Bài văn lạ môn kinh tế chính trị Marx Lenin..
Năm 1989-1990, chúng tôi học 2 năm đầu của trường Bách Khoa, gọi là giai đoạn cơ sở. Như có lần kể, hầu như tôi không học hành gì, tôi toàn bỏ học, trốn tiết rồi đi chơi sang các trường khác, hay đi uống rượu, hoặc uống cafe đen suy ngẫm cuộc đời và đọc sách.Tôi không tài nào nhét nổi vào đầu các kiến thức toán lý hóa, vi phân, tích phân, đường, mặt.. Với tôi cuộc sống khi đó đầy bế tắc, cay đắng, vô vọng, chán nản.. thậm chí tôi bị mọi người gọi là một kẻ bạc nhược, sống không niềm vui, không mục đích, không tương lai, tôi viết trong nhật ký: Ta không có cả những điều không có.. Tôi sống lầm lũi, não nề và buồn phiền cho qua tháng ngày..
Năm 1990 và 1991, đầy chuyện biến động ở Liên Xô, đúng sinh nhật tôi, ngày 18.8.1991 xe tăng xuất hiện ở quảng trường Đỏ.. nhưng chúng tôi không hiểu hết mọi biến động khi đó có ý nghĩa gì. Đơn giản tôi chỉ thấy thất vọng với cuộc sống, với việc học hành và với chính bản thân mình.Dạo đó có một môn học có tên là Kinh tế chính trị Marx Lenin, và dễ hiểu là đám bạn Bách khoa cũng chẳng hào hứng gì với môn này. Đám con trai học hành loáng quáng, bỏ tiết, trốn học, không làm bài tập, cũng chẳng học hành gì.. và chuyện đó rất, rất thường.. Môn KTCT, những buổi học gần cuối, cô giáo chúng tôi tổng kết việc học của lớp, đếm số buổi đám con trai bỏ tiết, xem điểm các bài kiểm tra và tuyên bố 5-7 cậu gì đó không đủ điều kiện thi lần 1, và rồi giao cả khoa viết bài thu hoạch cuối kỳ..
Trong một tâm trạng đầy thất vọng và đầy cay đắng với cuộc sống, tôi không viết bài luận, tôi tự viết một bài văn lạ rồi đặt tên là "Đời sinh viên". Trong bài văn đó, tôi không viết về môn học, không viết về Marx và Lenin mà tôi viết tất cả nỗi lòng mình, những bất công trong cuộc sống, những sự nghèo hèn của chúng tôi, nghèo tiền bạc, nghèo tinh thần và tất cả những gì tôi thấy bất mãn, thấy vô lý của một cậu thanh niên 18 tuổi nhìn nhận cuộc đời rồi nộp lên cô. Hình như tôi không đọc lại và còn chảy nước mắt với nx gì mình viết..Buổi cuối, trong không khí im lặng và buồn buồn của cái môn này, buồn buồn của đám bạn biết phải thi lại, buồn buồn của đám khác vì những gì chẳng biết nữa, nhưng bất ngờ cô giáo lôi bài viết của tôi và đọc cho cả lớp và hình như cô giáo tôi cũng rơm rớm nước mắt. Đọc xong, trong không khí đầy im lặng và bất ngờ, cô giáo tôi tuyên bố rất thấu hiểu những gì tôi viết, thấu hiểu sự nghèo và bất công của xã hội và những cay đắng của đám sinh viên.. rồi cô tuyên bố tha bổng đám bạn tôi, tất cả đều được thi học kỳ môn kinh và tế và chính và trị...Tôi ngồi dưới, chảy nước mắt và im lặng, im lặng như thế đến tận bây giờ..Trích cuốn Sinh năm 72, sẽ sớm xuất bản.Ảnh chỉ mang tính minh họa....
Theo: FB: Nguyễn Cảnh Bình- Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Sách Alpha, anh viết trên trang cá nhân hồi 2016
lịch sử
,tâm sự cuộc sống
Em nghĩ sự thật vẫn luôn là tri thức cao quý và cần thiết nhất dù đôi lúc nó bi thương và chưa đẹp như trông đợi
Nguyenphuhoang Nam
Em nghĩ sự thật vẫn luôn là tri thức cao quý và cần thiết nhất dù đôi lúc nó bi thương và chưa đẹp như trông đợi