Bài thơ "Bắt Nạt"
Mấy hôm nay rộ lên hiện tượng "bắt nạt" tác giả bài thơ "Bắt Nạt" (Nguyễn Thế Hoàng Linh) trên mạng :)))). Đa phần những bình luận khá tiêu cực về vấn đề này.
Mình không biết là có nên bênh vực tác giả hay không, nhưng trước một sự việc mà đa số mọi người tấn công tác giả thế này, mình cảm thấy hơi buồn. Đảo qua các mặt báo, các kênh youtube cũng vậy, ý kiến chê bai là đa phần, có một số rất rất ít trung lập và cảm thấy sự việc này là bình thường.
Sau đó mình tìm hiểu thêm về tác giả, chủ yếu là đọc thử một số bài thơ khác. Cá nhân mình thấy thơ của tác giả này rất lạ, khó đọc bởi nhịp điệu không quen thuộc, có lẽ thơ mới vẫn còn quá mới đối với mình.
Nói thực lòng mình là một người thích thơ và thích làm thơ. Làm thơ rất là dễ nếu như chỉ theo những quy luật có trước. Ví dụ như thơ Đường thì ngoài bằng trắc, chỉ cần tuân theo cấu trúc "đề, thực, luận, kết" thì bài thơ sẽ vừa có giai điệu vừa có ý nghĩa lại vừa logic mà giàu tính nghệ thuật.
Trích một câu thơ trong bài Lén của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh:
"tình cảm anh dành cho em.............là cái............người ta vẫn gọi...........nôm na là nhớ
nó khiến anh nôn nao...........những cảm xúc............đại loại như buồn"
nó khiến anh nôn nao...........những cảm xúc............đại loại như buồn"
Và khi đọc một số bài của tác giả này, mình ước gì mình là người làm được những câu thơ như vậy. Có một sự ấn tượng nhất định dành cho tác giả.
Về bài thơ "Bắt Nạt" mình thấy rất giống thơ con cóc mình từng làm cũng vào năm mình học lớp 6. Nó rất ngây ngô và củ chuối cực kỳ, đọc cũng khó hiểu, đúng hơn là tối nghĩa y như mình hồi đó vậy. Thế nhưng bài thơ đó lại được 10đ. Cô giáo thì cực khó tính, mình ăn hai điểm 0 liên tiếp vì không học bài và không soạn bài. Tuy nhiên, môn văn là môn mà mình khá giỏi vào lúc đó, những bài văn của mình thường được đọc trước toàn khối. Có thể vì vậy nên mình được cô ưu ái cho 10đ bài thơ con cóc mà chính mình cũng thấy nó củ chuối và cũng chẳng nhớ nổi cụ thể bài thơ được coi là đầu tay đó.
Công bằng mà nói thì những từ như "hip-hop" hay "mù tạt" mình thấy đều có chú thích. Và cũng công bằng mà nói, những từ khó hiểu ở trong thơ cổ cũng rất nhiều.
Và ngẫm lại, những gì trong bài thơ này nói đến cũng giống y như những gì chúng ta hay nói với trẻ con hằng ngày (VD: bắt nạt rất hôi). Người lớn chúng ta đôi khi cũng cố gắng biến thành trẻ con, đôi khi còn bắt chước cách nói của trẻ con để giao tiếp với chúng. Trong nhà có con nít là từ ông/bà/cha/mẹ/anh/chị/cô/dì/chú/bác gì cũng nói ngọng hết. Đó là bắt chước sự ngây ngô.
Tất nhiên mình hoàn toàn đồng ý với mọi người là những gì đưa vào sách giáo khoa cần phải được chọn lọc, và đưa vào chương trình cho lớp mấy cũng phải chọn lọc.
Mình nghĩ chắc mọi người thấy bài thơ này rất là lạ, nên không hiếm gặp những ý kiến nói rằng bài thơ này như kiểu văn xuôi, thực tế nó gieo vần từ đầu tới cuối, bao gồm cả vần ôm, vần liền, vần cách. Đôi khi lại có cấu trúc vần như thơ 7 chữ, đôi khi lại chẳng cần phải vần. Về điểm này mình hoàn toàn đồng ý với sự sáng tạo của tác giả.
Có lẽ tranh cãi nhất là về nội dung và tính giáo dục trong bài thơ. Phần này mình không bênh nhưng mình thấy bình thường. Chủ đề bắt nạt rất là hay và đậm tính thời sự, tuy nhiên về tính thời sự này thì cũng không cần thiết phải dạy cho học sinh lớp 6. Trong sách cũng không yêu cầu phân tích tính thời sự trong tác phẩm. Và đồng thời bài thơ này không vì mục đích giới thiệu về văn học hay nghệ thuật thơ ca. Nó sinh ra để đặt vấn đề cho nạn "bắt nạt học đường", có lẽ nó phù hợp với một bài trong sách giáo dục công dân hơn.
Mình không bình luận nhiều về nội dung hay các ý tứ trong bài thơ này. Cá nhân mình nếu làm được một bài thơ đủ ngây ngô như vậy nhưng vẫn đảm bảo được dựa trên một nghiên cứu về bản chất của vấn nạn "bắt nạt" để chuyển hoá nó thì mình vẫn chọn phương án tối ưu nhất.
Đó là những chia sẻ về một vài góc nhìn của mình. Hi vọng là cũng có ít gạch đá và cũng có những chia sẻ tương tự như vậy từ cộng đồng noron.
giáo dục
Nội dung liên quan