Bài Học Từ Quá Khứ: Tuổi 20 Đã Mang Đến Cho Tôi Những Gì?

  1. Tâm sự cuộc sống

Bạn có bao giờ nghĩ về quá khứ và ao ước giá như? Tôi đã từng mơ có một cỗ máy thời gian quay ngược về quá khứ để thay đổi vài chuyện đã qua. Nhưng khi thay đổi xong rồi, liệu tôi sẽ thỏa mãn? Tôi cũng không chắc. Gần đây, tôi có nói chuyện này với một người bạn. Sau cuộc nói chuyện đó, hai chúng tôi đều đồng ý rằng, quá khứ với những điều không hoàn hảo là món quà đáng trân trọng. Món quà là những bài học từ quá khứ chứa đựng vô vàn kinh nghiệm quý giá mà bạn không thể học được ở bất kỳ đâu. Như Ken Hensley từng phát biểu: “The past has infinite value if one learns from it.” (Tạm dịch: Giá trị của quá khứ là vô hạn nếu bạn biết học hỏi từ đó).

Hôm nay, tôi dành chút thời gian trở về quá khứ, nhìn lại những bài học đã tìm thấy trên hành trình của mình. Cùng với đó là cả những điều tôi bỏ lỡ. Những khoảnh khắc

nhìn lại
như thế này là điều tôi thực hành thường xuyên những tháng gần đây. Mỗi một lần nhìn lại là một lần tôi biết mình đã “nghịch gì với cuộc đời mình” và nên làm gì tiếp theo.

Bài viết này là bài viết đầu tiên trong series “Bài Viết Theo Yêu Cầu” được đăng vào mỗi thứ ba hàng tuần. Dành tặng cho bạn N.H.Y.

Lắng nghe toàn bộ bài viết trên

The Introvert Writer Podcast
hoặc trên Anchor
tại đây
nhé!

Những điều tôi đã học được ở tuổi 20

Bài học về thất bại – Thất bại là động lực để bước tiếp

Tôi là người hay thất bại. Dù có những thành tích rất tốt trong học tập, nhưng cứ đến những kỳ thi quyết định, tôi lại trượt vỏ chuối. Khi đối diện với thất bại, tôi luôn hoang mang, sợ hãi, và cảm thấy rất tự ti.

Cuộc khủng hoảng trượt đại học năm 18 tuổi đã giúp tôi lần đầu học cách vượt qua thất bại. Khi bố tôi tuyên bố một câu xanh rờn: “Ở nhà năm sau thi lại”, nước mắt tôi cứ lã chã rơi. Tôi thuyết phục bố mẹ cho tôi vừa đi học vừa ôn thi. (Tôi đi học theo nguyện vọng 2). Cuối cùng, tôi kết thúc năm học đầu tiên với thành tích tốt và đỗ đại học.

Đã có lúc, tôi thực sự nghĩ rằng thất bại là dấu chấm hết của cuộc đời. Tuy nhiên, thực tế chứng minh điều ngược lại. Thất bại đã khiến tôi kiên cường hơn và thêm quyết tâm đạt được điều mình muốn.

Dù bạn sẽ phải trải qua hàng nghìn cảm xúc khó chịu khi thất bại, hãy kiên nhẫn với bản thân. Chấp nhận rằng mình đã thất bại. Dùng thất bại làm bàn đạp, cho mình cơ hội thử thách bản thân và bắt đầu lại mọi thứ. Đó là bài học mà tôi đã học được từ khi ngấp nghé 20.

“You will fall. It is a matter of when. The true test is if you can continue and stand up and accept failure and move forward.” – Lady Gaga

(Tạm dịch: Bạn sẽ thất bại. Có điều chỉ là khi nào mà thôi. Bài kiểm tra thực sự chính là việc liệu bạn có thể tiếp tục đứng dậy, chấp nhận thất bại và tiến về phía trước hay không.)

Bài học về tình yêu – Tình yêu là biết buông tay đúng lúc

Tôi từng có một tình yêu “gà bông” trong nhiều năm liền. Lúc đó, tình yêu là tất cả với tôi. Tôi luôn tin vào kết thúc “khi hai ta chung một nhà, khép đôi mi chung một giường” như lời một bài hát nào đó. Tuy nhiên, cuộc sống luôn dành cho chúng ta những bất ngờ không lường trước.

Đó là khi tôi biết thực sự người bạn đó không còn cảm giác yêu đương với tôi. Bạn ấy tâm sự với một người bạn khác của tôi rằng không muốn chia tay tôi chỉ đơn giản vì đã gắn bó quá lâu rồi. Không hiểu sao, sau khi nghe chuyện đó, một tiếng nói trong lòng tôi lại vang lên. “Nếu không chia tay, cuộc đời mày sẽ chìm trong địa ngục”.

Và thế là dù còn yêu, tôi vẫn nói lời chia tay. Tôi nghĩ đây là quyết định tuyệt vời nhất của mình cho đến thời điểm đó. Một cuộc chia tay không hề có nước mắt, chỉ có sự nhẹ nhõm và bình yên.

Lúc đó tôi đã biết được một mặt khác của tình yêu. Có lẽ, tình yêu còn là biết buông tay đúng lúc.

Bài học về tư duy – Mở cửa tư duy để học hỏi và phát triển

Những năm 20, tôi có được những người bạn tuyệt vời ở đại học. Chúng tôi là một nhóm vô cùng ăn ý. Trải qua nhiều bài tập nhóm thành công, tôi nhận ra một điều tuyệt vời ở sự kết hợp này. Đó là việc tất cả chúng tôi đều biết “mở cửa tư duy” để đón nhận những điều khác biệt từ các thành viên còn lại.

Khi làm việc nhóm, mỗi người đều có những ý kiến riêng của mình. Tuy nhiên, thay vì đấu tranh đến cùng để bảo vệ ý tưởng của bản thân, chúng tôi lắng nghe và học hỏi lẫn nhau. Vì vậy, nhóm tôi luôn có được những ý tưởng tốt. Nếu bây giờ nhớ lại, chắc hẳn ai cũng nhớ đến buổi diễn kịch bằng Tiếng Anh với vở Cinderella huyền thoại năm nào. Vở diễn khiến tôi hình thành nên tư duy phát triển và cam kết không ngừng học hỏi để cải thiện bản thân.

Những điều tôi đã bỏ lỡ và luôn ao ước giá như….

Bước ra ngoài vùng an toàn của bản thân

Tôi là người thích an toàn, ổn định. Nếu nhận định những việc trước mắt là không an toàn, tôi không bao giờ dám thử. Điều này có thể đúng với những việc tiêu cực. Ví dụ như bạn biết hút thuốc lá là không tốt và không thử. Nhưng với những việc còn lại, tư duy này khiến bạn mắc kẹt trong chiếc ổ của mình. Bạn không bao giờ biết đến những điều tươi đẹp khác tồn tại bên ngoài vùng an toàn của bạn.

Thời điểm đó, tôi từng có suy nghĩ kiếm tiền, nên cũng đi tìm việc làm thêm. Tôi nghĩ mình phù hợp với làm gia sư nhất. Vậy là tôi lên mạng tìm kiếm những công việc gia sư. Nhưng khi tìm kiếm, tôi đọc được rất nhiều bài viết về những trung tâm gia sư lừa đảo, những sinh viên đi gia sư bị nhà chủ hiếp đáp. Tôi đâm ra sợ hãi và không thử nghiệm điều gì khác nữa.

Nhìn những bạn trẻ năng động thử nghiệm những điều mới mẻ của cuộc sống ở thời điểm hiện tại, tôi tiếc cho chính mình. Các bạn không sợ hãi làm thêm, gap year, khởi nghiệp, tạo ra thu nhập cho bản thân và trải nghiệm cuộc sống. Cho đến giờ khi đã bước sang tuổi 31, tôi mới dám chui ra khỏi chiếc ổ của mình để làm khác đi. Nếu như dành tặng cho chính mình chỉ một từ cho tuổi 20, tôi muốn nói: “Fearless”.

Đọc thêm

bài phỏng vấn
về vùng an toàn của tôi với blogger Hạnh Hoàng độc quyền trên Her tại đây.

Biết đặt mục tiêu cho bản thân

Tôi là người ham học những thứ mới mẻ, nhưng lại thường không đặt ra mục tiêu cho mình. Khi học Đại học, tôi đã từng có thời gian học tiếng Trung. Thế nhưng lúc đó, tôi chỉ nghĩ học để cho biết mà không đặt bất kỳ mục tiêu gì. Cuối cùng, tôi kết thúc hành trình khi còn chưa học xong quyển một. Đến năm ba tôi bắt đầu thử thách với tiếng Hàn. Lần này, tôi đăng ký học ở trung tâm để lấy động lực học cho tốt. Kết quả cũng chẳng khá khẩm hơn là bao.

Chỉ học vì thích, thấy khó lại bỏ, không có mục tiêu rõ ràng khiến tôi đã bỏ lỡ nhiều cơ hội. Nếu được làm lại, chắc chắn tôi sẽ bắt đầu với câu hỏi “why” để đặt mục tiêu cho bản thân mình. Điều này sẽ giúp tôi đi đúng hướng và không chùn bước trước khó khăn. Như Les Brown đã từng nói: “Your goals are the road maps that guide you and show what is possible for your life.” (Tạm dịch: Mục tiêu chính là tấm bản đồ chỉ đường cho bạn. Nó còn cho bạn biết bạn có thể làm những gì với cuộc đời của mình.)

Tích lũy kiến thức về đầu tư

Dù là người có ý thức tiết kiệm, tôi lại có chút kiến thức nào về đầu tư. Tôi đã nghĩ đầu tư chỉ dành cho người đi làm. Đó là một niềm tin sai lầm. Chúng ta luôn có thể học hỏi mọi thứ dù ở bất kỳ độ tuổi nào.

Rất nhiều bạn trẻ bây giờ đã biết quan tâm đến đầu tư và sở hữu vốn kiến thức đáng ngưỡng mộ. Trong số đó, tôi biết có bạn nắm trong tay những danh mục đầu tư ấn tượng. Điều này đã giúp bạn kiếm tiền tỉ ở độ tuổi 20.

Bởi vậy, nếu được làm lại, tôi chắc chắn sẽ dành thời gian học hỏi và thực hành đầu tư để túi tiền của mình được thêm “rủng rỉnh”.

Biết theo đuổi đam mê của mình

Tôi có niềm đam mê với viết lách từ khi học cấp hai. Vấn đề ở chỗ, tôi được mọi người khuyên nên từ bỏ. Có nhiều lý do được đưa ra. Có thể kể đến như học văn dễ bị hâm hoặc học Văn thì sau này không có tiền mà sống. Bố mẹ tôi cũng khuyến khích tôi chuyển sang học các môn tự nhiên. Mong muốn của mẹ tôi là tôi có thể trở thành nhân viên của một trong bốn ngân hàng thương mại lớn nhất.

Cuộc đời chẳng như mong đợi. Dù thành tích các môn tự nhiên rất tốt, tôi vẫn trượt đại học. Tôi cũng chẳng trở thành nhân viên của các ngân hàng thương mại top đầu như mẹ đã mong. Tôi vật lộn với cuộc sống. Đi làm ở đâu cũng thấy những khó khăn bất cập. Lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi chán nản. Tôi luôn khao khát một điều gì đó mà chẳng biết là gì.

Cho đến khi 30 và quyết định yêu lại từ đầu với viết lách, tôi nhìn thấy những tia sáng le lói phía cuối đường hầm. Lần đầu tiên tôi tìm được một điều gì đó ý nghĩa trong cuộc sống. Dù mức thu nhập hàng tháng còn thấp, chưa bằng khi đi làm full time, tôi vẫn thấy mình giàu có. Thật lạ.

Tôi thấy giàu khi nhận được những lời khen ngợi, động viên từ các bạn độc giả. Giàu có khi có thêm những người bạn cùng chung chí hướng. Hay khi cho ra đời những “đứa con tinh thần” được đón nhận nhiệt tình. Đó là những giá trị mà không tiền bạc nào có thể so sánh được.

Nếu bạn nhận ra những đam mê của mình từ khi 20 và bắt đầu theo đuổi nó, bạn nghĩ cuộc sống của mình sẽ ra sao?

Lời Cuối

Nhìn lại, tôi nghĩ 20 là độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Bạn được trải nghiệm những điều tuyệt vời nhất của tuổi trẻ. Dù không tránh khỏi những lo lắng, mông lung, hỗn loạn, và mọi cảm xúc phức tạp khác bạn có thể gọi tên. Chỉ đến khi đi qua, kết nối những dấu chấm, bạn mới hiểu được những điều đó quý giá và đáng trân trọng nhường nào. Nếu bạn đang trong độ tuổi 20, tôi muốn dánh tặng bốn chữ nổi tiếng của Steve Job: “Stay Hungry. Stay Foolish”. Hãy tận dụng tối đa bốn chữ này để đối đãi với cuộc đời mình. Chắc chắn, bạn sẽ không bao giờ thất vọng.

Còn nếu bạn đã đi qua tuổi 20, bạn có đồng ý với tôi những điều này? Quá khứ là để nhìn lại và trân trọng. Tương lai thì xa vời, ngoài tầm với. Tập trung vào hiện tại và luôn là chính mình. Chỉ có như vậy, bạn mới tự tin tạo ra những dấu ấn riêng, không lẫn với ai khác. Khi bạn khác biệt, bạn sẽ tỏa sáng.

Từ khóa: 

nhìn lại

,

tuổi trẻ

,

bài học kinh nghiệm

,

tâm sự cuộc sống

Tuổi hai mươi nhiều trăn trở đã dẫn lối bạn thành con người bình an và được sống với đam mê của bản thân như hôm nay...

Trả lời

Tuổi hai mươi nhiều trăn trở đã dẫn lối bạn thành con người bình an và được sống với đam mê của bản thân như hôm nay...

Hiện tại em cũng đang bị trói mình trong vùng an toàn, cảm giác sợ thất bại bủa vây 😢

Mình đã bước sang tuổi 30 và khi nhiều khi nghĩ lại tuổi trẻ thấy thật đáng tiếc vì có nhiều điều chưa thực hiện. Giá như... giá như... thật buồn.