Apply du học Đại học, Thạc sĩ và Tiến sĩ có gì giống và khác nhau? Phần 1
Trước đây khi còn làm mentor tình nguyện cho các bạn làm hồ sơ du học, tôi nhận ra nhiều bạn không để ý sự khác biệt của từng bậc học, dẫn đến việc góp nhặt thông tin và áp dụng các “chiến thuật” xin học bổng vào hồ sơ của mình chưa đạt hiệu quả. Ví dụ, rất nhiều bạn đọc trên báo thấy “bí kíp” xin học bổng Đại học thành công và mặc nhiên áp dụng nó vào hồ sơ học bổng cao học của mình mà không có sự cân nhắc, chọn lựa cẩn thận, không biết tại sao bí kíp kia thành công với người khác mà sang đến mình lại thất bại.
Tuy nhiên, cũng rất khó để mọi người biết được sự khác biệt trong quá trình apply giữa các cấp học này nếu như chưa từng có kinh nghiệm làm hồ sơ và chưa có cơ hội ngồi hội đồng tuyển sinh để biết được chính xác người đọc hồ sơ tìm kiếm điều gì ở mỗi ứng viên.
Vì vậy, trong chủ đề này, tôi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức mình có được từ quá trình trực tiếp nộp học, hướng dẫn làm hồ sơ để chỉ cho các bạn thấy sự giống và khác nhau trong quá trình apply Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ và làm sao để có thể xây dựng bộ hồ sơ cạnh tranh cho từng bậc học này.
PHẦN 1: ĐIỂM GIỐNG NHAU
Dù bạn nộp học ở bậc nào đi chăng nữa, bạn cũng cần phải chú trọng đến những bước sau:
Thứ nhất, chủ động tìm kiếm thông tin
Đây là khâu tiên quyết trong quá trình làm hồ sơ. Bạn cần phải chủ động thu thập thông tin từng học bổng, từng tổ chức, từng trường, từng khoa/chương trình bạn muốn nộp học: yêu cầu tuyển sinh là gì? hạn nộp ngày nào? có yêu cầu gì đặc biệt cho sinh viên quốc tế không? học phí bao nhiêu?… Cố gắng bắt đầu từ sớm (ít nhất 6 tháng trước mùa tuyển sinh), sắp xếp thông tin khoa học (ví dụ, trên Excel hay Google Sheets), và lên kế hoạch phù hợp theo thông tin mình có.
Thứ hai, thi các kỳ thi chuẩn hóa
Rất nhiều học bổng và chương trình học yêu cầu sinh viên quốc tế thi các kỳ thi chuẩn hóa như TOEFL, IELTS, SAT, GRE, GMAT… Bạn cần tìm hiểu mình cần chứng chỉ bài thi nào cho cấp học/chương trình học mình nhắm tới, ôn thi và thi trước khi nộp hồ sơ.
Thứ ba, đầu tư vào bài luận
Bài luận có vai trò rất quan trọng trong bộ hồ sơ vì nó là cơ hội bạn thể hiện bản thân, nói lên bạn là ai, tại sao bạn chọn nộp vào trường/chương trình này, tại sao bạn xứng đáng để được hội đồng tuyển sinh cân nhắc cho học bổng… Bài luận phải đủ yêu cầu không sai ngữ pháp, chính tả, hành văn sáng rõ, thuyết phục, gây ấn tượng ngay từ ban đầu.
Thứ tư, chủ động liên hệ với chương trình/giáo sư
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào trong quá trình nộp hồ sơ, bạn cần chủ động liên hệ (email, gọi điện, gặp trực tiếp) với cán bộ nhà trường/chương trình học bổng để làm rõ; nếu bạn muốn cộng tác với giáo sư (đặc biệt ở bậc Tiến sĩ), bạn cần liên lạc với giáo sư càng sớm càng tốt. Rất nhiều bạn ngại không muốn liên hệ và cứ hỏi quanh hết người này đến người kia không liên quan, vừa tốn thời gian lại vừa nhận thông tin không chính xác. Đừng ngại! Hãy chủ động liên hệ!
Như vậy về cơ bản, những bước đầu chuẩn bị để apply du học Đại học, Thạc sĩ và Tiến sĩ đều giống nhau. Nếu có ý định hay kế hoạch theo con đường du học, bạn hãy lưu ý những điều trên nhé.
Còn sự khác nhau thể hiện như thế nào? Mời các bạn chờ đến phần tiếp theo!
kỹ năng mềm
Chia sẻ thiết thực quá, mình nghĩ rất nhiều bạn cần
Phạm Tùng Anh
Chia sẻ thiết thực quá, mình nghĩ rất nhiều bạn cần