Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch: một tượng đài của nền y học quốc gia
Chúng ta có lẽ không có ai xa lạ với tên tuổi của Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (1909 - 1968). Ông là một nhà khoa học y học, giáo sư, tiến sĩ khoa học, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế của Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, và từng được nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1997 vì đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực khoa học, y học.
Sinh ra trong một gia đình trí thức và có truyền thống về giáo dục và y học (cha của ông là nhà giáo Phạm Ngọc Thọ, mẹ ông thuộc dòng dõi hoàng tộc Huế và là cháu ngoại của Tuy Lý Vương Miên Trinh - một hoàng tử triều Nguyễn ngày xưa), ông đã sớm được định hướng phát triển sự nghiệp khoa y.
Bác sỹ Phạm Ngọc Thạch (1909 - 1968).
Ông mồ côi mẹ khi mới lên 2, và cha của ông cũng mất không lâu sau đó. Tuy nhiên, ông đã nhận được sự giúp đỡ từ người chị gái là Phạm Thị Ngọc Diệp và người chồng giàu có của bà, nên vẫn có đủ điều kiện học lên bác sĩ. Sau khi tốt nghiệp tú tài, ông theo học Đại học Y Hà Nội từ năm 1928, sau đó qua Pháp học bác sĩ vào năm 1934 và tốt nghiệp.
Tốt nghiệp xong, ông vào làm việc tại Bệnh Viện Lao tại Pháp, lên đến chức Giám đốc Bệnh viện. Và 2 năm sau đó, ông trở về Việt Nam, kết hôn với một phụ nữ người Pháp (đồng nghiệp cũ của ông thời còn sống ở Paris) tên là Marie Louise, và có với bà 2 người con là Colette Như Mai và Alain Phạm Ngọc Định.
Sau khi về sinh sống tại Việt Nam, ông không làm cho nhà nước mà mở phòng khám tư, vì thế kiếm được rất nhiều tiền. Ông bắt đầu tham gia Cách Mạng giai đoạn 1936 - 1939 và đến tháng 3/1945, ông gia nhập Đảng Cộng Sản Đông Dương. Trong thời gian tham gia Cách Mạng, ông đã cứu sống được một mật vụ quan trọng của Nhật Bản là ông Ida, và sau đó Nhật đã đề nghị ông đứng ra thành lập tổ chức Thanh niên Tiền phong vào tháng 4/1945.
Bà Marie Louise và bác sỹ Phạm Ngọc Thạch thời trẻ.
Cách Mạng Tháng 8 thành công, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Thứ trưởng Phủ Chủ tịch, cùng những chức danh quan trọng khác - đủ thấy, ông được ban lãnh đạo đất nước tin tưởng đến mức nào.
Năm 1968, ông tiếp tục vào miền Nam và tham gia cứu chữa cho các thương binh. Không may, do sức khoẻ vốn không được tốt, lại phải lao lực làm việc, nên vào ngày 7 tháng 11 năm 1968, bác sỹ kiêm Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch đã qua đời do viêm phúc mạc mật và sốt rét ác tính. Được biết, khi hay tin ông mất, chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng nhiều cán bộ ngành Y tế, không giấu được đau đớn, đã im lặng hồi lâu. Không chỉ ở Việt Nam, mà giáo sư thạc sĩ André Roussel sau khi hay tin ông qua đời, đã phải thốt lên rằng:
"Do tập trung được những đức tính hiếm có và quý báu, mà khi nói đến ông người ta dùng một câu rất hiếm: Đó là một người hiền vĩ đại".