Bạn nghĩ mình xứng đáng có thu nhập bao nhiêu?
Đây là một câu hỏi thú vị và đi kèm với nó là một bài tập cũng rất thú vị mà đôi khi mình sử dụng trong coaching 1:1. Các bạn hãy xem ảnh, đó là một trong những khách hàng mà mình đã làm việc cùng. Lúc này đây, thu nhập của bạn đã là 221 triệu/năm, gấp gần 2,5 lần so với trước đó.
Cho đến trước khi làm bài tập này, bạn đang gặp khó khăn nhưng cái bạn làm vẫn chỉ xoay xở xung quanh việc giảm chi và cố gắng "deal lương" để nâng cao hơn nữa nhưng việc nâng lương không thành. Không phải vì bạn không thể nhận được mức lương cao hơn, mà những rào cản trong:
- kỹ năng đàm phán lương,
- sự thiếu cương quyết trong đàm phán (bạn có thể tìm thêm về chủ đề này với từ khóa "assertiveness communication")
- và quan trọng hơn là những niềm tin bị giới hạn mà bạn có quanh chuyện thu nhập, mối quan hệ, và công việc
Bài tập cho bạn 1 cơ hội để nhìn nhận lại những rào cản của bản thân, xem xét những yếu tố đã cản trở bạn có được mức thu nhập mong muốn, và quan trọng hơn là đạt được mức thu nhập mà ở đó bạn có thể thực sự bắt đầu thoải mái làm những điều mình muốn ở hiện tại, phát triển thêm bản thân, và chăm lo thêm cho những mục tiêu của tương lai.
Trong quản lý tài chính cá nhân, mình nhận thấy nhiều bạn quá để ý đến CHI mà quên mất THU, hoặc ngược lại chỉ để ý đến THU và chăm chăm vào thu mà quên đi CHI, và quan trọng hơn cả là sự khỏe mạnh tài chính của bạn.
Để khỏe mạnh tài chính, một trạng thái tài chính mà ở đó mà chu toàn được những chi phí thiết yếu, bạn hạn chế được những cú sốc tài chính có thể có do những rủi ro, bạn đạt được các mục tiêu trong cuộc sống của mình, và có đủ khả năng để tận hưởng những điều bạn yêu thích, bạn cần có sự cân đối THU CHI, bất kỳ sự thiên lệch nào cũng có thể gây ra những khó khăn và căng thẳng tài chính.