[Bài viết sưu tầm] THIÊN TÀI BÊN TRÁI, KẺ ĐIÊN BÊN PHẢI - CUỐN SÁCH KHOA HỌC VỀ TÂM LÝ HAY CHỈ LÀ TƯỞNG TƯỢNG CỦA TÁC GIẢ?

  1. Sách

Mình viết bài review này khi mới đọc được một phần ba cuốn sách. Bởi quả thực đây là một cuốn sách “hack não, xoắn tư duy và vặn logic”. Mỗi câu chuyện trong cuốn sách đều khiến mình bất ngờ, khi đọc luôn cảm thấy hấp dẫn và thú vị, thậm chí là kinh ngạc.

Tự nhận bản thân là “người chơi hệ tâm linh” nhưng mình không hoàn toàn tin vào những câu chuyện trong cuốn sách này. Có hai lý do chính: Một là mình chưa tìm được thông tin kiểm chứng rằng tác giả đã thực sự dành từng ấy thời gian để nói chuyện với những bệnh nhân tâm thần (hoặc người bị coi là tâm thần), không có đoạn ghi âm nào để chứng minh cả. Mình đọc được nhận xét của nhiều độc giả Trung Quốc cho rằng rất có thể đây chỉ là “một mánh lới quảng cáo” để nhằm mục đích thương mại (?). Lý do thứ hai là tác giả chỉ đơn thuần thuật lại các cuộc trò chuyện và thêm lời bình của mình chứ không đưa ra các bằng chứng khoa học hay các kiến thức tâm lý học chuyên ngành để giải thích hiện tượng và đưa ra giải pháp. Mình cũng mới đọc xong cuốn Người đàn ông tưởng nhầm vợ mình là cái mũ và những câu chuyện thần kinh hiếm gặp. Dù những vấn đề trong cuốn sách tính đến nay có hơi “lỗi thời” nhưng về cơ bản Tiến sĩ Oliver Sacks đã cung cấp cho mình một cái nhìn khách quan, khoa học hơn về các căn bệnh tâm lý tâm thần vì cơ bản ông là một bác sĩ tâm lý, một nhân vật “kinh điển” trong ngành tâm lý học. Ngược lại, Cao Minh chỉ là một tác giả viết sách, mình không chắc rằng ông thực sự am hiểu tâm lý học và những thông tin liên quan đến khoa học trong cuốn sách này là chính xác.https://cdn.noron.vn/2022/02/11/8945937813001282-1644553102.jpg

Vậy đây là một cuốn sách về tâm lý học, tâm thần học hay chỉ là tưởng tượng của chính tác giả?

Phải khẳng định rằng đây hoàn toàn không phải cuốn sách về tâm thần học, tâm lý học như nhiều người vẫn lầm tưởng. Nếu cuốn sách thực sự là tuyển tập những câu chuyện có thật của tác giả khi tiếp xúc người bệnh thì mình nghĩ nên đặt cuốn này vào thể loại tạp văn hồi ký sẽ phù hợp hơn là thể loại truyện hoặc chuyên ngành tâm lý học.

Nhưng mình có thể mong đợi gì hơn ở một tác giả đơn thuần?

Dù không tin vào những câu chuyện được đưa ra trong sách nhưng mình không thể phủ nhận được sự hấp dẫn của nó. Lối dẫn dắt của Cao Minh có nét gì đó dông dài mà tự nhiên, cuốn người đọc đi theo. Rất có thể, nói theo cách của Cao Minh, trình bày một cách vô trách nhiệm thì, mình sẽ điên mất nếu cứ tiếp tục đọc.

Khai thác một chủ đề mới lạ, mỗi chuyện ngắn của một bệnh nhân tâm thần đều mang đến những nội dung thú vị khác nhau. Cách cảm nhận kỳ lạ về thế giới và những suy nghĩ, giải thích tưởng chừng như vô nghĩa nhưng lại khá logic của những “người không bình thường” khiến người đọc đôi khi không phân biệt được ai mới thực sự không-bình-thường. Có một vài luận điểm trong cuốn sách mình thấy khá giống với những cuốn sách về tôn giáo tâm linh của tác giả Nguyên Phong dù cách lý giải có đôi phần khác biệt. Những điều khoa học chưa thể chứng minh không có nghĩa là không tồn tại.

Dù cuốn sách không phải về khoa học với những chứng cớ xác thực, luận điểm rõ ràng, phân tích kỹ lưỡng nhưng mình tin rằng đây là một cuốn sách có giá trị dành cho bất kỳ ai mong muốn khám phá thế giới dưới một lăng kính mới.

Ranh giới giữa thiên tài và kẻ điên thực sự rất mong manh: Thiên tài chứng minh được thế giới của mình, còn kẻ điên chưa kịp làm điều đó. Chọn trở thành một kẻ điên để vẫy vùng giữa nhân gian loạn thế hay khóa hết chúng lại, sống mãi một cuộc đời bình thường khiến bạn cảm thấy hạnh phúc hơn?

“Thế giới rất kỳ diệu, rộng lớn và bao la; thế giới rất hệ thống, nghiêm ngặt và quy tắc. Đáng tiếc chúng ta tuy tồn tại trong thế giới này, nhưng đa số chỉ cảm nhận được một phần nhỏ trong đó. Bạn hiểu tôi đang nói gì không? Hiểu biết của chúng ta hạn hẹp và phiến diện một cách phổ quát.”

Ngày hôm nay, bạn có sẵn sàng cầm cuốn sách này lên, bắt đầu với một tâm thế cởi mở, để thoát khỏi thế giới vốn quy tắc và hệ thống, cho phép mình “du hành” trên những thế giới quan đa chiều, mới lạ?

Xin đừng vội đánh giá, hãy đọc và cảm nhận!

Tác giả bài viết & hình ảnh: Jenny Nguyễn

Từ khóa: 

thiên tài bên trái

,

kẻ điên bên phải

,

cao minh

,

review sách

,

sách