[Bạn có biết] Ngày 9 tháng 9 (âm lịch) cùng Lễ hội Trùng Cửu

  1. Văn hóa

Cứ mỗi độ tháng 9 âm lịch khi đến du lịch tại Vũng Tàu, bạn sẽ có cơ hội được tham gia lễ hội Trùng Cửu - một lễ hội được tổ chức hàng năm, cầu mong bình an, mạnh khỏe, hạnh phúc cho người dân địa phương. Đây là một lễ hội rất thành kính, trang nghiêm, thể hiện nét văn hóa của đạo ông Trần, một đạo giáo rất đặc biệt ở Vũng Tàu.

  • Nguồn gốc Lễ hội Trùng Cửu

Có thể Lễ hội Trùng Cửu được không nhiều người Việt ta biết đến nhưng riêng đối với người dân ở thành phố Vũng Tàu, đây là 1 lễ hội vô cùng tôn kính. Truyện kể rằng, xa xưa, xã Long Sơn có ông Lê Văn Mưu, là người tham gia cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Tuy nhiên cuộc khởi nghĩa thất bại, ông Lê Văn Mưu đưa gia đình về ẩn náu ở phía đông núi Nữa, lập nên ấp Bà Trao (nay là xã Long Sơn). Tại đây, ông đã xây dựng công trình Nhà Lớn, là nơi thờ Phật, thời Tiên, thờ Thánh cũng như tạo nên những căn nhà cho người tạm cư đến ở. Ít lâu sau, Long Sơn trở thành một nơi có đông dân cư đến lập nghiệp và ngày càng trở nên nhộn nhịp, đông đúc.

1461742597_le-hoi-trung-cuu-1
Di tích quần thể Nhà Lớn – công trình kiến trúc độc đáo của đạo ông Trần (Ảnh sưu tầm)

Lúc sinh thời, ông Lê Văn Mưu thường ở trần, búi tóc, đi chân đất và làm việc suốt ngày nên người dân thường gọi là ông Trần. Khi ông mất đi, người dân vùng này hình thành một tín ngưỡng dân gian gọi là đạo ông Trần hay ông Nhà Lớn.

Hàng năm, cứ vào dịp mồng 9/9 âm lịch, người dân Long Sơn và những người theo đạo ông Trần tụ hội về Nhà Lớn để làm lễ cầu an và tưởng nhớ công đức khai dân lập ấp của ông Trần. Vì tổ chức ngày mồng 9/9 âm lịch nên lễ hội mang tên là Trùng Cửu.

  • Những nghi thức thiêng liêng và độc đáo trong Lễ hội Trùng Cửu

Đạo ông Trần là một tín ngưỡng hướng đến cái thiện. Bởi vậy, những người theo đạo luôn hướng mình đến cái thiện và tưởng nhớ đến công lao của các bậc tiền nhân thuở mở đất, lập làng.

Bắt đầu từ nhiều ngày trước khi diễn ra lễ hội Vũng Tàu, người dân tập trung đến di tích Nhà Lớn để quét tước, dọn dẹp sạch sẽ cả 6 dãy phố xung quanh để làm chỗ nghỉ chân cho khách thập phương. Các dãy nhà cổ được trang hoàng nghiêm trang với những câu liễn đỏ vuông và dài. Theo người dân địa phương, tục viết liễn đã bắt nguồn từ hàng trăm trước, từ khi ông Trần đến nhà Lớn rồi mở mang vùng đất Long Sơn.

1461742777_le-hoi-trung-cuu-3
Viết và trang hoàng liễn đỏ – nghi thức không thể thiếu của ngày lễ Trùng Cửu (Ảnh sưu tầm)

Khác với những lễ hội nhộn nhịp khác, lễ hội Trùng Cửu không có hát múa, rước sắc linh đình mà chỉ có những dòng người thành kính dâng hương, cầu nguyện. Tuy nhiên, chính sự đơn giản ấy, lễ hội 9/9 âm lịch tại Vũng Tàu đã thu hút hàng ngàn tín đồ và du khách mỗi năm. Toàn bộ lễ hội chỉ là hai ngày dâng lễ: mặn và chay (8/9 và 9/9 âm lịch).

Vào ngày mồng 8/9 âm lịch, người dân sẽ tiến hành lễ Tiên Thường kỉnh mặn. Đây là lễ cúng các đồ mặn – sản vật của bà con nhân dân từ nhiều nơi mang đến cúng lễ.

Đến ngày 9/9, tiến hành Chánh giỗ kỉnh chay, tức là chỉ cúng đồ chay. Khách du lịch cùng người dân theo đạo từ Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre… cùng vào dâng hương, cầu nguyện bình an và thành tâm tưởng nhớ đến công đức ông Trần.

Đến Lễ Hội Trùng Cửu, bạn sẽ dễ dàng nhận ra đâu là khách thập phương và đâu là người theo đạo ông Trần trong lễ hội. Những người theo đạo ông Trần đều mặc quần áo bà ba đen, tóc búi củ hành, đi chân đất, mô phỏng theo đúng phong cách giản dị của ông Trần khi sinh thời.

Đến lễ hội Trùng Cửu, bạn sẽ được hòa mình vào không gian kiến trúc độc đáo của Nhà Lớn và cùng khách muôn phương hiểu về một tín ngưỡng dân gian bình dị mà sâu sắc. Nếu có cơ hội du lịch Vũng Tàu vào đúng dịp 9/9 âm lịch, đừng bỏ qua lễ hội Vũng Tàu thú vị này.

Từ khóa: 

lễ hội trùng cửu

,

9 tháng 9 âm lịch

,

văn hóa