Ba phong cách lãnh đạo. Bạn thuộc phong cách nào?

  1. Kỹ năng mềm

ba-phong-cach-lanh-dao-tieu-bieu


Tìm hiểu Lịch sử Chính trị, Quân sự và Quản trị kinh doanh trên thế giới, tựu chung lại có 3 phong cách lãnh đạo nổi bật và có sức ảnh hưởng nhất trong tiến trình phát triển của nhân loại. Mỗi loại phong cách lãnh đạo đều có ưu và nhược điểm riêng của nó và mỗi người trong chúng ta đều ít nhiều bị chi phối bởi một trong ba loại phong cách lãnh đạo này, dù bạn có phải là lãnh đạo hay không. Ba phong cách lãnh đạo đó là :

1. Nhà lãnh đạo độc tài.

2. Nhà lãnh đạo dân chủ.

3. Nhà lãnh đạo thoả hiệp.

Hãy cùng tìm hiểu xem ưu và nhược điểm của ba phong cách lãnh đạo nói trên và nghĩ xem chúng ta thuộc dạng nào trong ba phong cách này nhé.

Ba phong cách lãnh đạo. Bạn thuộc phong cách nào?

1. Nhà lãnh đạo độc tài :

Nghe qua thì có vẻ ai cũng dị ứng với phong cách lãnh đạo này, nhưng sự thật thì đây lại là phong cách lãnh đạo có nhiều đại diện tiêu biểu nhất và cũng thành công nhất trên tất cả các lĩnh vực Chính trị, Quân sự và Quản trị kinh doanh. Vì sao ư?

Một nhà lãnh đạo độc tài thường mang trong mình tính cách quyết đoán cao độ, một tài năng vượt trội và một cá tính nổi trội bất thường. Ưu điểm của phong cách lãnh đạo này sẽ được thể hiện rõ khi một tập thể, một tổ chức ở giai đoạn sơ khai và đang trong giai đoạn đầu tiên để phát triển.

Nhờ vào cá tính và tài năng của mình, người lãnh đạo đó có thể lèo lái con thuyền bước qua những giai đoạn ngoặt nghèo để vươn ra biển lớn. Với họ, đã quyết định điều gì thì phải làm bằng được dù có phải đạp đổ tất cả. Lẽ dĩ nhiên, dân chủ trong mắt họ là điều dở hơi nhất. Dễ hiểu thôi, trong lúc cần đưa ra quyết định ngay lập tức mà bạn có một tập thể với 9 người 10 ý thì liệu có thể giải quyết được tình huống đó không nếu không được lãnh đạo bởi một người có tính cách quyết đoán cao độ?

Độc tài thường đi đôi với sự tàn nhẫn, vì với họ chỉ có mục đích và kết quả là quan trọng hơn hết. Người lãnh đạo có xu hướng độc đoán cũng thường đề ra những tiêu chuẩn khắt khe cho đội ngũ của họ với những mục tiêu có vẻ “trên trời”. Với cái tôi cao của mình, người này luôn đóng vai trò dẫn dắt và chịu trách nhiệm chính cho kết quả của đội ngũ mà mình lãnh đạo. Vì thế, họ cũng sẽ thẳng tay triệt tiêu những ai cản trở con đường của họ, hoặc không thực hiện được như họ kỳ vọng. Điều này trong rất nhiều trường hợp lại là con đường nhanh nhất để dẫn lối cho một tổ chức đi đến thành công vượt bậc.

Nhưng sự độc đoán thường dẫn đến sự cao ngạo. Tính cách quyết đoán, cá tính nổi bật và tài năng vượt trội tập hợp trong một con người sẽ dễ khiến cho người ta sinh ra thói kiêu ngạo, coi trời bằng vung và xem thường tất cả những người xung quanh. Đây là nhược điểm lớn nhất của phong cách lãnh đạo độc tài và nó sẽ được thể hiện rõ nét khi tổ chức hoặc xã hội đang ở giai đoạn cần sự ổn định. Lúc này, điểm hạn chế từ tầm nhìn và tính cách của một cá nhân sẽ bắt đầu bộc lộ với những bước đi mang tính chủ quan hoặc những việc làm bồng bột. Khi ở trong tình huống khó khăn, tổ chức của bạn cần sự quyết đoán nhưng khi đã ổn định thì chúng ta có nhiều thời gian hơn để đưa ra quyết định. Lúc này là lúc cần tính dân chủ để phát huy khả năng của nhiều người. Nhưng nếu lúc này mà tổ chức ấy vẫn còn được dẫn dắt bởi nhà độc tài kia thì dễ là tổ chức ấy sẽ đi vào con đường suy thoái như một điều tất yếu.

Những nhân vật tiêu biểu cho phong cách lãnh đạo độc tài :

Trong lĩnh vực Chính trị, Quân sự, chúng ta có Adolf Hitler – Gã độc tài của nhân loại đã từng hạ sát hàng triệu người Do Thái trong các trại tập trung và gây nên cuộc Thế chiến 2 tàn khốc. Thành Cát Tư Hãn – Kẻ chinh phục thế giới, người kiên quyết thực hiện nguyên tắc : hạ thành – cướp bốc và giết. Napoleon – Người nhỏ bé chinh phục châu Âu…Ở Việt Nam ta thì có Vua Quang Trung – Nguyễn Huệ, chủ tướng của quân Tây Sơn thần tốc đã từng tàn sát toàn bộ hậu duệ nhà Nguyễn và người Hoa ở Nam Bộ để tránh mầm tai hoạ.

Trong lĩnh vực Quản trị, chúng ta biết đến Steve Jobs với giai thoại tống cổ nhân viên cao cấp ngay trong cuộc họp hay thẳng thừng từ chối những đối tác quan trọng nhất.

Câu nói tiêu biểu của phong cách lãnh đạo độc tài : “Một đội quân sư tử được một con nai dẫn dắt sẽ không bao giờ là đội quân sư tử” – Napoleon Bonaparte.

2. Phong cách lãnh đạo dân chủ

Chủ nghĩa dân chủ chính là quan điểm chi phối ở hầu hết các xã hội trong thời đại mới. Ở quy mô quốc gia, ta thường nghe đến các nhà nước pháp quyền do dân làm chủ. Ở quy mô của một tổ chức, ngày nay các start-up hay các công ty khởi nghiệp mới thường dựa theo nguyên tắc dân chủ để dựa vào trí tuệ của số đông mà tạo nên giá trị cho tổ chức của mình.

Nguyên tắc dân chủ từ cái tên của nó cũng đã thể hiện sự tiến bộ và mang hơi thở của thời đại. Cái hay của nó là không dựa vào năng lực của cá nhân lãnh đạo mà giúp những thành viên trong một tổ chức hay rộng hơn là một xã hội có thể đóng góp tiếng nói của mình. Từ đó giúp tận dụng được trí tuệ của nhiều người và quyết định khi đưa ra cũng dễ dàng được sự chấp nhận của số đông, vì cơ bản nó dựa trên nguyên tắc “phổ thông đầu phiếu”, tức số đông các thành viên sẽ quyết định.

Lý tưởng thì có thể rất cao đẹp nhưng khi áp dụng sai thì có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Hãy cẩn trọng với cái bẫy mang tên “dân chủ” khi đưa ra quyết định này. Quyết định đến từ nguyên tắc dân chủ là kết quả mà số đông “muốn” chứ chưa hẳn nó là quyết định “đúng”.

Đối với một nhà lãnh đạo mang phong cách dân chủ, đó không cần phải là người có khả năng xuất chúng. Đôi khi, nhà lãnh đạo dân chủ chỉ cần là người biết lắng nghe và phân tích, biết kết nối mọi người, xử lý công bằng công việc và sử dụng đúng người đúng việc.

Chỉ nên áp dụng nguyên tắc dân chủ khi một tập thể đã đi vào hoạt động ổn định, dựa trên những quy trình, quy định (hoặc pháp luật) đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và áp dụng hiệu quả từ thực tế. Ngoài ra, một tập thể muốn phát huy tính dân chủ mạnh mẽ cũng phải có nền tảng về tri thức cao, biết cách tranh luận, phản biện và lắng nghe.

Nguyên tắc để nhà lãnh đạo dân chủ có thể vận hành tốt tổ chức của mình là dựa trên các yếu tố: thẳng thắng – minh bạch – công bằng. Khuyến khích tranh luận và phản biện để có góc nhìn đa chiều và giúp tập thể đưa ra một quyết định đúng đắn. Tuy nhiên, tranh luận phản biện phải dựa trên nguyên tắc mọi người đều có tư duy lập luận để bác bỏ ý kiến người khác, sau đó đưa ra ý kiến đóng góp của mình theo hướng giúp tổ chức phát triển. Những ý kiến tranh luận không dựa trên lý lẽ, lập luận thì chỉ là kiểu cãi nhau chày cối, bảo thủ. Bác bỏ luận điểm của người khác mà không đưa ra được đóng góp mới của mình thì đó là bàn lùi. Nếu tổ chức thực hiện dân chủ không đúng trọng tâm thì dễ dẫn đến sự chia rẽ hoặc vận hành ì ạch. Từ đó dẫn đến sự sụp đổ.

3. Phong cách lãnh đạo thỏa hiệp

Nghe đến từ thỏa hiệp, có thể nhiều người sẽ nghĩ ngay đến yếu tố nhu nhược. Một nhà lãnh đạo thỏa hiệp vì người đó nhu nhược?

Thực tế không phải vậy. Như đã nói ở đầu bài, tựu chung chúng ta có ba phong cách lãnh đạo chính và phong cách nào cũng có những đại biểu tiêu biểu của sự thành công. Vậy nên người lãnh đạo mang phong cách thỏa hiệp vẫn có thể thành công. Hãy tìm hiểu tại sao nhé!

Sự thỏa hiệp không đồng nghĩa với nhu nhược. Nó nên được hiểu theo khía cạnh biết cương biết nhu đúng lúc. Những người mang phong cách thỏa hiệp sẽ luôn quan tâm đến việc giúp cho các mối quan hệ win-win. Làm sao để mình được lợi mà người khác cũng vậy. Làm sao ra quyết định để số đông nhân viên đều vui, còn những người không đồng ý với quyết định ấy cũng không buồn.

Nói cách khác, thỏa hiệp để chiều lòng hầu hết mọi người. Từ đó đạt được mục đích của mình đề ra.

Để áp dụng đúng nguyên tắc thỏa hiệp, người lãnh đạo chắc chắn phải luôn bám sát mục tiêu cuối cùng của mình. Trên bàn đàm phán hay trên bàn họp nội bộ, người lãnh đạo thỏa hiệp có thể tùy theo tình thế mà xoay sở, lắng nghe ý kiến của các bên liên quan rồi sau đó đưa ra một quyết định làm hài lòng nhiều người nhất có thể. Tất nhiên, quyết định đó phải phục vụ cho mục tiêu mà người lãnh đạo đã đề ra.

Sự thỏa hiệp có thể làm vừa lòng mọi người nhưng ngược lại nó cũng có thể làm mất lòng tất cả. Vì rốt cuộc không ai được toàn vẹn thực thi ý muốn của mình. Sự thỏa hiệp cũng dễ khiến nhà lãnh đạo đi trượt mục tiêu từ đầu của mình và có thể gây mất động lực cho các nhóm hoặc cá nhân trong tổ chức. Sự thỏa hiệp cũng sẽ gây ra tình trạng trì trệ và thái độ dè chừng lẫn nhau trong một doanh nghiệp, triệt tiêu tính quyết đoán của cá nhân khi cần thiết phải đưa ra một quyết định nhanh chóng.

Bạn thuộc phong cách nào?

Chúng ta đã điểm qua ba phong cách lãnh đạo thường gặp nhất sau bài này. Đây chỉ là bài viết mang tính chất tóm lược vấn đề chứ không phải một bài phân tích cụ thể từng trạng thái lãnh đạo. Vì vậy, bạn đọc sau khi tìm hiểu qua có thể xác định xem mình “muốn” hoặc mình “phù hợp” với phong cách lãnh đạo nào nhất. Từ đó đào sâu hơn về phong cách ấy qua những bài học của tiền nhân.

Không có phong cách nào là tốt nhất cả. Cũng không phải là bất biến. Nhà lãnh đạo độc tài cũng cần phải tham khảo ý kiến của các trợ thủ. Một nhà lãnh đạo dân chủ hay thỏa hiệp đôi khi cũng phải cương quyết đưa ra những quyết định trái với số đông. Tùy vào giai đoạn, năng lực và nguồn lực mình đang có mà chúng ta sẽ quyết định mình nên đóng vai nào.

Xem thêm bài viết của Đoàn Nhật Quang về leadership : 

Tố chất của người lãnh đạo. Leader tương lai, anh ở đâu?

Hoặc đổi không khí một chút với Sử luận :

Tại sao Vua Quang Trung đòi Lưỡng Quảng chỉ là ước vọng viễn vông?

vietsugiaithoai.com

Từ khóa: 

quản trị

,

kinh doanh khởi nghiệp

,

leadership

,

kỹ năng lãnh đạo

,

tư duy lãnh đạo

,

kỹ năng mềm