[BẠN CÓ BIẾT] Ý nghĩa của 6 món đồ chơi truyền thống dịp trung thu!
Trung thu từ bao đời đã trở thành ngày tết của cả trẻ thơ và người lớn. Ngày Tết Trung thu bày cỗ trông trăng, nam nữ hát đối đáp, trẻ em rộn rã trong đám múa lân và rước đèn cùng với những câu chuyện cổ tích: Chú cuội cung trăng, chị Hằng Nga, Thỏ ngọc,... đã đi sâu vào trong tiềm thức nhưng nghe hoài nghe mãi vẫn thấy vui, thấy háo hức đến lạ kì!
Và những món đồ chơi trung thu ngày ấy, ắt hẳn sẽ luôn là thứ đồ chơi không thể thiếu của bất cứ đứa trẻ con nào trong xóm. Nhân dịp Trung thu vừa rồi dắt đứa em đi chơi, tự dưng nhớ chiếc đèn ông sao được ông nội tỉ mỉ cả ngày trời làm cho để tối đem đi khoe cả xóm, nhớ mùi xâu bưởi phơi khô nổ tanh tách như pháo hoa, nhớ những đứa bạn cùng xóm ngày thơ ấu,...nên kiếm lại mấy món đồ chơi truyền thống ngày xưa để mua chơi lại mà ở Sài Gòn kiếm hoài khó quá :(((
Có bạn nào từng biết đến những món đồ chơi này giống mình không nhỉ?
1. Đèn ông sao
"Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu
Cán đây rất dài cán cao quá đầu
Em cầm đèn sao em hát vang vang
Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan
Tùng rinh rinh, tùng tùng tùng rinh rinh…"
Câu hát quen thuộc mỗi độ trung thu về - gợi nhớ đến chiếc đèn ông sao - món đồ chơi truyền thống, đặc trung của thiếu nhi nói riêng và mỗi người dân Việt Nam nói chung.
Đèn ông sao là một loại đèn lồng làm thủ công rất quen thuộc đối với mỗi người Việt Nam. Để làm ra một chiếc đèn ông sao cần nhiều công phu và đòi hỏi người làm phải khéo léo trong việc lồng ghép thành 5 cánh tròn trịa. Đèn ông sao 5 cánh trên là cờ mang thông điệp giữ cho tâm hồn trong sáng và chân thành. Loại giấy dùng trong đèn ông sao truyền thống là giấy bóng kính màu trong suốt để khi thắp nến vào sẽ cho màu sắc lung linh. Ngoài ra, có thể cắt thêm giấy thành những đường viền đẹp để dán lên phần cánh của các ngôi sao.
Làng nghề làm đèn ông sao lâu đời nhất là làng nghề Báo Đáp ở Nam Định.
2. Đèn kéo quân
Đèn kéo quân là một loại đồ chơi bằng giấy có nguồn gốc từ Trung Quốc được làm chủ yếu bằng giấy và tre. Đèn có đặc điểm khi thắp nến thì những hình ảnh được thiết kế bên trong sẽ hiện ra trên mặt đèn giống như rối bóng và xoay vòng theo cùng một chiều liên tục không dừng lại.
Làng nghề xã Cao Viên bên sông Đáy được coi là nơi sinh thành ra nghề làm đèn kéo quân.
3. Trống bỏi
Trống bỏi có cấu tạo đơn giản với mặt trống bằng bìa, tang trống bằng đất sét, dùi trống là que gỗ nhỏ. Trống gắn với với cán nhựa (trước kia là tre) qua trục xoay bằng kim loại. Khi cầm và xoay, các khía của cán tác động vào dùi trống khiến dùi đập liên hồi vào mặt trống tạo nên âm thanh giòn rã. Quanh tên gọi chiếc trống bỏi còn có câu thành ngữ “già chơi trống bỏi”, chỉ những “cụ” đã già rồi còn ham muốn những thú vui của người trẻ như gái gú, chưng diện…
Ngày nay trống bỏi được sản xuất tại một số làng nghề truyền thống ở miền Bắc, nổi tiếng nhất là thôn Báo Đáp, xã Hồng Quang, Nam Trực, Nam Định.
4. Mặt nạ giấy bồi
Thoạt nhìn, những chiếc mặt nạ có vẻ như chỉ là những vật dụng mua vui đêm rằm cho con trẻ. Nhưng thực chất các hình tượng trên chiếc mặt nạ lại mang những thông điệp văn hóa rất rõ ràng. Mặt nạ ông Địa - tức vị Thổ thần, Thổ địa được thể hiện với hình dáng tròn vo và vui tươi như sự sung mãn đầy đủ của đất đai màu mỡ. Hình ảnh Thỏ ngọc lại là tượng trưng cho sự đẹp đẽ hài hòa – hoặc tượng trưng cho ánh trăng sáng ngời đêm rằm. Sự xuất hiện của hình tượng ông Địa với Thỏ ngọc ẩn giấu ước vọng về một mùa màng bội thu của người nông dân thời xưa.
Nghề làm mặt nạ giấy bồi chính là nghề truyền thồng của cả ngôi làng Hảo thuộc Yên Mỹ, Hưng Yên.
5. Tò he
Tò he là một loại đồ chơi dân gian của trẻ em Việt Nam, có thể ăn được. Nặn tò he xuất hiện tại miền Nam Việt Nam. Ban đầu, tò he là sản phẩm làm bằng bột dùng để cúng lễ nên chúng thường có hình thù các con vật như công, gà, trâu, bò, lợn, cá... vì vậy, người ta gọi sản phẩm này là "đồ chơi chim cò".
Một số vùng tại miền Bắc, người ta còn gọi là "con bánh" vì bên cạnh hình thù các con vật, người ta còn nặn bột thành nải chuối, quả cau, chân giò, đĩa xôi... tạo thành mâm cỗ để đi chùa dâng cúng. Sản phẩm này có màu sắc tương đối giống đồ thực và có pha thêm chút đường nên có thể ăn được. Về sau, sản phẩm được gắn vào một chiếc kèn ống, ở đầu kèn có quét chút mạch nha, khi thổi phát ra âm thanh "tò te" thế nên có lẽ người ta gọi là "tò te", sau này nói trại thành "tò he". Nguyên liệu chính để làm tò he là bột gạo có trộn ít nếp theo tỉ lệ 10 phần gạo, một phần nếp (sẽ cần phải cho thêm nhiều nếp để giữ được độ dẻo của sản phẩm nếu thời tiết nóng, hanh khô), trộn đều, ngâm nước rồi đem xay nhuyễn, luộc chín và nhào nhanh tay. Sau đó, người ta nắm bột lại thành từng vắt và nhuộm màu riêng từng vắt. Bốn màu cơ bản là vàng, đỏ, đen, xanh.
Bây giờ, người ta chuyển sang sử dụng màu thực phẩm công nghiệp vì tiện ích của nó. Ngày nay, các nghệ nhân không chỉ nặn tò he với hình thù đơn giản về các con vật, các loại trái cây… mà còn nặn nhiều hình thù phong phú khác: 12 con giáp, nhiều nhất là các nhân vật mà trẻ con yêu thích như Aladin, Đôrêmon, Pokémon, Tề Thiên, Trư Bát Giới, Na Tra…
Nơi có truyền thống về tò he là làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội.
6. Đèn ông sư
Tên gọi của đèn ông sư xuất phát từ hình dáng của nó, với chiếc chao đèn có 6 cánh, trông từa tựa như chiếc mũ của các vị hòa thượng Phật giáo. Khi chơi, trẻ em cắm nến vào giữa chao đèn, cầm cán đẩy đèn trên mặt đất. Ánh đèn chiếu qua chao đèn dán giấy bóng xoay tròn sẽ tạo ra những hình ảnh rực rỡ trên mặt đất, nhìn rất vui mắt. Mỗi mùa Trung thu xưa, trẻ em ở khắp các phố phường làng xóm lại kéo những chiếc đèn ông sư lấp lánh chạy khắp nơi, cười đùa ríu rít...
Những cơ sở sản xuất đèn ông sư chủ yếu là làng nghề truyền thống Báo Đáp ở tỉnh Nam Định và một số làng ở huyện Thường Tín, Hà Nội.
Ngày nay, Tết Trung thu hòa quyện với ánh trăng còn có ánh đèn điện hòa cùng tâm hồn của thế hệ trẻ, những khát khao rộng mở, với tri thức hiện đại, ước mơ tung cánh bay cao. Trung thu thời nay mang những nét khác với những vẻ đẹp xưa cũ nhưng ắt hẳn đều gợi lại trong tâm trí bao nhiêu tâm hồn Việt những ký ức khó phai!