Bàn về những chữ cái được Claudius đề xuất [tiếng Việt]

  1. Lịch sử

  2. Ngoại ngữ

Mình đã dày công viết bài này bằng tiếng Latinh, nhưng không đến được nhiều người đọc nên mình sẽ dịch hết sang tiếng Việt dưới đây :))))) Ai muốn đọc bản Latinh thì ở đây:

Tiberius Claudius Caesar Augustus Germānicus, hay Claudius, là hoàng đế La Mã từ năm 41 SCN đến khi ông chết năm 54 SCN. Về đời tư và gia đình mình không chú trọng cho lắm. Nhưng mình rất ngưỡng mộ tinh thần học tập của ông.

Tiếc rằng những tác phẩm mà Claudius viết thì bị mất hết. Tuy chúng ta không còn bản nào, ta vẫn biết về chúng vì Suētōnius có ghi chép lại về cuộc đời 12 hoàng đế, trong đó có Claudius. Claudius có viết về nhiều thứ, ví dụ như về lịch sử, về cả trò chơi xí ngầu, và về người Rasna và Carthago. “Cuối cùng ông viết cả sử Hy Lạp, về người Tyrrheni (Rasna) 20 cuốn, về người Carthago 8 cuốn. Vì những tác phẩm này mà có 1 cái mới được cộng thêm vô thư viện/ bảo tàng Alexandria theo tên của ông” (Suētōnius, Dīvus Claudius 42). Mình thích tần tật mọi thứ Rasna, nên rất ngưỡng mộ Claudius.

https://cdn.noron.vn/2021/12/06/claudiuscrop-1638778863.jpg

Nhưng hôm nay mình muốn nói về 3 chữ cái mà được hoàng đế Claudius cộng thêm vào bảng chữ cái Latinh. Chúng là antisigma (Ↄ ↄ), digamma ngược (Ⅎ ⅎ), và hēta nửa (Ⱶ ⱶ).

Chữ Ↄ được thêm để viết chữ Ψ Hy Lạp (trong tiếng Latinh thì tương đương là PS hoặc BS). Nhưng có lẽ họ không thấy chữ này cần thiết. Bây giờ ta không có 1 tượng đài bia đá nào có dùng chữ này.

Chữ Ⅎ để viết chữ V phụ âm. Theo mình thì chữ này cần thiết và hữu ích, vì chưng phụ âm [w] và nguyên âm [u] không giống nhau. Không có Ⅎ, cả phụ âm [w] và nguyên âm [u] đều viết là V (hay u, nhưng thời đó thì chưa có chữ viết thường).

https://cdn.noron.vn/2021/12/06/image-1638778851.png
“[…] AMPLIAℲIT TERMINAℲITQ[VE] […]”

Chữ Ⱶ thì được cho vào để viết chữ Υ υ Hy Lạp. Cả I và V (nguyên âm) nếu đứng trước các phụ âm môi (cōnsonantēs labiālēs) thì có thể được viết bằng chữ Ⱶ. Thời Claudius trị vì thì chữ này cũng được dùng. Ta thấy nó trong vài chữ như CⱵCNVS, BⱵBLIOTHECA, GⱵBERNATOR (Wordsworth 9).

Sau khi hoàng đế Claudius chết, những chữ này cũng chết theo vào quên lãng. Tacitus có viết về điều này trong cuốn Annālēs: “Claudius cộng thêm 3 chữ cái, được dùng thời ông trị vì, sau đó bị quên lãng, nhưng chúng vẫn được thấy trên những chữ khắc trên đồng cho dân chúng, trên các đền thờ và nơi công cộng” (XI, 14).

Sau đây là vài thứ về Claudius theo Suētōnius, mà mình nghĩ là cũng đáng kể ra. “Īra (phẫn nộ) và īrācundia (nóng tính) ông đều tự biết tính mình, ông có phân biệt 2 cái đó ra, và xin lỗi trong một sắc lệnh, Nhưng hứa là tính nóng của ông sẽ ngắn hạn và vô hại, và cơn thịnh nộ thì sẽ chính đáng” (38). Mình nghĩ là ổng rất hay khi tự biết tính tình của bản thân để sửa. Mình rất khó kiềm chế sự nóng tính (nhất là khi lái xe). Nhưng có lẽ không cái nào hài bằng cái này: “Nghe giang hồ đồn Claudius từng tính ra sắc lệnh cho phép những ai đi ăn tiệc được đánh đ*t/rắm, dù âm thầm hay kêu to, vì ông từng biết có người vì ngại mà phải nhịn xém chết” (32). Hahaha!


Vincentius Nguiēn Giaciemēnsis

prid. Non. Dec. MMXXI A.D.


Opera iniciuntur

Suētōnius, Dē Vīta Caesarum: Dīvus Claudius 32 et 38 et 42.

Tacitus, Annālēs XI. 14.

Wordsworth, John. Fragments and Specimens of Early Latin, with Introductions and Notes. Clarendon Press, 1874.

Từ khóa: 

latin

,

la ngữ

,

la mã

,

hoàng đế la mã

,

tiếng latin

,

lịch sử

,

ngoại ngữ

Tiếng Latin được dùng để viết Kinh thánh nhiều ! Ở Phương Tây thì mình biết alf có chỗ dạy tiếng Latin nhưng VN thì mình chưa thấy

Trả lời

Tiếng Latin được dùng để viết Kinh thánh nhiều ! Ở Phương Tây thì mình biết alf có chỗ dạy tiếng Latin nhưng VN thì mình chưa thấy

Giỏi quá, bạn học tiếng Latinh được bao lâu rồi thế

Cần lắm những bài tiếng Việt như này, chứ Google dịch đọc chẳng hiểu lắm 😂😂

Kiểu mình không biết tiếng Latin là tiếng sao lun tại nó không thuộc về 1 qgia nào và mình cũng hem biết nó được dùng ra sao. Bạn giỏi quá