AniMY 2019 : Những nội dung khác biệt và thông điệp “Kita jaga kita” (Phần cuối)
4.1) Những đại diện của AniMY – đại diện của “Kita jaga kita”
Để nói rõ thêm về thông điệp của khán giả nhân dân với điện ảnh nước nhà, ta cần chuyển qua một bối cảnh khác : Việt Nam.
Trong nhiều năm qua, nền điện ảnh Việt đã có kha khá khởi sắc với những tác phẩm chất lượng và các tác phẩm ‘có cố gắng’, cùng hằng hà sa số bộ phim khiến người xem tự hỏi xem họ vừa xem cái ‘quái’ gì. Có rất nhiều lí do dẫn đến tình trạng này.
- Kịch bản không được đầu tư
- Đạo diễn không biết tôn trọng khán giả
- Nhà nước ngó lơ ngành điện ảnh
- Những người đầu ngành không có kiến thức chuyên môn
- Người trong ngành chỉ chực chờ giật tít, chạy theo thị trường, thậm chí có dấu hiệu COCC
- Những người mới không được ủng hộ và quan tâm đúng mực
- Khán giả không có niềm tin vào điện ảnh nước nhà, có tư duy “phim nhà người ta”
- …
Và ta không cần phải nói đến ngành hoạt hình, vốn bị xem là “để giáo dục trẻ em”. Không những phải hứng chịu tất cả những điểm xấu của ngành điện ảnh nói chung mà còn chịu những sức ép không đáng của ngành riêng.
Trong sân nhà Đông Nam Á, ngành hoạt hình được xem là có khởi điểm đầu tiên tại Việt Nam, vào năm 1959 khi ta ra mắt bộ phim hoạt hình đen trắng ‘Đáng đời thằng cáo’. Tuy có một khởi đầu phát triển hơn tất thảy, nhưng khi nhắc đến quốc gia đứng đầu về mảng hoạt hình của Đông Nam Á trong những năm gần đây thì câu trả lời lại là Malaysia. Bởi lẽ trong thời gian đổi mới, định hướng phát triển của ta đã sai hoàn toàn, rằng “hoạt hình là để giáo dục trẻ em” và phát triển chúng một cách hời hợt để truyền tải những bài học cứng nhắc từ sách giáo khoa. Trong khi đó với Malaysia, mà chính xác là từ chính phủ Malaysia, hoạt hình là một ngành nội dung số đầy tiềm năng ngoài chức năng giáo dục trẻ em. Từ đó, chính phủ Malaysia ra sức giúp đỡ và đẩy mạnh giúp ngành hoạt hình phát triển và hiện nay thì Malaysia đã trở thành đầu tàu của ngành animation tại Đông Nam Á, thay vì quốc gia mở đầu là Việt Nam chúng ta.
Đáng đời thằng cáo - phim hoạt hình đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á
Cứ theo đuổi mục tiêu “giáo dục trẻ em” trong cái ý thức “trẻ em thì biết gì ?”, Hãng phim hoạt hình VIệt Nam tự gò mình trong những câu chuyện nhàm chán, bài học cứng nhắc và hoạt ảnh thua xa những animator nghiệp dư nhất. Thậm chí, họ còn hiểu sai và thất bại ở nhiều khía cạnh khiến ảnh hưởng đến chính những đối tượng xem phim của họ : Trẻ em.
- Họ hiểu sai về nhu cầu cơ bản của hoạt hình : Đó là ‘giải trí’ chứ không phải ‘giáo dục’. Trẻ em Việt đã luôn bị ép học trong suốt thời gian thức giấc. Khi các em muốn xem hoạt hình, điều các em cần là sự giải trí sau những giờ học căng thẳng, không phải để tiếp tục bị nhồi sọ những điều đã được học trong tiết Đạo đức.
- Khả năng truyền tải thông điệp của biên kịch hoạt hình ở Việt Nam quá kém. Mỗi khi người xem chuyển kênh đến phim hoạt hình Việt, lật tức khán giả có cảm giác bị ‘gõ đầu’ những những câu chuyện khô khan và lời nói không cảm xúc. Có thể những đứa trẻ sẽ thấy Qùa tặng cuộc sống hay ho, nhưng khi chúng đã biết đến những series nước ngoài và hiểu được chúng, hoạt hình Việt sẽ bị lãng quên ngay lập tức vì sự khô khan và ‘giáo dục’ của chúng.
- Hoạt hình Việt Nam không hề có một nhân vật hình tượng tốt cố định cho trẻ em hướng đến. Ở nước ngoài, trẻ em ở độ tuổi phát triển có những hình tượng hợp tuổi như Doramon, Sakura, Ladybug hay Spider Man để làm ‘thần tượng’ và trở thành hình mẫu để phát triển. Tuy nhiên ở Việt Nam thì không hề. Thậm chí, kha khá người lớn ở Việt Nam cũng không quan tâm đến điều đó và tạo tiền đề cho thế hệ nhỏ tìm đến những hình mẫu không lành mạnh như Khá Bảnh hay NTN.
- Nhà nước không có định hướng đầu tư phù hợp. Mỗi năm, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam ngốn cả vốn tiền tính ở mức tỉ đồng, nhưng những gì ta nhận được từ hãng là một tư duy hoạt hình lạc hậu, những đam mê nói suông và những clip hoạt hình xa cả video đồ án tốt nghiệp của sinh viên với vốn tự góp. Nhưng rốt cuộc, những tài năng mới, studio mới và những sản phẩm chất lượng ấy lại chẳng được ngó ngàng. Và thế là mỗi năm, bao nhiêu tiền tỷ được tung ra cho những sản phẩm đạt giải Hoa Sen Vàng nhưng ta lại không được xem để biết chắc nó xứng đáng hay không. Trong khi đó, Tàn Thể: Tiền Truyện của hãng Dee Dee Animation – một studio tư nhân với chất lượng sản phẩm ngang ngửa các phim trên Disney Channel hay Cartoon Networks chỉ ngậm ngùi nhận giải bình chọn của BGK.
Trong khi những tài năng Việt phải làm hai, ba nghề để theo đuổi đam mê hoạt hình Việt, những tập thể khác thì chỉ làm thuê cho nước ngoài hay thậm chí là Hollywood, ở Malaysia, hiện tượng ‘chảy máu chất xám’ đó lại không hề xảy ra. Malaysia không hề có một hãng phim nhà nước nào. Cả ba top phim hoạt hình của họ là Upin & Ipin, Boboiboy và Ejen Ali đều là sản phẩm của các hãng phim tư nhân là Les' Copaque, Monsta và WAU. Tuy nhiên, chính phủ Malaysia vẫn có những chính sách phù hợp để phát triển tối đa tiềm năng của những studio tư nhân. Đặc biệt, câu chuyện của top 3 ngành hoạt hình Malaysia rất thú vị.
· Les' Copaque là hãng phim đầu tiên của top 3 được thành lập vào tháng 12 năm 2005, bởi hai nhà làm phim Haji Burhanuddin Md Radzi và Hajah Ainon Ariff, cùng với ba sinh viên Mohd Nizam Abdul Razak, Mohd Safwan Abdul Karim và Usamah Zaid Yasin vừa tốt nghiệp trường Đại học Đa Phương Tiện của Malaysia.
- Từ khi vừa thành lập, hãng phim đã lên kế hoạch cho movie Geng: Pengembaraan Bermula (Có thể dịch là Geng: Bí ẩn ma sầu riêng hay có tên tiếng Anh là Geng: The Adventure Begins) và làm một phim ngắn về ý tưởng này. Phim ngắn này đã đạt giải Phim hoạt hình xuất sắc nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất tại Giải thưởng Phim Ngắn 2006.
- Năm 2007, hai cậu bé Upin & Ipin được Les' Copaque giới thiệu giới khán giả, đồng thời hãng phim vẫn dốc sức sản xuất Geng: Pengembaraan Bermula. Phim mất 2 năm, 47 triệu ringgit cùng 40 nhà làm phim để hoàn thành. Ngày 12 tháng 2 năm 2009, Geng ra rạp, trở thành movie hoạt hình 3D đầu tiên của Malaysia và tạo nên một cơn sốt phòng vé : thu được 6,314,526 triệu ringgit (hơn 33 tỉ VNĐ) tiền bán vé và trở thành phim hoạt hình đầu tiên của Malaysia lập kỉ lục doanh thu. Phim thậm chí vượt qua các ứng cử viên Oscar là Slumdog Millionaire và The Curious Case of Benjamin Button tại Malaysia.
- Trong cùng năm, series Upin & Ipin được phát sóng trên Disney Channel và MNCTV – đài truyền hình lớn của Indonesia và trở thành series có lượt xem cao nhất nhì tại khu vực. Theo nhiều thông tin, mỗi tập phim của Upin & Ipin được đầu tư 10 nghìn đô Trump (tương đương 210 triệu VNĐ) để sản xuất vào công chiếu trên đài TV9 của Malaysia.
- Năm 2013, Upin và Ipin trở thành đại sứ UNICEF và trong năm 2016, Upin cùng Ipin được góp mặt và hát trong MV Imagine của UNICEF để ủng hộ quyển bảo vệ, chăm sóc, giáo dục cho trẻ em trên toàn thế giới.
- Hai movie sau của Upin & Ipin, Upin & Ipin : Jeng Jeng Jeng (2016) và Upin & Ipin : Keris Siamang Tunggal (2019) có doanh thu lần lượt là 4,82 triệu ringgit (hơn 25 tỉ VNĐ) và 26,19 triệu ringgit (hơn 147 tỉ VNĐ), giúp movie thứ ba của Upin & Ipin nắm giữ kỉ lục về doanh thu phim Malaysia cao nhất lịch sử quốc gia này. Đồng thời, Upin & Ipin : Keris Siamang Tunggal cũng trở thành phim hoạt hình đầu tiên của Malaysia nói riêng và Đông Nam Á nói chung được chọn gửi đề cử cho giải Oscar hoạt hình hay nhất.
• Ngày 15 tháng 9 năm 2009, hãng phim thứ hai thuộc top 3 được thành lập bởi Mohd Nizam Abd Razak và ba người bạn của ông, Muhammad Anas Abdul Aziz, Mohd Safwan Abd Karim và Kee Yong Pin. Vào năm 2009 sau khi hoàn thành công việc đạo diễn cho Geng: Pengembaraan Bermula, do cảm thấy cần một hướng đi riêng, Nizam Razak cùng những người bạn của mình tách ra khỏi Les' Copaque và lập một studio start up là Animonsta (vào 2014 studio đã đổi tên thành Monsta như hiện nay)
- Việc gầy dựng nên một biểu tượng anh hùng người Malaysia đã trở thành hướng đi của hãng từ những ngày đầu tiên. Ban đầu Nizam Razak và Anas Abdul Aziz có ý tưởng về nữ anh hùng biết bay tên Makcikman, nhưng những vị đạo diễn muốn tạo nên một siêu anh hùng với ảnh hưởng tích cực nên họ đã chuyển trọng tâm từ Makcikman sang đứa bé mà cô chăm sóc – một cậu bé có sức mạnh nguyên tố và có phân thân làm ba tên Boboiboy – vốn có tiềm năng hơn rất nhiều. Ý tưởng về một movie cho Boboiboy cũng được lên kế hoạch, nhưng các nhà làm phim đều đồng ý nên thực hiện series làm nền tảng trước.
- Việc đưa Boboiboy đến với khán giả vướng phải nhiều khó khăn, phần lớn vì tạo hình mẫu giáo ban đầu của nhân vật. Kể cả khi Animonsta đã làm 4 tập đầu với tạo hình đã thay đổi, đài truyền hình vẫn yêu cầu làm lại vì nhân vật vẫn còn quá nhỏ. Tuy thế, những nhà làm phim vẫn kiên nhẫn đáp ứng yêu cầu của họ. Và rồi vào ngày 13 tháng 3 năm 2011, phim đã được phát sóng trên kênh TV3 trên toàn Malaysia và nhận được quả ngọt to trông thấy khi người người nhà nhà đều biết đến và yêu thích Boboiboy. Series nhanh chóng được trình chiếu trên Disney Channel vào ngày 11 tháng 6 cùng năm.
- Không chỉ công chiếu trên đài truyền hình, Animonsta còn đăng tải các tập phim của Boboiboy lên mạng. Điều này giúp series dễ dàng theo dõi hơn cho các khán giả nước ngoài và có thêm nhiều fan trên 45 quốc gia khác nhau, bao gồm các khu vực Trung Đông, Bắc Phi và Kazakhstan.
- Khi mùa thứ ba của phim vẫn đang phát sóng vô cùng thành công, ngày 3 tháng 3 năm 2016, phiên bản điện ảnh của phim tên Boboiboy The Movie (hay Boboiboy Phiêu Lưu Kí), được ra rạp và được nước nhà vô cùng ưu ái. Trong 10 ngày đầu công chiếu, Boboiboy The Movie đã bỏ túi được 8 triệu ringgit (xấp xỉ 45 tỉ VNĐ) và vượt qua doanh thu của Geng: Pengembaraan Bermula về doanh thu phim hoạt hình. Đặc biệt, Boboiboy còn đánh bại cả hai đối thủ nặng kí cùng lĩnh vực từ Hollywood là Zootopia và Kungfu Panda 3. Không chỉ được công chiếu trong nước, Boboiboy The Movie còn vượt biển và đến với khán giả Brunei, Hồng Kông, Trung Quốc, Indonesia, Singapo, Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Bản movie HD cho khán giả quốc tế cũng được upload vào cuối năm 2018, khi những suất chiếu cuối cùng của Boboiboy đã đóng cửa.
- Khác hẳn với Upin & Ipin, Boboiboy là series mà độ tuổi nhân vật được thay đổi, theo yêu cầu khán giả cũng có, và cả những đối tác nước ngoài, “đặc biệt là từ phương Tây” – theo lời đạo diễn Nizam – cũng có. Nhờ thay đổi tạo hình, Boboiboy đã trở nên phù hợp với hình tượng ‘action hero’ hơn và từ đó số lượng fan trên toàn thế giới cũng lớn lên khi series ‘soft reboot’ của Boboiboy là Boboiboy Galaxy đã thâm nhập vào 70 quốc gia trên toàn thế giới.
- Sau thành công của Upin & Ipin : Keris Siamang Tunggal vào tháng 3 năm 2019, vào tháng 8 cùng năm, Boboiboy The Movie 2 đã ra rạp. Phim được nhận sự quan tâm của đông đảo khán giả nước nhà và chất lẫn số lượng người xem thì khiến người ngoại quốc phải ngạc nhiên khi các cụm rạp vẫn kín nửa ghế khi phim đã chiếu được 8 tuần, tức 2 tháng ròng. Và tất nhiên, phim đã vượt qua kỉ lục doanh thu của Upin & Ipin : Keris Siamang Tunggal với 29,57 triệu ringgit (xấp xỉ 166 tỷ VNĐ) và trở thành phim hoạt hình thứ hai trong năm 2019 giành lấy vị trí đứng đầu doanh thu của điện ảnh Malaysia. Và sau khi công chiếu tại năm quốc gia Malaysia, Singapo, Brunei, Indonesia và Việt Nam, Monsta muốn xuất khẩu Boboiboy đến các quốc gia xa hơn như Hàn Quốc hay Nhật Bản.
- Đặc biệt, trong movie thứ hai của Boboiboy, Monsta đã cài cắm một after credit với sự xuất hiện của một nhân vật đặc biệt được chính nhà sản xuất bật mí rằng sẽ có một series riêng, mở ra một universe riêng của studio Monsta. Điều này giúp Malaysia có một universe siêu anh hùng của riêng họ, mà cộng đồng hâm mộ gọi đùa là Monsta Cinema Universe hay viết tắt là MCU – trùng với Marvel Cinema Universe, một vũ trụ siêu anh hùng nổi tiếng đã tạo cảm hứng cho vũ trụ anh hùng của Monsta.
• WAU là hãng hãng phim em út trong top 3 hãng phim đứng đầu Malaysia, được thành lập vào ngày 18 tháng 3 năm 2013 bởi Usamah Zaid Yasin – người từng làm việc và rời Les' Copaque cùng lúc với người bạn thân Nizam Razak với lí do tương tự. Điều đặc biệt của WAU là studio có một khởi đầu tốt hơn hẳn với đội ngũ nhân viên kinh nghiệm từng làm việc cho 2 hãng còn lại và nhận được sự hỗ trợ từ chính những nhân viên của Monsta. Dự án hoạt hình đầu tiên của hãng – Ejen Ali – được giới thiệu với khán giả với tạo hình đầu tiên qua tạp chí Boboiboy số 21 sản xuất bởi Monsta vào năm 2014. Và Monsta vẫn tiếp tục ủng hộ WAU bằng việc share các bài viết về Ejen Ali trên trang Facebook của studio vào thời gian series chuẩn bị công chiếu.
- Việc hợp tác thứ hai của hai hãng không chỉ qua marketing, vào thời gian Boboiboy The Movie đang sản xuất, WAU đã trợ giúp Monsta ở khâu hiệu ứng hình ảnh. Điều này giúp khán giả chắc chắn sẽ có một đợt collab của hai studio cho một sản phẩm thuộc franchise Ejen Ali của WAU. Tuy nhiên cho đến hiện tại hãng phim top 3 này vẫn tự lực cánh sinh với tất cả sản phẩm của mình.
- Hai năm sau lần giới thiệu qua tạp chí Boboiboy, ngày 8 tháng 4 năm 2016, series Ejen Ali chính thức được công chiếu trên kênh TV3 của Malaysia. Series nhanh chóng được người dân Malaysia yêu thích với chủ đề mới lạ và animation chất lượng, thậm chí có chiều hướng đen tối và bạo lực hơn các phim hoạt hình family-friendly thông thường như Boboiboy. Tập cuối mùa 1 – tức tập 13 - của series vào ngày 3 tháng 3 năm 2017 là tập đầu tiên có cả promo và trailer riêng. Đây là trường hợp đầu tiên với 1 series chỉ có 1 mùa gồm 13 tập, kể cả Upin & Ipin và Boboiboy.
- Vẫn vào năm 2017, ngày 22 tháng 9, Ejen Ali bắt đầu mùa 2. Và series một lần nữa tạo tiếng vang khi tập cuối của mùa 2 series vào ngày 30 tháng 3 năm 2018 đã có một nhân vật chính diện phải hi sinh. Tuy nhiên, ngược lại với những lo lắng và phản đối, người dân Malaysia lại rất ủng hộ quyết định của các nhà làm phim vì sự hi sinh của nhân vật trong phim hoàn toàn phù hợp và ý nghĩa với cốt truyện. Điều này đặt nên một cột mốc mới cho ngành hoạt hình Malaysia, khi nội dung của phim hoạt hình không còn phải thực sự trong sáng cho đối tượng trẻ em mà trở nên nghiêm túc và hướng đến những đối tượng khán giả đã trải đời hơn.
- Lần lượt vào ngày 1 tháng 8 và 9 tháng 10 năm 2019, Ejen Ali The Movie trình làng hai trailer và chúng nhanh chóng lọt trending cùng số lượt xem cao chót vót nhờ vấn đề xã hội của movie về sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội (vốn đã được bật mí trong series). Không ngoài dự đoán, Ejen Ali The Movie lập tức đạt kỉ lục doanh thu vào ngày công chiếu đầu với 1,8 triệu ringgit (xấp xỉ 9,97 tỉ VNĐ), vượt qua cả Boboiboy The Movie 2 với 1,18 triệu ringgit (tức khoảng 6,5 tỉ VNĐ). Phim chiến thắng cả bom tấn tỉ đô Frozen 2 tại quê nhà và tạo ra một kỉ lục mới cho doanh thu tuần đầu cho lịch sử điện ảnh Malaysia. Ejen Ali The Movie của WAU cũng được ‘bạn thân’ là những nhân viên lẫn đạo diễn Nizam Razak từ Monsta công khai ủng hộ bằng việc xem phim và giới thiệu trên mạng xã hội. Thậm chí phim được Bộ trưởng bộ Thể Thao và Thanh thiếu niên khuyến khích người dân đi xem, cùng với tấm vé xem phim của Bộ trưởng bộ Giáo Dục và được vinh dự được chính vị thủ tướng 94 tuổi Mahathir Mohammad cùng phu nhân xem phim và nhận xét :
“Đây là sản phẩm hoạt hình nội địa Malaysia nhưng không hề trông giống là một sản phẩm làm ở Malaysia. Nó không hề khác gì một sản phẩm mang công nghệ đẳng cấp thế giới và chúng ta (người Malaysia) nên tự hào về điều đó. Tôi cho rằng có rất nhiều người (Malaysia chúng ta) rất có khiếu vẽ và khi làm hoạt hình thì cần bắt đầu từ những bản vẽ, nhân vật, v.v. Để tạo ra một cốt truyện hay là chuyện không hề dễ dàng, ngoài ra yếu tố nhạc nền cũng là yếu tố cần thiết. Tôi thấy đây là một sản phẩm mang tính hoàn thiện, về cả cốt truyện, công nghệ (làm phim) và âm nhạc. Tôi có thể tự tin nói rằng phim đã tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế”
- Hiện tại, phim vẫn chưa kết thúc thời gian chiếu của mình nhưng Ejen Ali đã được đông đảo khán giả nước nhà khen ngợi là phim hoạt hình Malaysia hay nhất năm và sớm muộn sẽ vượt qua kỉ lục phòng vé của Boboiboy The Movie 2 và trở thành phim Malaysia có doanh thu cao nhất lịch sử, với Boboiboy The Movie 2 ở top 2 và Upin & Ipin : Keris Siamang Tunggal ở top 3.
Nhìn vào lịch sử của hoạt hình Malaysia, ta có thể thấy việc thành công của họ chỉ là việc sẽ xảy ra, kể cả khi việc đạt đến một năm thành tựu phải mất tận 41 năm (tức thời gian từ 1978 – năm Malaysia ra mắt phim hoạt hình đầu tiên – đến năm 2019). Trong lịch sử hoạt hình của quốc gia bán đảo, có rất nhiều bài học ta chúng ta phải lưu tâm :
1. Nhà nước không có hãng phim độc quyền, thay vào đó khuyến khích, ủng hộ các hãng phim tư nhân.
Như đã phân tích, điểm đầu tiên khác biệt giữa nên công nghiệp hoạt hình của Malaysia và Việt Nam là họ không hề có một hãng phim nhà nước độc quyền nào. Thay vào đó, những bộ phim hoạt hình của Malaysia đến từ những nhà làm phim tự lực cánh sinh. Việt Nam cũng có những nhà làm phim tư nhân như Vingroup, Dee Dee hay Red Cat. Tuy nhiên thì Hãng phim Hoạt hình Việt Nam lại được ưu ái hơn tất cả và gây ra sự thiếu cân bằng, khi các sản phẩm nhà nước thiếu chất lượng thì được đầu tư tiền tỉ, còn các hãng tư nhân chất lượng phải tìm cách tồn tại như làm thuê cho Hollywood kiếm sống.
Như câu chuyện ở trên, các hãng phim tư nhân Malaysia dù mới thành lập cũng không phải quá lo lắng về cơm áo gạo tiền mà có thể trực tiếp lên kế hoạch dài hạn cho công cuộc phát triển riêng. Điều này một phần lớn là nhờ các chính sách phát triển của nhà nước giúp các studio tư nhân có thể tập trung sản xuất các sản phẩm chất lượng và đưa đến khán giả trong nước và quốc tế.
2. Tư duy theo thời đại, ‘dân ta xem hoạt hình ta’
Một trong những điều khiến nhà nước quyết định đặt niềm tin vào hoạt hình là họ sớm nhìn nhận được tiềm lực phát triển của ngành công nghiệp này. Thay vì đơn thuần xem hoạt hình như một thể loại phim để giáo dục trẻ em hay phương tiện giúp những video quảng cáo thu hút người xem hơn; tại Malaysia, hoạt hình được xem là một phần quan trọng của mảng nội dung đa phương tiện. Hơn cả việc dùng các nhân vật hoạt hình có sẵn như Boboiboy hay Ali để quảng cáo sản phẩm như thực phẩm hay kem đánh răng, các nhà làm phim đưa họ lên Internet để mở rộng thị trường, quảng bá các phim Malaysia khác. Đồng thời, nhà nước Malaysia còn dựa trên sự nổi tiếng và tác động tích cực của những linh vật này để giới thiệu về văn hóa, đất nước và dùng làm biểu tượng hình ảnh quốc gia. Việc Upin & Ipin trở thành đại sứ UNICEF, series Flying With Yaya trở thành cầu nối văn hóa Malaysia và Nhật Bản, hình ảnh Ejen Ali được vẽ lên máy bay của hãng AirAsia đã thể hiện sự ưu ái của nhà nước và thành công cả về mặt thương mại và mặt hình ảnh của ba franchise này như thế nào.
Nhưng tất nhiên, cả ba franchise này đều sẽ không thành công như vậy nếu người dân Malaysia không ủng hộ cho họ. Vượt qua những định kiến “hoạt hình là dành cho trẻ em”, người dân Malaysia hoàn toàn cởi mở và ủng hộ sự phát triển của dòng phim này. Họ yêu thích và ủng hộ các phim của nước nhà, với những nhân vật Malaysia, nói ngôn ngữ Bahasa Malaysia và làm bởi những người Malaysia. Và trên hết, họ tự hào với những phim hoạt hình có chất lượng, câu chuyện hay và mang đến năng lượng tích cực, là một tấm gương tốt cho không chỉ cho trẻ em mà cả những người lớn tuổi, mà cả ba series Upin & Ipin, Boboiboy và Ejen Ali đã chứng minh được điều đó. Và thậm chí, muốn đưa một bộ phim trở thành phim có doanh thu top 1, kể cả chỉ trong khuôn khổ một quốc gia nào đó là rất khó. Và những phim hoạt hình này đã giành được top 1 trong nhiều năm, thậm chí vượt qua kỉ lục của chính mình và bỏ xa các phim khác thì lí do không thể nào chỉ do trùng sở thích khán giả nữa. Cuối cùng, như trên, khi Ejen Ali có một nhân vật chính diện hi sinh, thay vì chửi bới hay khó chịu với nhà làm phim (mà khán giả Việt rất hay phản ứng khi series họ thích có chiều hướng phát triển không tích cực như ý muốn), họ chúc mừng cho sự quyết định táo bạo ấy và vui mừng khi phim thoát khỏi chiếc hộp “dành cho trẻ em” và hướng đến những nội dung phản ánh cuộc sống thực hơn.
3. Sự đoàn kết của các studio, ‘muốn đi xa phải đi cùng nhau’.
Trong video giới thiệu tạo hình mới trong Boboiboy Galaxy từ năm 2016, Monsta đã để riêng 1 phút cuối video để giới thiệu và tri ân các phim hoạt hình Malaysia khác trên quãng đường phát triển của hoạt hình Malaysia, kể cả những series không cùng hãng. WAU và Monsta dù không cùng hướng đi nhưng vẫn ủng hộ nhau từ trong hậu trường đến tận rạp chiếu. Hay các studio cùng hashtag #AniMY và #KitaJagaKita khi Ejen Ali công chiếu để chúc mừng một năm của nền hoạt hình Malaysia kết thúc tốt đẹp… Chẳng phải đó là những sự ủng hộ và khuyến khích nhau phát triển, cạnh tranh công bằng đó sao ?
“Độc lập nhưng không đơn lẻ”. Đây không chỉ là một phương pháp xây dựng cốt chuyện, mà còn là bí kíp để hoạt hình Malaysia phát triển như ngày nay : Các nhà làm phim và studio tuy không phải lúc nào cũng collab hay cameo cho nhau, nhưng họ tôn trọng, ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần cùng tiến. Thậm chí với làn sóng các phim bom tấn nước ngoài, họ cũng không tâm tính ăn chặn hay cầu cứu mà giúp đỡ, ủng hộ lẫn nhau, và như thế, không chỉ mỗi một studio có lợi mà còn giúp nền công nghiệp hoạt hình thêm phát triển hơn. Độc lập cũng tốt thôi, nhưng đừng đi một mình.
KẾT.
Mọi người có thể không thích hoạt hình Malaysia do chúng chiếm sóng Disney Channel nhà bạn hay không hợp gu. Tuy nhiên ta không thể phủ nhận sự phát triển của hoạt hình Malaysia khi đó là một trường hợp đáng học hỏi cho cả nền hoạt hình Việt Nam ta – vốn là quốc gia dẫn đầu của nền hoạt hình Đông Nam Á. Liệu rằng sẽ có “Chúng ta tự bảo vệ chính mình” hay không ? Có chứ, nhưng để điện ảnh Việt Nam nói chung hay hoạt hình Việt Nam nói riêng phát triển như trên, ta cần phải thay đổi. Thay đổi từ chính những nhà làm phim và cả khán giả. Hoạt hình Việt Nam đã có những mầm mống tốt, là Monta hay Tàn Thể Tiền Truyện. Tuy nhiên, để Việt Nam ta có thể có một năm thành tựu như Malaysia trong năm 2019 thì vẫn còn một chặng đường dài. Liệu nó sẽ là 41 năm hay nhiều hơn nữa, câu trả lời không thể chỉ đến từ một người hay một studio.
Xem phần trước tại đây.