Bạn có biết sự khác nhau giữa Lễ Vu Lan, Lễ Cúng Cô Hồn và Tết Trung Nguyên?
Tháng 7 Âm là tháng khá nhộn nhịp vì có nhiều ngày lễ trong đó có Lễ Thất Tịch, Lễ Cúng Cô Hồn, Lễ Vu Lan và Tết Trung Nguyên. Trong đó có tới 3 lễ lớn cùng vào Rằm tháng Bảy. Rất nhiều người không phân biệt được 3 ngày này. Đặc biệt là phân biệt giữa Tết Trung Nguyên và Lễ Cúng Cô Hồn. Mình sẽ nêu ra một số điểm khác nhau để mọi người dễ hình dung và phân biệt giữa ba khái niệm này nhé.
- Lễ Vu Lan:
Ngày Lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích về lòng hiếu thảo của một đệ tử lớn của Phật tổ là ông Mục Liên. Mẹ của ông Mục Liên vì làm nhiều điều sai trái nên bị đọa vào kiếp ngạ quỷ nơi ngục A Tì. Ông Mục Liên vì muốn cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ nên đã cầu xin Đức Phật chỉ cho cách để cứu mẹ ra. Do nghiệp chướng kiếp trước của mẹ ông quá nặng, một mình Mục Liên không thể làm gì mà phải nhờ đến uy đức của chúng tăng khắp nơi, đồng tâm hiệp ý để cầu xin cứu rỗi mới được. Sau đó, ông Mục Liên phải thành kính đi rước chư tăng mười phương, sắm đủ món thức thời trân, hương dâu đèn nến,... để dâng cúng các vị chư tăng thì vong linh của mẹ Mục Liên mới thoát khỏi khổ đạo. Vào đúng dịp Rằm Tháng 7 Âm, Phật dạy Mục Liên cho lập trai đàn để cầu nguyện. Trước khi thọ thực, các vị chư tăng sẽ chú tâm cầu nguyện cho cha mẹ và ông bà bảy đời của người lập đàn được siêu thoát… Ông Mục Liên đã làm đúng như thế và quả nhiên mẹ ông được thoát khỏi ngạ quỷ và sinh về cảnh giới lành.
Câu chuyện trên là một tấm gương về lòng hiếu thảo, và là nguồn gốc của Đại Lễ Vu Lan Báo Hiếu. Cứ đến Rằm Tháng 7, các gia đình thường lên chùa làm lễ, cầu siêu tỏ lòng báo hiếu đến cha mẹ, ông bà, tổ tiên... vào ban ngày. Sau đó về nhà làm mâm cơm chay thắp hương lên bàn thở Phật và bàn thờ gia tiên. Nếu cúng Vu Lan báo hiếu tại nhà mà không lên chùa thì các gia đình cần chuẩn bị các khóa lễ như: cúng Phật, cúng thần linh, cúng gia tiên, đọc một khóa kinh là Kinh Vu Lan để hiểu rõ về ngày Báo hiếu, hồi hướng công đức cho những người thân trong quá khứ được siêu sinh. Đại Lễ Vu Lan Báo Hiếu đặc biệt nhất là nghi thức bông hồng cài áo để tưởng nhớ tới đấng sinh thành. Mỗi bông hoa cài áo sẽ tượng trưng cho một ý nghĩa khác nhau.
- Lễ cúng Cô Hồn:
Nhiều người vẫn biết tháng 7 Âm được dân gian quan niệm là tháng "cô hồn". Từ ngày 2/7 Âm lịch, Diêm Vương cho mở Quỷ Môn Quan, cho ma quỷ túa ra tứ phương và đến sau 12h đêm ngày 14/7 thì kết thúc và các ma quỷ phải quay lại địa ngục. Theo đó mà cứ đến tháng này, người Việt sẽ có những nghi lễ xua đuổi ma quỷ, gọi là Lễ Cúng Cô Hồn. Người ta quan niệm tháng này trên dương thế có nhiều quỷ đói quấy rối nên phải cúng cháo, gạo muối cho chúng để tránh xui xẻ mang đến bình an cho cả gia đình. Ngoài ra Lễ Cúng Cô Hồn còn để cúng thí cho những vong hồn vật vờ, không có thân nhân cúng bái trên trần gian. Nói chung, việc lập đàn Lễ Cúng Cô Hồn có ba mục đích: Tha tội cho tất cả những người chết (xá tội vong nhân); Xua đuổi quỷ ma, cầu bình an cho gia chủ và Cúng thí cho những vong hồn vật vờ, không ai cúng bái (cô hồn).
Bình thường để làm Lễ Cúng Cô Hồn, thực tế ta có thể lập đàn cúng ở bất kỳ ngày nào trong thời gian từ mùng 2 đến ngày Rằm, tuy nhiên thường người Việt sẽ làm vào đúng ngày Rằm thôi. Lễ Cúng Cô Hồn thường làm vào buổi chiều tối. Mâm cúng lễ nên đặt ngoài sân, không đặt ngoài bậu cửa. Có thể lên chùa nếu gia chủ không muốn chuẩn bị tại nhà.
- Tết Trung Nguyên:
Tết Trung Nguyên (hay còn gọi là Tết Rằm tháng bảy) thực chất là một dịp gọi chung cho đại lễ Vu Lan báo hiếu và lễ Cúng Cô Hồn vì ở Việt Nam hai lễ này thường được làm chung vào Rằm tháng bảy. Gộp chung ý nghĩa của hai ngày lễ lại thì Tết Trung Nguyên là một cái tết thể hiện tính cộng đồng sâu sắc, giàu tính nhân văn khi là dịp để người sống tri ân cha mẹ, nhớ tới những người đã khuất, và thấu cảm cho những mảnh đời kém may mắn vì chết đi trong hoàn cảnh không nơi nương tựa. Nhắc đến Tết Trung Nguyên, người ta sẽ giảm bớt ý nghĩa phòng tránh ma quỷ, gạt bỏ những kiêng kỵ không phù hợp của Lễ Cúng Cô Hồn mà chủ yếu tập trung vào xem xét tính nhân đạo, xây dựng đạo lý, cư xử của người sống khi nghĩ tới những vong hồn thay vì sợ hãi, hoang mang, sợ họ làm hại mình, giúp người trần có cái nhìn đúng đắn về tử vong, phát huy ý nghĩa giá trị của sinh mệnh, mở ra cuộc đời hiểu biết trọn vẹn âm dương. Nói chung, Tết Trung Nguyên là dịp để người sống tri ân cùng người đã khuất, thể hiện một tấm lòng nhân đạo sâu sắc và thấm thía. Ý nghĩa của Tết này là vậy.
Vì gộp nhiều lễ bái với nhau, cũng như có một ý nghĩa sâu sắc và đầy tính nhân văn nên dịp Rằm Tháng Bảy luôn là dịp rất nhộn nhịp để gia đình quây quần với nhau, gắn bó với nhau thông qua những phong tục như đi lễ chùa, bày mâm cúng, hoạt động "giật cô hồn" mặc dù mang ý nghĩa để bài trừ xui xẻo nhưng vẫn rất vui vẻ, gần gũi chứ không nặng nề. Cho nên mình thiết nghĩ Tháng 7 Âm cũng không tệ như mọi người vẫn nói, rằng sợ xui xẻo, sợ ma quỷ hành này kia, còn những ý nghĩa rất nhân văn về tháng này mà chúng ta nên phát huy và lan tỏa cơ mà! :D