từ. Ví dụ: thuộc cách của số 1, 2, và 3 lần lượt là θuns, esals, và cis.
Không nấn ná thêm nữa, đây là dánh sách số trong tiếng Rasna (mình bám sát theo sườn của Pittau, như mình đã nói, vì mình đồng ý với Pittau). Dấu * có nghĩa là chúng ta phục dựng được theo lôgích, dù không cần bằng chứng khảo cổ.
1 θu(n), tu(n)
2 zal, sal, esal, esl-
3 ci, ki
4 huθ, hut
5 mac, maχ
6 śa, sa, za
7 semφ
8 cezp
9 nurφ
10 śar, sar, zar
11 (?)
12 śranczl
13 ci śar
14 huθzar
17 ci-em zaθrum
18 esl-em zaθrum
19 θun-em zaθrum
20 zaθrum
23 ci zaθrum
24 huθ zaθrum
25 maχ zaθrum
27 ci-em calχ, ci-em cealχ
28 esl-em cealχ
29 θun-em cealχ
30 calχ, cialχ, cealχ
33 ci cealχ
40 huθalχ *
49 θun-em muvalχ
50 muvalχ
53 ci muvalχ
54 huθ muvalχ
60 śealχ
65 maχ śealχ
70 semφalχ
75 maχ semφalχ
80 cezpalχ
82 esal cezpalχ
85 maχ cezpalχ
90 nurφalχ *
Dù không phải là một ngôn ngữ Ấn-Âu, chúng ta có thể so sánh và thấy được một số điểm tương đồng (e.g. semφ so với *(s)u̯éks / *s(w)eḱs; hay nurφ so với *(h₁)newn̥ / *(h₁)néun).
Dưới đây là hệ thống ký hiệu để viết số được tóm tắt lại bởi Bonfante. Có thể chúng ta sẽ phân tích chúng trong một bài viết lần tới!
Chú thích
- Đây cũng là quan điểm của mình. Tuy nhiên mình nói "đại đa số" chứ không phải "tất cả" cụ thể vì ý kiến của Haluk Berkmen khi cho rằng những chữ được viết trên xí ngầu không phải số mà là những động từ. Theo mình, Berkmen hoàn toàn sai trong việc đọc chữ Rasna. Ví dụ: L mà ông cho rằng là K là hoàn toàn không có đủ căn cứ; hay mặt ta đọc thu mà ông cho rằng là alth cũng hoàn toàn vô lý. Có lẽ ông đọc xí ngầu Rasna với quan điểm rằng tiếng Rasna phải có liên quan đến nhánh của tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Vì vậy, mình không đặt nguồn này dưới phần "Tham khảo" vì mình không khuyến khích.
- Trong một bài viết cũ giới thiệu về tiếng Rasna, mình có đề cập đến hệ thống Latinh hóa chữ Rasna của Rex E. Wallace và nói rằng đây là hệ thống phù hợp nhất để phân biệt các "âm xì" (咝音 - sibilant). Hệ thống của Massimo Pittau cũng gần giống tuy nhiên các âm xì thì không phân biệt rõ bằng, đây là hệ thống mình dùng trong bài viết này. Còn có hệ thống của Larissa Bonfante với lợi thế là đơn giản hơn vì không cần dùng các kí tự Hy Lạp. Mỗi cái có điểm lợi riêng.
- Ở trên hình ta có Tabulae Pyrgenses với ci bên chữ Rasna tương đương III bên chữ Phoenicia. Để các bạn dễ tìm, miếng bên trái là chữ Phoenicia, số 3 ở dòng thứ năm từ dưới lên. Miếng ở giữa là chữ Rasna, với số 3 (ci) tương đương là ở dòng thứ tám từ dưới lên.
- Trích dẫn theo Etruskische Texte. TLE là theo Testimonia Linguae Etruscae. Mình viết cả hai kiểu cho tiện tra cứu tùy ý các bạn.
- Trong tiếng Latinh, số 18 và 19 lần lượt là duodeviginti 20 - 2, và undeviginti 20 - 1.
Tham khảo
Bonfante, Giuliano, and Larissa Bonfante. The Etruscan Language: an Introduction. Manchester University Press, 2002.
Pittau, Massimo. Dizionario Della Lingua Etrusca. Sassari: Libreria Editrice Dessì, 2005.
Pittau, Massimo. La Lingua Etrusca: Grammatica e Lessico. Insula, 1997.
Wallace, Rex E. Zikh Rasna: a Manual of the Etruscan Language and Inscriptions. Beech Stave Press, 2008.
etruscan
,etrusco
,cổ ngữ
,tử ngữ
,ngôn ngữ cổ
,ngoại ngữ
Bài viết gốc bên mạng ký Wordpress cá nhân của mình
Nguyễn Duy Thiên
Bài viết gốc bên mạng ký Wordpress cá nhân của mình
Bàn về số trong tiếng Rasna – Vincentius Annamensis NGUYỄN-Đinh Duy Thiên 阮丁唯天
nguyendinhduythien.wordpress.com