Bạn nghĩ gì về chuyện nhờ người "mang thai hộ"?

  1. Phong cách sống

Việc sinh con đẻ cái để “nối dõi tông đường” hay cao cả hơn là “duy trì nòi giống” cho nhân loại vốn được xem là thiên kinh địa nghĩa. Nhưng “mang thai hộ” hay “đẻ mướn” xuất phát từ nhu cầu cao cả đó có phải là một hành động nhân văn?

Ngày nay, mang thai hộ đã có nhiều tiến bộ, nó giúp giải quyết tình trạng hiếm muộn của những cặp vợ chồng mong muốn có con. Bằng biện pháp khoa học, người ta lấy trứng của người mẹ thụ tinh với tinh trùng của người cha, và cấy trứng đã thụ tinh đó vào cơ thể của người mang thai hộ. Như vậy, về mặt sinh học có thể thấy đứa con sinh ra gần như hoàn toàn là con của cha mẹ nó. Đây đơn giản là hình thức thụ tinh trong ống nghiệm, nhưng thay vì mang trong cơ thể mẹ, đứa con lại được “đặt nhờ” trong cơ thể người phụ nữ khác. 

Tuy nhiên, không phải ai có nhu cầu có con cũng có điều kiện, không phải ai có điều kiện cũng làm theo cách tiến bộ nhất có thể nói trên. Mang thai hộ còn có hình thức khác là đẻ mướn: người cha sẽ trực tiếp giao phối với đối tác, tinh trùng của cha và trứng của đối tác tạo ra con. Sau khi “đậu” thai, sau 9 tháng 10 ngày, đối tác sinh con và bàn giao lại cho “bên mua”. Chuyện này cũng có thể xem như mang thai hộ, tặng kèm trứng + dịch vụ tiền mang thai.

Cả hai hình thức nói trên đều xuất phát từ nhu cầu có con. Nhưng vì sao phải có con đến vậy? Sao không nhận con nuôi? Trước hết cần phải nói đây là mong muốn và cách làm riêng của mỗi người, chỉ cần các phương tự nguyện thì mình tôn trọng quyết định riêng của họ. Sau đây mình chỉ nói cách nhìn và cảm nhận về việc mang thai hộ này thôi, không nói đến những người thực hiện nó.

Nếu đứng ở khía cạnh tôn giáo mà xét, thì đây là việc làm đi ngược lại lời Chúa dạy (giáo lý hôn nhân), còn theo Phật giáo, thì nhân này gieo xuống, hậu quả khôn lường.

Cá nhân mình thì không hiểu vì sao người ta cứ phải có con? Có phải do sức ép của gia đình lớn, của xã hội hay chỉ là mong muốn có người kế tục mình...? Khi một đứa trẻ được hình thành từ cơ chế mang thai hộ như vậy, người vợ sẽ có cảm nhận gì? Có thể ban đầu cô ta chấp nhận vì mình không có khả năng sinh sản, nhưng sau đó thì sao? Còn người chồng có thật sự thỏa mãn vì đứa con? Và người mang thai hộ kia sẽ có cảm nhận thế nào? Rồi đứa con, khi lớn lên biết chuyện, nó sẽ cư xử ra sao? Có quá nhiều biến số trong bài toán đẻ mướn này, và chỉ cần một biến số xấu đi, mọi chuyện sẽ rối tung, mọi người đều đau khổ.

Nếu như việc này đơn thuần xuất phát từ mong muốn có con mà không (không phải có con để làm gì đó), và các bên đều tự nguyện, giải quyết êm đẹp với nhau, thì có lẽ đó cũng là một chuyện tốt. 

Con cái cũng giống như hôn nhân vậy, là một loại duyên nợ, phải có nợ nhau nhiều kiếp mới là mẹ con, cha con. Nếu kiếp này nợ duyên của mình chưa tới, thì việc gì phải cưỡng cầu tới vậy? Có con cũng như kết hôn, là một loại trách nhiệm, phải có yêu thương thì mới ráng chịu khổ cùng nhau, có đâu mà đâm đầu tìm khổ đến vậy chứ..

Nếu nhất định phải có con thì có lẽ việc thụ tinh ống nghiệm rồi cấy lại và o cơ thể mẹ, hoặc nhờ người mang thai hộ là biện pháp vẹn toàn nhất ở thời điểm hiện tại. Nhưng mình cứ nghĩ đến chuyện sẽ ra sao nếu tương lai bọn trẻ con toàn chui ra từ một bình dưỡng chất nào đó trong phòng thí nghiệm thay vì được mẹ chúng sinh ra... chuyện đó có thể tốt hơn cho mọi người, nhưng mình cứ ớn lạnh sao sao đó.

Thật sự có con quan trọng tới vậy sao?

Từ khóa: 

mang thai

,

dịch vụ

,

xã hội

,

văn hoá

,

sinh con

,

phong cách sống

Mình thấy môi trường sống ngày càng tệ đi, thế nên viễn cảnh bạn nói tới, tức là trẻ con được sinh ra trong những cái buồng (như kiểu cảnh robot nuôi loài người làm năng lượng trong phim Ma Trận), mình nghĩ không phải là viễn cảnh quá xa vời.

Sẽ đến lúc, loài người nâng cấp phiên bản Đạo Đức, bỏ đi một số dòng để khiến điều trên trở nên bình thường :(

Trả lời

Mình thấy môi trường sống ngày càng tệ đi, thế nên viễn cảnh bạn nói tới, tức là trẻ con được sinh ra trong những cái buồng (như kiểu cảnh robot nuôi loài người làm năng lượng trong phim Ma Trận), mình nghĩ không phải là viễn cảnh quá xa vời.

Sẽ đến lúc, loài người nâng cấp phiên bản Đạo Đức, bỏ đi một số dòng để khiến điều trên trở nên bình thường :(

Mình nghĩ việc sinh con tự nhiên là một món quà cho chính người mẹ đó nữa. Tình cảm mẹ con cũng hình thành từ lúc đứa con còn trong bụng mẹ. Cả đứa bé và mẹ đều sẽ cảm nhận được điều này. Đứa bé lúc còn trong bụng mẹ giống như một phần cơ thể của người mẹ vậy ( mặc dù người mang thai hộ được cấy trứng và tinh trùng của 2 người khác, nhưng điều này vẫn sẽ không thay đổi) sau đó lại phải trao con của mình cho người khác và người mẹ ruột kia mặc dù có đứa con mang gen của mình nhưng chưa chắc đã cảm nhận hết được những điều thiêng liêng đó. Nếu thực sự là người mẹ tốt thì ngay cả khi nhận đứa con nuôi về không phải máu mủ của mình người mẹ vẫn có thể yêu thương như con ruột và bản chất của nó thì mình thấy cũng ngang với việc nhờ người khác mang thai hộ mà nhân văn hơn nhiều