Bàn về hai nhóm người học thường thấy - "Dreamy Learners" và "Practical Learners".

  1. Giáo dục

Sau gần 1 năm phát triển và giảng dạy khóa học E.L.F (English Language Foundation), tôi thấy rằng buổi học đầu tiên luôn là buổi giúp mình xác định nhóm học sinh trong lớp thuộc tuýp "dreamy learner" hay "practical learner".

Ở buổi học này với tiêu đề "Language is our music", thay vì ngay lập tức đi vào việc giảng dạy tiếng Anh, chúng tôi sẽ cùng nhau có nhiều trải nghiệm lắng nghe và cảm thụ các yếu tố âm nhạc ở trong ngôn ngữ hơn. Thông qua đó, mọi người sẽ rút ra được sự tương qua giữa hai qui phạm này, cũng như cách để đạt đến được một cấp độ ý thức cao hơn và uyển chuyển hơn khi thực hành ngôn ngữ. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng cảm thấy liên hệ sâu sắc với buổi học này, mà từ đó tôi nhận thấy các bạn có thể được phân loại vào một trong hai nhóm người học sau (hoặc đôi khi là cả hai), dreamy hoặc practical.

A. Dreamy Learner - Người học mộn mơ.

"Dreamy learner" là nhóm học sinh khá thích bay bổng trong lớp và thường dành nhiều thời gian hơn cho các đối thoại mang tính triết học hoặc phản biện. Điều này được quan sát qua cách các bạn thường tiếp cận một vấn đề ngôn ngữ (linguistic problem) một cách mở rộng hơn dưới nhiều khía cạnh khác nhau, cũng như thể hiện một khả năng sáng tạo và phát triển ý tưởng tốt hơn. Ví dụ, khi đưa một từ vựng vượt khỏi khuôn khổ ngữ nghĩa của nó và đặt trong một bối cảnh mang tính xã hội hoặc triết học, các bạn dễ dàng triển khai và liên hệ được sự "mở rộng" này với thực tế, và từ đó khai thác được những khía cạnh sâu sắc và thực tiễn hơn của từ vựng đấy.

https://cdn.noron.vn/2021/04/22/37598848410649500-1619110249.png

Source: Minted on Pinterest.

Phong cách học và kiểu hình tư duy này cho phép các bạn thật sự nhìn nhận việc sử dụng ngôn ngữ một cách tổng quát và đa dạng, bên cạnh việc hình thành những kết nối nhận thức giữa các qui phạm với nhau. Điều này có thể được quan sát qua cách một từ vựng hay cách diễn đạt được đặt trong, ví dụ, bối cảnh văn chương trong nguồn tài liệu sơ khởi mà học sinh tiếp cận, nhưng học sinh, thông qua các gợi mở và dẫn dắt từ giáo viên, vẫn phỏng chiếu được vai trò của từ vựng hay diễn đạt đó lên các bối cảnh khác nhau với những ý đồ khác nhau.

Tuy nhiên, đôi khi sự bay bổng trở nên thái quá và khiến buổi học dễ trở nên lan man và chệch khỏi đường đi ban đầu. Quá trình triết học hóa và phản biện một vấn đề tuy giúp chúng ta quy về lại được những khía cạnh nền tảng hơn của một điểm kiến thức, song chính vì tính chất nền tảng đó mà chúng ta dễ bị trượt khỏi các diễn giải cụ thể ban đầu, thay vào đó bị thôi thúc bởi các hướng đi khác. Điều này để hình tượng hóa lên cũng giống như việc nếu đi từ cửa biển A trên bản đồ lên thượng nguồn sẽ dễ dàng và thích thú hơn là từ thượng nguồn lần mò về lại vị trí của cửa biển A.

Đối với nhóm học sinh này, người dạy nên cố gắng tránh can thiệp nhiều hơn vào mạch tư duy của các bạn tại các điểm cần thiết để tránh sự thiếu tập trung. Song, thử thách nằm ở chỗ người dạy phải biết can thiệp cụ thể vào thời điểm nào của cuộc đối thoại cũng như bằng cách nào để có thể khai thác tối ưu nhất tính sáng tạo và triển khai ý tưởng của nhóm học sinh này.

B. Practical Learner - Người học thực tế.

"Practical learner", ngược lại, đa phần cho rằng sự bay bổng và triết học hóa các vấn đề ngôn ngữ khá mông lung và không hoàn toàn cần thiết. Các bạn thường hướng đến việc dung nạp kiến thức ngôn ngữ đơn thuần hơn cũng như các thực hành xoay quanh đó. Điều này được thể hiện qua cách cách các bạn xử lý thông tin trực diện, nhanh chóng và thu hẹp hơn so với nhóm trên, tuy nhiên với mức độ chính xác về mặt kĩ thuật cao hơn. Nhóm này đồng thời thể hiện tốt hơn khi nói đến việc thực hành kiến thức. Bài tập là sự cứu rỗi của các bạn, và các bạn không thể sống sót qua khóa học nếu thiếu bài tập (rất là trái ngược với nhóm bay bổng phía trên).

https://cdn.noron.vn/2021/04/22/37598848410649504-1619110419.png

Painting: Order of Chaos by Osnat Tzadok.

Việc dạy nhóm "practical learner" có phần thoải mái hơn bởi học sinh luôn tập trung và biết tự điều tiết nội dung bài học và các thảo luận, đồng thời các bạn cũng tích cực hoàn thành các công việc được giao. Có thể nói, nhóm học sinh này thường được ưu tiên và đặt làm tiêu chuẩn, thực tế, với đa phần các hệ thống giáo dục đại trà. Vấn đề không nằm ở lý tưởng giáo dục của hệ thống đó như thế nào, mà nó nằm ở chỗ các hệ thống luôn được xây dựng trên quy trình đầu vào và đầu ra - dù là ở những trung tâm giáo dục nhỏ lẻ hay cả các đại học danh tiếng thế giới. Quy trình đầu vào - đầu ra này hiển nhiên cung cấp cho giáo viên một cơ sở đánh giá học sinh tiện lợi hơn, cũng như phía học sinh nắm bắt được sự tiến bộ của mình dễ dàng hơn. Hiển nhiên việc nói rằng "Tôi đã có thể nắm được điểm kiến thức X" sẽ dễ xảy ra và chắc chắn hơn khi nói "Tôi đã đạt đến được tính sáng tạo cao hơn khi tiếp cận một vấn đề."

Tuy nhiên, điều này sẽ dẫn đến việc học sinh luôn bị gói gọn trong các quy tắc và thực hành kiến thức và kĩ năng (ngôn ngữ) cứng nhắc và ít sự sáng tạo. Bởi bản thân các đối thoại mang tính triết học và sáng tạo không có một khung đánh giá chất lượng và tính hiệu quả phổ quát, và cũng chính vì vậy áp dụng mô hình biện chứng (Dialectic Model) của Aristotle vào mô hình giáo dục hiện đại là điều không thể. Điều này cần phân biệt với việc học sinh vẫn có thể phát triển các ý tưởng phức tạp và liên kết chặt chẽ, nhưng để vượt ra khỏi các khung nhận thức thông thường và thực dụng thì vô cùng khó khăn.

Thông thường để xử lý nhóm học sinh này, tôi thường chủ động đưa ra nhiều gợi mở và sự dẫn dắt hơn trong lớp học cho các bạn, bên cạnh đó cũng phải đảm bảo các gợi mở và dẫn dắt này không khiến các bạn cảm thấy thiếu an toàn (insecured) trong việc học của mình.

Tóm gọn lại, đa phần học sinh của tôi sẽ rơi vào một trong hai nhóm đó với từng trường hợp ít nhiều khác nhau, và có khá ít trường hợp thuộc về cả hai nhóm. Thử thách ở đây cuối cùng không nằm ở việc xác định được những phong cách học và tư duy đấy và tiếp tục củng cố nó dựa trên các tinh chỉnh xuyên suốt khóa học; thử thách nằm ở chỗ sau khi xác định được cần tìm một chiến lược giúp củng cố các điểm mạnh cũng như xử lý các thiếu sót của từng nhóm, và từng cá nhân một.

Từ khóa: 

giáo dục

,

học ngoại ngữ

,

giáo dục

Rất vui vì Ông Rùa đã quay lại với chủ đề giáo dục :)

Trả lời

Rất vui vì Ông Rùa đã quay lại với chủ đề giáo dục :)

Bài này bị ế, buồn...

Bản thân mình cũng thuộc nhóm người học mộng mơ luôn

Tớ chắc thuộc nhóm mộng mơ aạaạ :P