Bạn nghĩ gì về NGÔN NGỮ GIAO TIẾP CỦA GIỚI TRẺ VIỆT hiện nay? (Phần 2: Quan điểm và một số lưu ý trong việc sử dụng ngôn ngữ giao tiếp của giới trẻ hiện nay)
Ngôn ngữ là một trong hai phương tiện giao tiếp cơ bản của con người (bên cạnh phương tiện phi ngôn ngữ). Ngôn ngữ có một vai trò quan trọng trong đời sống hằng ngày: giúp truyền tải thông tin, có nhiều ưu thế hơn so với các phương tiện giao tiếp khác, đặc biệt trong việc biểu lộ cảm xúc, tình cảm, phong cách cá nhân…Do đó, ngôn ngữ không chỉ là phương tiện, công cụ để truyền đạt thông tin mà còn ẩn chứa nét đặc trưng tâm lý, văn hóa, tính cách…của con người, là một trong những phương diện thể hiện văn hóa, đặc điểm của con người.
Do đó, việc giới trẻ hiện nay sáng tạo ra một hệ thống ngôn ngữ cho riêng mình là hoàn toàn dễ hiểu.
1.Vì sao giới trẻ muốn sử dụng một thứ “ngôn ngữ mới & lạ” ?
Giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên là những người tiếp xúc với khoa học, công nghệ nhiều và có điều kiện tiếp nhận nhanh, nhất là trong thời kỳ công nghệ thông tin; Internet đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Chỉ cần vài phút, thông tin về một vụ việc nào đó có thể phát tán tràn lan trên các trang mạng, trong lúc giới trẻ ngày nay, đại bộ phận đều có điện thoại đời mới. Mỗi lúc rảnh rỗi lại lôi ra lướt facebook, xem phim... và thứ “ngôn ngữ mạng” ấy rất dễ thâm nhập vào các đối tượng này.
Mở cửa hội nhập cũng đồng nghĩa với việc những phong cách sống và văn hóa của các nước khác sẽ thâm nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau, mà giới trẻ lại là lứa tuổi thích cái mới, cái lạ, thích học hỏi và tiếp thu những thứ đó và tạo ra cái của riêng mình, dần dần nó xuất hiện trong lời nói, câu chữ.
Xét về mặt ngôn ngữ, đôi khi có những từ ngữ chuyên ngành dịch ra đôi khi không bao hàm hết được ý nghĩa của nó nên dùng từ tiếng Anh. Ví dụ như marketing, target, customer value, file,...
Bên cạnh đó, việc sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp đã dần trở thành thói quen, từ thông dụng, và tiếng Anh đang dần trở thành ngôn ngữ quan trọng đối với giới trẻ. Ví dụ như cát xê (tiền thù lao), show (suất diễn), liveshow (chương trình biểu diễn trực tiếp), MC…
Có thể nói ngôn ngữ của giới trẻ giống như mốt thời trang. Nó được sử dụng nhằm thể hiện cá tính, tâm lý thích đổi mới, ưa cái lạ, chuộng cái hay của giới trẻ. Đó cũng là nhu cầu muốn khẳng định cái tôi cá nhân/ý thức về sự tự khẳng định mình, thể hiện bản thân (bản sắc cá nhân), tạo lập phong cách riêng có của giới trẻ. Điều này thấy rõ ở ngôn ngữ mạng, một kiểu ngôn ngữ cá nhân nhưng lại nằm trên mạng xã hội, có sức lan tỏa rất lớn. Ngôn ngữ trên mạng đôi lúc không câu nệ một sự chuẩn mực nào mà nó đã trở thành một phong cách.
Chúng ta không thể phủ nhận rằng việc sáng tạo ra ngôn ngữ mới thể hiện sự năng động, sáng tạo của giới trẻ. Mỗi từ ngữ, mỗi sắc thái cảm xúc là một cá tính của họ, họ muốn được thể hiện ra để dễ dàng bày tỏ quan điểm, phong cách sống của mình.
Cùng với sự phát triển của xã hội hiện nay và nhịp sống khá vội vã, giới trẻ đã tạo ra cho mình ngôn ngữ ngắn gọn, súc tích phù hợp để dễ dàng diễn giải và bày tỏ quan điểm cá nhân, không mất quá nhiều thời gian và công sức.
Những ngôn ngữ sáng tạo, độc đáo của giới trẻ cũng là một phần thể hiện xu hướng hiện đại, trẻ trung, gắn kết các mối quan hệ lại với nhau. Những ngôn ngữ đó có thể đem lại sự thư giãn, hài hước và những điều tích cực hơn trong cuộc sống này.
Ngôn ngữ mới với nhiều sự sáng tạo đó cũng có thể tạo nên sự vui vẻ,tinh nghịch, hài hước giúp cuộc giao tiếp đạt được hiệu quả nhất định. Các từ ngữ mới lạ, đặc biệt đó đôi khi có thể giúp họ biểu đạt điều muốn nói, tăng biểu cảm, sinh động, thể hiện cảm xúc chân thật nhất giữa những người cùng trang lứa. Hơn thế nữa, việc sử dụng tiếng lóng, ngôn ngữ nước ngoài cũng có tác dụng nhất định như: khả năng truyền đạt thông tin nhanh, tiết kiệm thời gian (chủ yếu dùng ký hiệu, viết tắt), có những yếu tố sáng tạo… làm cho hoạt động giao tiếp cũng phong phú hơn.
2. Một vài lưu ý trong việc sử dụng ngôn ngữ giao tiếp của giới trẻ hiện nay
Trên cơ sở tìm hiểu thực trạng, lý giải nguyên nhân và phân tích những mặt tích cực và hạn chế của ngôn ngữ giao tiếp của giới trẻ Việt Nam hiện nay, mình cho rằng khi sử dụng ngôn ngữ giao tiếp “mới và lạ”, bạn cần chú ý cân nhắc, lựa chọn sao cho phù hợp với hoàn cảnh, đối tượng, mục đích…của cuộc giao tiếp, tránh gây hiểu lầm, sự rối rắm, khó hiểu hay sự “tổn thương” cho người giao tiếp.
Ngoài ra bạn cần lưu ý, việc lạm dụng tiếng lóng, tiếng nước ngoài hiện nay ở giới trẻ khiến cho tiếng Việt có nguy cơ bị xâm hại xét về phương diện văn hóa ngôn ngữ. Điều này đã làm cho ngôn ngữ dân tộc bị méo mó, mất giá trị văn hóa của tiếng Việt, mất bản sắc văn hóa ngôn ngữ nước nhà.
Nguy hại hơn nữa, sự trong sáng của Tiếng Việt sẽ dần bị mất đi và và gây ảnh hưởng nguy hại đối với văn hóa ứng xử cũng như đạo đức của toàn bộ giới trẻ Việt Nam.
Bên cạnh đó, nếu bạn làm dụng ngôn ngữ mới + lạ và dùng nhiều sẽ trở thành thói quen, có thể dẫn đến việc sử dụng chệch hướng, biến nó thành ngôn ngữ trong nhà trường, trong các văn bản. Xa hơn nữa, nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tư duy.
Như vậy, dù chúng ta là ai, người trẻ hay người đã đứng tuổi, cần lưu ý việc sử dụng ngôn ngữ như thế nào cũng cần phù hợp với hoàn cảnh và đối tượng giao tiếp. Ngôn ngữ là một loại phương tiện giao tiếp thể hiện hình ảnh cá nhân, có khả năng tác động tới người nghe nên bạn cần cân nhắc “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Hy vọng những chia sẻ của mình sẽ mang đến cho các bạn những bài học ý nghĩa nhất để có thể lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp một cách phù hợp!
kỹ năng mềm
Cảm ơn bài chia sẻ của chị ạ!
Trần Đức Việt
Cảm ơn bài chia sẻ của chị ạ!
Hoài Anh
Mấy cái ngôn ngữ này gọi là "đú theo trend" ^^
Lương Thị Huyền Mai
Em cũng thuộc giới trẻ, nhưng đôi khi nghe mấy bạn nói chuyện với nhau mà cứ nửa Tây nửa ta nghe rất khó chịu