[Bạn có biết] Ai là sư phụ của Yết Kiêu?

  1. Lịch sử

Yết Kiêu (tên thật là Phạm Hữu Thế) là danh tướng thời nhà Trần, tài trí mưu lược, cùng Dã Tượng trở thành 2 cánh tay đắc lực của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai và lần thứ ba, Yết Kiêu với tài bơi lội "nhập thủy như phúc bình địa hỹ" (đi dưới nước ung dung tự tại như trên mặt đất bằng) đã lập nhiều công lao lớn, được vua ban danh hiệu Trần triều đệ nhất đô quái thủy quân.

Vậy tài bơi lội của ông từ đâu mà có?

Truyền thuyết Yết Kiêu kể lại rằng: "Năm 15 tuổi, vào buổi sáng tinh mơ, Phạm Hữu Thế ra sông gánh nước. Trong cảnh sương mù mịt phủ khắp mặt sông, ông thấy hai con trâu trắng húc nhau, liền dùng đòn ống đánh đuổi, can ngăn. Hai con trâu biến mất, Hữu Thế thấy hai chiếc lông dính vào đòn ống. Khi đặt chúng xuống nước, ông thấy nước rẽ ra làm đôi. Cho đây là lông trâu thần, ông liền nuốt vào bụng. Từ đó, Phạm Hữu Thế có thân thể cường tráng, bơi lội tài giỏi, đi trong nước như trên đất bằng"

Chi tiết đôi trâu trắng và nuốt lông trâu là chi tiết kì ảo được dân ta đưa vào nhằm truyền miệng, tăng tính huyền thoại, thần thánh hóa, gửi gắm niềm tin, hi vọng, ngợi ca vị tướng. Có lẽ cũng bởi những câu chuyện truyền thuyết như này mà những chi tiết chính sử theo đó dễ đi vào đại đa số dân chúng hơn.

Trên thực tế, Yết Kiêu bơi lặn giỏi một phần từ nhỏ đã làm quen với sông nước, cha làm nghề đánh cá, sau lại được mẹ nuôi dạy dỗ, chỉ bảo thêm. Mẹ nuôi ông tương truyền là "Bà chúa bơi", không ai rõ tên thật của bà, mà chỉ gọi theo tên thờ tự. Truyền rằng, "bà chúa Bơi" chính là mẹ nuôi của Yết Kiêu, rất có tài bơi lội; khi còn hàn vi, Yết Kiêu thường kiếm sống bằng nghề sông nước, nay đây mai đó ở nhiều bến sông, cửa bể.Do cơ duyên, tình cờ Yết Kiêu gặp "bà chúa Bơi"; thấy cậu bé thông minh, nhanh nhẹn, tuổi còn trẻ mà chịu khó, gan dạ nên lấy làm yêu mến, bà đã nhận Yết Kiêu làm con nuôi và dạy dỗ thêm các kỹ năng bơi lặn, nhờ đó mà sau này ông đã trở thành một "kình ngư" lẫy lừng trong lịch sử.

Theo bạn, Đôi trâu thần liệu có thật? Ai mới chính là sư phụ của Yết kiêu?

Từ khóa: 

lịch sử

Còn đây là đệ tử Yết Kiêu =))) Mít tơ Aquafina à nhầm Aquaman

Trả lời

Còn đây là đệ tử Yết Kiêu =))) Mít tơ Aquafina à nhầm Aquaman

Việt Nam mình cũng có nhiều nhân vật lẫy lừng, nếu được đưa vào phim ảnh, truyện kịch thì sẽ lan toả tốt hơn.

Đương nhiên là đôi trâu thần là không có thật rồi. Nhưng mình thấy có nhiều khả năng hình tượng đôi trâu thần được hư cấu dựa trên hai nhân vật đặc biệt nào đó có ảnh hưởng đến cuộc đời và khả năng bơi lội của Yết Kiêu. Có thể chỉ người thời đó mới biết được rồi họ viết lên giai thoại này. Tuy nhiên lục lọi thì chưa thấy có chỗ nào đề cập hay lý giải. Có thể một trong hai người đó là "bà chúa bơi" mà bạn đề cập là sư phụ của Yết Kiêu chăng?

Cơ bản Yết Kiêu cũng chỉ là một người bình thường, nhưng ông giỏi trong lĩnh vực bơi lội, cũng nhờ có năng khiếu nhưng không phải là tất cả, phải rèn luyện, được một người giỏi khác chỉ bảo, dẫn dắt mà thành, ngoài ra còn có thêm sự mưu trí. Cái hay ở đây là người đời lưu lại công của ông bằng cách vẽ ông thành một người phi thường, với những chi tiết kì ảo đẹp đẽ hào hùng để tưởng nhớ. Trong chúng ta ai biết chắc được sau này tên tuổi mình sẽ lưu vào sử sách? Yết Kiêu vào thời gian đó chắc cũng không biết đâu, ông chỉ cố gắng hết sức, đóng góp hết mình thôi, à còn phải gặp đúng thời nữa. :D