Bạn thân ơi, tình bạn giữa chúng ta có quay lại như ngày trước?
Ở độ tuổi hai mươi mấy của cuộc đời, mỗi người cần tiếp cho mình những bước chân để đến hành trình mới, xây dựng những mối quan hệ mới. Nhưng mà Bông à, tớ muốn hỏi cậu rằng khi có bạn trai rồi, tình bạn chúng ta còn bao nhiêu phần trăm.
***
Tôi muốn nhấc điện thoại lên và gọi ngay cho Bông để tâm sự. Tôi muốn được như ngày bé, cứ vô tư nói mà không nghĩ ngợi nhiều. Cầm điện thoại lên, rồi tôi lặng lẽ đặt điện thoại xuống. Tôi hệt như đi ngược lại với toàn bộ, trong khi mọi thứ đều tiến lên, cởi mở, hòa nhập, còn tôi lại thu mình ở một góc. Vì tôi sợ. Tôi sợ làm phiền Bông. Với mỗi bước ngoặt của cuộc đời, con người ta sẽ tập thích nghi từ bước đầu tiên như một đứa trẻ lớn dần vậy.
Thật tuyệt nếu một ngày mưa nặng hạt, ta mở nhạc thật to và hát theo. Tôi miên man nghe bài hát “Khi em lớn” của Hoàng Dũng và Orange. Từng câu hát vang lên rồi dừng lại giữa không trung như cái cảm giác của tôi lúc này vậy. Lúc này tôi ngẫm nghĩ về tình bạn lẫn tình yêu.
Cơn mưa đổ xuống la phông nghe rõ to, đưa tôi bay về quá khứ của 17 năm về trước, khi mới 5 tuổi. Tôi và Bông (Bông là tên gọi ở nhà của cô bạn) quen nhau hơn khi cùng học lớp mẫu giáo. Nhà tôi và Bông cũng gần nhau. Chúng tôi cùng sở thích, cùng rủ nhau đi học, đi về, cùng kéo nhau chạy đi khắp nơi trong xóm - những nơi mà khi ấy, chúng tôi nghĩ đó là khung trời rộng lớn và chúng tôi là những thám tử. Cả những lần chạy trốn giấc ngủ buổi trưa bằng việc đi sưu tầm vỏ ve sầu mùa hạ.
Tuổi thơ chúng tôi cứ trôi qua như thế, đều đặn như đồng hồ tích tắc nhẹ nhàng và không sợ ai ngăn cản. Tôi và Bông hay tranh luận nhau bằng sự tưởng tượng mà không ai ngờ đến vì nó quá vô lý.
Hồi đó, cả hai còn rủ nhau ra đồng bắt cào cào lúc cánh đồng lúa trước nhà đã gặt xong, chỉ còn lểnh chểnh toàn rơm với rơm phơi ở đó và đang chờ người cuốn lại mang về. Mặc người lớn kêu lại, bọn nhỏ tụi tôi cứ chạy nhảy khắp đồng cứ thể được một lần trong đời tự do vậy. Nhưng sự thật ngày nào bọn tôi chả rủ đi chơi như thế. Khi đã bắt khá cào cào, chúng tôi ngả lưng trên bờ cỏ cao, trước mắt giờ là tán cây sồi cổ thụ cao ngất, bóng mát khá to. Những lúc ấy, người lên tiếng đầu tiên là cô bạn tôi:
“Này cậu, chiều nay mình chơi trò bán đồ hàng đi”.
“Ừ ừ, tớ làm bà chủ cho, còn cậu là khách hàng, chịu không?”.
Bông quay đầu sang tôi, tít mắt cười.
“Đồng ý luôn, sau đó mình chơi trò nào nữa?”.
“Không biết, tới đó rồi tính”.
Tôi gãi gãi đầu, sau đó chúng tôi tiếp tục nằm đó, tưởng tượng vô số các vấn đề, các câu chuyện, rồi cùng kể các tập phim hoạt hình đã xem. Mãi đến chiều tối, mới vác bộ mặt lấm lem về nhà.
“Chơi trò gì mà làm bẩn hết áo quần?”.
Mẹ tôi đang cho lợn ăn, nói vọng lại.
“Dạ, bọn con đi bắt ếch. Bạn Bông chạy theo con ếch mà nhảy xuống bùn luôn”.
Tôi hào hứng kể mẹ nghe chuyện bắt ếch của tôi và Bông nhằm để mẹ không mắng tôi nữa.
Đấy là lúc tụi tôi còn nhỏ, là con gái vậy thôi nhưng mấy trò của bọn con trai, chúng tôi tham gia hết. Nào là bắn bi, nào là trèo cây hái ổi… Tôi và Bông, có thể ví như hình với bóng. Nhưng cuộc đời đâu dễ dàng như vậy, cũng nhiều lúc bất đồng rồi đánh nhau, rồi khóc lóc, về nhà méc mẹ. Nhưng hôm sau lại đi chơi với nhau, lại tỉ tê những câu chuyện muôn thuở, rồi hứa mai này sẽ không giận nhau, hứa sẽ đi chơi cùng nhau.
Tuổi thơ bé bỏng của chúng tôi cứ thế mà trôi đi qua năm tháng, tựa như chiếc lá mới nhú, còn xanh mơn mởn, gió đung đưa không làm lay động được nó.
Lớn hơn chút, cuộc hẹn tất nhiên cũng không nhiều như còn nhỏ bởi lịch học, lịch thi, lịch bồi dưỡng… Thế nhưng, đâu có gì ngăn cản được tụi tôi. Trên con đường đất quen thuộc, vẫn tụi tôi nói chuyện. Dưới gốc phượng, hai tôi tranh thủ giờ ra chơi, mua mỗi đứa mỗi cây kem rồi kể chuyện. Không còn nhông nhông như ngày nào nhưng Bông và tôi tám chuyện qua mạng xã hội. Bao nhiêu chuyện trên trời, dưới đất chúng tôi nói hết cho nghe. Lúc đó, tôi cứ nghĩ mình tìm được tri kỷ, cả đời không lo không có bạn tâm sự. Lướt Facebook, thấy những status nói về tình bạn không vững, hay tìm được tri kỷ khó lắm, tôi lướt nhanh và chỉ mỉm cười “Sao mà khó tìm, dễ mà”. Thế thôi, tôi đinh ninh như thế.
Với chúng tôi, không bao giờ là hết chuyện để nói, để kể. Từ con người, đến xã hội, đến nỗi sợ bài tập, Bông và tôi tuột ra hết, như để giải tỏa những gì thu thập được trong ngày. Những câu chuyện dở khóc dở cười, chẳng mấy quan trọng nhưng vui. Càng lớn, tôi và Bông trái ngược hơn về phong cách. Bông thích để tóc dài còn tôi chuyên tóc ngắn, Bông để ý mọi thứ hơn tôi, cũng nết na, thùy mị hơn tôi nhiều. Một lần, cô chụp lại một bài viết trên facebook gửi tôi. Không nhớ rõ nữa nhưng đại khái nội dung muốn nhắc nhở “Bạn thân à, chúng ta không được hết thân đó nhé!”.
Tôi nhớ lúc đó, tôi còn phì cười nói cô bạn sao ngốc thế. Như một dòng sông, sông trôi hướng nào, thuyền thả hướng đó, làm sao tách rời được. Bông chỉ mỉm cười. Tôi nghĩ bụng “Cô gái năm nào còn cùng tôi bắt cào cào bây giờ lo lắng sợ tình bạn tan rã ư. Chắc Bông nghĩ nhiều rồi, đời nào mà tan”. Và đấy là mùa hạ cuối cùng chúng tôi học chung với nhau. Bông nói Bông thi vô trường Đại học Văn hóa TP.HCM. Còn tôi dự định sẽ chọn một trường đại học ở Đà Nẵng.
“Có xa cách gì nhau đâu, chẳng phải mình còn cái điện thoại để liên lạc sao?”. Tôi đáp.
“ Biết là vậy, nhưng mà…”.
Và chúng tôi tổ chức tiệc chia tay. Nói là tiệc cho sang vậy thôi chứ cũng chẳng có gì ngoài hai chai nước ngọt với vài bịch bánh nhỏ. Nhưng sao vị cay hôm nay khác thế, vị cay của nó như cứa vào tâm trạng của tôi cả Bông nữa.
Cơn mưa bóng mây mùa hè ngang qua, rồi chuồn chuồn bay thâm thấp quanh dưới tán cây sồi già năm nào chúng tôi từng khắc tên lên đó. Cảm giác trong tôi nặng trĩu. Trái tim như muốn bay ra khỏi lồng ngực. Không phải cảm giác thích thú, hồi hộp mà cảm giác trống vắng đến lạ. Mắt Bông ươn ướt, khóe mắt tôi cũng cay cay. Trời xanh nào hiểu hết chứ, những lời nói trước đó là tôi chỉ an ủi Bông thôi chứ tôi cũng như muốn nín thở. Tôi hỏi Bông.
“Chúng ta sẽ còn gặp nhau chứ? Tớ vẫn muốn đi học, đi chơi cùng cậu.”.
“Chắc chắn rồi, mỗi dịp lễ, chúng ta sẽ về quê, vậy là gặp nhau”.
Câu trả lời của Bông khiến tôi nhói lên một tia hy vọng dù mong manh. Cả hai cùng bật cười, tựa vào nhau, cùng nhìn tán cây sồi cổ thụ. Tôi hỏi lại như để thẩm định lại câu trả lời của Bông.
“Thật chứ Bông?”.
“Có cây sồi làm nhân chứng”.
Bông nói khe khẽ, đủ để tôi nghe thấy.
Vẫn là thói quen ngả lưng trên bờ cỏ cao. Nhưng lúc này, không phải liên tưởng hay bàn tán về bộ phim hoạt hình nữa. Chúng tôi im lặng. Rồi từng lá, từng lá rụng xuống để thay lá mới. Mùa khai trường tới rồi, đó cũng là khoảnh khắc tôi và Bông mỗi người một nẻo. Bông đi học trước tôi vì Bông phải vào tận Sài Gòn.
Tất nhiên, chúng tôi vẫn giữ liên lạc, Bông kể về chốn đô thị hoa lệ, kể về cuộc sống mới. Chúng tôi cùng than nhau nghe về những lần chạy deadline, cùng bật cười vì sự “ngố” khi chân ướt chân ráo bước vào thành phố. Bông nói Bông kết bạn được nhiều lắm. Tôi biết điều đó vì tôi hay thấy Bông đăng bài trên facebook với những người bạn cô ấy quen. Bông thay đổi rồi, cởi mở hơn với mọi người. Tôi mừng cho cô ấy. Nhưng cũng thoáng chốc buồn vì những bức ảnh đó không có tôi.
Rồi những cuộc điện thoại thưa dần. Có lẽ, vì thời gian rảnh của chúng tôi không khớp nhau. Lúc tôi rảnh, Bông bận việc và ngược lại. Hồi trước, tôi sợ Bông buồn vì không ai trò chuyện nếu một mình vào thành phố. Nhưng tôi nghĩ nhiều rồi.
Nói thẳng ra, giờ người buồn hơn phải là tôi. Với mỗi bước ngoặt của cuộc đời, con người ta sẽ tập thích nghi từ bước đầu tiên như một đứa trẻ lớn dần dần vậy. Tôi cũng kết bạn với những người bạn thời đại học. Thế nhưng, tất cả đều không thân thiết như tình bạn của tôi và Bông.
Phải chăng tình bạn vĩnh cửu cũng cần thời gian thật dài quen nhau như tôi và Bông - tôi thoáng nghĩ bụng. Suy qua, tính lại, với tôi không tình bạn nào bằng tình bạn thời ta còn là học sinh. Và tôi dè dặt hơn nhiều với những người bạn thời đại học. Tôi không ghét bỏ hay nói xấu gì họ, nhưng tôi ít nói chuyện không đâu vào đâu nếu không cần thiết.
Người ta nói càng lớn càng cô đơn. Tôi cũng không biết có đúng không, nhưng trước mắt, tôi thấy trống vắng lạ lùng. Tôi muốn nhấc điện thoại lên và gọi ngay cho Bông để tâm sự. Tôi muốn được như ngày bé, cứ vô tư nói mà không nghĩ ngợi nhiều. Cầm điện thoại lên, rồi tôi lặng lẽ đặt điện thoại xuống. Tôi hệt như đi ngược lại với toàn bộ, trong khi mọi thứ đều tiến lên, cởi mở, hòa nhập, còn tôi lại thu mình ở một góc. Vì tôi sợ. Tôi sợ làm phiền Bông.
Khi còn là sinh viên năm nhất, tôi và Bông nói chuyện nhiều lắm, rồi một ngày, Bông nói Bông tìm được bạn trai rồi. Bông nói tôi cũng nhanh tìm bạn trai đi. Tôi hơi bất ngờ, nói chính xác hơn là bị sốc. Tôi tự an ủi mình là không sao, dù sao thì có bạn trai cũng dễ dàng tâm sự hơn so với phải nói chuyện qua điện thoại như thế này.
Tôi hơi đau. Trò chuyện dăm ba câu rồi tôi tắt máy. Tôi tự hỏi mình “Có phải bản thân quá ích kỷ hay không, chỉ muốn Bông tâm sự với riêng tôi. Có phải bản thân lúc nào cũng muốn quay lại hoài niệm ngày xưa - những ngày hồn nhiên trong khi mỗi ngày, mỗi giờ, con người đều lớn lên và đến lúc cũng bước qua những ngưỡng cửa khác?”.
Trái đất cứ xoay tròn, còn bài nhạc cứ làm tôi đau đáu khôn nguôi, có lẽ vì nó chạm đúng chỗ tim tôi. “Khóc với ai bây giờ/vì sẽ chẳng có ai lắng nghe/điều không có ai lắng nghe/em lặng thinh…”. Tôi bật khóc trong cơn mưa chiều nay, khóc như một đứa trẻ bị vấp ngã, một cú ngã đau đớn. Trưởng thành là lúc không chỉ bị đau thể xác nữa mà tinh thần cũng gánh chịu nỗi đau. Đau để trưởng thành.
Nhiều lúc, tôi và Bông vẫn liên lạc với nhau nhưng chỉ qua loa. Tôi cũng không dám “tám” như trước nữa. Có khi Bông khóc với tôi vì trục trặc với bạn trai, tôi khuyên nhủ Bông. Có lúc Bông khoe mới được bạn trai tặng quà, tôi chúc mừng Bông. Thật sự rất khó để trò chuyện như xưa nữa rồi, Bông à.
Tôi cảm giác mình như cầu nối cho hai cậu vậy, an ủi khi cậu buồn, và chúc mừng khi cậu vui. Tôi cũng chả có mối tình nào cả, vì thế, để tư vấn cho Bông vài mẹo để tình yêu luôn nồng thắm thì không thể, chỉ áp dụng lý thuyết hẳn hoi. Vì thế chủ đề chúng tôi trò chuyện ngày một ít dần, ít dần.
Những lần gọi cho Bông hỏi rằng dịp lễ này Bông về không. Đầu dây bên kia vọng lại tiếng của Bông thì thầm.
“Chắc không đâu, tớ phải làm deadline ngay trong hôm đó. Cậu biết mà”.
“Tớ hiểu rồi, hẹn cậu dịp khác”.
Nghẹn lòng nhưng không biết nói cùng với ai. Vậy là cây cổ thụ già năm xưa từng chứng kiến chúng tôi lớn lên, giờ chỉ có thể thấy tôi dưới tán cây thôi. Cây sồi già đi nhiều hơn rồi, da sần sùi hơn. Úp mặt vô cây sồi, tôi hỏi rằng có cách nào để kéo tình bạn chúng tôi trở về như lúc xưa không, nhưng lời hồi đáp lại vẫn là tiếng gió ù ù trên tán cây, lướt qua tôi thật nhanh rồi mất hút. Cây sồi cũng hết cách rồi. Cái tên của tôi và Bông khắc lúc còn nhỏ cũng nứt ra cùng với vỏ cây.
Dịp lễ 30 tháng 4 năm nay, tôi cũng về quê. Ra đồng nhưng chẳng thấy cây sồi già đâu. Chạy về nhà hỏi, nghe bố bảo cây sồi đó bị đốn đi rồi.
“Thật sao bố, tại sao lại thế?”.
“Một lần bão to nó bật gốc, rồi dân làng đốn luôn, con ạ”.
Bố húp chén trà, giọng bố tôi trầm xuống.
Còn gì nữa đâu nhân chứng từng chứng kiến tình bạn của tôi và Bông. Vậy là mất hết rồi, cả kí ức của tôi và Bông nữa.
Ở độ tuổi hai mươi mấy của cuộc đời, mỗi người cần tiếp cho mình những bước chân để đến hành trình mới, xây dựng những mối quan hệ mới. Nhưng mà Bông à, tớ muốn hỏi cậu rằng khi có bạn trai rồi, tình bạn chúng ta còn bao nhiêu phần trăm.
Gió vẫn thổi hiu hiu, tôi quay lưng về nhà chuẩn bị hành trang cho chuyến ra Đà Nẵng chiều nay.
Solitary
Lê Thị Nhung
Sau này mỗi người có một cuộc sống mới, một gia đình riêng. Nếu không hay gặp mặt, không tồn tại những điểm chung trong cuộc sống nữa, chúng ta chỉ còn là những người bạn "đã lâu không gặp" thôi.