Áp dụng TƯ DUY TẬP TRUNG và TƯ DUY PHÂN TÁN trong việc học (qua thực tiễn học tiếng Anh)
Như chia sẻ gần đây của mình, học tiếng Anh, giao tiếp được bằng tiếng Anh, sử dụng tiếng Anh trong công việc và cuộc sống là một trong những mục tiêu mà mình đặt ra trong hành trình thay đổi bản thân năm 2020. Hiện nay mình vẫn đang tiếp tục trên hành trình đó. Trong quá trình tiếp cận và học tiếng Anh theo góc nhìn, phương pháp học mới, mình nhận thấy việc chúng ta áp dụng phương pháp tư duy như thế nào là rất quan trọng. Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ với các bạn về hai phương pháp tư duy mà mình đang áp dụng trong việc học tiếng Anh cũng như việc học tập các môn học khác và cả cách thức chúng ta giải quyết các công việc.
Lâu nay chúng ta vẫn thường quan niệm rằng người có kết quả cao trong học tập và công việc là người có khả năng tập trung cao độ, dành mọi thời gian, tâm lực, trí lực cho việc mình làm mọi nơi, mọi lúc. Điều đó có thực sự đúng không? Trong bài viết này mình sẽ chứng minh rằng sự tập trung là cần thiết nhưng nó không mang tính quyết định đến hiệu suất công việc của bạn. Đôi khi bạn sẽ cần thả lỏng cơ thể, ở một trạng thái thư giãn, nghỉ ngơi, cởi mở với bản thân. Điều đó sẽ giúp bạn có được những ý tưởng mới tăng hiệu quả học tập/công việc của bạn lên gấp nhiều lần. Nghĩa là muốn đạt được kết quả như mong muốn bạn luôn cần có hai chế độ tư duy: tập trung & phân tán. Đây đều là những chế độ rất quan trọng cho việc học tập. Nếu bạn vận hành được hai cơ chế này một cách phù hợp bạn sẽ có được những kết quả tốt và ngược lại. Mình sẽ minh chứng nó qua thực tiễn học tiếng Anh của mình.
Tư duy tập trung
Thế nào là tư duy tập trung? Tư duy theo chế độ tập trung là “phương pháp tiếp cận trực tiếp để giải quyết vấn đề một cách hợp lý, tuần tự và có tính phân tích. Chế độ tập trung được liên kết với các khả năng tập trung của vùng vỏ não trước trán, nằm ngay sau trán của bạn” [tr.13] (được hiểu là trạng thái chú ý cao độ vào một vấn đề nào đó).
Ví dụ khi học chúng ta ngồi im, cố định tại một vị trí trong một khoảng thời gian lâu và chỉ để giải quyết một vấn đề nào đó (ngồi học ở nhà, ngồi trong lớp học nghe thầy cô giảng bài).
Có thể nói, tư duy tập trung giúp cho chúng ta dồn sự chú ý vào những thứ vốn đã được kết nối chặt chẽ trong tâm trí, hình thành một số lối suy nghĩ, cách làm, kỹ năng sẵn có. Bạn dễ dàng giải quyết được vấn đề một cách nhanh chóng bởi những suy nghĩ trước đó trong thế giới quan của bạn được vận dụng, củng cố. Tư duy tập trung mang tính thực hành cao, được lặp đi lặp lại xây dựng thói quen cho bạn, mọi kiến thức, sự ghi nhớ sẽ được củng cố trong tâm trí bạn. Và rõ ràng điều này rất cần cho người học khi học tiếng Anh cũng như nhiều môn học khác. Mình không phủ nhận rằng tập trung là một năng lực cần có của mỗi người.
Tuy nhiên, hạn chế của nó là tạo ra tư duy lối mòn. Bạn sẽ bị đóng khung trong một số lối tư duy có sẵn. Nó như một chất keo kết dính, bám chặt trong não bộ của bạn. Và nhiều khi việc lặp đi lặp lại một lối tư duy mà đó lại là lối tư duy sai thì quả là nguy hiểm.
Ví dụ: trong việc học tiếng Anh nếu bạn cứ học theo phương pháp cũ trước đây: học thuộc từ vựng theo cách viết đi viết lại nhiều lần hoặc sử dụng mẹo để nhớ, chỉ tập trung học ngữ pháp, dành nhiều thời gian cho việc làm bài tập, đến các trung tâm và các lớp học khác nhau và học một cách rất nghiêm chỉnh, đầu tư thời gian cho nó…thì rất có thể tiếng Anh của bạn sẽ đạt được một mức độ nào đó trên những điểm số, thành tích nhưng khi sử dụng trong thực tiễn giao tiếp bạn lại gặp rất nhiều khó khăn (thực tế nhiều bạn có điểm Ielts cao, học chuyên ngữ nhưng khi giao tiếp với người nước ngoài thì vô cùng lúng túng và bối rối).
Một nguy hại nữa là tư duy tập trung chính là cạm bẫy, hình thành những định kiến trong bạn. Bạn thiếu đi sự bao dung, thấu hiểu và có thói quen dán nhãn cho những gì mình đã biết trước đó (thiếu đi sự cởi mở, đón nhận cái mới). Khi bạn thường tư duy theo lối mòn, theo những suy nghĩ đã định sẵn bạn thường “nghĩ như vậy” khi phân tích, xử lý vấn đề.
Ngoài ra tư duy tập trung còn là cơ sở cho tư duy cố định: thỏa mãn với thực tại với thái độ tự mãn với những gì mình đang có. Điều này sẽ khiến bạn rơi vào trạng thái an phận thủ thường, không có ý chí phấn đấu, cập nhật và thay đổi bản thân.
Tư duy phân tán
Thế nào là tư duy phân tán? Tư duy phân tán đối lập với tư duy tập trung. Nghĩa là thay bằng việc tập trung chú ý cao độ cho một việc gì đó bạn cho phép tư duy của mình được thư giãn, nghỉ ngơi, “tâm trí trôi dạt”, “tư duy đang lan tỏa trong não”.
Tư duy phân tán “cho phép chúng ta đột nhiên có được cái nhìn sâu sắc mới về vấn đề đang phải chật vật giải quyết, và thường có hình thái như “bức tranh toàn cảnh”[tr 13] để hiểu vấn đề một cách rộng mở hơn và đó là cơ sở tìm ra giải pháp mới bên cạnh giải pháp cũ đã có. Và biết đâu rằng chính điều này sẽ giúp bạn nảy ra một ý tưởng nào đó tốt hơn, một giải pháp tiềm năng hơn. đồng thời sản sinh ra phương pháp tư duy mới.
Do đó, trong quá trình thực hành một cái gì đó quá lâu, theo một phương pháp tư duy có sẵn có lúc bạn sẽ cần phải dừng lại để đi ra khỏi lối mòn, cho chính mình khoảng thời gian để tìm giải pháp mới để khi quay lại bạn sẽ có sự thấu hiểu hơn. “Nếu bạn đang cố gắng để hiểu hoặc định hình một điều gì mới mẻ, cách tốt nhất là hãy ngưng tập trung suy nghĩ chính xác và phơi ra “bức tranh toàn cảnh” giúp chế độ phân tán hoạt động” [tr.20]. Vì vậy, lời khuyên của mình là thay vì việc cứ giữ khư khư một lối tư duy cũ, bảo thủ với những gì mình đang làm bạn hãy cởi mở tư duy, cảm xúc hơn như đó là nguồn kiến thức vô tận để bạn có thể khám phá và đắm chìm.
Ví dụ: Việc học tiếng Anh hay khi học bất kỳ môn học nào khác, thay bằng cả ngày ngồi ôm khư khư bàn học, học hết cái này đến cái khác, làm hết bài tập này đến bài tập khác, bạn hãy giải phóng bản thân, tìm kiếm cách học khác vui hơn, thoải mái hơn, đỡ áp lực hơn và thậm chí học trong tiềm thức. Ví dụ mình đã nghe rất nhiều bạn chia sẻ về phương pháp học tiếng Anh qua xem phim, nghe nhạc, đọc truyện, học ở nhà học trên đường đi học khi nói chuyện với người khác…Khi áp dụng phương pháp học theo tư duy phân tán nó sẽ đem đến cho bạn cảm giác học mà như không học, học mà như chơi và khi đó kiến thức tự nhiên sẽ đến với bạn. Bạn ghi nhớ nó mà không cần phải một sự cố gắng nào.
Thế nên khi tiếp cận một vấn đề nào đó bên cạnh sử dụng tư duy đã có trước bạn hãy cho mình một khoảng không để nhìn vấn đề rõ hơn, có nhiều phương án hơn dù là đúng hay sai. Khi đó bạn sẽ có sự cởi mở trong suy nghĩ, trong phương pháp, trong sự nhìn nhận của mình.
Nói cách khác tư duy phân tán sẽ cho bạn không gian về sự nhận thức và tư duy trước một vấn đề, cho não bộ hoạt động trong tiềm thức. Ví dụ: khi học tiếng Anh bên cạnh sử dụng tư duy tập trung để học, bạn hoàn toàn có thể học một cách thoải mái (học ngay cả trong khi không chủ động học như nghe bài hát tiếng Anh khi đang nấu cơm, khi đang đi đường…), học trong tiềm thức, học một cách tự nhiên mà không nhất thiết lúc nào cũng phải dồn mọi tâm trí của mình vào việc học mới đem lại hiệu quả.
Ngoài ra, thêm một lý do nữa để bạn áp dụng tư duy phân tán trong việc học đó là: tư duy phân tán là cơ sở cho sự sáng tạo. Sáng tạo là sự bứt phá ra khỏi cái cũ để tạo ra cái mới. Và thường thì cảm hứng, những giây phút thăng hoa thường đến từ những giây phút bạn thư thái, thoải mái nhất.
Khi bạn có sự cởi mở với bản thân (không giới hạn nhận thức, cố định bản thân) bạn sẽ cho mình nhiều cơ hội hơn để thử, để tìm đến những giải pháp mới. Nếu bạn nghĩ rằng bạn chỉ có thể giỏi ở một lĩnh vực này mà không dám thử sức ở lĩnh vực khác, bạn không có khả năng/năng khiếu/tài năng…vô hình chung bạn đã “trói buộc” mình trong giới hạn đó rồi. Ví dụ trước đây khi học tiếng Anh mình không có sự xuất sắc như nhiều người khác mình đã từng nghĩ rằng do mình không có năng khiếu, mình không có khả năng cảm thụ tốt ngôn ngữ nên phải chăng học ngôn ngữ là hạn chế ở mình, mình đã có tuổi nên trí nhớ có hạn, sự mềm dẻo, linh hoạt khi nói năng không còn nữa…Vì vậy, những khi nản chí mình đã nghĩ đến việc bỏ cuộc, không còn muốn tiếp tục cố gắng nữa. Nhưng rồi mình nhận ra đó không phải là lý do. Lý do mình chưa học được tiếng Anh, chưa làm chủ được ngôn ngữ này là vì mình chưa thực sự cởi mở với nó, chú tâm dành thời gian và tìm kiếm phương pháp phù hợp. Và giờ đây khi đã “ngộ” ra được điều đó, việc học tiếng Anh của mình ngày càng tiến bộ và có kết quả hơn (Bạn có thể đọc thêm bài viết chia sẻ Câu chuyện học tiếng Anh của tôi).
Thế nên thay vì việc bạn tự bó buộc bản thân mình bởi những suy nghĩ rằng mình không có tài năng, mình chỉ làm được cái này mà không làm được cái kia, bạn hãy cởi mở với chính mình.
Dù học hay làm bất cứ việc gì bạn hãy cố gắng áp dụng một cách linh hoạt các chế độ tư duy khác nhau, bao gồm cả tư duy tập trung và tư duy phân tán như mình đã chia sẻ ở trên. Mình tin rằng sự chú tâm, cố gắng, dành thời gian cho nó bạn sẽ có được những kết quả như mong muốn. Tất cả nằm ở sự lựa chọn, thái độ của bạn mà thôi. Chúc bạn may mắn!
(Sách tham khảo cho bài viết: A mind for numbers: cách chinh phục Toán và Khoa học (ngay cả khi bạn vừa trượt môn đại số) – Barbara Oakley cùng những chia sẻ từ những người bạn học của mình trong group The learners).
kỹ năng mềm
Bình thường khi ngồi học em hay bị mất tập trung lắm chị ơi, làm cách nào cũng không cải thiện được.
Nguyễn Thị Hương Ly
Bình thường khi ngồi học em hay bị mất tập trung lắm chị ơi, làm cách nào cũng không cải thiện được.
Thanhgiang Tran
rất hay em ạ, nhưng đúng là mức độ tập trung hiện nay của chị đang bị tác động lớn bởi màn hành máy tính điện thoại, internet...cảm giác bất lực luôn 😅 😅 😅
Hoàng Hải Chi
Ít nữa chắc phải học hỏi chị bí kíp học tiếng Anh :((
Trịnh Ngọc Tú
Quá trình học tiếng Anh của chị chắc chắn nhiều trải nghiệm lắm đúng không ạ?
Đặng Mỹ Uyên
Đến tuổi chị mà vẫn còn chăm chỉ học tiếng Anh như thế, không bù cho bọn em :((
Lưu Hữu Tiến
Chắc hè này phải luyện lại khả năng tập trung quá :(((
Đào Thư
Đọc bài viết này của chị từ trước, đến bây giờ có thể nói đã cải thiện được kỹ năng tập trung rất nhiều. Cảm ơn chị!
Đào Huyền Nhi
Đây là 2 kỹ năng mà sinh viên bây giờ thật sự gặp rất nhiều khó khăn, hy vọng bài viết này có thể lan tỏa đến tất cả mọi người.
Thu Hiền
Bài chia sẻ bổ ích thật sự. Cảm ơn chị nhiều!
Lê Minh Hưng
Đúng là cần kết hợp nhuần nhuyễn cả tập trung lẫn phân tán. Nhiều khi tập trung quá sẽ gây hại vì không nhìn được toàn cảnh.