Bạn có biết đến người phụ nữ được xem như Đát Kỷ ở xứ Đàng Trong?

  1. Lịch sử

Tống Thị đã sử dụng thứ bùa ngải kết từ trăm thứ hoa, tỏa hương ngây ngất khiến nhiều kẻ quyền cao chức trọng mê say, bỏ bê triều chính.

Tống Thị là người đàn bà "chọc trời khuấy nước" dưới thời các chúa Hy Tông (Nguyễn Phúc Nguyên - chúa Sãi), Thần Tông (Nguyễn Phúc Lan - chúa Thượng) và Thái Tông (Nguyễn Phúc Tần - chúa Hiền).

Chính sử triều Nguyễn chép, Tống Thị nổi tiếng trong lịch sử xứ Đàng trong nửa đầu thế kỷ XVII, là vợ của Nguyễn Phúc Anh (Kỳ), trấn thủ Quảng Nam, con dâu chúa Sãi, là chị dâu và là tình nhân của chúa Thượng. Nhưng về sau, bà tư thông với Chưởng dinh Nguyễn Phúc Trung (em ruột chúa Thượng) nhằm mưu toan tạo phản và phải nhận kết cục bi thảm, bị chúa Hiền xử tử.

Theo Đại Nam Thực lục tiền biên, Nguyên chúa Sãi (1613-1635) có con trưởng là Nguyễn Phúc Kỳ trấn thủ Quảng Nam. Kỳ làm rể Cai cơ Tống Phước Thông, sống với vợ là Tống Thị, sinh được ba con, bỗng nhiên Kỳ mất (27/7/1631). Trong tâm tư, Phước Thông nuôi hy vọng con rể sẽ nối nghiệp chúa, nào ngờ cái chết đột ngột của Kỳ, nên ông hết sức thất vọng.

Ông quyết định đưa cả gia quyến về miền Bắc, riêng Tống Thị không chịu theo cha hồi hương. Lúc thuyền Phước Thông vừa đến vùng biển thuộc xứ Đàng Trong, bà liền vào thăm em chồng là Nguyễn Phúc Lan đang ở ngôi chân chủ tại phủ Kim Long.

Theo Chuyện các bà trong cung nhà Nguyễn, Tống Thị là một nhan sắc diễm lệ, lại thêm thuận đưa tình gợi cảm, ăn nói, cử chỉ quyến rũ, duyên dáng, khôn ngoan. Chưa kể, bà có bí quyết “sát” quân vương độc nhất vô nhị, đó là “ngải yêu” được kết bằng trăm thứ hoa. Từ xâu chuỗi toát ra một mùi thơm ngây ngất làm cho nhiều kẻ quyền cao chức trọng phải đắm đuối mê say, quên cả đạo nghĩa luân thường; thanh danh, sự nghiệp coi nhẹ tựa lông hồng.

Vào năm Kỷ Mão (1639), Tống Thị đã dâng Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan thứ bùa đó. Chúa cầm lên ngửi thấy mùi hương thơm ngát, lòng dạ bắt đầu "phiêu phiêu". Thêm nữa, mỹ nhân sụp lạy dưới thềm, thưa trình về tình cảnh góa bụa thảm thiết, khiến chúa cho phép người đẹp được tự do vào ra vương phủ. Lòng say mê dâng cao qua những lần gặp gỡ và em chồng - chị dâu đi vào ái ân hoan lạc bất luận đêm ngày.

Kể từ thời điểm được chúa sủng ái, quý trọng và tin cậy, góa phụ họ Tống muốn nói gì thì nói, làm gì thì làm và chúa nhất nhất nghe theo. Tống Thị xúi dục chúa trừng trị những người mình oán ghét, nhất là những cận thần trung nghĩa dám can gián chúa, những kẻ tỏ ý khinh khi, miệt thị những việc làm dâm ô bất chính và ám muội của bà...

Thế là, từ một vị chúa anh minh, chúa Thượng dần dà thay đổi, trở thành một hôn quân, một bạo chúa nóng nảy, hiếu sát, đam mê vật dục, xa xỉ. Từ một vị vương chiến công hiển hách, chúa trở thành kẻ hoang dâm vô độ đến bỏ bê quốc sự, coi nhẹ xã tắc sơn hà.

Không dừng ở tham vọng đó, Tống Thị còn ra tay làm giàu bằng cách nhận hối lộ của những kẻ cúi luồn cầu cạnh. Bà thẳng tay bóc lột đám dân đen và chẳng mấy chốc trở thành cự phú đứng đầu đám nhà giàu trong toàn cõi, với tiền bạc như nước, vàng bạc châu báu chất đầy rương hòm, ruộng đất cò bay thẳng cánh… Nạn nhân nào dám kêu rên, than thở, oán trách thì chỉ một lời của Tống Thị là lập tức bọn nha quân theo lệnh chúa đến bắt giam cầm hoặc đánh đập, hoặc hành hạ đến chết, rồi bêu xác giữa chợ hay ven đường.

Theo Chuyện các bà trong cung nhà Nguyễn, số người chết oan ức vì một tay Tống Thị ngày càng nhiều, nhưng mọi lời ca thán đều bị bưng bít. Thậm chí, để chứng tỏ mối tình keo sơn nồng đượm của mình đối với người đẹp, chúa quyết định xây một lầu đài lạc thú để cùng nhau an hưởng tuổi xế chiều, đã gây tốn kém không biết bao nhiêu tiền của, nhân công và vật liệu.

Chúa truyền bắt trăm họ phải lên núi lấy đá quý, lên rừng lấy gỗ quý, phải tập trung đủ nhân công và thợ giỏi để thực hiện việc xây cất. Sưu dịch từ đó càng thêm nặng nề, ác liệt. Lại thêm trời hạn hán, mất mùa khiến dân tình đã đói kém, lại càng thêm khổ ải…

Trước tình hình đó, triều thần không thể khoanh tay đứng nhìn, ra sức can gián giúp nhà chúa tỉnh ngộ. Nội tán họ Phạm, vốn là người cương trực, tiết khí, đã thẳng vào Vương phủ Kim Long, khấu đầu thi lễ rồi khảng khái tâu bày với Chúa: “Thân Chúa! Lịch sử xưa nay, điều kiêng kỵ nhất trong phép trị quốc là xây đắp cung điện bằng oán hờn của trăm họ, chất chứa kho lẫm bằng máu mỡ của lê dân.

Vả lại, phép làm chính trị phải tôn trọng cương thường. Nay chúa Thượng đã vì lòng nịch ái một phụ nhân dâm loạn đến coi nhẹ đạo lý, nhân luân, buông lỏng giềng mối, gây cảnh điêu linh thống khổ cho muôn dân giữa lúc thiên tai hạn hán đang dấy khởi, lan tràn… thì nhất định khó tránh khỏi cái họa suy vong, thượng bất chính, hạ tắc loạn.

Là kẻ bầy tôi, trong hoàn cảnh này, nếu không làm tròn trách nhiệm “tránh thần” để cứu vãn tình thế, thì chỉ còn cái chết mới mong bảo toàn được khí tiết, khỏi làm lỗi đạo ái quốc, trung nhân”. Cuối cùng, chúa Thượng đã ngộ ra cái họa nhan sắc, ra lệnh bãi bỏ việc xây cất lâu đài, gấp rút tổ chức công cuộc chẩn tế và Tống Thị bị thất sủng...

Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1635-1648) là người có công trong việc dời dinh phủ từ Phước Yên vào Kim Long và lập được nhiều võ công hiển hách trong các cuộc chiến tranh với quân Trịnh (ở phía Bắc), với quân Chiêm (ở phía Nam), với giặc Ô-Lan (tức Hòa Lan) ngoài biển Đông. Thời đại của chúa Thượng được ghi nhận là một trong những giai đoạn vàng son nhất của các chúa Nguyễn ở xứ Đàng Trong.Ảnh:

https://cdn.noron.vn/2019/08/30/decee070e3663888ccc464c45ca72b7c.jpg
Từ khóa: 

lịch sử