Bạn tôi ở Mỹ là bệnh nhân Covid (Kỳ 3)
(Nguồn: Copy của anh Đỗ Cao Bảo)
Trước khi kể tiếp chuyện của mình, mình muốn nói với tất cả các bạn một điều mà với mình là vô cùng quan trọng: đừng đợi đến khi quá nặng mới gọi 911. Không bao giờ là quá sớm, chỉ sợ quá muộn. Phương tiện cấp cứu và đội ngũ y tế chuyên nghiệp là bảo đảm duy nhất để bạn được chăm sóc đúng cách, đúng những gì bạn cần.
Trở lại với chiếc xe cấp cứu. Mình ngước mắt lên bảng điện tử thấy các chỉ số huyết áp cao vống vót trong khi nhịp tim thì chậm. Cơn khó thở đã dịu xuống. Cô y tá vẫn đang bận bịu nhập dữ liệu vào máy tính. Thỉnh thoảng cô quay qua nhìn mình xem có gì bất thường không, rồi lại chăm chú nhập dữ liệu. Khi gần tới cổng bệnh viện, cô ngừng tay, báo cho mình biết là đã tới bệnh viện, khu cách ly dành riêng cho bệnh nhân Covid. Nước mắt mình tự nhiên trào ra không kiểm soát được, mình nói với cô: “I’m scared!” (Tôi sợ lắm). Cô dịu dàng nói: “đừng sợ, tôi đã đưa rất nhiều người vào đây và cũng rất nhiều người đã về nhà bình an”.
Mình tin cô nói thật, nhưng vẫn không vơi cảm giác sợ hãi chút nào. Cô ấy nói “rất nhiều người” chứ không hề nói “tất cả đều bình an ra viện”. Mình đâu biết mình sẽ ở trong số “rất nhiều” hay “rất ít” đâu?
Chiếc xe dừng trước toà nhà dành riêng điều trị bệnh nhân Covid. Hai lớp cửa, mỗi lớp đều phải có code mới mở được. Mình vẫn đang nằm trên chiếc giường gắn bình oxy và đủ thứ máy móc, được đẩy vào trong sảnh.
Khác với cảnh các bệnh viện tấp nập người ra người vô, bác sĩ y tá bệnh nhận đi tới đi lui bận rộn mà mình vẫn xem trên phim, ở đây im lìm vắng lặng đến rợn người. Trên quầy tiếp đón có một cây thông nhỏ trang trí bằng những sợi dây kim tuyến hai màu xanh trắng gợi nhớ không khí Giáng sinh. Bốn nhân viên lặng lẽ làm việc trên máy tính, một người trong số họ “tiếp nhận” bệnh nhân mới, thực ra là chuyển các dữ liệu trên máy tính của cô y tá theo xe cấp cứu vào máy tính của anh ta. Không ai nói một tiếng nào. Dường như những người ấy đã được “lập trình” để làm việc với nhau ăn ý nhịp nhàng mà không cần ai phải lên tiếng.
“Tiếp nhận” bệnh nhân mới xong, anh nhân viên tiếp đón trả lại máy tính cho cô y tá rồi nói cần phải đợi vì lúc này chưa có phòng trống. Khu vực Covid Isolation nên mỗi bệnh nhân nằm một phòng, không nằm chung.
Nối sợ một lần nữa lại làm đầu óc mình bấn loạn. Vậy là đâu phải fakenews, số người nhập viện vì Covid đã lấp kín các phòng bệnh thật rồi. Và hẳn là đều bị nặng nên mới phải nằm lại đây.
—————————————-
Không biết mình đã phải chờ bao lâu. Cảm giác về thời gian không còn chuẩn xác nữa. Mười phút? Hai mươi phút? Hay là một tiếng? Với mình dường như một thế kỷ đã trôi qua cho đến khi mình được đưa vào phòng số 16, với chữ I ở đầu, viết tắt của Isolation (cách ly).
Có một điều đến bây giờ mình vẫn băn khoăn. Các bệnh nhân được ra viện hay về nhà điều trị ngoại trú sẽ đi ra qua sảnh nơi mình nằm đợi phòng. Vậy nếu có phòng trống vì có ai đó được về nhà thì mình sẽ thấy họ đi ra. Bữa đó mình không thấy ai ra lối đó. Lẽ nào để có phòng cho mình, ai đó đã giã từ thế giới này?????
—————————————
Mình vừa được đưa vào phòng bệnh là mọi việc trở nên hết sức khẩn trương, khác hẳn với lúc đang chờ. Ngay lúc đó mình chưa biết, nhưng sau này bác sĩ nói thì mình hiểu rằng THỜI GIAN là thứ cực kỳ quý báu đối với bệnh nhân COVID, nhất là khi nó đang ào ạt tấn công mọi cơ quan nội tạng trong cơ thể mình như thế.
Đầu tiên là lấy máu mang đi xét nghiệm khẩn cấp. Rồi chụp XRay. Rồi gắn các sensors khắp người, có lẽ để làm điện tim. Huyết áp nhịp tim, chỉ số oxy máu liên tục hiện trên màn hình... tất cả đều làm tại giường bệnh. Đội chụp XRay không ăn mặc như Ninja mà như giống như phi hành gia.
Cứ khoảng năm phút bác sĩ lại vào nghe phổi, bắt mình hít thật sâu hết khả năng rồi thở ra. Cứ sau mỗi lần cố hít sâu như vậy mình lại ho nên đến lần thứ tư bác sĩ bước vào mình xua tay không muốn cho anh ta nghe phổi nữa. Bác sĩ cười nói không, tôi không nghe phổi nữa mà sẽ chỉ hỏi vài câu thôi. Đầu tiên là các câu hỏi về bệnh nền. May là mình không có bệnh tiểu đường huyết áp hay tim mạch gì cả. Cũng không có ung thư, không COPD. Rồi tiếp đến là có uống rượu, có hút thuốc và có dùng cần sa hay mà tuý gì không? May quá mình sống lành mạnh không dính dáng chút gì đến mấy thứ đấy. Rồi hỏi tiếp đã phải phẫu thuật bao giờ chưa? Sinh con phải mổ hay sinh bình thường? Lại thấy may nữa là mình chưa bị đại phẫu (surgery) bao giờ....
Rồi tới câu hỏi mà sau đó mình mới biết là rất quan trọng với bệnh nhân Covid: có bị “cục máu đông” (blood clots) bao giờ chưa?
Mình trả lời chưa. Nhưng thực ra là mình không biết. Chưa bao giờ mình đi khám sức khỏe định kỳ mà lại tìm hiểu chuyện này.
Để giải thích tại sao đây lại là câu hỏi quan trọng thì rất dài. Ở đây mình chỉ nói ngắn gọn nôm na thế này: người ta quan sát thấy có sự gia tăng bất thường sự hình thành các cục máu đông ở bệnh nhân Covid. Các cục máu đông hình thành và di chuyển trong mạch máu sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong như tắc mạch phổi, nhồi máu, đột quỵ.... xét nghiệm máu và bệnh sử bệnh nhân giúp các bác sĩ tiên lượng xem bệnh nhân có nguy cơ cao bị blood clots hay không để có thể cho thuốc và điều trị thích hợp.
covid-19
,phòng chống
,sức khoẻ
Dính Covid chắc chắn là một trải nghiệm đáng sợ trong đời.
Đinh Minh Tú
Dính Covid chắc chắn là một trải nghiệm đáng sợ trong đời.