Bạn nghĩ gì bộ phim Black Swan/Thiên nga Đen (2010, đạo diễn Darren Aronofsky)?
phim ảnh
Black Swan/Thiên nga Đen (2010) là bộ phim thuộc thể loại tâm lý – kinh dị của đạo diễn Darren Aronofsky. Bộ phim đi sâu khai thác đề tài vũ ballet – một loại hình nghệ thuật vũ kịch có nguồn gốc xuất xứ từ triều đình Ý, cụ thể là bài vũ ballet Hồ Thiên nga. Nội dung của phim xoay quanh cô vũ công xinh đẹp và tài năng Nina – gương mặt mới được chọn tái hiện lại vai Nữ hoàng Thiên nga của vở ballet kinh điển Hồ Thiên nga. Yêu cầu để được chọn vào vai Nữ hoàng Thiên nga đó là người vũ công phải thể hiện thành công 2 nhân cách đối lập: Thiên nga Trắng mong manh thánh thiện và Thiên nga Đen dâm loạn xảo quyệt. Ở Nina, cô có đầy đủ những tố chất và khả năng hóa thân thành Thiên nga Trắng, nhưng Thiên nga Đen lại là điểm yếu của cô. Người bạn diễn của cô – Lily, lại trái ngược hẳn với cô. Ở Lily có sự phóng túng tự do, hoàn toàn phù hợp để tái hiện lại Thiên nga Đen. Mỗi một vũ công có 1 hình tượng của riêng mình, thế nhưng người được chọn lại chỉ có 1. Bộ phim là “hành trình” chinh phục hình tượng Thiên nga Đen của Nina, “hành trình” truy tìm sự hoàn hảo. Để có thể hoàn thành được vở vũ kịch, Nina buộc phải “đánh thức” phần tăm tối trong tâm hồn mình – đó là những dục vọng, sự ích kỷ và lòng ham muốn. Xuyên suốt cả bộ phim là sự đan xen của hiện thực và ảo giác, hiện thực của cuộc sống gò bó, mực thước mà Nina đang tồn tại, ảo giác của những dục vọng, ham muốn ở sâu trong tâm hồn cô. Cuối bộ phim, Nina đã hoàn thành xuất sắc vai Nữ hoàng Thiên nga của mình, hoàn thành chuyến “hành trình” chinh phục hình tượng đối lập trong tâm hồn và truy tìm sự hoàn hảo.
Black Swan là 1 bộ phim mang những đặc điểm chủ yếu của nghệ thuật Phục hưng, Cổ điển và Khai sáng
* Những đặc điểm chủ yếu của nghệ thuật Phục hưng:
Ballet là một loại hình nghệ thuật vũ kịch có nguồn gốc từ triều đình Italy, ra đời vào thời Phục hưng nhằm phục vụ cho lễ cưới Hoàng gia và của tầng lớp quý tộc. Vì thế, những điệu vũ ballet trong bộ phim mang hơi hướng của nền nghệ thuật Phục hưng: Lấy con người làm trung tâm. Vở ballet Hồ Thiên nga được tái hiện trong bộ phim luôn có một đến ba vũ công múa ở vị trí trung tâm: Nữ hoàng Thiên nga, Hoàng tử và Phù thủy, trong đó, vai Nữ hoàng Thiên nga của cô vũ công Nina là vai có nhiều đất diễn ở vị trí trung tâm nhất.
* Những đặc điểm chủ yếu của nghệ thuật Cổ điển:
- Tư tưởng mỹ học: Đề cao lý trí trong sáng tạo nghệ thuật (chính xác, trong sáng,…)
Ta có thể thấy rõ đặc điểm này qua nhân vật cô vũ công Nina. Trong từng điệu múa của Nina luôn có sự chính xác và sự kiểm soát của lý trí. Cô không hoàn toàn thả hồn vào bài múa. Thêm vào đó, sự chăm sóc và dạy dỗ có phần kỹ lưỡng thái quá của người mẹ đối với cô như tự mình cắt móng tay cho con gái, mua bánh kem để chúc mừng khi cô nhận được vai Nữ hoàng Thiên nga, không cho Nina đi chơi đêm,… đã góp phần gây dựng tính cách ở cô. Mặc dù Nina đã trưởng thành nhưng cách đối xử như đối với một đứa trẻ của người mẹ đã hình thành cho cô sự mong manh yếu đuối, thậm chí là ngây thơ chưa trải đời. Do đó, trong bài múa của Nina, không cần sự cảm thụ tuyệt đối, cô vẫn có thể diễn tả được thần thái, phẩm chất của Thiên nga Trắng, bởi vì chính bản thân cô, là 1 con Thiên nga Trắng. Bản thân đã là 1 con Thiên nga Trắng rồi, vậy tại sao Nina lại không thể thả hồn vào tác phẩm, múa theo bản năng vốn có mà lại phải biểu diễn dưới sự kiểm soát của lý trí? Bởi vì cô truy cầu sự hoàn hảo. Cô đòi hỏi trong từng động tác của mình phải có sự chính xác tối đa, kỹ thuật mà cô sử dụng phải đúng, phải hoàn chỉnh. Tuy rằng trong phim không đề cập tới, thế nhưng, người xem có thể phần nào cảm nhận được tư tưởng của Nina: Trong nghệ thuật, muốn đạt đến cảnh giới cao, muốn đạt tới sự hoàn hảo, phải có tính lý trí mạnh và tính chính xác cao.
- Coi thành tựu của nghệ thuật quá khứ là mẫu mực cần noi theo:
Trong phim, sự ngưỡng mộ, thần tượng mà Nina dành cho đàn chị Beth là điều mà người nào xem bộ phim cũng có thể nhìn thấy. Cô bênh vực đàn chị trước lời gièm pha của các bạn diễn trong công ty. Thậm chí, Nina còn lấy trộm đồ của Beth với lý do “Muốn được hoàn hảo” giống như đàn chị. Rõ ràng, Nina đã coi những thành tựu của đàn chị Beth là mẫu mực mà cô cần noi theo. Đối với cô, những tiêu chuẩn, sự hoàn hảo đã được định sẵn từ trong quá khứ, và đàn chị Beth chính là hiện thân của sự hoàn hảo ấy.
- Khai thác xung đột cơ bản: Nghĩa vụ >< dục vọng, song vẫn lấy cái mực thước làm cơ sở thẩm mỹ:
Bộ phim có sự đan xen giữa hiện thực và ảo giác. Hiện thực là cuộc sống mà Nina đang sống, có thể hiểu là mặt sáng trong tâm hồn Nina, những phẩm chất, tính cách mà cô thể hiện ra bên ngoài. Còn ảo giác là cuộc sống trong tưởng tượng của Nina, một cuộc sống không có thật, có thể hiểu là mặt tối trong tâm hồn cô, những toan tính, ham muốn mà đến chính bản thân cô cũng không biết rằng nó đang tồn tại. Nói cách khác, hiện thực chính là những nghĩa vụ của Nina, còn ảo giác chính là những dục vọng ẩn nấp ở trong con người cô. Khi xem bộ phim, ta có thể thấy rõ nỗi sợ hãi, những giằng xé của Nina khi cô đối mặt với chính “bóng ma” của mình – nét tính cách phóng túng, tràn đầy dục vọng, ham muốn. Thậm chí, giữa mặt sáng và mặt tối của tâm hồn, hay là giữa nghĩa vụ và dục vọng còn xảy ra những xung đột, và sự xung đột đó được đẩy tới đỉnh cao khi cô cầm mảnh gương vỡ đâm vào người Lily, và cũng là hiện thân cho dục vọng của cô. Đan cài hiện thực và ảo giác, khiến cho cả hai dường như hòa vào với nhau, người xem thật sự đã bị “đánh lừa”. Người xem có đôi lúc đã giật mình thầm nghĩ “Nina đã bị dục vọng chi phối rồi ư? Ánh sáng của lý trí đã bị “bóng ma” ẩn núp trong tâm hồn cô dập tắt rồi sao?” Nhưng không, chỉ ngay thước phim tiếp theo thôi, người xem đã phát hiện ra ngay thước phim trước đó là hiện thực hay ảo giác. Đan xen hiện thực – ảo giác như vậy càng làm nổi bật hơn sự mâu thuẫn giữa nghĩa vụ và dục vọng. Nina thật sự đã không bị “bóng ma” chi phối, sự giằng co với dục vọng và hình ảnh kết phim với sự xuất hiện của Thiên nga Trắng đã nói lên rằng cơ sở của thẩm mỹ trong cách nhìn nhận của Nina vẫn là sự mực thước.
* Những đặc điểm chủ yếu của nghệ thuật Khai sáng:
- Tư tưởng mỹ học: chống lại các khuynh hướng lý tưởng hóa, khuôn mẫu hóa của chủ nghĩa Cổ điển:
Nếu như Nina là người luôn theo đuổi sự mực thước, luôn kiểm soát mọi việc bằng lý trí, thì vị đạo diễn Thomas lại là người luôn đòi hỏi sự giải thoát, phá cách. Ông đòi hỏi ở Nina sự giải phóng hình thể, thoát khỏi sự kiểm soát của lý trí, múa theo bản năng, hòa mình vào vai diễn, thả hồn vào nghệ thuật. Hay nói cách khác, Thomas muốn Nina thoát khỏi khuynh hướng lý tưởng hóa, khuôn mẫu hóa mà cô đã đúc kết từ sự mực thước. Thiên nga Đen, hay dục vọng là gì? Là bản năng ẩn sâu trong con người Nina, nó không phải là lý tưởng, càng không phải là khuôn mẫu, vì thế, muốn thể hiện được Thiên nga Đen, Nina buộc phải thoát ly lý tưởng hóa, khuôn mẫu hóa. Quan niệm về nghệ thuật của Thomas khác với Nina. Ông coi trọng sự thoải mái, hòa mình và sáng tạo hơn là độ chuẩn mực và chính xác trong kỹ thuật. Nếu như coi nhân vật Nina là một biểu tượng cho nghệ thuật Cổ điển, thì nhân vật Thomas chính là biểu tượng cho nghệ thuật Khai sáng.
- Dùng ánh sáng của lý trí: giải phóng tư tưởng, tạo điều kiện cho mọi người tiếp xúc với văn hóa nghệ thuật:
Thomas đề cao sự hóa thân, sáng tạo và phá cách, thế nhưng không đồng nghĩa với việc ông hạ thấp tầm quan trọng của lý trí. Ta vẫn cần dùng tới lý trí để suy xét, để đánh giá, và đương nhiên là để quyết định hành động. Thomas tin rằng Nina có thể hoàn thành xuất sắc vai Thiên nga Trắng, bởi vì, ông tin vai Thiên nga Trắng cần tới sự kiểm soát của lý trí, cần những khuôn mẫu, và ở Nina hội tụ đầy đủ những điều đó. Thêm vào đó, để giúp Nina diễn vai Thiên nga Đen, Thomas có thể quyến rũ Nina để giúp cô thoát khỏi khuôn mẫu mà sự mực thước gây dựng, thế nhưng ông chưa bao giờ đi quá giới hạn. Đó chính là một quyết định của lý trí. Thomas muốn dùng lý trí của mình để giải phóng tư tưởng cho Nina, tạo điều kiện cho cô tiếp xúc với nghệ thuật dưới nhiều góc độ, nhiều cách cảm nhận.
Nội dung liên quan
Lê Ngọc Thúy Anh