APEC – sự hình thành và phát triển?
kiến thức chung
Thành lập tháng 11/1989, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) là một diễn đàn kinh tế mở, nhằm xúc tiến các biện pháp kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nến kinh tế thành viên trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện trong khi thực sự mở cửa đối với tất cả các nước và khu vực khác. Hiện nay, APEC có 21 thành viên chiếm khoảng 52% diện tích lãnh thổ, 59% dân số, 70% nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thế giới và đóng góp khoảng 57% GDP toàn cầu và hơn 50 % thương mại thế giới.
1. Bối cảnh ra đời
- Kinh tế toàn cầu: Sự gia tăng của quá trình toàn cầu hoá trên tất cả các lĩnh vực khiến các quốc gia trên thế giới ngày càng tăng tính phụ thuộc vào nhau. Trong khi đó, vòng đàm phán Uruguay trong khuôn khổ GATT có nguy cơ không đạt được kết quả như mong đợi, đã thúc đẩy thêm quá trình khu vực hoá với sự hình thành các khối mậu dịch khu vực lớn trên thế giới như EU, NAFTA, AFTA...
- Kinh tế khu vực: Khu vực châu Á, đặc biệt là Đông Á là những nền kinh tế năng động trên thế giới vào những năm 1980 có tốc độ tăng trưởng trung bình là 9-10%/năm. Mặc dù vậy, chưa có hình thức hợp tác kinh tế thương mại có hiệu quả trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương để thúc đẩy sự phát triển kinh tế.
- Chính trị: Sự điều chỉnh chiến lược của các quốc gia lớn vào cuối những năm 80 khi chiến tranh lạnh chấm dứt, đặc biệt là sự hội tụ về lợi ích kinh tế cũng như chính trị giữa những nước lớn dẫn tới việc hình thành một cơ cấu kinh tế thương mại trong khu vực.
- Các nước đang phát triển: (ASEAN) cũng muốn tăng cường tiếng nói trong khu vực để thúc đẩy phát triển kinh tế, nhưng không muốn làm lu mờ những cơ chế hợp tác chính trị sẵn có.
2. Quá trình hình thành và phát triển
- Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) được 12 thành viên thuộc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sáng lập tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế tổ chức ở Can-bê-ra tháng 11/1989 theo sáng kiến của Ôt-xtrây-lia. Các thành viên sáng lập là Mỹ, Nhật, Ôt-xtrây-lia, Niu Di-lân, Ca-na-đa, Hàn Quốc, Thái Lan, Phi-lip-pin, Xinh-ga-po, Bru-nây, In-đô-nê-xia và Ma-lai-xia. Tháng 11/1991 kết nạp thêm Trung Quốc, lãnh thổ Hồng Công và Đài Loan; tháng 11/1993 thêm Pa-pua Niu Ghi-nê, Mê-hi-cô; tháng 11/1994 thêm Chi-lê và tạm ngừng thời hạn xét kết nạp thành viên trong 3 năm; đến tháng 11/1998 kết nạp thêm Việt Nam, Nga và Pê-ru, đồng thời APEC quyết định tạm ngừng thời hạn xem xét kết nạp thành viên mới thêm 10 năm nữa để củng cố tổ chức. Đến nay có thêm 9 nền kinh tế đã xin gia nhập APEC là: Ấn Độ, Pa-kit-xtan, Ma Cao, Mông Cổ, Pa-na-ma, Cô-lôm-bi-a, Xri-lan-ca, Ê-cua-đo, Cốt-xta-ri-ca. Trong số ba thành viên ASEAN chưa phải là thành viên của APEC, Cam-pu-chia và Lào đã thông qua Việt Nam bày tỏ mong muốn gia nhập APEC. Năm 2007 khi thời hạn ngừng kết nạp thành viên mới hết hiệu lực, APEC sẽ thảo luận vấn đề kết nạp thành viên mới.
- Như vậy, cho đến thời điểm này, APEC có 21 thành viên, chiếm khoảng 52% diện tích lãnh thổ, 59% dân số, 70% nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thế giới và đóng góp khoảng 57% GDP toàn cầu và hơn 50% thương mại thế giới.
- Nội dung hoạt động xoay quanh 3 trụ cột chính là tự do hoá thương mại và đầu tư, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, và hợp tác kinh tế kỹ thuật với các chương trình hành động tập thể (CAP) và chương trình hành động quốc gia (IAP) của từng thành viên.
Nói cách khác, mục tiêu của APEC không phải là để xây dựng một khối thương mại, một liên minh quan thuế hay một khu vực mậu dịch tự do như kiểu EU, NAFTA hay AFTA, mà là một diễn đàn kinh tế mở, nhằm xúc tiến các biện pháp kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nến kinh tế thành viên trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện trong khi thực sự mở cửa đối với tất cả các nước và khu vực khác.
3. Mục tiêu
- Tuyên bố Seoul 1991 đề ra 4 mục tiêu phát triển trong APEC gồm:
Duy trì tăng trưởng và phát triển, vì lợi ích chung của nhân dân các nền kinh tế trong khu vực, góp phần vào tăng trưởng và phát triển chung của kinh tế thế giới.
Phát huy những tác động tích cực của sự phụ thuộc kinh tế ngày càng tăng đối với kinh tế khu vực và thế giới, bằng cách đẩy mạnh sự giao lưu hàng hoá, dịch vụ, vốn và công nghệ.
Xây dựng và tăng cường hệ thống thương mại đa biên, vì lợi ích của Châu Á -Thái Bình Dương và các nền kinh tế khác.
Giảm dần những rào cản đối với thương mại hàng hoá và dịch vụ giữa các nền kinh tế thành viên phù hợp với các nguyên tắc của WTO, và không có hại đối với các nền kinh tế khác.
- Tuyên bố Bogor 1994 xác định mục tiêu của APEC là: thực hiện tự do hoá thương mại và đầu tư tại Châu Á- Thái Bình Dương đối với các nền kinh tế phát triển vào năm 2010 và đối với các nền kinh tế đang phát triển là 2020.
4. Nguyên tắc hoạt động
- Cùng có lợi. Do tính đa dạng của các nền kinh tế trong APEC về chính trị, văn hoá, kinh tế nên quá trình hợp tác phải bảo đảm được tất cả các nền kinh tế APEC, bất kể sự chênh lệch mức độ phát triển, đều có lợi.
- Nguyên tắc đồng thuận (consensus). Tất cả các cam kết của APEC phải dựa trên sự nhất trí của các thành viên. Đây là nguyên tắc đã được các thành viên ASEAN áp dụng và thu được nhiều kết quả.
- Nguyên tắc tự nguyện. Tất cả các cam kết của các thành viên APEC đều dựa trên cơ sở tự nguyện (Ví dụ như IAP). Cùng với nguyên tắc đồng thuận, đây là nguyên tắc khiến cho APEC trở nên khác với GATT/WTO. Tất cả chương trình tự do hoá và thuận lợi hoá thương mại của APEC không diễn ra trên bàn đàm phán mà do các nước tự nguyện đưa ra.
- Phù hợp với nguyên tắc của WTO/GATT. APEC cam kết thực hiện chế độ thương mại đa phương của WTO và không phải là một liên minh thuế quan, một Khu vực Tự do thương mại như NAFTA, AFTA.
5. Triển vọng hợp tác APEC
Là Diễn đàn phát triển năng động nhất trên thế giới, APEC ngày càng tỏ rõ sức sống mạnh mẽ sau 19 năm tồn tại và phát triển, góp phần thúc đẩy mở cửa và hợp tác về kinh tế – thương mại giữa các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương và hình thành cơ chế buôn bán mở toàn cầu.
APEC sẽ tiếp tục thúc đẩy ba trụ cột hợp tác, đi theo lộ trình đã đặt ra nhằm thực hiện mục tiêu Bô-go, với ưu tiên hàng đầu là ủng hộ hệ thống thương mại đa biên, xây dựng môi trường kinh doanh an toàn, minh bạch và thuận lợi cho doanh nghiệp.
Về tự do hoá thương mại và đầu tư, một trong những chủ đề của APEC 2001 là “tăng cường tự do hoá thương mại và đầu tư” bên cạnh việc phổ biến lợi ích của toàn cầu hoá và nền kinh tế mới. APEC sẽ chuyển sang đặt trọng tâm vào việc cải thiện IAP như là công cụ chính đề tiến hành tự do hoá bằng cách xây dựng IAP điện tử (e-IAP). Các thành viên sẽ lần lượt tự nguyện tiến hành tham vấn rà soát (Peer Review).
Năm 2005 APEC đã hoàn thành tiến hành rà soát giữa kỳ quá trình thực hiện mục tiêu Bô-go của các thành viên, từ đó đề ra Lộ trình Bu-san, trong đó đưa ra những biện pháp cần thiết nhằm cố gắng mục tiêu Bô-go được thực hiện đúng thời hạn.
Kế hoạch hành động Hà Nội được thông qua trong năm 2006 sẽ là cơ sở cho các hoạt động hợp tác kinh tế thương mại của APEC trong 15 năm tới và góp phần tăng cường và hoàn thiện các cơ chế hợp tác của APEC. Các nền kinh tế APEC cũng thảo luận các mục tiêu của APEC sau khi hoàn thành mục tiêu Bô-gô.
Tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư đang và sẽ trở thành một ưu tiên chính trong APEC.
Với những khó khăn đặt ra trong quá trình thực hiện tự do hoá, APEC sẽ tập trung nhiều hơn vào trụ cột thuận lợi hoá, coi đây là một biện pháp quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu Bô-go. Tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC được tổ chức tháng 6/2002 tại Thượng Hải, các Bộ trưởng đã thông qua “Bộ Nguyên tắc về Thuận lợi hoá Thương mại của APEC” và chỉ thị cho SOM triển khai các chương trình xây dựng năng lực nhằm giúp các thành viên thực hiện các nguyên tắc này trên cơ sở tự nguyện. Sau khi tổng kết mục tiêu giảm 5% chi phí giao dịch thương mại giai đoạn 2001-2006, APEC sẽ bắt đầu thực hiện mục tiêu giảm tiếp 5% chi phí giao dịch giai đoạn 2006-2010.
APEC đồng thời sẽ tiếp tục xây dựng các điều khoản mẫu tham chiếu cho việc xây dựng các thỏa thuận tự do hóa thương mại khu vực và song phương để thúc đẩy tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại.
Trong bối cảnh thời hạn thực hiện mục tiêu Bô-gô đang đến gần, khu vực mậu dịch tự do Châu Á-Thái Bình Dương như là một cơ chế hiện thực hóa Bô-gô là một viễn cảnh đang được APEC bàn đến. Bên cạnh đó, vấn đề hợp tác kinh tế kỹ thuật (ECOTECH), trong đó nhấn mạnh đến công tác xây dựng năng lực, thu hẹp khoảng cách, phát triển nguồn nhân lực đã và đang trở thành một vấn đề được đề cập nhiều trong APEC.
Trong bối cảnh toàn cầu hoá và Kinh tế mới cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin như hiện nay, các Nhà Lãnh đạo APEC nhận thức rõ sự cần thiết phải tập trung nhiều hơn vào các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật nhằm giảm khoảng cách về phát triển trong APEC, giúp các thành viên đang phát triển theo kịp xu thế phát triển của kỷ nguyên công nghệ thông tin. Thông qua các Hội nghị cấp Bộ trưởng về vấn đề Phát triển nguồn nhân lực, nhiều dự án được thực hiện hướng vào mục tiêu thu hẹp khoảng cách về kỹ thuật số, giúp các thành viên đang phát triển thực hiện các Hiệp định của WTO. Trong những năm tới, bên cạnh việc chú trọng vào chương trình thuận lợi hoá thương mại và đầu tư, chương trình hợp tác kinh tế kỹ thuật cũng sẽ được đẩy mạnh hơn trong các hoạt động của APEC.
Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi sâu sắc, chủ nghĩa khủng bố và sự gia tăng của các mối đe dọa phi truyền thống đang đặt ra những thách thức mới cho môi trường kinh doanh, đầu tư trong khu vực, APEC ngày càng quan tâm đến các vấn đề an ninh, chính trị, đẩy mạnh hợp tác về an ninh con người, chống tham nhũng, minh bạch hoá, an ninh con người. Tuy nhiên, hầu hết các thành viên APEC vẫn cho rằng cần phải duy trì bản chất hợp tác kinh tế cũng như những nguyên tắc cơ bản của diễn đàn này. Với sự ra đời của Hội nghị Cấp cao Đông Á, các thành viên phát triển như Mỹ, Úc, Nhật càng quan tâm tới APEC, nâng cao cam kết với Diễn đàn này để làm đối trọng với Hội nghị Cấp cao Đông Á.
APEC cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến trình cải cách APEC theo hướng hiệu quả, năng động hơn và tăng cường tính liến kết nhằm giúp APEC vượt qua thách thức, nắm bắt các cơ hội trong môi trường thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng. Ban Thư ký APEC sẽ được củng cố theo hướng chuyên nghiệp hơn, với Giám đốc Điều hành theo nhiệm kỳ cố định, dự kiến bắt đầu từ năm 2009. Cải cách APEC sẽ là một quá trình lâu dài và phức tạp do một số thành viên phát triển muốn đẩy mạnh cải cách APEC theo hướng thể chế hóa trong khi những các thành viên đang phát triển khác vẫn mong muôn duy trì cơ chế hợp tác Diễn đàn của APEC.
Hợp tác APEC năm 2009
Với chủ đề “Duy trì tăng trưởng, kết nối khu vực”, APEC tập trung vào 3 nội dung chính: Hợp tác giải quyết khủng hoảng kinh tế, tài chính và chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi; Thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương; và Ủng hộ vòng đàm phán Đô-ha và chống lại chủ nghĩa bảo hộ. Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC (21-22/7/2009) tập trung thảo luận các biện pháp triển khai ba ưu tiên trên để chuẩn bị cho HNCC vào tháng 11/2009. Ngoài ra, trong sáu tháng đầu năm 2009, APEC đã hoàn thành việc tuyển chọn Giám đốc điều hành BTK APEC chuyên trách nhiệm kỳ 2010 - 2013. Đây là bước cải cách quan trọng, lần đầu tiên được thực hiện trong APEC, thể hiện quyết tâm thúc đẩy cải cách của các thành viên.
6. Các nền kinh tế thành viên APEC và ngày gia nhập
Australia, 6-7 tháng 11/1989
Brunei Darussalam, 6-7 tháng 11/1989
Canada, 6-7 tháng 11/1989
Chile, 6-7 tháng 11/1989
People's Republic of China, 12-14 tháng 11/1991
Hong Kong, China, 12-14 tháng 11/1991
Indonesia, 6-7 tháng 11/1989
Japan, 6-7 tháng 11/1989
Republic of Korea, 6-7 tháng 11/1989
Malaysia, 6-7 tháng 11/1989
Mexico, 17-19 tháng 11/1993
New Zealand, 6-7 tháng 11/1989
Papua New Guinea, 17-19 tháng 11/1993
Peru, 14-15 tháng 11/1998
The Philippines, 6-7 tháng 11/1989
Russia, 14-15 tháng 11/1998
Singapore, 6-7 tháng 11/1989
Chinese Taipei, 12-14 tháng 11/1991
Thailand, 6-7 tháng 11/1989
The United States, 6-7 tháng 11/1989
Viet Nam, 14-15 tháng 11/1998
Nội dung liên quan
Nội dung sắp xếp theo thời gian
Lam Anh