Bài thơ "Bắt Nạt" (tiếp)

  1. Giáo dục

  2. Văn hóa

Đây là bài chia sẻ trước đó của mình về bài thơ "Bắt Nạt" mà có lẽ không mấy ai xa lạ vào những ngày gần đây.

Lần này mình đã đọc rất kỹ bài thơ và có đôi điều muốn đính chính những gì mình nêu ra trước đó. Thật sự là mình không muốn đem một sự việc như vậy để viết trên noron. Tuy nhiên mình chọn đứng về phía tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh cũng như là bày tỏ mong muốn giữ lại bài thơ này trong chương trình Ngữ Văn lớp 6 (chứ không phải môn giáo dục công dân như mình đã đề cập ở bài trước).

Mình hiểu rằng mình thuộc một trong rất ít người có quan điểm như vậy. Và sự ủng hộ của mình đôi khi là không đủ, có khi còn phản tác dụng. Tuy nhiên, mình vẫn muốn chia sẻ thêm và chỉ mong có vài người giống mình muốn thay đổi suy nghĩ của (cũng chỉ) vài người khác.

Trong bài trước mình cũng đã nói qua về sự ngưỡng mộ của mình đối với tác giả, cụ thể là qua một số tác phẩm mình đã đọc. Chất liệu thơ ca mới mẻ, kỹ năng làm thơ cao, sáng tạo thì 10đ. Đây không phải là những lời mình cố tình tâng bốc để củng cố cho bất cứ luận điểm nào. Mình đã cười và cảm thấy rất vui vẻ nguyên một ngày sau khi đọc những bài thơ của Nguyễn Thế Hoàng Linh.

Đính chính lại khi so sánh thơ của NTHL và thơ củ chuối của mình

Bài thờ "bắt nạt" không củ chuối như nhận định của mình trước đó. Rõ ràng mình đã vội đánh giá khi mới đọc qua. Thậm chí mình còn so sánh với cách làm thơ của mình hồi lớp 6. Đúng là mình đã hơi đánh giá cao mình quá rồi. 

Đầu tiên là đối với một người làm thơ nghiệp dư như mình, thì trong bài thơ thường cực kỳ chú ý vào vần điệu. Đến mức mà mỗi câu đều dường như bắt buộc phải có vần với một câu nào đó. Vì mình sợ sai luật thơ, kể cả với thơ 5 chữ không có gì nghiêm khắc về luật lệ. Và vì thế mình thua tác giả rất nhiều. Trong bài thơ Bắt Nạt thì vần được gieo thưa đi từ nửa sau của bài. Không phải vì tác giả không chuyên nghiệp. Mà là vì người ta thấu hiểu về thơ và tự tin làm như vậy. Còn mình thì quá nghiệp dư đến nỗi cầu toàn một cách máy móc.

Thứ hai là cách làm thơ với lối triển khai ý theo mỗi khổ. Mỗi một khổ thơ đều có một ý tứ rõ ràng. Trong khi thơ củ chuối mình làm thì cứ đủ 4 câu xuống dòng cho đúng về hình thức thôi. Thậm chí ngày xưa mình còn không hiểu tại sao lại cứ xuống dòng làm gì.

Thứ ba là khi làm thơ con cóc, mình không xác định được chất liệu cho bài thơ. Cũng như xác định giọng điệu phải thế nào, từ ngữ phải ra sao. Cho nên thường bí từ và câu cú chẳng đâu vào đâu. Vì không đủ sự sáng tạo để nghĩ ra từ mới, hoặc sử dụng các biện pháp ẩn dụ, nhân hoá hoặc chuyển đổi nghĩa để làm thơ (Ví dụ: Bắt nạt rất hôi).

Chỉ 3 điểm đó đã cho thấy việc lấy thơ con cóc củ chuối của mình so sánh với tác giả là vô cùng khập khiễng. Tất nhiên ở bài trước thì mình vẫn nói như vậy với tâm thế là thấy bài này dễ thương nhưng không hay. Dù sao thì cũng cần phải đính chính một cách khiêm tốn.

Nói thêm về một số nhận xét mà mình đọc được trên mạng

Vần điệu không có:

Như mình đề cập trước đó, thì bài thơ này có vần điệu, cách gieo vần linh hoạt, và việc gieo vần thực hiện xuyên suốt từ đầu đến cuối.

Từ ngữ khó hiểu:

Bài thơ sử dụng từ ngữ dễ hiểu, gần gũi. Chỉ có 2 từ có thể khó hiểu với một bộ phận các bạn nhỏ ở vùng sâu vùng xa. Mình nghĩ là thành thị và nông thôn bây giờ không có khoảng cách nhiều lắm, nên chắc chỉ có vùng sâu vùng xa may ra mới có những người chưa biết hai từ "mù tạt" và "hip-hop". Và 2 từ này đều được chú thích trong sách giáo khoa.

Nội dung không có gì giá trị

Thông điệp của bài thơ là "đừng bắt nạt", nó phù hợp với chủ đề "bắt nạt" là một trong những vấn nạn học đường hiện nay. Tuy rằng bài thơ này không lột tả được một cách đầy đủ và hàn lâm của vấn đề bắt nạt. Tuy nhiên nó vẫn đạt được mục đích của thông điệp "đừng bắt nạt". Và mình cho rằng như vậy là đủ.

Ngày xưa có bài thơ "làm anh khó đấy", nó cũng truyền tải thông điệp là phải biết nhường nhịn em nhỏ. Rất nhiều trẻ em trong đó có mình khi đọc bài thơ này thì đều nhận thức được vấn đề làm anh là phải biết nhường nhịn em nhỏ. Mình không so sánh bài nào hay hơn. Nhưng mình tin tưởng rằng nếu bài thơ "bắt nạt" được dạy thì sẽ góp phần giảm vấn nạn "bắt nạt".

Hơn nữa bài thơ có các luận điểm phù hợp:

  • Bắt nạt là xấu, là hôi (bẩn) => điều không hay ho gì
  • Ỷ mạnh hiếp yếu chứ không dám hiếp mạnh => không quân tử
  • Mở rộng việc bắt nạt sang các vấn đề bắt nạt động vật, cây cối hay cả những vấn đề các nước bắt nạt lẫn nhau. Giúp mở rộng nhận thức của trẻ. => nhân văn

Từ đó kèm theo các luận điểm như:

  • không ai cần bắt nạt,
  • còn nhiều việc nên làm hơn như học hát, học nhảy,
  • mấy bạn nhút nhát đáng yêu đấy chứ

=> Tác giả đã đưa ra kết luận và thông điệp ĐỪNG BẮT NẠT

Bài thơ không hay, nhiều chỗ khó hiểu, VÔ TRI

  • Thử thách ăn mù tạt
  • Bắt nạt dễ lây
  • Bắt nạt rất hôi
  • Thách thức kẻ bắt nạt
  • Bảo kê,....

Đó là những chi tiết được đem ra để chỉ trích và phán xét là "vô tri"

Mù tạt là một loại gia vị tương đối là mới, cũng là chất liệu mới cho thơ ca. Và ai cũng biết "mù tạt" ở đây được dùng để tận dụng sự hiểu biết của trẻ em về nghĩa đen là một loại gia vị rất là cay để ví von, nhân hoá thành con người. Ở đây nhằm "chê" việc bắt nạt là chỉ quen lấy mạnh hiếp yếu. Mình nghĩ trình độ lớp 6 dư sức để hiểu và không có gì phải lo khi đã có thầy cô giáo giảng giải thêm.

Bắt nạt dễ lây đúng mà, trẻ con thì thích bắt chước, nhất là những thói hư tật xấu. Vì vậy nói bắt nạt dễ lây hoàn toàn hợp lý.

Bắt nạt rất hôi, cái này thì nhờ tác giả giải thích mình mới hiểu hôi tức là bẩn thì sẽ hôi. Nhưng cũng rất sáng tạo và hợp lý. Chốt lại, bắt nạt là xấu, hôi, dễ lây thì tránh xa chứ còn gì.

Cái mà một số người chỉ trích là thách thức, bảo kê mình thấy hơi quá. Dường như là vì không có thiện cảm với bài thơ nên vạch lá tìm sâu rồi quy kết hơi thái quá.

"Bảo nếu cần bắt nạt
Thì đến gặp tớ ngay

Cứ đến bắt nạt tớ
Bị bắt nạt quen rồi"
Mấy câu thơ này không cách xa nhau mấy, nếu không muốn nói là khá liền mạch. Tức là câu trước câu sau đã thể hiện sự hài hước của nhân vật "tớ" rồi. Do tớ bị bắt nạt quen rồi chứ tớ có dám doạ ai đâu. Vui mà, tuy là nếu đem đi thi thách thức danh hài thì có khi danh hài không cười thôi, chứ đời thường thì cũng vui đấy chứ. :)))
Giá trị nghệ thuật
Nhiều người đánh giá là thơ con cóc thì như mình phần tích ở trên rồi đó. Bài này chỉ có 2 nhóm người làm được: thông minh hoặc nhà thơ chuyên nghiệp.
Như mình đã nói khi nhận khuyết điểm vì trót so sánh với thơ con cóc. Thì bài thơ này bố cục rõ ràng, triển khai ý tứ tốt. Sử dụng cách gieo vần phong phú, linh hoạt. Sử dụng điệp ngữ đúng chỗ (truyền thông điệp: "đừng bắt nạt" mà dùng điệp ngữ thì còn gì hợp lý hơn?)
Chất liệu thơ rất mới, rất phù hợp với thời đại. Mình không thể nào bắt nghệ thuật phải bó hẹp trong những cánh đồng, luỹ tre mãi được. Hiện đại hoá thơ ca là cần thiết. Bởi vì mình có một luận điểm như thế này: văn hoá phục vụ đời sống => nó phải phản ánh đời sống => và khi nào/bất cứ thời nào văn hoá cũng thể hiện vai trò đó, từ xưa cho tới nay đều vậy => cho nên những yếu tố mới sẽ dần trở thành văn hoá. Văn hoá cần bảo tồn nhưng cũng rất cần phát triển. Cho nên nếu sau này thơ ca có đưa vào điện thoại di động, nồi cơm điện, ti vi, tủ lanh,... mình vẫn cứ hoan nghênh.
Nghệ thuật nhân hoá, ẩn dụ, chuyển nghĩa của từ đều có. Tất nhiên không quá cần thiết vì chắc chắn mục đích của bài thơ là để giáo dục nhận thức về chuyện bắt nạt. Giáo viên còn mở rộng chủ đề nữa mà.
Sau đây là bài thơ "Khi mẹ vắng nhà" của tác giả Trần Đăng Khoa
Khi mẹ vắng nhà, em luộc khoai
Khi mẹ vắng nhà, em cùng chị giã gạo
Khi mẹ vắng nhà, em thổi cơm
Khi mẹ vắng nhà, em nhổ cỏ vườn
Khi mẹ vắng nhà, em quét sân và quét cổng

Sớm mẹ về, thấy khoai đã chín
Buổi mẹ về, gạo đã trắng tinh
Trưa mẹ về, cơm dẻo và ngon
Chiều mẹ về, cỏ đã quang vườn
Tối mẹ về, cổng nhà sạch sẽ

Mẹ bảo em: Dạo này ngoan thế!
- Không mẹ ơi! Con đã ngoan đâu
Áo mẹ mưa bạc màu
Đầu mẹ nắng cháy tóc
Mẹ ngày đêm khó nhọc
Con chưa ngoan, chưa ngoan!
Chúng ta thấy những hình ảnh này nó đẹp vì gắn liền với tuổi thơ nhiều người. Nhưng trẻ em bây giờ mấy đứa có thể hiểu được. Cho dù có giải thích ngôn từ như hành động: luộc khoai, giã gạo, thổi cơm, nhổ cỏ,... thì khó mà tưởng tượng được hình ảnh đó trong thực tế. Chưa kể bài này có từ "quang" trong "cỏ đã quang vườn" ngày nay trẻ con liệu có hiểu?
Mình muốn viết bài này để nói vài điều như vậy. Có thể do người người ngại nói ở những nơi phức tạp. Chính mình cũng thế, mình không thích việc bày tỏ quan điểm giữa một rừng tiêu cực như facebook. Mình nghĩ trên noron thì trình độ nhận thức chung cao hơn, mình nghĩ là có nhiều người bất bình với việc chê bai một cách thậm tệ thái quá như vậy nhưng không muốn nói ra. Hi vọng là mình đúng.
Sau cùng, mời các bạn đọc hai bài của Nguyễn Thế Hoàng Linh.
CHUỘC
cầm tiền đi chuộc lại tiền
cầm yêu thương chuộc dịu hiền cho ai
cầm hôm nay chuộc ngày mai
cầm cơn mơ ngắn chuộc dài cơn mơ
cầm bơ vơ chuộc bài thơ
cầm đêm chuộc một sợi tơ đầu ngày
cầm đen đủi chuộc cơ may
cầm hay chuộc dở trắng tay bạc lòng
cầm lệ đục chuộc nước trong
cầm hồi sinh chuộc tử vong lạ kỳ
cầm gì đi chuộc lại gì
không cầm được máu rầm rì nơi tim
cầm nhân gian đốt soi tìm
một nhân gian khác im chìm trong tâm
cầm trên môi sự lặng câm
để rồi rỉ xuống tím bầm câu thơ
dè chừng nhau đến bao giờ
cầm gì để chuộc dại khờ cho nhau
cầm gì để chuộc nỗi đau
sẽ còn theo đến ngàn sau với đời
nếu như sống giống cuộc chơi
thì ai sẽ chuộc máu rơi lệ hờn
nếu như lũ trẻ cô đơn
thì ai có thể khổ hơn loài người?
LÉN
tình cảm anh dành cho em là cái người ta vẫn gọi nôm na là nhớ
nó khiến anh nôn nao những cảm xúc đại loại như buồn
trong vài khoảnh khắc thời gian có vẻ ngừng di động
và mỗi ngày nó dường như xảy đến nhiều hơn

trong trạng thái tâm hồn nói chung không thể coi là ổn
những nụ cười thiếu vắng và rõ ràng đã méo mó chỏng chơ
nỗi nhớ đến khiến anh quên phải ngủ
lúc ăn cơm, tiếng xoong nồi đũa bát lại vô tình gợi những vần thơ

cho đến một ngày, nỗi nhớ chuyển sang một cấp độ cao hơn là đã thầm yêu
thật ra thì trước đây anh vẫn tưởng nhầm là nỗi cảm
đã trăm ngàn lần anh muốn gọi thành tên nhưng anh không dám
để bây giờ anh cũng chỉ trộm thầm thì:
anh yêu em
Từ khóa: 

giáo dục

,

văn hóa