Ba hầm bạc trong đại nội?
Theo Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên
Từ lâu dư luận đã nói nhiều tới các hầm bạc mà triều đình nhà Nguyễn chôn giấu. Cho nên đúng như câu ngạn ngữ “Ma sợ có danh heo sợ mập”, những lời đồn đãi ấy đến thời Pháp thuộc đã dẫn tới một sự kiện làm xúc động dư luận là việc Khâm sứ Trung Kỳ Mahé thẳng tay cho đào bới nền điện Hòa Khiêm trong Khiêm lăng để tìm vàng bạc cuối năm Nhâm tý (tháng 1. 1913) khiến triều đình Duy Tân phải cay đắng dời bài vị của vua Tự Đức qua thờ tạm ở điện Lương Khiêm, đến tháng 4 năm Quí sửu (tháng 5. 1913) sửa xong nền điện Hòa Khiêm mới “đưa về an tự”. Về vụ này, Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên (trở xuống viết tắt là Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên) cũng ghi lại khá chi tiết với đoạn kết luận đầy vẻ hả hê vì Mahé không đạt được mục tiêu “Khâm sứ Mahé (1) cũng vì việc ấy không có hiệu quả nên tháng 3 năm sau về nước (về việc này đại thần bộ Công Nguyễn Hữu Bài không dự, đương thời có câu “Bỏ vua không Khả (tức nguyên Thượng thư sung đại thần quản lãnh Thị vệ Ngô Đình Khả), bới mả không Bài)” (2). Tuy nhiên đúng là trước thời Pháp thuộc triều Nguyễn có chôn giấu một số vàng bạc trong đại nội, và ít nhất đã có ba hầm được phát hiện vào các năm 1889 và 1915 được ghi nhận bởi các tác giả Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên. Sau đây là bản dịch toàn văn những sự kiện ấy.* Năm Kỷ hợi Thành Thái thứ 11 (1899 Tây lịch)…. Tháng 6… Khâm sứ đại thần Boulloche (3) bàn nói nhận được giấy báo và qua lời Hoằng Trị quận vương Hồng Tố nói trong đời Minh Mạng, Thiệu Trị có chôn nhiều bạc trong đại nội, nên phái quan hội đồng (quận vương Hồng Tố, Thượng thư bộ Công Nguyễn Thuật, Thượng thư bộ Lễ Huỳnh Vĩ, Hội biện Sô Lê (4), Đô Ty (5), quận công Ưng Huy, Tham biện Tôn Thất Hoài Điển) và phát 100 phu khỏe theo nơi được chỉ đào lên. Kế đào được một hầm bạc thỏi ba vết (6), Khâm sứ đại thần bàn trích 30.000 nén do Thượng thư bộ Hộ Trương Như Cương, Hội biện Đô Ty chở ra Ngân hàng Hải Phòng đổi lấy tiền ngân nguyên chi biện các việc công ích, dừng việc đào bới, vẫn do quan trong hội đồng kê khai trình lên. Trước nay việc đào bới tìm của cốt phải rõ ràng chi tiết nhằm tránh việc người sau nghi ngờ đào bới, để không bao giờ còn xảy ra chuyện như thế nữa. Kế chuẩn cho Quản biện Thị vệ Tôn Thất Hoài Điển đốc suất quan binh trong đại nội lấp chặt những nơi đào lên, sửa lại như cũ (về sau Khâm sứ đại thần hội thương nói số bạc ấy mỗi nén đổi được 15 đồng 5 hào, trừ phí tổn đài tải và thuế Thương chính mỗi 100 đồng thu 1 đồng thì tổng cộng còn 460.350 đồng, hiện gởi ở Ngân hàng Thượng Hải, mỗi năm tiền lãi được 2%, khoản lưu ký 300.000 đồng thì Ngân hàng ấy cho vay mỗi năm lấy lãi 5,5%, còn khoản ngoại ký 160.350 đồng trả lãi 2%, nếu bản quốc cần dùng thì lấy ở Ngân hàng Đà Nẵng. Bề tôi Cơ mật viện nghĩ xin ưng thuận, bèn do Phó Ngân hàng Sài Gòn Ma Di (7) biên nhận hai tờ, một tờ biên nhận ngoại ký 160.350 đồng trả lãi 2%, một tờ biên nhận bản quốc cho vay 300.000 đồng trả lãi 4%, đến hạn giao trả. Bộ Hộ tâu lên, chuẩn cho thi hành, giao hai tờ biên nhận ấy cho Phủ Nội vụ nhận giữ, hàng năm tới quý khố chiểu số nhận tiền lãi).* Năm Giáp thìn Thành Thái thứ 16 (1904 Tây lịch)… Tháng 3… Khâm sứ đại thần Auvergne (8) hội thương nói việc hai thương nhân người Tây là Phi Da (9) đại diện Công ty Long Hoa và Ca Di (10) đại diện Ngân hàng Đông Dương bàn về số tiền Công ty ấy vay năm trước (Một khoản: ông Phi Da nghĩ Công ty ấy hiện nay lập thương cục gọi vốn 1.207.500 đồng tiền Tây, Công ty ấy trước thiếu tiền của Nam triều 116.554 đồng, thiếu Ngân hàng Đông Dương 180.000 đồng, nghĩ muốn đều góp vốn vào thương cục mới. Một khoản: Ngân hàng Đông Dương ưng thuận giao 4/5 số tiền ấy góp vốn vào thương cục mới, còn 1/5 cho thương cục ấy vay lấy lãi đồng niên 5%, Công ty Long Hoa cũng nghĩ xin như Ngân hàng Đông Dương. Một khoản: về việc tính toán số tiền góp vốn và tiền lãi cuối mỗi năm thì thương cục ấy sẽ định ra chương trình đệ cho Nam triều chấp chiểu), bề tôi Cơ mật viện tâu lên, chuẩn sao ra cho thi hành.* Năm Ất mão Duy Tân thứ 9 (1915 Tây lịch)…. Mùa thu, tháng 7… Thi công trong đại nội, đào đất sau cửa Tường Loan để sửa chữa ống nước chạm phải hầm bạc, phái viên (bọn Lang trung bộ Công Nguyễn Văn Hiền, Kiểm biện Nguyễn Thuận Phát, Bang biện Trần Đính) lập tức đem việc trình lên. Bề tôi Phủ Phụ chính cùng Khâm sứ đại thần Charles (11) cùng tới xem thấy dưới hầm gạch có hòm gỗ, hai đầu đều có đai sắt mục đứt, lộ ra bạc thỏi, biết là bạc trong đại nội, bèn bàn định phái ủy Tả Tôn khanh Ưng Huy, Tham tri bộ Hộ Hồng Khẳng, Tham biện Phủ Phụ chính Đặng Ngọc Oánh, Quản biện Thị vệ Nguyễn Văn Liên, Thị lang bộ Công Phạm Hữu Điển hội đồng với Hội biện Lại chính Sa Tiên (12), Hội biện Hộ chính Ô Mễ (13) kiểm soát đốc thúc biền binh đào lên. Đến khi đào lên xong kiểm điểm có 60 hòm gỗ, 10.000 hốt bạc, 1 đồng kim tiền (khắc chữ “Phú thọ đa nam”), 1 đồng tiền đồng đỏ (khắc chữ “Phú thọ đa nam”), 28 đồng tiền đồng và 1 tấm bia đá trong hầm (trong khắc 16 chữ “Giáp ngọ cát nhật, Thập vạn bạch câm (kim). Vĩnh cung quốc dụng, Thùy cảm hoặc xâm – Giáp ngọ ngày tốt, Mười vạn bạc ròng. Lưu làm quốc dụng, Ai dám riêng lòng”). Bèn dâng phiến tấu tâu lên để vua rõ, kế vâng lời sắc trước mặt nghĩ định chia cấp số bạc đào được. Kế Khâm sứ đại thần Charles hội thương nói từ khi quí quốc dùng binh đến nay từng đội ơn ban tiền trong đại nội và quan viên trích tiền bổng giúp đỡ, nghĩ đã rất hậu. Duy hiện nay có bán trái phiếu quân dụng (14), nếu giao 20.000 đồng trong khoản bạc này và nhà nước xuất ra 50.000 đồng, cộng 70.000 đồng mua phiếu quốc trái ấy thì ngày khác tiền gốc tiền lãi sẽ chiểu theo trả lại hết, đó cũng là một cách giúp đỡ binh phí. Còn nạn dân bị hạn lụt ở Bắc Kỳ, nghĩ nên cấp 10.000 đồng. Tới như các nhà thương, nhà thuốc, phòng thuốc (15) ở Trung Kỳ chi phí vẫn còn dư dật, việc cấp cho 10.000 đồng xin đình lại. Còn lại số bạc bao nhiêu cứ do Phủ Nội vụ vào sổ lưu trữ sẽ nghĩ tiếp. Về sau vâng sắc trích số bạc ba vết trong hầm tiến riêng lưu lại để làm kỷ niệm. Phủ Phụ chính bàn chiểu số bạc ba vết ấy hiện có 10.000 hốt, tính thành tiền là 150.000 đồng, trong đó trừ 70.000 đồng mua trái phiếu và cấp cho nạn dân bị lụt ở Bắc Kỳ 10.000 đồng (cộng 80.000 đồng) nay xin trích 1.000 hốt kính dâng, vẫn do Phủ Nội vụ chứa riêng để chờ cần chi khoản nào xin sắc cho bề tôi ở phủ tuân theo bàn bạc sẽ lại tâu lên, chuẩn sao ra cho thi hành.Sau đó đến ngày 29 tháng 8 các phái viên trong đại nội thi công sửa chữa miệng ống nước chỗ cửa Tường Loan đào gạch lát nền lại chạm vào một phiến đá, ngẫu nhiên nhặt được một đồng tiền đồng hạng lớn, nghĩ là hầm chôn bạc, cũng lập tức trình lên bề tôi Phủ Phụ chính trước mặt tâu lên đưa vua tới xem, lại bàn với Khâm sứ đại thần Charles tới xem, bàn nghĩ đào lên. Phụng được chuẩn y, bèn ủy cho hội đồng quí quan Nam quan lần trước phái sức binh đinh đào lên, lấy được 1 đồng kim tiền (khắc chữ “Minh Mạng thông bảo”, trở xuống cũng thế) 1 đồng tiền đồng đỏ, 28 đồng tiền đồng, 1 tấm bia đá (trong khắc 16 chữ “Minh Mạng Giáp ngọ, Tàng thập vạn ngân. Quốc nô phất quỹ, Vĩnh tích trần trần”- Minh Mạng Giáp ngọ, Cất bạc trăm ngàn. Của nước không thiếu, Chất chứa muôn vàn) và 70 cái hòm gỗ, hội đồng mở ra kiểm điểm lại được 10.000 hốt bạc thỏi, cũng giao cho Phủ Nội vụ nhận giữ, dâng phiếu tâu lên để vua rõ.Còn quá sớm để nói rằng triều đình Thành Thái là nạn nhân của một vụ lừa đảo ngân hàng - tài chính năm 1904, nhưng ít nhất ở đây cũng có một chi tiết rất đáng lưu ý. Năm 1899 họ gởi tiền cho Ngân hàng Thượng Hải, nhận biên nhận của Phó Giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Ma Di, được thỏa thuận nhận tiền lãi ở Ngân hàng Đà Nẵng, đều thuộc Ngân hàng Đông Dương (16). Theo nguyên tắc giao dịch của ngân hàng thì triều đình nhà Nguyễn gởi tiền cho Ngân hàng Đông Dương là một chuyện, còn Ngân hàng Đông Dương đem số tiền ấy cho ai vay là chuyện khác, không thể đưa người ấy tới gặp triều đình nhà Nguyễn mà nói rằng y vay của triều đình nhà Nguyễn như một cách cấn nợ để trút bỏ trách nhiệm của mình. Tiếc rằng hiện không có tư liệu để tìm hiểu xem về sau cái Công ty Long Hoa trên trời rơi xuống kia làm ăn thế nào, chia lãi với triều Nguyễn ra sao, cũng như cái số 1/5 của hơn 100.000 đồng Đông Dương được hứa trả lãi kia có được trả lãi trả vốn gì không hay đã bị một trò phù phép tài chính nào khác làm cho bốc hơi toàn bộ khiến triều đình nhà Nguyễn từ đời Thành Thái tới Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại về sau chỉ đành trơ mắt ra mà hít gió. Cũng khó mà nói trong vụ này triều đình Thành Thái đã tự nguyện góp vốn làm ăn với Công ty Long Hoa, vì tiền bạc của họ đã bị Khâm sứ Boulloche gởi vào Ngân hàng từ 1899, còn Khâm sứ Auvergne thì ra mặt làm trung gian cho đôi bên điều đình năm 1904, tiền đã nằm trong tay người ta thì kẻ chủ nợ lép vế toàn diện như triều đình Thành Thái cho dù biết rõ là bị lừa cũng chỉ đành ngậm bồ hòn làm ngọt cam tâm chịu mắc cái lừa ấy cho xong chuyện chứ làm gì được kẻ giữ tiền! Cũng không rõ số phận của khoản tiền 300.000 đồng Đông Dương còn lại ra sao, từ 1904 đến trước khi Ngân hàng Đông Dương tại Việt Nam giải thể năm 1953 đã có ai thay mặt triều đình nhà Nguyễn rút vốn lại chưa…Về hầm bạc thứ hai thì quá rõ ràng, tức gần một nửa đã bị Khâm sứ Charles gợi ý đem mua trái phiếu quân dụng giúp nước Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, có lẽ cùng số phận với rất nhiều triệu đồng Đông Dương khác bị huy động trong thời gian ấy, tức cũng một đi không trở lại. Tóm lại trong vụ cho mẫu quốc vay tiền này thì tương tự nhiều con dân Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung, triều đình Duy Tân đã làm một việc giống như đi mua nồi đất về đập cho vui...Tuy nhiên, số phận của hai hầm bạc nói trên dính líu tới lịch sử Việt Nam thời Pháp thuộc, còn quá nhiều tư liệu chưa được biết tới nên cũng khó mà khẳng định chuyện gì, nhưng việc chôn hai hầm bạc phát hiện được năm 1915 thì rõ ràng có liên hệ với lịch sử Việt Nam trước thời Pháp thuộc. Hai tấm bia trong hai hầm bạc ấy cho biết chúng được vua Minh Mạng cho chôn giấu vào năm Giáp ngọ 1834, hiển nhiên là để đề phòng biến cố nào đó. So sánh với niên biểu lịch sử Việt Nam thời gian này thì chỉ có một sự kiện làm Minh Mạng lo ngại là cuộc binh biến thành Phan Yên. Cho nên có thể nghĩ rằng sau khi cuộc binh biến thành Phan Yên nổ ra năm 1833, lúc triều Nguyễn đã mất quyền kiểm soát trên toàn bộ sáu tỉnh Nam Kỳ đồng thời quân Xiêm đang rục rịch kéo qua giúp Lê Văn Khôi, Minh Mạng đã cảm thấy cái ngai vàng của mình có thể lung lay nên đã dự phòng chôn bớt vàng bạc, tức có thể Thánh tổ Nhân hoàng đế đã nghĩ tới khả năng phải “Hạnh Thục”, rời bỏ kinh thành để tổ chức kháng chiến chống lại liên quân Lê Văn Khôi – Xiêm La.***Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ nhị kỷ không hề nói tới việc Minh Mạng cho chôn bạc vì đó là một bí mật quốc gia trọng đại, điều này cũng dễ hiểu. Nhưng việc Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên ghi nhận việc đào được các hầm bạc nói trên lại mang một ý nghĩa khác – nó gián tiếp tố cáo chính quyền thuộc địa Pháp ở Việt Nam đã gần như công nhiên tước đoạt số tài sản ấy của triều đình nhà Nguyễn mà thật ra cũng là của đất nước Việt Nam. Triều Nguyễn đã không bảo vệ được nền độc lập của quốc gia và quyền lực chính trị – quyền lợi kinh tế của mình thì việc họ bất lực trong việc giữ gìn một ít tài sản càng là chuyện không đáng nói tới. Nhưng các tác giả Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên vẫn ghi nhận sự bất lực ấy, chắc chắn không phải nhằm lưu lại những đầu mối tư liệu để người sau tìm tới Ngân hàng Đông Dương hay chính phủ Pháp đòi lại tiền bạc, mà có lẽ chủ yếu để người sau thấy rõ triều đình nhà Nguyễn trong đó có họ đã phải uất ức tủi nhục thế nào về những sự kiện ấy. Điều này quả cũng gợi mở cho những người đọc sách một phương hướng để nhìn nhận về lập trường dân tộc của các tác giả Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên.
(1) Nguyên bản viết là “Ma Hy”, tức Georges Marie Joseph Mahé. Nhân vật này giữ chức Khâm sứ Trung Kỳ (Résident supérieur de l’Annam) từ 1912 đến 1913.(2) Nguyên bản viết câu này bằng chữ Nôm, có khác câu “Phế vua không Khả, đào mả không Bài” mà nhiều tư liệu trước nay vẫn viết. Chúng tôi cho rằng chữ “bới” ở đây chính xác hơn chữ “đào”, vì trong tâm thức ngôn ngữ của người Việt, “đào mả” có khi được hiểu là đào mộ để hủy diệt hài cốt. (3) Nguyên bản viết là “Bô Lô Sơ” (có khi viết là “Lô Sơ” nhưng cũng là một người), tức Léon Jules Pol Boulloche. Nhân vật này từng giữ chức Công sứ (Résident) Thanh Hóa từ 1891 đến 1893, Thống sứ Bắc Kỳ (Résident général du Tonkin) từ tháng 3. 1896 đến 1897, nhiều lần giữ chức Khâm sứ Trung Kỳ, được triều đình Thành Thái phong tặng là Tá quốc quận vương.(4) (5) Nguyên bản viết là “Sô Lê”, “Đô Ty”, chúng tôi chưa tìm hiểu được nguyên danh tiếng Pháp.(6) Bạc thỏi ba vết: nguyên văn là “Tam tích ngân điều”, là loại bạc “trung bình” của nhà Nguyễn trên đó thường có ba cụm chữ triện đóng riêng rời. Hiện giới sưu tập còn giữ được một số thỏi bạc đúc dưới đời Minh Mạng, trong có một loại có ba cụm chữ Minh Mạng, Quý tỵ, Nội nô đúc năm Quý tỵ 1833.(7) Nguyên bản viết là “Ma Di”, chúng tôi chưa tìm hiểu được nguyên danh tiếng Pháp.(8) Nguyên bản viết là “Ô Ve Giơ” (phía sau có chỗ viết là “Ô Ve” nhưng cũng là một người), tức Jean Calixte Alexis Auvergne. Nhân vật này giữ chức Quyền Khâm sứ Trung Kỳ từ 1897 đến tháng 3. 1898, sau đó giữ chức Khâm sứ Trung Kỳ từ 9. 5. 1901 đến 1904.(9) Nguyên bản viết là “Phi Da”, chúng tôi chưa tìm hiểu được nguyên danh tiếng Pháp.(10) Nguyên bản viết là “Ca Di”, chúng tôi chưa tìm hiểu được nguyên danh tiếng Pháp.(11) Nguyên bản viết là “Sa Lý”, tức Jean François Eugène Charles. Nhân vật này giữ chức Khâm sứ Trung Kỳ từ 1913 đến 1920.(12) Nguyên bản viết là “Sa Tiên”, chúng tôi chưa tìm hiểu được nguyên danh tiếng Pháp.(13) Nguyên bản viết là “Ô Vĩnh”, nhưng có chỗ viết là “Ô Mễ”, đây tạm đính như trên cho nhất quán. Chúng tôi chưa tìm hiểu được nguyên danh tiếng Pháp của nhân vật này.(14) Nguyên bản chép là “Phóng trái binh phí chỉ”.(15) Nguyên bản chép là “Thương gia, dược nhĩ gia ốc”.(16) Theo Marc Meuleau, Des pionniers en Extrême-Orient: Histoire de la Banque de l'Indochine (1875 - 1975), Fayard, Paris, 1990 thì Chi nhánh Sài Gòn của Ngân hàng Đông Dương khai trương ngày 19. 4. 1875, Chi nhánh Đà Nẵng được thành lập ngày 24. 8. 1991, còn Chi nhánh Thượng Hải đi vào hoạt động ngày 5. 7. 1898.