Bản chất của âm thanh là gì Vì sao ở gần nơi phát ra tiếng động sẽ nghe thấy to hơn ở xa?
Thế nào thì gọi là siêu âm? Ở nơi ồn ào quá có nguy hiểm gì không?
khoa học
Xin thưa âm thanh (hay còn gọi là âm) chính là những dao động cơ học lan truyền trong môi trường khí, môi trường nước hoặc môi trường rắn. Tiếng trống phát ra từ sự rung của mặt trống, tiếng đàn phát từ sự rung của dây đàn, tiếng nói phát ra từ sự rung của các dây âm thanh ở thanh quản. Những dao động nhanh hay chậm của âm thanh tạo ra tần số của âm thanh. Đơn vị tần số là Hert (lấy tên của một nhà Vật lý học), viết tắt là Hz. Khi trong 1 giây đồng hồ có số dao động là 20 ta gọi tần số âm thanh là 20 Hz. Bình thường tai của con người có thể nghe dược trong phạm vi âm thanh có tần số từ 20 đến 20000 Hz. Nếu tần số cao hơn 20000 Hz (hay 20 kHz) ta gọi là siêu âm. Nếu tần số thấp hơn 20 Hz ta gọi là hạ âm. Tai của chúng ta không nghe được cả hạ âm lẫn siêu âm. Mọi dao động đều làm nén hay làm giãn nở không khí theo những tần số nhất định. Sự nén hay làm giãn nở này đều chứa năng lượng. Nếu gần nơi phát ra tiếng động thì năng lượng lớn hơn là ở xa. Nếu hai vật phát ra âm thanh có tần số giống nhau thì khi một vật này phát âm vật kia (nếu không ở cách xa quá) cũng sẽ phát âm. Người ta gọi đó là hiện tượng cộng hưởng âm thanh. Am thanh chuyển động với tốc độ khác nhau trong các môi trường khác nhau. Trong không khí là 340 m/giây (chậm hơn ánh sáng nhiều, do đó nhìn thấy chớp nhưng mãi sau mới nghe thấy sấm). Trong dây đồng âm thanh chuyển động nhanh hơn nhiều: 5000 m/giây.
Con người có thể bị tổn thương vì tiếng ồn (noise injury). Có thể do tiếng bom nổ gần, cũng có thể do tiếng ồn tuy nhỏ hơn nhưng tiếp diễn liên tục trong thời gian dài. Sự tổn thương xảy ra trong các ngăn nhỏ của ốc tai- bộ phận nghe của tai trong. Triệu chứng cảm thấy như có bông trong tai, ù tai, nghe kém hẳn đi. Công tác bảo hộ lao động phải hết sức quan tâm đến vấn đề này vì có thể dẫn đến điếc hoàn toàn hay điếc một phần (phải đeo máy trợ thính mới nghe được).
Nội dung liên quan
Nội dung sắp xếp theo thời gian
Đức An Duyên