Bác sĩ tâm lý và bác sĩ tâm thần khác và giống nhau như thế nào?
tâm lý học
Chia sẻ cùng bạn một bài viết khá hữu ích, có liên quan đến nội dung câu hỏi của bạn từ tài khoản facebook của Tiến sĩ Đặng Hoàng Ngân nhé:
"Không chỉ khi gặp áp lực tâm lý mới cần chăm sóc sức khỏe tinh thần. Đây còn là lựa chọn để phát huy tiềm năng cá nhân và sống có ý nghĩa. Hiện nay, có nhiều dịch vụ, trào lưu hướng tới chăm sóc sức khỏe tinh thần. Tìm dịch vụ nào để đảm bảo sự phù hợp và chất lượng? Sau đây là một số nghề nghiệp chính quy và không chính quy cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần.
A. NGHỀ CHÍNH QUY: là nhóm nghề được đào tạo tại trường đại học, việc hành nghề có các tiêu chuẩn giám sát chuyên môn và đạo đức.
Nhà tâm lý:
- Các nhà tâm lý tùy theo ngành học và quá trình hành nghề sau này, được đảm bảo chuyên môn để cung cấp một hoặc một số dịch vụ về:
o Chăm sóc sức khỏe tinh thần cá nhân theo từng lứa tuổi
o Chăm sóc tâm lý cặp đôi, hôn nhân, gia đình
o Chăm sóc sức khỏe tinh thần học đường
o Trị liệu trong các tình huống khủng hoảng
o Chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh giai đoạn cuối
o Chăm sóc sức khỏe tinh thần người lao động
o Hướng nghiệp và phát triển bản thân
o …
- Hiện ở Việt Nam, cử nhân tốt nghiệp đại học ngành Tâm lý học có thể bắt đầu với vị trí chuyên viên tâm lý. Tuy nhiên, tiêu chuẩn nghề đang dần được nâng lên. Nội bộ người trong ngành Tâm lý công nhận một người có khả năng hành nghề độc lập cần có bằng thạc sĩ, trong đó, chương trình học có 500 giờ thực hành được giám sát chuyên môn tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe tinh thần được cấp phép. Như vậy, thạc sĩ và tiến sĩ ở các chương trình đào tạo Tâm lý học không có học phần thực hành, cũng chưa được đảm bảo kĩ năng nghề nghiệp cho việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cá nhân, nhưng được công nhận về khả năng nghiên cứu và triển khai các chương trình đào tạo tâm lý. Tiêu chuẩn về số giờ thực hành này cao tương đương Pháp. Tại Singapore, số giờ này là 1000 giờ. Tại Hoa Kỳ, tùy theo tiểu bang mà số giờ từ 1000 đến 4000, kèm theo việc phải đỗ kì thi chứng chỉ hành nghề và hàng năm theo học các chứng chỉ nâng cao chuyên môn.
Bác sĩ tâm thần:
- Là bác sĩ tốt nghiệp Y đa khoa, sau đó được đào tạo chuyên khoa Tâm thần học, trên Chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh của Bộ Y tế ghi rõ phạm vi hoạt động chuyên môn là Chuyên khoa Tâm thần. (Chú ý: Không tồn tại chức danh “bác sĩ tâm lý”, chỉ có “bác sĩ tâm thần” hoặc “nhà tâm lý” mà thôi)
- Có những rối nhiễu tinh thần cần được chăm sóc bằng thuốc kê toa bởi bác sĩ tâm thần, như rối loạn loạn thần có các triệu chứng hoang tưởng, ảo giác; rối loạn lưỡng cực;… Nhiều người bệnh đương đầu với những vấn đề trên, nhưng e ngại dùng thuốc. Một phần trong đó vì cơ chế phủ nhận bệnh tật, do xưa nay, các vấn đề sức khỏe tinh thần nặng vẫn bị kì thị. Bên cạnh đó, hiếm gia đình đủ điều kiện và ý thức về việc kết hợp trị liệu hệ thống gia đình đồng thời với trị liệu rối loạn tinh thần ở người bệnh bằng thuốc.
- Có những gánh nặng tinh thần lớn, nhưng không gặp hoang tưởng, ảo giác, thì nên cân nhắc kĩ trước khi quyết định sử dụng thuốc. Lý do thứ nhất: nếu có những phương pháp tâm lý khác để cân bằng lại và nâng cao khả năng ứng phó, thì hãy tập trung nghỉ ngơi và dần dần học những cách ứng phó mới. Lý do thứ hai: người có nét nhân cách phụ thuộc không dễ ngừng thuốc.
Giáo viên giáo dục đặc biệt:
- Là người được đào tạo để dạy kiến thức, kĩ năng chăm sóc bản thân, kĩ năng hòa nhập cho trẻ em và người lớn có khuyết tật tâm lý hoặc/và thể chất.
- Họ được đào tạo để nhận diện các phản ứng đặc biệt của người có khuyết tật; đặt ra các mục tiêu giáo dục vừa sức; chấp nhận những giới hạn không thể thay đổi và khích lệ những tiềm năng cá nhân.
***
B. NGHỀ KHÔNG CHÍNH QUY: là nhóm nghề không được đào tạo tại trường đại học. Chất lượng chuyên môn và việc đảm bảo đạo đức khi cung cấp dịch vụ tùy thuộc vào hiểu biết và ý thức của cá nhân người hành nghề.
Không phải cứ chính quy là tốt và không chính quy là không tốt. Có những người thực hành không chính quy vẫn hiệu quả, nhờ bản thân họ có tâm hồn lành mạnh và tinh thần yêu học tập. Tuy nhiên, nhóm nghề không chính quy không có tiêu chuẩn để giám sát chất lượng dịch vụ, nên khách hàng chắc chắn gặp nhiều rủi ro hơn.
Coach (người khai vấn):
- Khai vấn có tương lai trở thành nghề được đào tạo chính quy, thuộc về một chuyên ngành của Tâm lý học. Những chương trình thạc sĩ Tâm lý học Khai vấn đầu tiên đã được triển khai ở Anh Quốc và Australia.
- Tuy nhiên, con đường chính quy hóa còn xa. Có khoảng cách lớn giữa những người khai vấn thường xuyên mở rộng kiến thức về Khoa học Hành vi, Tâm lý học, với những người đang giữ niềm tin hẹp về các triết lý hiệu quả cho cá nhân mình, hoặc các phương pháp ngụy khoa học như sinh trắc vân tay, NLP, thần số học,… Những phương pháp ngụy khoa học có thể mang lại tác dụng nâng cao cảm nhận tích cực nhất thời với một số cá nhân, tại một số thời điểm, nhưng không kiểm soát được các nguy cơ như diễn giải sai lệch thực tế cuộc sống, né tránh vấn đề thực, ảo tưởng về bản thân,…
- Tìm đến sự trợ giúp của các coach nghiêm túc với nghề được khuyên dành cho những người không có các vấn đề sức khỏe tinh thần rõ rệt (trầm cảm, rối loạn lo âu, PTSD,…) hoặc không ở trạng thái căng thẳng bất thường. (Xem bài viết được đăng trên Tạp chí Tia Sáng ở phần bình luận)
Tarot reader
- Lựa chọn này của nhiều bạn trẻ khi gặp các vấn đề khúc mắc trong cuộc sống có ý nghĩa như một phương tiện phóng chiếu (projection) để được gọi ra và đối diện với những niềm tin, kì vọng, nỗi sợ, khao khát trong chính mình. Thực ra giúp đối diện như vậy là có ý nghĩa trị liệu. Tuy nhiên, diễn giải những chất liệu tâm trí ấy như thế nào và giúp khách hàng thực tế hóa hay duy trì niềm tin ảo vọng, lại phụ thuộc vào nhãn quan, sự lành mạnh tâm trí và đạo đức của người đọc bài tarot.
- Coi bài tarot có thể là một lựa chọn phù hợp khi khách hàng không gặp vấn đề lớn về sức khỏe tinh thần và muốn được rõ thêm lòng mình, tiếp thêm niềm tin vào bản thân và hành trình trở nên lớn hơn của bản thân. Tuy nhiên, đó không phải là giải pháp cho mỗi lần cảm thấy mất phương hướng.
Hỗ trợ tâm lý
- Từ “hỗ trợ tâm lý” dùng để chỉ chung những người làm việc vì mục tiêu giúp người khác khỏe mạnh hơn về sức khỏe tinh thần, nhưng không được đào tạo chính quy. Bằng cách họ giới thiệu về nghề nghiệp, chưa đánh giá được năng lực trợ giúp, nhưng đánh giá được tính chính trực, hoặc ít nhất về ý thức nghề nghiệp. Chẳng hạn, cách giới thiệu mình là “một giáo viên và đang hỗ trợ tâm lý” mang tính chính trực hơn so với tự nhận là “chuyên gia tâm lý” nếu như chưa từng được đào tạo ngành Tâm lý học tại trường đại học. Giới thiệu bản thân là “người đã vượt qua nhiều chướng ngại cuộc sống và đang giúp nhiều người sống tốt hơn, bằng hiểu biết tâm lý” là một lời giới thiệu đẹp vừa đủ.
- Khi kết hợp động lực giúp đỡ người khác với việc học thêm về khoa học Tâm lý (lý thuyết và thực nghiệm), công việc hỗ trợ sẽ được tối ưu hơn rất nhiều.
- Vì sao cần khoa học Tâm lý, lý thuyết và thực nghiệm? Vì kinh nghiệm sống của nhóm này không tương hợp với nhóm khác. Vì kể cả sự chứng ngộ cũng chỉ đến khi đã đủ duyên. Thế nên cần có khoa học, để hiểu từng cá nhân cần gì, vào bối cảnh, thời điểm nào trong cuộc sống của riêng mình.
***
Tóm lại, nên cân nhắc trước khi lựa chọn dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần. Hãy nhận diện vấn đề bản thân. Vấn đề càng khó đương đầu, càng nên tìm những người hành nghề chính quy để đảm bảo lợi ích chuyên môn. Vấn đề nhỏ, bản thân có nhiều khả năng ứng phó thì mình có nhiều sự lựa chọn, cũng như tâm trí đủ sáng để nhận định về người sẽ hỗ trợ mình.
Là một người được đào tạo về Tâm lý học (tiến sĩ Tâm lý học, thạc sĩ Tâm lý Phát triển trẻ em và Thanh thiếu niên với 500 giờ thực hành có giám sát, 10 năm trong nghề kể từ ngày nhận bằng thạc sĩ), mình nhìn nhận rằng, chăm sóc sức khỏe tinh thần là một hoạt động mà các ngành nghề chính quy và không chính quy cùng nhau thực hiện. Một nhà tâm lý trẻ với 6 năm đèn sách, thực hành hay một người hỗ trợ với 15 năm vật lộn để tìm ra triết lý sống đúng, đều là những người nỗ lực. Điều quan trọng là tiếp tục nỗ lực để hiểu giới hạn nghề nghiệp của bản thân, mở rộng góc nhìn, hiểu biết về tâm trí."
Bạn có thể tìm đọc thêm các bài viết khác của cùng tác giả ở đây nhé:
Nội dung liên quan
Nội dung sắp xếp theo thời gian
Nguyenphuhoang Nam
Chia sẻ cùng bạn một bài viết khá hữu ích, có liên quan đến nội dung câu hỏi của bạn từ tài khoản facebook của Tiến sĩ Đặng Hoàng Ngân nhé:
Lưu trữ Đặng Hoàng Ngân - Tạp chí Tia sáng
tiasang.com.vn