Áp lực thanh xuân

  1. Kinh doanh và Khởi nghiệp

Tôi nhớ cảm giác bàng hoàng của mình và sự xôn xao trong dư luận khi lần đầu tiên nghe được tin tức một người trẻ đột tử vì chơi game liên tục trong mấy ngày. Sau đó thì tiếp tục có người chết vì chơi game, người ta cũng dần quen với điều đó, nhưng không lúc nào ngừng cảm thán “vì sao phải hao phí sức khỏe và tính mạng mình vì một trò chơi?!”

Gần đây lại có nhiều tin về người trẻ đột tử vì làm việc quá sức, trong đó mới nhất là cái chết của một người dựng phim trẻ, chết ở tuổi 31. Nếu một người chết vì chơi game, tôi thấy người đó còn được vui vẻ thoải mái trước khi chết, còn chết vì áp lực công việc, vì tăng ca thì thật không biết họ cảm thấy thế nào.

“Có khả năng chịu đựng áp lực” hay "có tinh thần trách nhiệm cao và luôn sẵn sàng cho công việc" đang là một tiêu chí quan trọng của ngày càng nhiều vị trí việc làm trong các bản tin tuyển dụng. Người ta bắt đầu xem đó là một loại “kỹ năng mềm” và có các bài viết hướng dẫn, các khóa học dạy nhau cách “chịu áp lực”.

overwork

Những người sử dụng lao động, các ông chủ, bà chủ lớn thì luôn đề cao khả năng chịu áp lực, nói về đam mê cống hiến đến độ một người phải có một loại áp lực nào đó trên người thì sống mới có ý nghĩa, và người càng chịu được nhiều áp lực thì càng đáng nể trọng hơn. Họ dùng các hình ảnh hấp dẫn như “không có áp lực, không có kim cương” để người khác cam tâm tình nguyện nhận lấy áp lực với mong muốn “tỏa sáng” ở tương lai.

Họ nói rằng thanh xuân để làm gì nếu không biết tận dụng để leo cao, để kiếm tiền nhiều nhất có thể! Thanh xuân thật sự là để làm vậy sao?

Hay thanh xuân, ngoài công việc ra, còn là thời gian cho gia đình, bè bạn, người yêu, thời gian để nghiên cứu học hỏi, thời gian để tìm hiểu bản thân, hay ít nhất là thời gian để ăn một bữa ăn tử tế, ngủ một giấc ngủ bình yên.

Có một câu chuyện vui nổi tiếng: Một ông chủ chạy chiếc xe thể thao mới đến công ty, anh nhân viên khen: xe mới của sếp xịn quá! Ông ta cười thân thiện và đáp: nếu anh làm việc 100% khả năng của mình và đóng góp nhiều hơn cho công ty, thì trong ba tháng nữa tôi sẽ lại có xe mới.

“Không có áp lực, không có kim cương”. Đúng vậy, các nguyên tử cacbon bị nén lại qua hàng nghìn năm hình thành nên tinh thể kim cương, điều đó thật đẹp và quý giá, nhưng sự quý giá đó là đối với loài người. Những người trẻ nếu lao vào nhận lấy áp lực thì cũng chỉ như những hạt cacbon, vắt kiệt sức mình hay thậm chí chết đi để hình thành nên viên kim cương cho người khác.

Người trẻ tự nguyện chịu áp lực, tự hi sinh và thay đổi bản thân mình để trở thành một thứ vừa lòng, đẹp mắt người khác như kim cương để rồi sau tất cả thứ mà họ nhận được chỉ là áp lực. Thăng tiến ư, để nhận nhiều áp lực hơn? Tiền ư, có thời gian đâu mà xài? Có thời gian thì tranh thủ ngủ một giấc là tốt rồi.

Trong môi trường công việc, vì sao một người lại có áp lực? Đó là do vị trí của họ chịu trách nhiệm cao? Hay là do họ phải xử lí nhiều vấn đề, nhiều mảng cùng một lúc? Nếu cùng một công việc mà có 2-3 người cùng xử lý thì có áp lực nhiều như vậy nữa không? Đấy, những người chủ không muốn chi nhiều tiền cho một vị trí, nên họ tìm một người “có khả năng chịu áp lực” là vậy. “Khả năng chịu áp lực” là thứ được sinh ra từ nhu cầu giảm chi phí của chủ doanh nghiệp.

overwork2

Mặt khác, đúng là những người thành công thật sự luôn là người chịu áp lực giỏi hơn người khác. Tuy nhiên điểm khác biệt ở đây chính là họ không xem những thời gian biểu kín kẽ, những hoạt động phải luôn luôn tập trung và tiêu tốn hết thảy thời gian, sức khỏe, tâm trí đó là áp lực. Vì đó là thứ họ yêu thích, đó là đam mê của riêng họ.

Bạn có thể làm thuê cho người khác, góp phần xây dựng ước mơ của họ, góp tiền cho họ mua xe thể thao, nhưng hãy góp kiến thức, kỹ năng, công sức của mình thôi chứ đừng góp cả sức khỏe hay tính mạng mình vào đó.

Áp lực không phải là động lực. Động lực là thứ sản sinh từ bên trong, là lực đẩy khiến mình tiến tới. Còn áp lực là thứ đến từ bên ngoài, luôn muốn đè ép, khống chế mình như một con rối. Áp lực là một thứ công cụ khá chính xác để đo lường xem bản thân mình có thích và hợp với những việc mình đang làm hay không, việc đó có đáng cho mình làm không.

Khi làm việc gì, nếu thấy áp lực hãy tìm cách chia sẻ công việc, đề nghị tăng thêm người hoặc giảm bớt những việc không quan trọng. Nếu đó là việc mình không yêu thích thì tìm cách thay đổi sớm nhất có thể, đừng ở đó mà chịu quá lâu, không đáng đâu. Người ta có thể cười mình thất bại nhưng mình thấy thảnh thơi, còn hơn để họ tôn vinh bằng đủ thứ mỹ từ trong khi chính mình không vui nổi.

Be-Happy-Live-Happy-2

Hãy tìm điều mình thật sự thích để làm, khi đó chỉ có động lực, chỉ có niềm vui.

Đừng nghe những lời kích động kiểu tuổi trẻ là phải máu lửa, phải điên cuồng, phải làm ngày làm đêm để tuổi già có tiền trị bệnh. Bệnh đó chính là thứ đến từ việc làm ngày làm đêm. Mà nhiều khi tiền cũng không trị được.

Chúng ta không chỉ sống trong tuổi trẻ hay tuổi già, mà sống chỉ trong hiện tại đây thôi. Nên làm việc thì làm việc, nên nghỉ ngơi thì nghỉ ngơi. Cần cân bằng giữa bận rộn và thảnh thơi ngay lúc này. Hãy sống từ đây đến già, chứ đừng đợi già mới sống. Công việc là một phần cuộc sống, không nên đánh đổi bằng mạng sống.

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo

(Bài đã đăng trên

Khampha.vn:

Từ khóa: 

phát triển bản thân

,

thanh xuân

,

công việc

,

sức khỏe

,

tuổi trẻ

,

kinh doanh và khởi nghiệp