AniMY 2019 : Những nội dung khác biệt và thông điệp “Kita jaga kita” (Phần đầu)
Lưu ý : Bài dài và có chia ra các phần nhỏ, có spoil nội dung series và movie Upin & Ipin Keris Siamang Tunggal, Boboiboy The Movie 2 và Ejen Ali The Movie.
Dành cho các bạn không biết :
- “AniMY” là thuật ngữ chỉ Animasi Malaysia, hay “phim hoạt hình của Malaysia”, được khởi xướng bởi Hasnul Samsudin - giám đốc tại Tập đoàn Phát triển Đa phương tiện Malaysia (MDeC).
- “Kita Jaga Kita” là một bài hát chủ đề của phim Ejen Ali The Movie – movie của tượng đài thứ ba của ngành công nghiệp hoạt hình Malaysia trong năm nay. Bài hát có nghĩa “Chúng ta tự bảo vệ chính mình”.
Top 3 franchise của hoạt hình Malaysia, đều có một movie riêng trong năm 2019
“Chúng ta tự bảo vệ chính mình”, đó là thông điệp thể hiện tinh thần dân tộc của ngành hoạt hình và khán giả Malaysia, trước làn sóng ồ ạt từ các phim hoạt hình nước ngoài. Và kết quả là gì ?
Upin & Ipin Keris Siamang Tunggal được người dân Malaysia tin tưởng và gửi đi tham dự Oscar 2020.
Boboiboy The Movie 2 trở thành phim Malaysia nội địa có doanh thu cao nhất lịch sử quốc gia này.
Và Ejen Ali The Movie, hiện tại, đang là phim nội địa có doanh thu tuần đầu cao nhất lịch sử Malaysia, thậm chí doanh thu hiện nay của phim vượt bậc hơn cả Frozen 2 của nhà Chuột dù cả hai movie gần như đối đầu trực tiếp.
Thời nay, các phim của Hollywood đang càn quét thế giới và phim hoạt hình có một sự yếu thế rõ rệt trước các phim do người đóng cùng CGI do suy nghĩ “dành cho trẻ con”. Trong khi đó ở Malaysia, người người không quan trọng độ tuổi hay nghề nghiệp, đều đổ xô góp tiền xem phim hoạt hình nước nhà không ngại số lần. Thậm chí chính Bộ trưởng Bộ Thể thao và Thanh thiếu niên Malaysia cũng khuyến khích người dân “Dân ta xem hoạt hình ta”.
Thế, các phim ấy có điểm hay gì mà người dân Malaysia đổ xô đi xem, thậm chí có người xem lại một phim 6, 7 lần ?
1) Upin & Ipin : Keris Siamang Tunggal : Thế giới cổ tích của trẻ em và bản sắc dân tộc rõ rệt.
Bạn có thể ghét Upin & Ipin vì độ trẻ con, ngốc xít của phim (và thậm chí gọi phim ‘ung thư’), nhưng bạn không thể chối rằng phim hoàn toàn làm tốt công việc giáo dục cho đối tượng xem của mình là trẻ em dưới 10 tuổi cả. Lấy bối cảnh một làng quê mộc mạc cùng nhân vật chính là hai đứa bé 5 tuổi Upin và Ipin, series đã dẫn dắt hai nhân vật cùng bạn bè, gia đình và người thân vào những tình huống khác nhau trong đời sống và giáo dục những bài học vỡ lòng cùng những lễ nghi, văn hóa Malaysia rất nhẹ nhàng, phù hợp với thời đại và không hề gượng ép. Và phim U&I:KST đã làm tốt sứ mệnh của nó khi mở ra cả một thế giới nhiệm màu và kì ảo, cùng với một câu chuyện tuy đầy plot hole với người lớn nhưng lại tuyệt vời và nhiệm màu với đối tượng phim hướng đến là trẻ em từ độ tuổi tiểu học trở xuống.
Phim có ba hồi hoàn chỉnh, thậm chí còn có sự kịch tính có thể cuốn hút cả những khán giả lớn tuổi mà hiếm có phim hoạt hình dành cho trẻ em làm được. Thậm chí phim còn có điểm hay đã giúp nó được người Malaysia ủng hộ để đại diện quốc gia để Mỹ tiến đến Oscar : truyền bá văn hóa dân tộc của đất nước này. Kịch bản phim tuy đơn giản, nhưng nó được xây dựng trên nền tảng truyện cổ tích và ngụ ngôn của Malaysia như nhân vật Mat Jenin trong truyện ngụ ngôn cùng tên, các bối cảnh như khu làng ven biển của xứ bán đảo hay cung điện, hay có các chi tiết đặc thù của Malaysia như trang phục truyền thống Pakaian cách điệu nhẹ như thanh dao Keris,… Đó là những chi tiết tuy đơn giản, nhưng chỉ cần thấy được chúng thì khán giả đã có thể hiểu thêm về văn hóa bản địa Malaysia rồi. Và rõ ràng không phải đây là sự vô tình của nhà sản xuất, mà họ hiểu rõ rằng phim hoạt hình có sứ mệnh giáo dục cho thế hệ trẻ vì trẻ em luôn gắn bó với hoạt hình trong quá trình phát triển tư duy của mình. Và những đứa trẻ thì dễ dàng ấn tượng với những gì chúng được nghe, thấy và sẽ khắc ghi những điều đó mà không cần ai khác yêu cầu.
Từ đó, tình yêu dân tộc của chúng được phát triển. Tất nhiên, tại sao những người dân Malaysia hiểu về thế mạnh giáo dục này sẽ đổ xô đưa trẻ xem U&I:KST. Và bộ phim đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Thậm chí xuất sắc hơn khi phim được xuất khẩu đa quốc gia để truyền bá văn hóa dân tộc Malaysia và được nước nhà ưu ái gửi đến Oscar để tiếp tục trách nhiệm đó. Phim đã được công chiếu tại Los Angeles vào ngày 9 tháng 11 để chạy chiến dịch này. Rõ ràng đó là một vinh dự mà bất cứ nhà sản xuất không thuộc Mỹ nào cũng mong muốn, và U&I:KST đã làm được.
2) Boboiboy The Movie 2 : Hình tượng anh hùng cho giới trẻ Malaysia và sự phát triển của đồ họa hoạt hình quốc gia.
Từ những ngày đầu, đạo diễn Boboiboy – Nizam Razak đã quan niệm về việc tạo ra một hình tượng người anh hùng của riêng đất nước Malaysia, có bối cảnh Malaysia và cả những người ngoài hành tinh cũng nói ngôn ngữ Bahasa Malaysia. Và thế là những nghĩa vụ đầu tiên của Boboiboy ra đời. Và qua 8 năm phát triển, Boboiboy đã làm tốt nhiệm vụ của mình khi series này đã trở thành một phần văn hóa đại chúng của Malaysia, thậm chí trở thành nhân vật anh hùng đại diện cho quốc gia này. Và mỗi khi tập mới của series được lên sóng, nó sẽ trở thành nội dung của mọi cuộc tán gẫu của mọi người dân trên đất nước này vào ngày hôm sau. Nếu bạn du lịch đến Malaysia và hỏi về Boboiboy, người dân ở đây sẽ hào hứng trả lời mọi thắc mắc của bạn một cách đầy tự hào, chẳng khác là bao so với việc nhắc đến BTS trên đất nước Hàn Quốc.
Với lượng khán giả dân tộc ủng hộ như vậy, thật không lạ khi Boboiboy The Movie 2 được nhận quả ngọt từ những ngày đầu tung trailer.
Tuy nhiên, được kì vọng càng nhiều thì sức nặng càng lớn. Nhưng Boboiboy The Movie 2 hoàn toàn đáp ứng được người hâm mộ.
Trong series Boboiboy Galaxy, thể loại phim đã chuyển sang adventure và fantasy có bối cảnh là vũ trụ bao la và đầy mới lạ, vốn là hai thể loại yêu thích của giới trẻ và các hộ gia đình. Nhưng thể loại này lại có điểm yếu chí mạng là khó có sự liên kết xuyên suốt trong nội dung và đầy plot hole nếu biên kịch và đạo diễn không chắc tay. Tuy Boboiboy Galaxy cũng có điểm yếu này nhưng phần fantasy và các cảnh hành động đẹp mắt của series đã cứu cánh kha khá giúp các khán giả yêu thích vẫn ở lại với series. Trong movie, chủ đề phim đã có sự đen tối so với cái khung family-friendly thường nhật nhưng lại rất hợp lí, mang màu sắc trưởng thành cùng một kịch bản chặt chẽ phù hợp cho fan lẫn non-fan. Thậm chí các phụ huynh chỉ có ý niệm “phim cho trẻ con” cũng có thể tắt điện thoại và chăm chú xem phim. Với sự thay đổi này, Boboiboy The Movie 2 đã lập nên kỉ lục trở thành phim nội bộ Malaysia có doanh thu cao nhất trong lịch sử quốc gia này cũng không ngoa.
Có thể trên một phương diện nào đó, Boboiboy cũng giống một “công viên giải trí theo chủ đề” như cách đạo diễn Martin Scorsese nhận xét về các phim siêu anh hùng. Tuy nhiên, việc Boboiboy trở thành văn hóa đại chúng dân tộc đã góp phần không nhỏ cho đất nước Malaysia nói chung và ngành hoạt hình Malaysia nói riêng. Theo thông tin của đạo diễn Nizam Razak, Boboiboy The Movie 2 đã được làm cấp tốc trong 1 năm cùng với chỉ 60 nhân viên. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là phim vẫn rất chỉnh chu, chất lượng và có phần hình ảnh phải gọi là “tiệm cận Hollywood” ! Cả đạo diễn Nizam cũng nói một cách nửa thật nửa đùa rằng “Mọi người luôn thích hỏi rằng liệu phim của chúng tôi có theo kịp Hollywood hay không. Nhưng với tôi, câu hỏi thực sự là liệu hoạt hình Hollywood có theo kịp chúng tôi không ?”. Việc có một thách thức lớn là biên tập đồ họa và âm thanh trong một bộ phim yêu cầu chất lượng cao phù hợp với dòng fantasy của Boboiboy đã giúp các nhà làm phim Malaysia tang năng suất làm việc để phát triển chất lượng sản xuất phim hoạt hình và dần dần, series và movie Boboiboy đã góp phần nâng cao trình độ của các nhà làm phim hoạt hình của Malaysia phát triển. Và khi một ngành nghề của một đất nước phát triển, đó có thể là bàn đẩy giúp quốc gia phát triển hơn.
Fun fact 1 : Phim cũng có lồng ghép hình ảnh các đồ chơi dân gian của Malaysia vào các phi thuyền để phim mang thêm tính dân tộc, đồng thời vẫn phù hợp với bối cảnh vũ trụ.
Fun fact 2 : Đã có một khán giả là một ông cụ tầm 50-60 tuổi người Malaysia đã xem đi xem lại Boboiboy The Movie 2 hơn 6-7 lần để ủng hộ phim, và theo khảo sát, ông chẳng phải người duy nhất làm điều này.
3) Ejen Ali The Movie : Những nội dung cho lứa tuổi trưởng thành và thông điệp xã hội.
Lấy bối cảnh nhân vật chính là một điệp viên nghiệp dư trong thành phố hiện đại, phát triển, đậm chất 4.0 nhưng cũng song hành với đó là những tội phạm mang tính 4.0, Ejen Ali có một nền tảng để phát triển nội dung rất rộng lớn. Nhưng thay vì hướng đến nhiệm vụ giáo dục trẻ em bối cảnh hiện đại như Upin & Ipin hay dựng nên hình tượng anh hùng thời 4.0 như Boboiboy, Ejen Ali đã chọn hướng đi trưởng thành và đen tối hơn với những vấn đề thực tế và không ít lần nhắc về cái chết và sự phản bội. Và vào ngày 30 tháng 3 năm 2018, Ejen Ali đã tạo dấu ấn lớn trong lịch sử của hoạt hình Malaysia khi lần đầu tiên có một nhân vật chính diện phải hi sinh trong một thể loại phim luôn bị gắn mác 'dành cho trẻ em'. Nhưng thay vì bị chỉ trích, người dân Malaysia lại tán dương studio WAU vì quyết định táo bạo đó.
Khi trailer đầu tiên của Ejen Ali được tung ra, nó ngay lập tức lọt top trending của Youtube tại Malaysia. Nhưng nổi bật hơn phải kể đến khi trailer thứ 2 mang nội dung chính của movie được công bố và đạt hơn 534 nghìn lượt view ngay trong 24 giờ đầu tiên và 1 triệu view chỉ trong 3 ngày công chiếu ! Đó là vì movie đã đề cập trực tiếp đến vấn đề nổi trội trong xã hội hiện nay : Sự phát triển về công nghệ và khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.
Cách biệt với hai bộ phim trên, trong Ejen Ali The Movie không hề có một nhân vật phản diện thực sự bởi trong đặt hai bên đối lập trong phim vào xã hội thực tế, ta có thể thấu hiểu được rằng không lý tưởng nào của hai phe là hoàn toàn sai. Phía các nhà cầm quyền thì muốn phát triển những công nghệ mới cùng nền văn minh của loài người, nhưng họ lại quên đi những người nơi "ngoại ô"- những người khốn khổ bị bỏ rơi trong sự phát triển của xã hội giàu có hơn. Và những người "ngoại ô" thì cần sự chú ý để không bị lãng quên và dần bị đào thải trong xã hội mới, và khi nhu cầu được sống bị những nhà cầm quyền ngó lơ sẽ khó tránh việc dẫn đến những hành động bạo loạn. Trẻ em có thể thích thú với phim nhờ những cảnh hành động mãn nhãn cùng những trang phục và dụng cụ bắt mắt, nhưng người lớn có thể xem phim và nghiền ngẫm về những vấn đề xã hội vốn vô cùng thiết thực trong nó.
Tuy có một nền tảng là một vấn đề xã hội nặng nề như vậy, phim vẫn không bị sức nặng ấy chèn ép. Ngược lại, Ejen Ali The Movie vẫn phát triển được một câu chuyện với những tình tiết hấp dẫn và cảm xúc dâng trào. Đặc biệt hơn hai movie trên, movie của Ejen Ali còn sử dụng một thủ pháp đặc biệt tên “độc lập nhưng không đơn lẻ” (được chỉ điểm trong manga Bakuman). Với thủ pháp này, các nhà làm phim tập hợp những chi tiết nhỏ, không liên quan đến nhau trong series trước rồi xâu chuỗi chúng lại, tạo thành những tình tiết nút thắt cho các sự kiện của movie và cả phần sau của series. Điều này giúp bộ phim trở thành một bước ngoặc lớn cho series khi nó không chỉ là câu trả lời cho các câu hỏi vốn tồn đọng trong series gốc và còn mở ra một hướng đi cho phần tiếp theo. Thủ pháp này có thể là con dao hai lưỡi nếu series gốc không đủ nổi tiếng để mọi người hiểu được sự liên kết chặt chẽ của series và movie để hiểu được tất cả chi tiết phim. Nhưng Ejen Ali thì hoàn toàn có lợi thế ở sân nhà, vì sau tất cả, series Ejen Ali đã là một series chất lượng và mọi người dân Malaysia đều yêu thích nó.
Xem phần sau tại đây.
Bạn Hỏi