Bạn có bao giờ cảm thấy khó chịu khi bị sai làm việc mình định làm không?
Một ngày đẹp trời, tâm trạng phơi phới, bạn định bụng dọn dẹp lại căn phòng bừa bộn của mình, nhưng vừa mới cầm chổi lên thì mẹ từ bên ngoài nói vọng vào:
“Dọn phòng ngay đi, lớn tồ tồ rồi mà phòng ốc như cái chuồng lợn thế hả con”
Tự dưng bao nhiêu hứng thú, vui vẻ bay sạch, bạn oan ức, tức tối vứt luôn cây chổi “Dỗi, ứ thèm dọn dẹp nữa luôn”.
Tình huống quá đỗi quen thuộc này chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng gặp một lần, nhưng có bao giờ bạn tự hỏi tại sao mình lại có phản ứng như thế chưa?
Thật ra đây chính là một phản ứng tâm lý của não bộ có tên là Psychological Reactance hay sự phản kháng tâm lý.
Sự phản kháng tâm lý là một động cơ tâm lý khiến ta có cảm giác khó chịu khi quyền tự do hành động của bản thân bị đe dọa. Từ đó sinh ra phản ứng muốn làm ngược lại những gì người khác nói.
Con người ta vẫn luôn có niềm tin mãnh liệt rằng chính bản thân mới là người nắm toàn quyền quyết định việc mình sẽ làm. Một khi niềm tin này bị đe dọa bởi các yếu tố bên ngoài như: các quy định, yêu cầu, đề nghị, sai khiến, quy tắc,... sự phản kháng tâm lý sẽ xuất hiện khiến ta mất hứng thú, hậm hực, khó chịu, trở nên tức giận và ghét việc mình định làm. Khi làm ngược lại những sai khiến của người khác, ta có cảm giác được khẳng định sự tự chủ của bản thân, rằng “Tôi mới là người làm chủ hành động của mình chứ không phải anh!”
Ta có thể thấy sự phản kháng tâm lý xuất hiện rất nhiều trong đời sống thường ngày. Ví dụ như càng bắt trẻ con ăn rau chúng lại càng ghét và không muốn ăn. Hay cứ chỗ nào ghi biển cấm đổ rác là y như rằng rác chất 1 đống ngay chân biển. Hoặc khi có thông tin đồ ăn xiên bẩn bán la liệt ở cổng trường rất có hại cho sức khỏe, khuyến cáo mọi người không nên ăn thì y như rằng sẽ có người nói “Sợ quá, tí nữa phải đi ăn vài xiên cho bớt sợ mới được”. Trong mối quan hệ nam nữ, nếu tình yêu giữa 2 người bị gia đình ngăn cấm, họ lại càng cảm thấy yêu đối phương hơn. Hoặc khi bị nói “Loại như mày không làm được đâu” thì ta lại càng muốn làm để chứng tỏ mình có thể làm tốt,...
Lợi dụng phản ứng tâm lý này, người ta có thể sử dụng một thủ thuật có tên là Reverse Psychology (tâm lý học nghịch đảo) để thao túng đối phương.
Tâm lý học nghịch đảo là một phần của sự phản kháng tâm lý. Thủ thuật thao túng này lợi dụng tâm lý muốn làm chủ bản thân bất chấp mọi thứ của con người để khiến họ tin hoặc hành động bằng cách gợi ý một điều ngược lại.
Ví dụ như nếu bạn muốn con ăn rau, bạn hãy nói ngược lại: “Con không được phép ăn rau!”, lúc đó trẻ sẽ sinh ra sự phản kháng tâm lý và càng muốn ăn rau để làm trái ý bạn.
Hay “Đừng bấm vào xem!”, “Đừng làm điều này!” thì mọi người càng muốn làm trái những yêu cầu như vậy.
Tuy nhiên, thủ thuật này không có tác dụng với mọi người. Giáo sư tâm lý học Jeff Greenberg của trường đại học Arizona cho biết: những đứa trẻ từ 2-4 tuổi nhạy cảm, bướng bỉnh sẽ có xu hướng bị thao túng. Từ 4 tuổi trở lên, sức ảnh hưởng của thủ thuật này giảm dần vì trẻ đã bắt đầu phát triển hơn về mặt nhận thức. Những đứa trẻ trong độ tuổi nổi loạn là dễ bị thao túng bởi thủ thuật này nhất vì chúng bướng bỉnh, dễ nổi giận và luôn muốn làm trái lời ba mẹ để chống đối.
Người lớn tinh ý hơn, họ có khả năng nhìn ra những hành vi thao túng nên rất có thể thủ thuật này sẽ bị phản tác dụng. Tuy nhiên, không phải là không thể, Greenberg cho rằng những người nóng tính, nhạy cảm, và cứng đầu sẽ có xu hướng mắc bẫy tâm lý này. Ngược lại những người ôn hòa, xuề xòa, dễ dãi lại có xu hướng không phản ứng ngược lại mà làm theo điều bạn nói khiến thủ thuật bị phản tác dụng.
Nếu bạn không cẩn thận, khôn khéo trong việc sử dụng thì thủ thuật này rất nhanh bị bại lộ và cán cân sự làm chủ sẽ đảo chiều.
Nguồn ảnh: Google hình ảnh
sự phản kháng tâm lý
,psycological reactane
,tâm lý học
Chuẩn luôn đấy, mỗi khi định làm gì mà ba mẹ sai chính việc đó là thôi xong, hứng thú bay đi hết luôn và tui làm việc đó trong trạng thái bực bội.
Châu Nguyễn
Chuẩn luôn đấy, mỗi khi định làm gì mà ba mẹ sai chính việc đó là thôi xong, hứng thú bay đi hết luôn và tui làm việc đó trong trạng thái bực bội.