Bạn có quan tâm đến thực trạng nền giáo dục nước nhà?

  1. Giáo dục

"Cách tốt nhất để tiên đoán tương lai là hãy tự tay kiến tạo ra nó."

_ Abraham Lincoln, tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ.

thuc-trang-giao-duc-vietnam

Nguồn: Reddit

Khi nghe nhắc đến đề tài thực trạng nền giáo dục của nước nhà, có lẽ đa số chúng ta đều biết rằng sẽ có nhiều cải cách mà đổi mới cần phải được thực hiện, nhưng liệu chúng ta có nắm rõ được những vấn đề cụ thể mà nền giáo dục Việt Nam (GDVN) đang phải đối mặt? Và đâu là những phương hướng giải quyết?

Mục đích của bài viết này là để cung cấp cho bạn đọc một bức tranh toàn cảnh về tình hình hiện tại của GDVN, những thiếu sót và bất cập của nó, cùng những giải pháp tiềm năng.

Những vấn đề chính của giáo dục Việt Nam (GDVN) vào thời điểm hiện tại

Có lẽ, một trong những vấn đề chính yếu của nền GDVN là việc nó vẫn chưa hoàn toàn thực hiện đúng chức năng của một nền giáo dục.

Theo các nhà nghiên cứu giáo dục, một nền giáo dục đúng nghĩa cần phải thực hiện được những sứ mệnh sau:

  • Nuôi dưỡng và phát triển một cách toàn diện (kiến thức, tinh thần và đạo đức) các thế hệ trẻ.
  • Xây dựng nền tảng xã hội ổn định cho đất nước.
  • Đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Vậy, tại sao nói GDVN vẫn chưa thực hiện được những sứ mệnh trên? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua những phân tích dưới đây nhé!

1/ Chương trình học quá tải

Đây có lẽ là một trong những bất cập dễ thấy nhất của GDVN: chương trình học (đặc biệt là chương trình THCS và THPT) nặng nề, cồng kềnh với quá nhiều môn học và lượng kiến thức quá dàn trải...khiến cho các em học sinh sinh viên (HSSV) cảm thấy bị quá tải và chịu nhiều áp lực học tập.

thuc-trang-giao-duc

Nguồn: CafeF

Nếu không có phương hướng giải quyết và cải cách sớm, tình trạng quá tải trong việc học tập ở HSSV có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của các em, cả thể chất (ví dụ: cận thị học đường, vẹo cột sống...) và tâm lý (ví dụ: căng thẳng, stress...).

Mặt khác, số lượng môn học quá nhiều thường dẫn đến những tiêu cực như tình trạng học tủ, học đối phó ở HSSV.

Ngoài ra, chương trình học quá tải cũng sẽ hạn chế việc tham gia vào các hoạt động ngoại khóa của HSSV, trong khi những hoạt động này là cơ hội để các em có thể phát triển những kỹ năng mềm quan trọng như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tính tự tin, v.v...

2/ Quá chú trọng vào số lượng hơn là chất lượng đầu ra

Riêng về đào tạo THPT và đại học, hệ thống giáo dục nước ta hiện vẫn còn quá chú trọng và đặt nặng vấn đề chỉ tiêu số lượng HSSV tốt nghiệp. Việc này khiến các trường THPT và đại học Việt Nam có xu hướng chạy theo thành tích thi đua, và trong một số trường hợp thậm chí còn bao che hành vi thi cử gian lận của HSSV, nhằm bảo đảm đủ chỉ tiêu số lượng.

Tình trạng này đã và đang gây ra một hậu họa nghiêm trọng cho đất nước: chất lượng HSSV đầu ra kém sẽ tạo ra một lực lượng lao động trong tương lai kém chất lượng.

tinh-hinh-giao-duc

Nguồn: xaluan.com

3/ Quá chú trọng vào việc dạy kiến thức, thay vì dạy cách tư duy

Một trong những bất cập nghiêm trọng khác của GDVN hiện giờ là quá chú trọng vào việc dạy và kiểm tra kiến thức, hoặc kiểm tra khả năng ghi nhớ kiến thức và thông tin của HSSV, thông qua phương pháp học thường thấy là học thuộc lòng, thay vì khả năng tư duy, suy luận.

Khả năng ghi nhớ kiến thức và thông tin tất nhiên đóng một vai trò quan trọng. Tuy nhiên, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 với tốc độ phát triển và thay đổi quá nhanh như hiện nay, khả năng ghi nhớ kiến thức đã học trở nên kém quan trọng hơn so với khả năng tư duy sáng tạo, khả năng thích ứng, tư duy phản biện (critical thinking), và đây đều là những kỹ năng mà HSSV nước ta không hề được đào tạo, được chuẩn bị.

4/ Chương trình đào tạo quá hàn lâm và lỗi thời về mặt kiến thức

Một trong những điều dễ nhận thấy ở một đại bộ phận HSSV Việt Nam là khi so sánh với HSSV các nước khác, đặc biệt là ở các nước phương Tây, các em nước ta vượt trội hơn hẳn về mặt kiến thức bao quát và hàn lâm (kiến thức lý thuyết). Nhưng khi so sánh về khía cạnh kiến thức thực tiễn (thường được thể hiện qua kỹ năng thực hiện các thí nghiệm...), hoặc khả năng hiểu sâu, HSSV các nước phát triển có thể qua mặt chúng ta một cách dễ dàng. Việc này bắt nguồn từ việc hệ thống giáo dục nước ta quá chú trọng vào mảng kiến thức hàn lâm, mà quên đi tính thực tiễn của nó.

cai-cach-giao-duc

Nguồn: Zing.vn

Ngoài ra, theo một số thống kê về giáo dục trên thế giới: kiến thức trong thời đại ngày nay có tốc độ thay đổi ngày càng nhanh chóng. Được biết, tại Mỹ, người đi làm vào giai đoạn năm 1980 đã không còn có thể áp dụng được 50% lượng kiến thức mình đã học thời sinh viên vào những năm 1970, và đến khoảng năm 1986 thì tất cả những kiến thức đó đã trở nên lỗi thời và không còn có thể áp dụng được nữa.

Tương tự, đối với các sinh viên Trung Quốc, độ lỗi thời của các kiến thức và kỹ năng mà họ đã học được vào năm 1965 đã tăng lên 45% chỉ trong vòng 5 năm, vào năm 1970. Độ lỗi thời này thậm chí đã tăng lên 75% vào năm 1975. Bởi vậy, sự chậm cập nhật về mặt kiến thức, đặc biệt là ở mảng khoa học-kỹ thuật, sẽ trở thành một vấn đề nghiêm trọng của GDVN trong tương lai.

5/ Mất cân đối các ngành nghề

Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, đa phần học sinh THPT nước ta sau khi tốt nghiệp thường chỉ nhắm vào học các ngành như kinh tế, tài chính-ngân hàng, quản trị kinh doanh, truyền thông-marketing, v.v...và tránh vào học các ngành khoa học cơ bản, khoa học-kỹ thuật (KHKT) như công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ sinh học, cơ điện tử, v.v...

Việc mất cân đối trong việc tuyển sinh giữa các ngành nghề này, đặc biệt là khi số lượng sinh viên ứng tuyển vào các ngành khoa học căn bản bị thiếu hụt, về lâu dài sẽ gây ra bất ổn cho toàn bộ hệ thống kinh tế của chúng ta. Lý do là vì những ngành nghề thuộc nhóm KHKT luôn là nền tảng quan trọng của toàn bộ hệ thống kinh tế, điển hình là tầm quan trọng của ngành CNTT đối với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

giao-duc-huong-nghiep

Nguồn: Ketnoigiaoduc.vn

6/ Quá chú trọng giáo dục kiến thức, thay vì giáo dục đạo đức

Vấn đề này thực chất đang thách thức rất nhiều nền giáo dục của cả các nước khác trên thế giới, bao gồm các nước phát triển (ví dụ: Mỹ và các nước châu Âu...). Nền giáo dục hiện đại quá đặt nặng việc chấm điểm và xếp loại HSSV dựa trên trí thông minh và khả năng học tập, hơn là việc phát triển nhân cách của HSSV và định hướng cho các em trở thành những công dân có ích cho xã hội trong tương lai. Tuy hệ thống hạnh kiểm cũng được áp dụng, nhưng vẫn quá sơ sài so với hệ thống thang điểm đánh giá học lực. Và thực tế là tệ nạn xã hội vẫn đang trên đà gia tăng khắp thế giới hiện nay.

Việc phớt lờ khía cạnh giáo dục đạo đức và phát triển nhân cách cho HSSV có lẽ chính là đang đi ngược lại với một trong những sứ mệnh cao cả nhất của giáo dục vậy.

Giải pháp

Đứng trước các thách thức trên, việc cải cách toàn bộ nền giáo dục, ít nhất là phần lớn nền giáo dục nước nhà hiện tại, là vô cùng cần thiết. Chiến lược cải cách giáo dục cần phải bao gồm ít nhất những việc sau:

  • Tập trung phát triển nhân cách cho HSSV, sau đó mới đến kiến thức chuyên môn và kỹ năng.
  • Dạy và kiểm tra cách tư duy thay vì khả năng ghi nhớ thông tin và học thuộc lòng.
  • Khuyến khích học sinh THPT đến với các ngành khoa học cơ bản.
  • Chú trọng vào chất lượng hơn là số lượng đầu ra của HSSV tốt nghiệp.
  • Liên tục cập nhật và đổi mới kiến thức trong chương trình giảng dạy.
cai-cach-giao-duc-2
"Trong giáo dục, chúng ta không được phép lơ là việc phát triển nhân cách cho các thế hệ thanh niên."

_ Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Nguồn: Edgalaxy

Lời kết

Như vậy, nền GDVN đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn và thách thức. Việc cải cách và thay đổi phương châm giáo dục nhất định là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của GDVN, đặc biệt là vào thời điểm hiện tại, khi mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến gần, và môi trường kinh tế thế giới đang đứng trước nhiều chuyển biến lớn.


Nguồn

Ellen Swallow Richards (2018) Thực trạng giáo dục Việt Nam ta hiện nay.

Mr. Luân (2015) Thực trạng chất lượng giáo dục Việt Nam hiện nay.

Ngân Lệ (2012) 8 điểm yếu của giáo dục Việt Nam.

Quách, Đ. L. (2017) Cần đánh giá đúng thực trạng hiện nay để có giải pháp thích hợp cho đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà.

Vũ, M. G. (2018) Giáo dục Việt Nam trước đòi hỏi đổi mới căn bản và toàn diện.

Từ khóa: 

giáo dục việt nam

,

cải cách giáo dục

,

thực trạng giáo dục

,

giáo dục

,

giáo dục

Giáo dục là một ngành khó thay đổi nhất ở Việt Nam. Vì khác với các ngành khác - khi một chủ trương đổi mới được đưa ra thì chỉ tác động đến một nhóm người cụ thể. Còn giáo dục thì khác, nó tác động đến cả xã hội. Mà ở Việt Nam cái gì mà "xã hội" tham gia nhiều thì y như rằng chẳng có cái gì thực ra hồn cả.

Nói về giáo dục, cách đây 2 tháng cũng có một vụ được nhiều người quan tâm và truyền thông đào xới: Sách tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục. HIỂU TRƯỚC, PHẢN BÁC SAU! - Noron.vn. Nói hoài nói mãi, việc ai làm thì người đó cứ làm, ai nhận thức tới đâu thì người đó có lợi tới đó, còn ở Việt Nam "tri thức thực sự không dành cho số đông" đâu.

Có những người hy sinh cả cuộc đời để cống hiến đổi mới nền giáo dục, họ tốn hàng chục năm với nhiều công sức và của cải. Nhưng vẫn lay hoay trong cái vòng lẩn quẩn "thông não" cho đám đông.

Chung quy thì em nghĩ, giáo dục Việt Nam trì trệ, trách nhiệm không chỉ thuộc về những người đứng đầu ngành giáo dục (đương nhiên), mà có còn là trách nhiệm của cả cái xã hội này, cả cái ý thức hệ này.
Trả lời

Giáo dục là một ngành khó thay đổi nhất ở Việt Nam. Vì khác với các ngành khác - khi một chủ trương đổi mới được đưa ra thì chỉ tác động đến một nhóm người cụ thể. Còn giáo dục thì khác, nó tác động đến cả xã hội. Mà ở Việt Nam cái gì mà "xã hội" tham gia nhiều thì y như rằng chẳng có cái gì thực ra hồn cả.

Nói về giáo dục, cách đây 2 tháng cũng có một vụ được nhiều người quan tâm và truyền thông đào xới: Sách tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục. HIỂU TRƯỚC, PHẢN BÁC SAU! - Noron.vn. Nói hoài nói mãi, việc ai làm thì người đó cứ làm, ai nhận thức tới đâu thì người đó có lợi tới đó, còn ở Việt Nam "tri thức thực sự không dành cho số đông" đâu.

Có những người hy sinh cả cuộc đời để cống hiến đổi mới nền giáo dục, họ tốn hàng chục năm với nhiều công sức và của cải. Nhưng vẫn lay hoay trong cái vòng lẩn quẩn "thông não" cho đám đông.

Chung quy thì em nghĩ, giáo dục Việt Nam trì trệ, trách nhiệm không chỉ thuộc về những người đứng đầu ngành giáo dục (đương nhiên), mà có còn là trách nhiệm của cả cái xã hội này, cả cái ý thức hệ này.