Ba (03) điều khoản vi phạm tính mới, tính rủi ro và tính phi lợi nhuận của hoạt động khoa học trong Luật Khoa học và Công nghệ (2013)?
kiến thức chung
• Vi phạm tính mới:
Nội dung điều 10: Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập.
Nội dung bao quát của điều 10 đã vi phạm tính mới của khoa học. Thứ nhất, như ta đã biết nghiên cứu khoa học luôn đòi hỏi tính mới, tính sáng tạo, tìm ra những điều chưa biết trong cuộc sống. Trong khi đó, quy hoạch là việc định hướng các hoạt động, sự vật hiện tượng phát triển theo một kế hoạch đã định trước nhằm đạt được mục tiêu đề ra trước đó.
Nội dung điều 10 đã đặt ra một thiết chế ngầm định rằng: hoạt động khoa học phải được xây dựng, lập ra kế hoạch trong tương lai, đi theo định hướng có sẵn và đạt được mục tiêu theo kế hoạch đã đề ra.
Như vậy, nội dung điều 10 đã mâu thuẫn với một trong những đặc điểm của nghiên cứu khoa học đó là tính mới.
Khoản 1, điều 10 yêu cầu các cơ quan nhà nước phải xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Điều này đi ngược lại với quan điểm khoa học phải có tính sáng tạo, khoản này yêu cầu việc xây dựng quy hoạch khoa học sau đó trình Thủ tướng Chính phủ.
Khoản 2, điều 10 đặt ra các nguyên tắc trong việc xây dựng quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập phải thực hiện, đó là:
a) Xây dựng quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ thống nhất, đồng bộ và phân bố hợp lý, phù hợp với yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh
Yêu cầu này là phi thực tế, rất khó để thực hiện thống nhất, đồng bộ và phân bố phù hợp mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ, vì xã hội luôn biến đổi từng ngày và ở mỗi lĩnh vực xã hội lại có những đặc điểm khác nhau, không thể thực hiện đồng bộ và càng khó để biết thực hiện thế nào cho phù hợp với sự phát triển không ngừng của xã hội. Tại mỗi thời điểm, các lĩnh vực lại đòi hỏi nhu cầu phát triển ưu tiên khác nhau, khoa học luôn luôn biến đổi liên tục, thậm chí nghiên cứu khoa học có thể “lỗi thời” ngay khi vừa mới được đưa ra.
Ví dụ: Trong thời kì chiến tranh cần ưu tiên, tập trung phát triển lĩnh vực khoa học quân sự, khi hòa bình lập lại, đất nước đi vào quá trình khôi phục thì lại cần ưu tiên phát triển các lĩnh vực phục vụ đời sống xã hội hơn, tuy nhiên nhiệm vụ nghiên cứu lĩnh vực khoa học quân sự vẫn phải được tiến hành song song.
Điểm c, d khoản 2 yêu cầu phải bảo đảm thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước. Điều này cũng rất khó thực hiện do tính mới của nghiên cứu khoa học, có thể tại thời điểm này nghiên cứu đó không có tác dụng trong hiện tại nhưng tại thời điểm trong tương lai nghiên cứu đó lại mang lại giá trị thiết thực, như vậy trong thời điểm hiện tại đầu tư cho nghiên cứu đó là một sự lãng phí nhưng trong tương lai lại là sự đầu tư đem lại hiệu quả tốt.
• Vi phạm tính rủi ro:
Nội dung điều 52: Áp dụng khoán chi đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ
Theo như thông tư quy định làm rõ điều này, thông tư số: 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. Quy định tại khoản 1 điều 3 của thông tư là: Khoán chi thực hiện nhiệm vụ là giao quyền tự chủ tài chính cho tổ chức chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ trong việc sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước đã được cơ quan có thẩm quyền giao khoán, gắn với trách nhiệm về các kết quả của nhiệm vụ được giao đúng mục tiêu, yêu cầu; đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch.
Một trong những đặc điểm của nghiên cứu khoa học đó là tính rủi ro của quá trình nghiên cứu, tuy nhiên thông tư này lại yêu cầu khoán chi phải được giao đúng mục tiêu, yêu cầu. Một nghiên cứu không thể chắc chắn khả năng thành công cao, nghiên cứu có thể thành công hoặc thất bại, khó có thể đi theo một lộ trình đã xây dựng trước.
Khoản 2, điều 6, thông tư 27 quy định: Nhiệm vụ thực hiện theo phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng: không được điều chỉnh phương thức khoán khi nhiệm vụ đã và đang thực hiện; không được điều chỉnh tổng mức kinh phí được giao khoán; không được điều chỉnh tên, mục tiêu và sản phẩm cuối cùng của nhiệm vụ; việc điều chỉnh về tổ chức chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ, nội dung nghiên cứu, tiến độ và thời gian thực hiện nhiệm vụ được thực hiện theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ đối với nhiệm vụ cấp quốc gia và của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với nhiệm vụ cấp Bộ, cấp tỉnh và cấp cơ sở.
Quy định trên gây khó khăn cho các nhà nghiên cứu, vì khó có nhà nghiên cứu khoa học nào có thể đảm bảo chắc chắn kết quả cuối cùng sẽ theo như dự kiến. Nhiều nhà khoa học sẽ không dám nhận phương thức khoán chi tới sản phẩm cuối cùng vì nhà nước yêu cầu kiểm soát đầu ra, phải có sản phẩm như đã thuyết minh, nếu không có sản phẩm cuối cùng như đã được kí kết thì đề tài không được nghiệm thu. Khi đã nhận thực hiện theo phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, đề tài nghiên cứu sẽ không được điều chỉnh phương thức khoán trong quá trình triển khai thực hiện; không được điều chỉnh tổng mức kinh phí được giao khoán, không được điều chỉnh tên, mục tiêu và sản phẩm cuối cùng của nhiệm vụ nghiên cứu.
Như vậy, theo hình thức khoán chi, yêu cầu rất chặt chẽ về các khoản chi phải đúng mục tiêu và đạt hiệu quả, đảm bảo kết quả nghiên cứu cuối cùng, điều này đã mâu thuẫn với đặc điểm về tính rủi ro của quá trình nghiên cứu khoa học.
• Vi phạm tính phi kinh tế:
Theo giáo sư Vũ Cao Đàm, tính phi kinh tế của nghiên cứu khoa học thể hiện ở một số điểm sau: “lao động nghiên cứu khoa học rất khó định mức một cách chính xác như trong lĩnh vực sản xuất vật chất. Những thiết bị chuyên dụng cho nghiên cứu khoa học hầu như không thể khấu hao”
Điều 53 luật KH&CN (2013) về việc Cấp, sử dụng, quản lý kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, đã vi phạm tính phi kinh tế của hoạt động nghiên cứu khoa học.
Trong việc quản lý kinh phí cấp để thực hiện nhiệm vụ khoa học, Luật Khoa học và Công nghệ 2013 đã có những ưu điểm nhất định trong việc kiểm soát nguồn kinh phí chặt chẽ, không để thất thoát, mọi khoản chi cho việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học được nhà nước cấp kinh phí đều minh bạch và rõ ràng. Tuy nhiên, trách nhiệm của cá nhân trong việc thực hiện đề tài nghiên cứu do nhà nước cấp kinh phí được đề cao, cá nhân được yêu cầu phải có sản phẩm nghiên cứu sau khi nghiệm thu đạt mức đạt trở lên mới được cấp kinh phí 100%.
Nghị định 95/2014/ NĐ-CP Quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ, nghị định này đã nêu một số điểm hướng dẫn thi hành và quy định chi tiết đối với Điều 53 Luật KH&CN (2013), trong đó tại điểm b khoản 3 điều 15 về trách nhiệm tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ quy định:
”Nộp hoàn trả ngân sách nhà nước toàn bộ kinh phí của nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được cấp nhưng chưa sử dụng.
Trường hợp do nguyên nhân khách quan thì không phải hoàn trả kinh phí ngân sách nhà nước đã sử dụng.
Trường hợp do nguyên nhân chủ quan thì tổng mức hoàn trả tối thiểu 40% kinh phí ngân sách nhà nước đã sử dụng.”
Như vậy, nếu không bàn giao sản phẩm cuối như cam kết thì nhà khoa học phải hoàn trả tiền ngân sách nhà nước tối thiếu là 40% tổng kinh phí đề tài. Thậm chí nếu do lỗi chủ quan họ phải trả 100% kinh phí đề tài.
Như đã nói ở trên, hoạt động nghiên cứu khoa học rất khó định mức, kết quả nghiên cứu của nhà khoa học trong thời điểm hiện tại không mang lại lợi ích kinh tế hoặc lợi ích về mặt văn hóa xã hội nhưng không thể chắc chắn rằng trong tương lai nghiên cứu đó không mang lại giá trị, ngay cả khi tại thời điểm đề tài nghiên cứu đó là sai, không mang lại giá trị thì nghiên cứu đó cũng là một kinh nghiệm để cho các nhà nghiên cứu đi sau không đi theo hướng nghiên cứu đó nữa. Do đó, việc yêu cầu đề tài được cấp kinh phí nhà nước phải đáp ứng đúng yêu cầu và tiêu chí đặt hàng mới được cấp kinh phí nếu không sẽ phải hoàn trả từ 40 tới 100 % chi phí sẽ là một trở ngại cho các nhà nghiên cứu có quyết tâm hơn trong việc thực hiện đề tài nghiên cứu của mình. Điều này đòi hỏi họ phải có những nghiên cứu với quy mô nhỏ từ kinh phí cá nhân thành công trước đó sau đó mới xin cấp tài trợ để thực hiện đề tài với kinh phí do nhà nước cấp. Đây có thể là một hạn chế gây khó khăn cho các nhà khoa học khi thực hiện đề tài.
2. Điều khoản chứng tỏ Luật KH&CN (2013) đang thuộc Triết lý 3 về quan hệ của Nhà nước đối với hoạt động KH&CN
Nội dung triết lý 3: Nhà nước độc tôn chỉ huy, tổ chức hoạt động Khoa học và Công nghệ.
Các dấu hiệu nhận biết nhà nước đang thực hiện theo triết lý 3 về quan hệ của Nhà nước đối với hoạt động Khoa học và Công nghệ:
• Nhà nước lập ngân sách và phân bổ ngân sách cho Khoa học và Công nghệ.
• Nhà nước thành lập các đơn vị Khoa học và Công nghệ của nhà nước.
• Nhà nước thu nhận kết quả, thành tựu khoa học.
• Nhà nước lập kế hoạch áp dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào mục đích đổi mới.
Điều 37 về Đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ là một trong số các điều khoản mang dấu hiệu chứng tỏ Luật Khoa học và Công nghệ (2013) đã đi theo triết lý 03.
Khoản 1. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, khi kết thúc phải được đánh giá nghiệm thu khách quan, chính xác thông qua Hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành. Người giao nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo thẩm quyền quyết định nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Trong trường hợp cần thiết, người giao nhiệm vụ khoa học và công nghệ có quyền lấy thêm ý kiến tư vấn của tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập trước khi quyết định nghiệm thu.
Dấu hiệu: Nhà nước cấp kinh phí và nghiệm thu kết quả nghiên cứu khoa học.
2. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước do tổ chức, cá nhân tự tổ chức đánh giá, nghiệm thu. Trường hợp tổ chức, cá nhân không có khả năng tự tổ chức đánh giá, nghiệm thu thì có quyền đề nghị cơ quan quản nước về khoa học và công nghệ địa phương xem xét đánh giá, nghiệm thu.
3. Kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước có ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, môi trường, tính mạng, sức khoẻ con người phải được cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ có thẩm quyền thẩm định.
4. Hằng năm, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố công khai danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước đã được nghiệm thu.
5. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định tiêu chí, thủ tục đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Tất cả các khoản trên đều cho thấy, chính sách pháp luật về khoa học và công nghệ đã đi theo triết lý 3, đó là việc nhà nước cấp ngân sách, tổ chức đánh giá nghiệm thu kết quả nghiên cứu. Sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào mục đích đổi mới.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Điều 10, 37, 52, 53 Luật Khoa học và công nghệ (2013)
2. Nghị định 95/2014/ NĐ-CP Quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ.
3. Thông tư 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC, Quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
4. Vũ Cao Đàm (2011), Một số vấn đề quản lý khoa học và công nghệ ở nước ta, NXB Khoa học và kỹ thuật, p30.
Nội dung liên quan
Bích Bình Di